Lưng Rồng, “Tàu” & Chiến Tranh Biên Giới 17-2
FB Trương Huy San, 29-12-18 - Tôi không thích Lưng Rồng nhưng vô cùng thất vọng khi nghe nói cuốn sách này bị cấm. Không thích vì nhận thấy Đỗ Hoàng Diệu vẫn còn bị bóng đè, tuy Lưng Rồng không còn là sản phẩm của một cô gái mới về nhà chồng (như trong Bóng Đè) nữa. Ngòi bút điêu luyện của Diệu bóc tách không thương tiếc những khao khát thân xác của một phụ nữ có chồng "lên Biên giới" và cũng ngay lập tức hả hê trước những dằn vặt đoan chính của nàng.Tấm lưng đĩ thoã của một "hậu duệ Thuý Kiều" bắt đầu được xăm Rồng vào lúc 4 giờ sáng, ngày 17-2. Sử dụng não trạng tuyên huấn mà đọc văn chương; lấy sự sợ hãi các ám chỉ mà soi xét tính ẩn dụ trong từng con chữ thì giật mình trước Lưng Rồng là không có gì bất ngờ. Nhất là thời điểm tưởng niệm 40 năm cuộc chiến tranh Biên giới.
Tôi không thích Bóng Đè cũng như Lưng Rồng vì chủ nghĩa dân tộc được Diệu nói ở đây vừa rất tự ti, vừa rất yếm thế. Nhưng tôi tôn trọng cái cách mà Diệu nhìn vấn đề "Tàu", không phủ nhận là điều đó tồn tại một phần trong tâm thức người Việt. Tâm thức của người Việt trước Tàu là những điều không chỉ các nhà sử học mà rất cần được cả các nhà văn mổ xẻ.
Điều tôi đang tự hỏi, là bây giờ Cục Xuất Bản cấm Lưng Rồng, liệu vài tuần nữa, Tuyên Giáo có cấm nói về cuộc chiến tranh Biên giới. Chỉ còn 8 tuần nữa là tới ngày 17-2, ngày quân Trung Quốc gây chiến tranh 1979. Cuộc chiến tranh chưa xa, hàng nghìn liệt sỹ ở Vị Xuyên vẫn chưa tìm thấy xác. Cuộc chiến tranh cũng không còn quá gần để ta phải sợ nó tấy lên, mưng mủ.
Hôm trước tôi có nói đến cuốn Phán Xét; cuốn sách này không mới về tư liệu mà mới ở chỗ, lần đầu tiên một thượng tướng An ninh sử dụng tư liệu lịch sử nhiều nguồn để khẳng định rằng, nguồn gốc Cộng sản của Việt Minh là cản trở quan trọng nhất để các phe phái công nhận độc lập cho chính phủ Hồ Chí Minh và ý thức hệ đóng vai trò quyết định khi đặt VN vào các cuộc chiến sau đó. Phán Xét cũng nói rất nhiều đến vai trò Trung Cộng trong việc chia cắt nước ta ở sông Bến Hải.
Phán Xét cũng nói đến súng đạn và cố vấn TQ, đặc biệt nói đến con số 320 nghìn binh sỹ Trung Quốc từng có mặt ở miền Bắc Việt Nam một thời gian trong thập niên 1960s.
Chúng ta biết rất nhiều về Lê Duẩn với vai trò như một người hùng chống Trung Quốc. Nhưng chúng ta rất ít nói đến vai trò TQ đứng rất lâu sau lưng Lê Duẩn.
Sau 1956, khi Trường Chinh mất chức TBT để cứu uy tín của Đảng trong CCRĐ, Bắc Kinh ngăn cản ứng cử viên Tướng Giáp. Sau đó, Bắc Kinh tìm cách đưa Lê Duẩn ra Bắc. Năm 1957, chiếc xe và lái xe đưa Lê Duẩn đào thoát từ Sài Gòn sang Phnom Pênh là của người Hoa. Một điệp viên người Hoa đón Lê Duẩn ở Phnom Pênh và sau đó một điệp viên người Hoa khác đưa Lê Duẩn về HK rồi Trung Hoa Lục Địa. Bắc Kinh rất quan tâm tới con cái Lê Duẩn và bà vợ thứ Hai của ông trong thời gian bà ở Bắc Kinh.
Trong cuộc chiến tranh của Lê Duẩn ở miền Nam, ngoài súng đạn, Bắc Kinh trang bị cho bộ đội miền Bắc đến từng cái kim sợi chỉ; cung ứng ngoại tệ cho Lê Duẩn nhiều tới mức, sau ngày 30-4 vẫn còn hơn một trăm triệu đô la tiền mặt chưa dùng đến.
Khúc ngoặt quan trọng nhất trong mối quan hệ Lê Duẩn - Bắc Kinh là từ phản ứng của Lê Duẩn sau sự kiện Nixon bắt tay với Mao. Nhưng, nếu không có cú bắt tay này, Mỹ có buông miền Nam như thế... Có lẽ Lê Duẩn chỉ nhìn thấy trong sự kiện đó sự "trở mặt" của Bắc Kinh mà không nhìn thấy nó khởi đầu cho một sự thay đổi hoàn toàn bàn cờ thế giới. Sau 1972, quân cờ VN không còn quá quan trọng trong tay hai phe nữa.
Sau Chiến tranh 1979 nổ ra, có "riu mơ", năm 1973 khi Kissinger sang Hà Nội, ông ta chỉ tay về phương Bắc và nói với Lê Đức Thọ rằng, "Từ nay kẻ thù của VN là đây chứ không phải là Mỹ nữa". Năm 2006, tôi mang câu chuyện này hỏi lại Kissinger (khi phỏng vấn ông ở Boston), Kissinger cười, "Tôi tới HN, Lê Đức Thọ dẫn tôi đi thăm bảo tàng lịch sử, khi đó ở đấy chưa có phần nào trưng bày về chiến tranh với Mỹ nhưng có rất nhiều phần trưng bày về chiến tranh với Trung Quốc. Anh nghĩ người VN còn cần tôi dạy họ ai mới là kẻ thù của họ sao".
Ông Trần Việt Phương, Trợ lý cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và là một người rất gần gũi HCM, nói, "Trong lịch sử nghìn năm giữ nước, chưa có thời nào ngây thơ (quốc tế vô sản) và mất cảnh giác với Trung Quốc như thời đại HCM".
Thay vì cấm đoán những cuốn sách như Lưng Rồng, nên ủng hộ cái nhìn nhiều chiều về văn hoá và lịch sử. Tôi hy vọng Phán Xét là một tín hiệu - phát đi từ trong nội bộ Đảng - cho thấy, chính người Việt Cộng sản cũng đang có nhu cầu mổ xẻ các bài học của mình về cách ứng xử bên cạnh một láng giềng như Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét