Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

Luật sư Võ An Đôn “Thất bại để phơi bày”

Luật sư Võ An Đôn “Thất bại để phơi bày”
Luật sư Võ An Đôn nói sau khi ông phát đi đơn khởi kiện ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp, yêu cầu Tòa án tỉnh Phú Yên hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại và trả lại quyền hành nghề luật sư cho ông vào ngày 4/12 vừa rồi, mọi thứ vẫn lặng như tờ. Mặc dù theo luật, ông đã phải nhận được câu trả lời.

Việc khởi kiện của luật sư Võ An Đôn dấy lên 2 chiều dư luận: một là chẳng được gì và chỉ thêm hại thân, nhưng ở phía khác thì tin rằng hành động của ông sẽ gợi ý nhiều hơn về tư cách và hành động của giới luật sư, lâu nay vốn vẫn bị coi là những người thường xuyên bị tước đi sức mạnh nghề nghiệp trong chế độ độc tài. Từ Phú Yên, luật sư Võ An Đôn cho biết ông vẫn chờ một phiên tòa của mình, và biết rõ sẽ là người thua cuộc, nhưng lại là người chiến thắng trong việc phơi bày tất cả.
Với những gì đã diễn ra, luật sư nghĩ rằng phía Bộ Tư có đủ lý lẽ để bác bỏ mọi yêu cầu khiếu nại của mình không?
Trong đơn khiếu nại, tôi có yêu cầu Bộ Tư Pháp làm rõ những gì mà tôi bị kết tội. Chẳng hạn tôi yêu cầu xác định câu nói nào, nội dung nào là tôi tuyên truyền hay nói xấu Nhà nước, Đảng hay giới luật sư. Thậm chí tôi còn đề nghị cách làm rõ những điều tôi nói, chẳng hạn như về việc chạy án thì cứ đến các văn phòng luật sư điều tra các sự việc đó thì sẽ ra ngay. Bên cạnh đó, báo chí Nhà nước cũng hay đăng các vụ luật sư chạy án như một ví dụ rất rõ. Tuy nhiên những yêu cầu của tôi vẫn không được làm rõ là tôi sai cụ thể như thế nào, họ vẫn im lặng, vì vậy tôi không đồng ý.
Nhưng cho đến nay, phản hồi phía Bộ Tư Pháp thì sao?
Về chuyện khiếu nại, từ lúc tôi gửi đơn cho đến khi nhận được thư khẳng định kỷ luật là 6 tháng. Trong khi đó luật quy định là trong vòng 30 ngày là Bộ Tư Pháp phải trả lời bằng văn bản. Chỉ chuyện đó thôi đã quá hạn 5 tháng rồi.
Luật sư đã gửi đơn khởi kiện Bộ Tư Pháp sau sự bê trễ và sự khẳng định rất quan liêu về trường hợp của mình. Tóm tắt nội dung khởi kiện của anh luật sư là gì?
Thứ nhất, việc đoàn luật sư tỉnh Phú Yên loại tên tôi ra khỏi danh sách là không đúng, vì họ cho rằng tôi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để nói xấu nhiều nơi nhưng họ lại không đưa ra được bằng chứng. Và dù vậy, khi khiếu nại lên Bộ Tư Pháp thì nơi này lại giữ nguyên kết quả. Theo luật của các luật sư và văn bản hướng dẫn các trường hợp xử lý các vấn đề của luật sư, thì tôi không phạm vào trường hợp nào để bị xóa tên khỏi danh sách.
Trong quy định, bị xóa tên khỏi đoàn luật sư, chẳng hạn như lừa đảo lấy tiền khách hàng, phạm tội hình sự… và đoàn luật sư tỉnh Phú Yên cũng không xác định được đặt tôi vào bất kỳ trừng hợp nào trong việc kỷ luật cả.
Nếu nói dựa vào luật pháp hoàn toàn, tôi tin tôi sẽ thắng kiện Bộ Tư Pháp 100% nhưng kết quả thường là chỉ đạo nên tôi cũng dự trù trước sự thất bại của mình.
Về phía đồng nghiệp, có ai dám ủng hộ luật sư một cách công khai không?
Tôi từ đầu đã tính đến việc nhờ sự hỗ trợ của tất cả những đồng nghiệp đã từng lên tiếng ủng hộ mình. Sau khi có tin tôi gửi đơn kiện, rất bất ngờ nhiều người đã nói sẽ cùng đồng hành với tôi khi ra tòa (chú thích: Ngày 10/12/2017, đã có hơn 100 luật sư ký thư gửi kiến nghị lên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phản đối về quyết định kỷ luật luật sư Võ An Đôn. Tuy vậy, cho đến lúc này, tôi đề nghị các anh chị đó ẩn danh để chờ có quyết định ra tòa, đề phòng những trường hợp không lường trước được.
Nhưng ngay cả trong trường hợp xấu nhất là nếu bị áp lực nào đó mà những anh chị em đó không thể tham gia được, thì tôi sẽ nhờ những người dám nói lên sự thật cùng tham gia bảo vệ cho mình. Theo luật, bất kỳ ai có quyền công dân, đủ 18 tuổi đều có quyền tham gia bảo vệ người khác trước tòa, nên tôi sẽ chọn dám cất tiếng để ra tòa cùng với mình.
Lâu nay, nhiều phiên tòa diễn ra ở Việt Nam, đặc biệt là tòa về nhân quyền hay chống lại các thế lực đen tối trong xã hội… thường diễn ra bất thường như một tuồng diễn sân khấu, không có giá trị gì về công lý, luật sư hình dung phiên tòa của mình có rơi vào bối cảnh tương tự không?
Tôi cũng có hình dung trước về điều này. Đây là một phiên tòa người dân kiện cơ quan Nhà nước, và kịch bản là ở phiên tòa, nhân vật Bộ trưởng Bộ Tư Pháp sẽ không xuất hiện. Án này sẽ là án bỏ túi, và tôi sẽ thất bại.
Biết mình sẽ thất bại, nhưng luật sư vẫn đâm đơn kiện? Vậy ý nghĩa khác của chuyện này là gi?
Căn cứ vào pháp lý, tôi sẽ là người thắng. Nhưng diễn biến ở phiên tòa, tôi sẽ là người thua. Nhưng tôi vẫn khởi kiện vì muốn cho những ai quan tâm đến luật pháp ở Việt Nam có cơ hội nhìn thấy công lý là như thế nào. Chỉ cần theo dõi, và nhận ra sự thất bại của tôi là vì lý do gì, cũng là một cách để thấy hiện thực trên đất nước này ra sao.
Kế đến, vụ kiện này, tôi muốn tạo thành một tiền lệ để các đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư Việt Nam khi muốn tước chứng chỉ hành nghề của một người nào đó, đều phải cân nhắc và đúng luật chứ không thể hành động đơn giản theo chỉ đạo.
Để nói một lời với cộng đồng những người đang theo dõi câu chuyện của luật sư, thì đó là lời nhắn như thế nào?
Tôi mong mọi người quan sát tường tận sự việc của tôi, để nhìn thấy rõ mọi thứ. Theo dõi tôi là bảo vệ tôi. Và tôi có thất bại thì cũng là lúc để mọi người nhìn thấy thêm nhiều điều khác rõ ràng về luật pháp và tòa án ở Việt Nam.
https://nhacsituankhanh.wordpress.com/2018/12/23/luat-su-vo-an-don-that-bai-de-phoi-bay/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét