Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Bài hay: Vì sao chưa thể xóa bỏ BOT đặt nhầm chỗ

Bài này hay, nhất là đoạn này: Với người dân, họ chỉ cần biết, họ không thể trả tiền cho những gì mình không mua, không sử dụng. Vì vậy, người dân không thể chấp nhận những lý do được cơ quan chức năng đưa ra như, nhu cầu phát triển giao thông, không đặt trạm ở đó thì không ai đầu tư; do lịch sử để lại; nếu phá vỡ hợp đồng (đặt lại vị trí trạm thu phí) thì doanh nghiệp phá sản, không có tiền trả nợ ngân hàng…
Hủy được vụ mua bán AVG, sao chưa thể với trạm BOT đặt nhầm chỗ
Với những vụ mua AVG, vụ bán đất công sản cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, các cơ quan chức năng có thể hủy. Vậy, tại sao với các trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ”, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể sửa?
1. Việc những người tham gia giao thông tiếp tục phản đối trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài "đặt nhầm chỗ", điều này một lần nữa đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp xử lý triệt để, tận gốc những bức xúc chính đáng của người dân. Bởi, giải quyết vấn đề này, không chỉ là vấn đề giao thông mà quan trọng hơn, pháp luật phải được tôn trọng. Không ai có thể hình dung nổi, những trạm thu phí hợp pháp (có hợp đồng thu phí với cơ quan chức năng) đành bất lực trước những tài xế tụ tập, "chiếm giữ" trạm thu phí như ở Cai Lậy, Bắc Thăng Long – Nội Bài …

Người dân đưa xe đến phản đối thu phí tại trạm 
Bắc Thăng Long - Nội Bài (ảnh: Báo Tiền phong)
Do các tài xế "chiếm giữ" các trạm thu phí, nên nó phải liên tục xả trạm, để lại những hình ảnh không đẹp về trật tự trị an, về việc pháp luật chưa được thượng tôn. Vậy nhưng, nếu chiểu theo luật pháp, tại sao chính quyền cũng chưa thể xử lý những người "chiếm giữ" trạm – những người đang vi phạm pháp luật?


Trước khi tìm câu trả lời, điều cần nhấn mạnh là, hành vi của những tài xế, về hình thức là không tôn trọng pháp luật, nhưng về bản chất, đòi hỏi của họ hoàn toàn đúng luật: Không tham gia giao thông đoạn BOT, tôi không phải trả tiền. Như vậy, cái sai đầu tiên là do chính những hợp đồng ký kết giữa Bộ GTVT (hoặc đại diện ủy quyền) và một số nhà đầu tư: Đặt "nhầm chỗ" trạm thu phí. Quanh chuyện hợp đồng này còn rất nhiều chuyện phải bàn (tổng tiền đầu tư, mức thu, thời gian thu phí, vị trí đặt thu phí…), nhưng trong phạm vi bài này, người viết chỉ muốn bàn đến vị trí đặt thu phí từ hai ví dụ điển hình: Trạm Cai Lậy và Bắc Thăng Long – Nội Bài.

Nếu trạm Cai Lậy, việc "đặt nhầm chỗ" đã là vô lý, thì trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài là cực kỳ vô lý.

Thứ nhất, với Cai Lậy, nếu đặt trạm thu phí ở đường tránh, nhiều phương tiện giao thông vẫn đi qua thành phố để né trạm, vì vậy, đường tránh sẽ mất ý nghĩa giảm tải cho nội đô. Nhưng với trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài thì không hoàn toàn như vậy. Với những người ở Hà Nội qua cầu Thăng Long đi sân bay Nội Bài dù không phải qua thành phố Vĩnh Yên vẫn phải chui qua trạm thu phí ở nơi xa lắc thì cực kỳ vô lý.

Thứ hai, nếu ở Cai Lậy, chủ yếu là các chủ phương tiện giao thông đấu tranh với nhà đầu tư BOT, ngược lại, với trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, UBND TP Hà Nội đã vài lần lên tiếng yêu cầu bỏ trạm thu phí bất hợp lý, nhưng cho đến giờ, tất cả những đòi hỏi, yêu cầu chính đáng đó đều không được đáp ứng.

Với người dân, họ chỉ cần biết, họ không thể trả tiền cho những gì mình không mua, không sử dụng. Vì vậy, người dân không thể chấp nhận những lý do được cơ quan chức năng đưa ra như, nhu cầu phát triển giao thông, không đặt trạm ở đó thì không ai đầu tư; do lịch sử để lại; nếu phá vỡ hợp đồng (đặt lại vị trí trạm thu phí) thì doanh nghiệp phá sản, không có tiền trả nợ ngân hàng…

2. Sai thì phải sửa, còn sửa như thế nào đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và rất cần làm rõ có không những đối tượng "đục nước béo cò" khi ký những hợp đồng kiểu như vậy.

Chúng tôi đề cập nội dung này bởi, Hội nghị Trung ương 9 vừa quyết định cách chức Ủy viên Trung ương Đảng với ông Tất Thành Cang bởi ông Cang mắc những sai phạm rất nghiêm trọng. Một trong những sai phạm đó là, tranh thủ giữa lúc "lình xình" chuyển giao ở Thành ủy (do ông Đinh La Thăng bị chuyển đi), ông Tất Thành Cang – Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM, cho phép Cty trực thuộc Thành ủy bán đất công sản tại Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Theo xác minh của Thành ủy TP HCM, tổng giá trị chuyển nhượng khu đất vào thời điểm đó là 419 tỉ đồng (1,29 triệu đồng/m2), nhưng giá thị trường được xác định khoảng 2.000 tỷ đồng. Sau vụ việc, ngành chức năng đã hủy hợp đồng chuyển nhượng và Cty Quốc Cường Gia Lai đã trả lại đất.

Tương tự, mặc dù hợp đồng mua bán AVG đã hoàn thành, nhưng các cơ quan chức năng vẫn có thể sửa sai bằng cách hủy hợp đồng và thu hồi lại cho Nhà nước tổng số tiền gần 9.000 tỷ đồng.

Cả hai vụ việc này, một số quan chức đã, đang và sẽ bị kỷ luật, bị khởi tố. Đó là bài học cho những đối tượng thái hóa, biến chất cố tình làm liều, làm trái luật.

Với dư luận, câu hỏi đặt ra cho các cơ quan chức năng là, tại sao với các trạm thu phí "đặt nhầm chỗ", các cơ quan chức năng vẫn chưa thể đặt lại đúng chỗ?

Vương Hà

https://dantri.com.vn/dien-dan/huy-duoc-vu-mua-ban-avg-sao-chua-the-voi-tram-bot-dat-nham-cho-20181228231149566.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét