Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Nguyễn Tấn Dũng có ‘thoát nạn’?

Nguyễn Tấn Dũng có ‘thoát nạn’?
Calitoday 27-4-18 Thiền Lâm - Cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể đang khiến nhiều người không ưa ông phải ngỡ ngàng bực tức: từ tết nguyên đán 2018 đến nay, tần suất xuất hiện của Nguyễn Tấn Dũng trên mặt báo quốc doanh là dày đặc hơn hẳn so với năm 2017. Nhưng nếu cả Nguyễn Thanh Phượng lẫn Nguyễn Thanh Nghị đều bị ‘lên thớt’ trong thời gian tới, khi đó người ta sẽ hiểu rằng tất cả những hình ảnh về Nguyễn Tấn Dũng và bài viết ‘tri ân nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng’ trên mặt báo nhà nước hiện nay chỉ là một thủ thuật tung hỏa mù chính trị, trong khi mục tiêu cốt yếu không hề thay đổi.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói lời xin lỗi 
người dân tại hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp năm 2014.
Lần xuất hiện gần đây nhất là buổi sáng 25/4/2018 (10-3 âm lịch), tại buổi lễ dâng hương, tưởng niệm các Vua Hùng tại đền tưởng niệm ở quận 9, Sài Gòn. Người ta thấy Nguyễn Tấn Dũng đứng bên cạnh giới chóp bu của thành phố này là Nguyễn Thiện Nhân, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Phong…

Nhưng còn ấn tượng hơn thế nhiều, vào cùng thời điểm trên, một số tờ báo nhà nước bất chợt giật tít “Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng xin lỗi dân về “bệnh” của ngành thuế”.

Đã lâu lắm rồi, kể từ thời đại hội 12 vào đầu năm 2016, báo chí mới nhắc đến Nguyễn Tấn Dũng như một sự tri ân về “cống hiến” của ông ta, cho dù vào thời bị xem là ‘phá chưa từng có’ của Nguyễn Tấn Dũng, nạn tham nhũng và tiêu xài lãng phí trở nên kinh hoàng mà để lại hậu quả nợ chồng chất như núi cho đến ngày hôm nay.

Hiện tượng báo chí nhà nước nhắc lại “công lao của Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” là hoàn toàn trái ngược với hiện tượng không một tờ báo đảng nào chịu đăng, dù chỉ là một dòng tin chia buồn nhỏ, khi thân mẫu của cự thủ tướng Dũng – bà Nguyễn Thị Hường – qua đời vào đầu tháng Mười Hai năm 2017, dầu trước đó báo chí nhà nước ra rả đăng tin mẹ của một hoa hậu bị bệnh chết.

Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ ít ngày sau đám tang mẹ Nguyễn Tấn Dũng, đảng đã cho Đinh La Thăng “xộ khám”. Thăng lại là nhân vật được xem là “thân tín của anh Ba X”, đặc biệt vào thời cả hai nhân vật này còn “người tung kẻ hứng” liên quan đến núi tiền ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Hẳn không ít quan chức trung cao đã “đánh hơi” được vụ bắt Đinh La Thăng để từ đó mất tăm mặt mũi trong đám tang mẹ Nguyễn Tấn Dũng – một biểu trưng cho thói “ăn cháo đá bát” hết sức bạc bẽo của giới quan chức mang não trạng chỉ biết “phù thịnh không phù suy”.

Sau hàng loạt vụ bắt bớ dành cho Đinh La thăng và đại gia ngân hàng Trầm Bê – người cũng được xem là gần gũi với Nguyễn Tấn Dũng, ngày càng xôn xao dư luận cho rằng đường đi của Nguyễn Phú Trọng trước sau cũng “dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng”.

Nhưng thời gian cận tết nguyên đán 2018 đã chứng kiến một hiện tượng chính trị khá đặc biệt: ngày 9/2/2018, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đến thăm cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nhân còn “tri ân sự đóng góp của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.

Từ việc Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đến “chúc tết” cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến hiện tượng ông Dũng được cho ‘tái xuất’ trên mặt báo nhà nước, trong khung cảnh “lò” của ông Trọng đang rừng rực thiêu đốt, đang khiến gợn lên một dấu hỏi lớn về một ẩn ý hay thâm ý của ông Trọng.

Phải chăng ông Trọng đã “buông bỏ”, quên bẵng những giọt nước mắt uất ức vì không thể kỷ luật “đồng chí X” tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2012?

Phải chăng giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng đã đạt được một ‘thỏa thuận’ nào đó – có phần giống với một ‘thỏa thuận ngầm’ giữa hai nhân vật này mà dư luận đồn đoán, để kết quả là Nguyễn Tấn Dũng chịu rút tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016?

Và phải chăng Nguyễn Tấn Dũng đã “thoát nạn”?

Giả thiết vẫn chỉ là giả thiết. Nhưng chỉ biết rằng ngay trước mắt là một đoàn thanh tra về quản lý đất đai đang áp sát Phú Quốc ở Kiên Giang – ‘lãnh địa’ hoặc ‘căn cứ địa’ của Bí thư Nguyễn Thanh Nghị tức con trai của Nguyễn Tấn Dũng.

Trong khi đó, cơ quan cảnh sát điều tra C46 của Bộ Công an cũng đang áp sát vụ ‘Mobifone mua AVG’ với những dấu hiệu nào đó liên quan đến người con thứ hai của Nguyễn Tấn Dũng – đại gia Nguyễn Thanh Phượng.

Phải chăng Nguyễn Phú Trọng đang tính toán một nước cờ mới, nằm trong tổng thể bàn cờ “chống tham nhũng thời kỳ trước”, với những chiêu thuật lúc quyết liệt lúc lắng dịu, vẫn gieo hy vọng cho đối thủ của mình, nhưng lại tuyệt đối chưa có gì “buông bỏ”?

Có một cách để suy xét trắng đen: hãy nhìn vào kết quả hoạt động điều tra vụ ‘Mobifone mua AVG’ và đặc biệt là thanh tra đất Phú Quốc. Nếu sau khoảng 3 – 4 tháng nữa mà Nguyễn Thanh Nghị vẫn không bị kỷ luật hoặc bị ‘luân chuyển cán bộ’, có thể cho rằng lá số tử vi của ông Nguyễn Tấn Dũng là tạm ổn trong một vài năm tới.

Nhưng nếu cả Nguyễn Thanh Phượng lẫn Nguyễn Thanh Nghị đều bị ‘lên thớt’ trong thời gian tới, khi đó người ta sẽ hiểu rằng tất cả những hình ảnh về Nguyễn Tấn Dũng và bài viết ‘tri ân nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng’ trên mặt báo nhà nước hiện nay chỉ là một thủ thuật tung hỏa mù chính trị, trong khi mục tiêu cốt yếu không hề thay đổi.

Thiền Lâm
------------

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng xin lỗi dân về “bệnh” của ngành thuế

Dân trí Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc kể, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói: “Doanh nghiệp và người dân nộp thuế mà khó khăn quá, tôi là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân vì việc đó”.

Chủ tịch VCCI kể lại câu chuyện này tại buổi công bố Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan do UB Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, VCCI, Liên minh HTX Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức sáng nay, 24/4.

Biểu hiện gây phiền hà, bức xúc là… cá biệt (?!)

Cụ thể, báo cáo tóm tắt kết quả giám sát do Trưởng ban Dân chủ Pháp luật (MTTQ Việt Nam) Nguyễn Văn Minh thể hiện, qua giám sát tại 12 Cục Thuế, Cục Hải quan và một số Chi cục, MTTQ Việt Nam nhận định còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật nhiều, chưa thật sự đồng bộ, còn chồng chéo dẫn đến việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Về đội ngũ cán bộ thực thi chất lượng chưa đồng đều, một số công chức trong thi hành công vụ có thái độ ứng xử trong giao tiếp chưa tạo sự hài lòng, thân thiện với người dân; cá biệt có nơi, có lúc còn có biểu hiện gây phiền hà, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Việc thực hiện kê khai thuế điện tử, qua mạng thì thường xuất hiện tình trạng nghẽn mạng do lượng doanh nghiệp truy cập vào quá lớn.

Phát biểu tại buổi công bố, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ câu chuyện trong cuộc gặp giữa nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cộng đồng doanh nghiệp ở nhiệm kỳ trước: “Tôi nhớ lại cuộc gặp lúc đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói: Doanh nghiệp và người dân nộp thuế mà khó khăn quá, tôi là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân vì việc đó. Đó là lần đầu tiên Thủ tướng xin lỗi nhân dân vì “bệnh” của ngành thuế”.

Ông Lộc nói, nhớ lại bối cảnh ra đời của Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2014, theo phân tích ngành thuế Việt Nam “đội sổ” ASEAN. Chỉ tính riêng thời gian nộp thuế khi đó đã là 537 giờ, trong khi mức của ASEAN 6 là 121 giờ, gấp khoảng 4 lần.

“Chính xếp hạng “đội sổ” của Việt Nam và lời kêu ca của người dân đã thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực này”, ông Lộc nhấn mạnh.


Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhắc lại lần nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin lỗi nhân dân vì bệnh của ngành thuế. (Ảnh: Báo Giao thông)

Nhiệm vụ còn nặng nề

Ông Phạm Công Tham - Phó Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam đề nghị 6 cơ quan giám sát nên tiếp tục, công bố các địa điểm nóng qua điện thoại hay email để người ta phản ánh vướng mắc, từ đó thu thập, đánh giá và gửi tới các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

“Đề nghị làm sao giảm rủi ro cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính khi họ mắc phải rủi ro về thuế. Làm thế nào đó qua hệ thống tin học hay chính sách, ta chỉ xử lý đúng người gây lỗi, người không gây lỗi”, ông Tham nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, riêng về đơn giản hoá thủ tục hành chính ngành thuế và hải quan, Bộ Tài chính đã làm liên tục trong những năm qua.

“Bộ chủ trương hạn chế tối đa người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính, xác định hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ cấp bách, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Tải chính thông tin.

Ông bày tỏ phấn khởi khi đạt được nhiều kết quả trong cải cách thủ tục thuế, hải quan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cũng nhận định: “Không thể thoả mãn trước yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, nhiệm vụ cải cách về thuế và hải quan còn rất nặng nề cần tiếp tục cải cách”.

P.Thảo

http://dantri.com.vn/chinh-tri/nguyen-thu-tuong-nguyen-tan-dung-tung-xin-loi-dan-ve-benh-cua-nganh-thue-20180424150946273.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét