Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Khôn và dại - Trường hợp anh Hà Văn Nam

Mình thích mấy đoạn này: "Chính những con người dại ấy lại làm những công việc khiến xã hội phải thay đổi. Không có anh Hà Văn Nam, không có những người trực trạm xả, chắc chắn bây giờ những ai đi về Thái Bình vẫn phải trả tiền cho bọn TASCO không làm đường mà vẫn thu tiền, hay còn gọi tắt là ăn cướp. Không có những lựa chọn "dại" như của anh Nguyễn Tất Thành, liệu bây giờ Việt Nam đã có được độc lập?", “Ta không biết thế nào là quân tử, nhưng nhìn vào khả năng “chịu nhận phần thiệt” trong mỗi sự việc của người ấy là ta lại nhận ra. Ta cũng chẳng biết kẻ tiểu nhân ra sao, nhưng nhìn vào việc “tranh giành phần lợi” của người ấy là ta lại hiểu ra ngay".
Khôn và dại
Nguyễn Văn Quỳnh 25 tháng 12 - Người đàn ông ở bên dưới là anh Hà Văn Nam. Anh này đường đường là giám đốc một trung tâm giáo dục, nhưng cả năm vừa rồi ăn dầm ở dề ở các trạm thu phí BOT để phản đối việc thu phí sai quy định của các trạm thu phí này: ban đầu là Trạm thu phí Tân Đệ và bây giờ là trạm thu phí Bắc Thăng Long -Nội Bài. Công việc này chả liên quan đến anh ấy. Xét về sự nghiệp, đáng nhẽ người làm kinh doanh như anh ấy càng phải cấu kết với chính quyền thì mới được yên ổn làm ăn, xa hơn nữa là được những hợp đồng béo bở chứ. Nên theo các bạn, việc anh ấy phải lăn lộn khổ sở ở các trạm thu phí trên là khôn hay là dại? Có lẽ 99% cho là dại. 
Sáng nay mình có việc gần cầu Thăng Long, tiện mang tặng những con người "dại dột" ấy một két bia. Trên đường đi cùng mẹ, mẹ mình hỏi, cái trạm thu phí ấy bình thường nó thu bao nhiêu? Mình bảo nó thu 10 nghìn. Mẹ mình cười hô hố rồi bảo, thế cho mẹ nó mười nghìn đi thì có phải bây giờ có bia mà uống không? Trong trường hợp này, chắc có lẽ cũng có đến 99% các bạn sẽ cho rằng mẹ mình khôn còn mình thật dại. 

Khôn và dại, vì thế, quả thật là dễ phân biệt. Mình đang nói đến khôn và dại theo phương diện quan điểm sống chứ không phải trí thông minh nhé. Xét về thông minh, anh Hà Văn Nam, giám đốc trung tâm giáo dục, phải thông minh hơn mẹ mình, một nông dân rồi. 

Thế mà tại sao anh ấy lại đi làm cái việc trời ơi đất hỡi mà ai nhìn vào cũng thấy là dại ấy. Mà việc ấy lại ko hề dễ dàng nhé, cực kỳ gian khổ, mình chỉ là người ủng hộ, mang có mỗi két bia đi thôi mà trên đường cứ thấy nó xa xôi, bụng bảo dạ nghĩ éo hiểu sao mình lại làm cái việc này nhỉ? Nữa là người ta phải ăn dầm ở dề trong lều trại, ăn uống, nước nôi thiếu thốn, rồi là việc phản đối miếng đớp của bọn nó nên xã hội đen, xã hội thâm rình rập, đe dọa, nguy hiểm đủ đường.

Mình có thể lấy nhiều ví dụ hơn về những công việc "dại" như thế. Ví dụ như, ngày xưa các cụ việc éo phải đi làm cách mạng làm gì, vừa khổ, mà nếu bị bắt lại còn bị giam, bị tra tấn, bị giết. Cứ ung dung ở nhà đợi thời thế thay đổi có phải là khôn không?
Hay nói rộng hơn nữa, như ông Nguyễn Tất Thành ngày xưa, việc éo gì phải dại dột đi lên tàu làm phụ bếp cho vất vả, ông cứ ở nhà thi đỗ làm quan, sau đó lấy một cô vợ trẻ, là có phải có một gia đình yên ấm hạnh phúc rồi không? Việc anh chọn lên tàu làm phụ bếp, dưới con mắt của những người đương thời, chắc chắn là một sự lựa chọn dại dột.
Nhưng chính những con người dại ấy lại làm những công việc khiến xã hội phải thay đổi. Không có anh Hà Văn Nam, không có những người trực trạm xả, chắc chắn bây giờ những ai đi về Thái Bình vẫn phải trả tiền cho bọn TASCO không làm đường mà vẫn thu tiền, hay còn gọi tắt là ăn cướp. Không có những lựa chọn "dại" như của anh Nguyễn Tất Thành, liệu bây giờ Việt Nam đã có được độc lập? 

Vì thế, mình cực kỳ trân trọng những hành động dại như của các anh như anh Hà Văn Nam, và cũng thật vui khi lây theo được một chút "dại" ấy. Không được uống bia, nhưng đổi lại được ấm áp trong lòng khi biết mình đã làm điều đúng. 

Có những con người như thế, làm mình thêm niềm tin vào cuộc sống, rằng ở đâu đó, người ta vẫn sống vì một điều đơn giản, đó là Lẽ Phải: "thấy nó đúng thì làm thôi", như một anh gác chốt nói khi mình hỏi chuyện. Một triết lý đơn giản như thế nhưng không phải ai cũng làm được. 

Nếu người ta làm được thì đã chẳng có bao nhiêu cái sai, cái xấu, cái bất công đang diễn ra hàng ngày trong xã hội. Phải chăng người ta cứ đang làm phức tạp hóa vấn đề lên, mà quên mất rằng mọi chuyện vốn thật đơn giản, mỗi người chỉ cần thấy đúng thì làm thôi, thế là mọi rắc rối, chằng chịt, ngoằn ngoèo sẽ được giải quyết cả. Mình là người theo chủ nghĩa đơn giản hóa vấn đề như vậy. 

Thay lời kết, mình xin lấy một câu nói của Ngụy Hi, một trong ba nhà văn lớn hàng đầu nhà Thanh, từng nói:


“Ta không biết thế nào là quân tử, nhưng nhìn vào khả năng “chịu nhận phần thiệt” trong mỗi sự việc của người ấy là ta lại nhận ra. Ta cũng chẳng biết kẻ tiểu nhân ra sao, nhưng nhìn vào việc “tranh giành phần lợi” của người ấy là ta lại hiểu ra ngay”.

Xét theo câu nói này thì những người dại kể trên cũng có thể coi như những người "chịu nhận phần thiệt" thật nhiều vậy. Họ chắc chắn là những người quân tử sẽ được nhớ mãi trong lòng người khác. Kể ra dại mà được như vậy thì cũng không hẳn là dại, các bác nhỉ 🙂

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét