Bác Trân: 12 ngày đêm tháng 12/1972: "Nó đánh đêm rồi đánh cả ban ngày. Tôi tận mắt chứng kiến bao máu xương của đồng chí, đồng bào, xót như muối xát, đau đớn lắm, mà phải nén lại. Có một điều bấy lâu nay, chúng ta ít nói, nhưng đó cũng là một nguyên nhân của tổn thất lớn ở Khâm Thiên và một số nơi. Dân ta ở nơi sơ tán, nghe đài nói, tháng 10, Mỹ ký tắt Hiệp định, hòa bình sẽ đến. Vì vậy, một số không nhỏ các gia đình sơ tán từ mấy tháng trước lại dắt díu, bồng bế nhau về nội thành ngay. Lúc nó oanh tạc đêm 18/12, lại sơ tán đi, nhưng số dân ở lại nội thành vẫn còn nhiều".
Chuyện của Nguyên Bí thư Hà Nội Nguyễn Văn Trân về căn hầm đặc biệt ở 62 Trần Quốc Toản
Năm tháng qua đi, ông Nguyễn Văn Trân nay đã 102 tuổi, nhưng khi tôi nhắc đến căn hầm lịch sử, trên con phố Trần Quốc Toản yên tĩnh trong 12 ngày đêm lịch sử năm 1972, ông nhớ vanh vách: cô Tuyết ở tổ thư ký, các anh Trần Sâm, anh Trần Vỹ, Đức Lạc, Vũ Định trong Thường vụ… tất cả như đang ở trước mắt ông - một thời đạn bom không bao giờ quên.
Bác Trân có thời làm Bộ trưởng giao
thông nên bác Thăng đến chúc thọ
Tháng 12 năm 1972, Hà Nội là mặt trận trung tâm của trận quyết chiến chiến lược giữa ta và Mỹ, thì ông đã là Bí thư Thành ủy, làm công tác chuẩn bị thế và lực cho Hà Nội bình tĩnh đón đánh các chú SAM lại đến xâm phạm bầu trời Thủ đô. Tôi nghiệm rằng, ở những thời khắc chiến tranh dữ dội, khốc liệt, thử thách bản lĩnh và sức mạnh của cả đất nước, mùa Đông năm 1946 và mùa Đông năm 1972, thì chính ông, chứ không ai khác, được tín nhiệm trao trọng trách trước toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Và câu chuyện căn hầm ở 62 Trần Quốc Toản chỉ là một trong nhiều chuyện cổ tích, tôi nghe mãi không hết, trong cái kho lưu trữ tuyệt vời của ông.