Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Quan tham cuống cuồng chạy tội: AVG trả tiền Mobifone

Đọc bài này có cảm tưởng vụ này sẽ được dàn xếp cho qua. Đúng là đỉnh cao của nghệ thuật "biến đại sự thành tiểu sự rồi biến tiểu sự thành vô sự". Cũng phải thôi, ai lại để người cùng một phe đánh lẫn nhau. Đọc bình luận chi tiết của tôi trong bài: "Kết cục vụ AVG sẽ ra sao khi minh bạch hóa xuất hiện...".
AVG đã trả Mobifone hơn 2540 tỷ đồng, khẳng định không để thiệt hại vốn nhà nước
01/04/18 (GDVN) - Ngày 28/3, nhóm cổ đông của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG ) đã thực hiện việc trả hơn 2.540 tỷ đồng cho Mobifone. Đây là bước thực hiện thỏa thuận hủy hợp đồng Mobifone mua 95% cổ phần của AVG dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 12/3/2018. Trong những ngày tới, nhóm cổ đông của AVG tiếp tục chuyển trả phần tiền còn lại cho Mobifone đúng theo cam kết, trả toàn bộ tiền gốc cộng với tiền lãi và các chi phí phát sinh, đảm không không làm thiệt hại vốn của nhà nước.
Nhóm cổ đông của AVG đã chuyển trả hơn 2540 tỷ đồng cho Mobifone và tiếp tục thực hiện việc trả tiền theo cam kết hủy hợp đồng đã ký. ảnh: AVG.
Liên quan đến sự việc này vào ngày 26/3 Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã có văn bản gửi Hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) về việc thực hiện chấm dứt hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Theo văn bản này, MobiFone đã có công văn gửi Bộ Thông Tin và Truyền thông về việc báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về xử lý thu hồi tiền thanh toán mua 95% cổ phần AVG và hủy hợp đồng với đại diện Nhóm cổ đông AVG.
Trước đề nghị của MobiFone, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có trả lời bằng văn bản: "Để sớm thu hồi số tiền mà MobiFone thanh toán trong việc mua 95% cổ phần AVG theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến như sau: 1. Đồng ý về nguyên tắc đối với thỏa thuận nguyên tắc giữa MobiFone và Nhóm cổ đông AVG; 2. Giao Hội đồng thành viên và Ban tổng giám đốc MobiFone khẩn trương thực hiện để sớm hoàn tất việc chấm dứt hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần AVG và thu hồi tiền về cho MobiFone theo quy định".
Liên quan đến chỉ đạo xử lý vụ việc này, Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm xem xét, xử lý vụ việc Mobifone mua AVG bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát.

Ông Lê Như Tiến: “AVG hay vụ nào cũng thế, cần khách quan, toàn diện, vô tư”

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá cao việc Bộ Thông tin truyền thông đã nhanh chóng chủ trì cuộc làm việc giữa MobiFone và AVG hủy hợp đồng, phục hồi lại tiền cho nhà nước, đồng thời sau đó thông tin rộng rãi đến các cơ quan thông tin đại chúng.
“Tôi cho rằng đây là việc làm hết sức kịp thời của Bộ Thông tin và Truyền thông, điều đó là chưa từng có trong các thương vụ kinh tế, vì thế việc làm ấy cũng đã lấy lại niềm tin của dư luận xã hội”, ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng chia sẻ: “Khi thảo luận về luật phòng chống tham nhũng tại Quốc hội, tôi cũng đã nhiều lần phát biểu thể hiện quan điểm rằng điều quan trọng nhất (cuối cùng) không phải là ai đi tù bao nhiêu năm mà là toàn bộ thất thoát tài sản (nếu có) phải trả về cho nhà nước, trả về cho nhân dân.
Đối với thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, tôi không nói về chuyện đúng sai, mà ở đây khi có những thông tin bất lợi thì lập tức Bộ Thông tin và Truyền thông đứng ra chủ trì để hai phía hủy hợp đồng, như vậy là rất nhạy bén”.
Theo Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, với những gì đang diễn ra ở thương vụ giữa Mobifone và AVG thì cần phải có những cơ quan ở giữa làm “trọng tài” để phân xử cho rõ ràng.
Ông Phong cho hay: “Trong vụ việc này thì có lẽ không thiệt hại cho vốn nhà nước, bởi vì Mobifone và nhóm cổ đông AVG đã hủy hợp đồng, và phía Mobifone nhận được nhiều hơn những gì họ đã trả cho AVG tại thời điểm mua.
Còn để làm rõ hơn những vấn đề có liên quan thì cần phải xem lại cả từ kết luận của thanh tra chính phủ, cả phía giải trình của Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và những đơn vị khác có liên quan.
Sự công khai minh bạch cần phải được đảm bảo đối với giá trị gói mua bán thương vụ này và minh bạch cả về cách tính thương hiệu và phải tôn trọng cả quyền giải trình của những cá nhân đơn vị liên quan.
Trong trường hợp này hoàn toàn có thể yêu cầu đơn vị thẩm định giá trị AVG công khai chứng minh về việc định giá và để đảm bảo khách quan thì hoàn toàn có thể mời một đơn vị đánh giá độc lập quốc tế có uy tín để tham khảo định giá của họ về giá trị thương hiệu và thương mại, triển vọng của AVG tại thời điểm bán cho Mobifone”, ông Phong nói.
Theo ông Lê Như Tiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần vào cuộc ở vụ việc này, bởi vì đây là cơ quan duy nhất được Quốc hội ủy quyền giải thích pháp luật.
“Việc gì cũng phải có tình và có lý, pháp luật nào cũng từ con người xây dựng lên, cho nên làm phải có tình có lý. Có vấn đề do lịch sử để lại mà bây giờ cứ lôi lại coi như chuyện hiện tại thì cũng không phải.
Có những việc do rất nhiều nhiệm kỳ trước để lại thì mình phải lần theo dấu vết để xem lại việc ấy nguyên nhân là ở đâu, nó xuất phát từ ở đâu và kết thúc từ ở đâu?
Để từ đó kết luận phải khách quan, trung thực, vô tư, vừa nghiêm khắc với cán bộ của mình nhưng phải có tinh thần nhân văn bảo vệ cán bộ của mình.
Tôi thấy đây là hai mặt của một vấn đề, chứ đừng chỉ nhăm nhăm tìm khuyết điểm của cán bộ để diệt đến cùng.
Thí dụ với thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, phải thấy lý do lúc ấy là thế nào, việc mua bán này có lợi chung không, chứ mình đừng nhăm nhăm đây là lợi ích nhóm thì cũng không phải.
Tôi cho rằng cái gì cũng do lịch sử để lại, cái việc này xảy ra từ nhiệm kỳ trước, mình phải lần theo dấu vết từ nhiệm kỳ trước chứ bây giờ lại bảo đây là do nhiệm kỳ này thì không phải.
Tôi nghĩ là phải nhìn nhận khách quan, toàn diện, vô tư, vừa nghiêm khắc với đồng chí của mình, nhưng đồng thời phải bảo vệ đồng chí của mình”, ông Tiến nói.

Từ vụ AVG, kết luận thanh tra phải để cán bộ "tâm phục, khẩu phục"

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Đại biểu Quốc hội khóa 13 đưa ra nhận định, việc MobiFone và AVG chủ động bàn bạc hủy hợp đồng nhằm tránh thiệt hại tài sản của nhà nước là một hướng xử lý tốt và chưa từng có tiền lệ.
“Theo tôi, hướng xử lý như vậy là rất tốt, đây là quan hệ kinh tế và khi cả hai bên đều có được tiếng nói chung, tài sản của nhà nước đảm bảo là rất đáng mừng.
Ở lĩnh vực kinh tế, chúng ta đều biết rằng hướng xử lý văn minh là không hình sự hóa mà phải làm thế nào đó giải quyết được ở chính vấn đề kinh tế, vậy thì sự việc này cũng đã giải quyết được vấn đề cơ bản nhất là thu hồi lại tiền của nhà nước sau khi tiến hành hủy hợp đồng.
Nếu các vụ việc kinh tế mà bị hình sự hóa thì sẽ gây ra tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư khác”, ông Bảo chia sẻ.
Đánh giá về khía cạnh nhóm đông AVG không chỉ trả tiền gốc đã nhận từ MobiFone mà  sẵn sàng trả chi phí phát sinh và tiền lãi, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng đó là cách hành xử văn minh của doanh nghiệp, bởi những vướng mắc tiếp tục kéo dài thì càng dễ làm ảnh hưởng uy tín cho cả hai phía.
Phía nhóm cổ đông AVG sau khi trả tiền và nhận lại cổ phần có thể tiếp tục đầu tư phát triển tiếp hoặc tìm kiếm đối tác khác để bán lại.
Ông Bảo nêu quan điểm: “Như vậy tóm lại thì đây là một thương vụ mua bán ở góc độ kinh tế hoàn toàn bình thường và khi không thực hiện được như hợp đồng thì hủy bỏ để bảo toàn vốn nhà nước, đấy là cách xử lý đúng.
Khi hủy hợp đồng thì nhóm cổ đông AVG có lẽ sẽ chịu thiệt nhiều hơn, bởi vì ngoài việc trả số tiền nhiều hơn đã nhận từ Mobifone thì hệ thống AVG mấy năm qua khi liên quan tới việc bị thanh tra đã không phát triển thêm, cho nên giá trị của hệ thống này cũng sẽ bị suy giảm khá nhiều”.
Kiến Văn
http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/AVG-da-tra-Mobifone-hon-2540-ty-dong-khang-dinh-khong-de-thiet-hai-von-nha-nuoc-post184936.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét