Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Tự hào Việt Nam: Bằng Tiến sĩ giả giá 3 triệu đồng

Lần theo dấu vết ổ nhóm sản xuất bằng Tiến sĩ giả giá 3 triệu đồng
29/04/2018 CATP Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an phát hiện và lập chuyên án trinh sát, đấu tranh triệt xóa nhiều ổ nhóm tội phạm chuyên sản xuất, tiêu thụ các loại văn bằng, chứng chỉ giả. “Để làm rõ hoạt động làm giả các loại văn bằng, chứng chỉ của Nguyễn Văn Vinh (trú quán tại tỉnh Nghệ An), các trinh sát đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để đeo bám đối tượng, phát hiện và thu thập nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của Vinh cùng đồng phạm. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vinh đặt mua nhiều loại máy móc chuyên dùng để sản xuất các loại văn bản như máy photocopy, khuôn lưới in, máy ép plastic, máy in lase…”. Trung tá Dương Minh Tùng (Đội trưởng Đội CSHS đặc nhiệm, Phòng CSHS, CATP Hà Nội)
Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, theo quy định tại khoản 3 và sẽ bị tịch thu văn bằng theo quy định tại khoản 5, Điều 16, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

“Chỉ với giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng, người có nhu cầu có thể sở hữu 1 tấm bằng Tiến sĩ hay 1 chứng chỉ, học bạ, giấy xác nhận bảng điểm các loại…” - Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) CATP Hà Nội chia sẻ thông tin và nhấn mạnh tác hại khôn lường khi các loại văn bằng, chứng chỉ này được các đối tượng sử dụng để xin việc làm, hoặc thực hiện các mục đích khác để tư lợi cá nhân một cách bất hợp pháp…

Bằng nào cũng cấp được sau 3 ngày đến 1 tuần

Trung tá Dương Minh Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng CSHS, CATP Hà Nội cho biết: “Để làm rõ hoạt động làm giả các loại văn bằng, chứng chỉ của Nguyễn Văn Vinh (trú quán tại tỉnh Nghệ An), các trinh sát đã mất nhiều thời gian, công sức để đeo bám đối tượng, phát hiện và thu thập nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của Vinh cùng đồng phạm”.

Đầu năm 2018, qua công tác nắm tình hình hoạt động của tội phạm sản xuất và tiêu thụ các loại giấy tờ giả cơ quan, tổ chức Nhà nước, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm phát hiện Nguyễn Văn Vinh quê Nghệ An, ra Hà Nội làm ăn kinh doanh nhưng bị thua lỗ và có dấu hiệu chuyển hướng sang sản xuất các loại văn bằng, chứng chỉ giả để bán cho những người có nhu cầu. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vinh đặt mua nhiều loại máy móc chuyên dùng để sản xuất các loại văn bản như máy photocopy, khuôn lưới in, máy ép plastic, máy in laser…

Quá trình bám sát mọi hoạt động của Nguyễn Văn Vinh và những người có liên quan, trinh sát Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm phát hiện Phạm Huy Hồng, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội thường qua lại nơi ở của Vinh để giao dịch. Qua kiểm tra hành chính, phát hiện, thu giữ của Hồng 2 bộ hồ sơ gồm một số văn bằng chứng chỉ và học bạ giả con dấu, chữ ký của những người có trách nhiệm tại các trường học trên địa bàn Hà Nội. Hồng khai số văn bằng, chứng chỉ giả nêu trên là do Vinh sản xuất.

“Tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở của Vinh, cơ quan công an thu được nhiều giấy tờ, tài liệu và máy móc liên quan đến hoạt động làm giả văn bằng, chứng chỉ” - Trung tá Dương Minh Tùng cho biết. Tại cơ quan điều tra, Vinh khai đã tìm hiểu cách thức làm giấy tờ, con dấu, chữ ký giả các cá nhân và cơ quan, đơn vị liên quan trên mạng Internet. Sau đó, thông qua các mối quan hệ xã hội, Vinh tìm mối tiêu thụ các văn bằng, chứng chỉ được làm giả bằng công nghệ cao. Ai có nhu cầu đặt làm các loại văn bằng, chứng chỉ, Vinh nhận ngay và rao giá 3 triệu đồng/bằng Tiến sĩ giả, còn các loại bằng tốt nghiệp cử nhân, trung cấp, cao đẳng có giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Vinh còn khai nhận các loại giấy tờ như chứng chỉ, học bạ, phiếu xác nhận bảng điểm được nhiều người đặt làm nhất và có giá từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng. Vinh đặt ra quy định với khách là phải giao tiền trước, rồi hẹn từ 3 ngày đến 1 tuần sẽ trả “hàng”.

Trong quá trình điều tra, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đã làm rõ nhiều chân rết hỗ trợ đắc lực cho hoạt động làm giả văn bằng, chứng chỉ của Vinh như Lê Bá Toàn, ở phường Đức Giang, quận Long Biên (Hà Nội), Phạm Minh Nhật, ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa… Lời khai của Vinh thể hiện, Toàn chuyên tìm khách cho Vinh làm giả giấy tờ để tiêu thụ. Phạm Huy Hồng đã thông qua Toàn thuê Vinh làm một số giấy tờ giả gồm học bạ, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng cử nhân và kết quả học tập.

Các đối tượng làm giả văn bằng, chứng chỉ và tang vật bị CATP Hà Nội bắt giữ

Bán hàng qua Zalo cho những... tiến sĩ giả


“Một số người học hành không tử tế, nhưng lại muốn có văn bằng, chứng chỉ để hợp thức hóa hồ sơ xin việc làm, hoặc thực hiện các mục đích khác mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật”, Trưởng phòng CSHS, CATP Hà Nội khẳng định.

Giữa tháng 4-2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ - Tổng cục An ninh phá đường dây sản xuất, tiêu thụ chứng chỉ giả các loại... Ngày 16-4, lực lượng công an kiểm tra phòng 3906 tòa nhà HH1A, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, bắt quả tang Phạm Công Duy (SN 1990), quê ở Nam Định đang sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả. Hành vi phạm tội của Phạm Công Duy bị phát hiện xuất phát từ thông tin của người dân tố giác hành vi “kinh doanh” văn bằng, chứng chỉ giả của Cấn Văn Tuấn (SN 1994), trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, để bán cho những người có nhu cầu.

Khi bị cơ quan công an triệu tập, Tuấn khai đã đặt hàng Phạm Công Duy làm văn bằng, chứng chỉ giả, rồi thuê “xe ôm” vận chuyển các chứng chỉ, bằng giả đến giao cho người có nhu cầu. Việc giao dịch giữa Tuấn với khách hàng và Phạm Công Duy (dưới cái tên giả là Hưng) đều thông qua mạng điện thoại Zalo và Tuấn cũng thường sử dụng tên giả để tránh bị cơ quan công an phát hiện.

Bị cơ quan công an bắt giữ, Duy khai đã bắt đầu làm giả văn bằng, chứng chỉ từ tháng 9-2017. Duy đã tìm kiếm các đối tác để bán các loại chứng chỉ ngoại ngữ, văn bằng giả và công nghệ sản xuất giấy tờ giả được đối tượng tham khảo trên mạng Internet và trực tiếp thực hiện thông qua các phương tiện máy móc hiện đại do nước ngoài sản xuất. Cấn Văn Tuấn là “đối tác” quan trọng của Duy trong việc tiêu thụ các loại giấy tờ giả. Theo thỏa thuận, Duy bán cho Tuấn 1 chứng chỉ giả giá 800.000 đồng và Duy đã thuê 2 ngôi nhà ở quận Hoàng Mai, chuyên để thiết bị phục vụ làm chứng chỉ giả.

Theo Đại tá Dương Văn Giáp, từ những vụ việc trên cho thấy hồ sơ, văn bằng, bảng điểm giả không chỉ đáp ứng nhu cầu của những người muốn “làm đẹp” hồ sơ để xin việc làm, mà còn phục vụ cho những người muốn khoe khoang thành tích hay tô vẽ cho bản thân với những tấm bằng Tiến sĩ, nhằm mục đích có được danh phận, chức vị trong xã hội. Tuy nhiên, họ làm ngơ hay cố tình không biết rằng sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả là tiếp tay cho tội phạm và sẽ bị pháp luật xử lý.

Trước những diễn biến phức tạp về hoạt động của tội phạm sản xuất và tiêu thụ văn bằng, chứng chỉ giả, đề nghị mọi người dân đề cao cảnh giác, phát hiện và tố giác ngay những nghi vấn về hoạt động của các đối tượng này cho cơ quan công an. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức cần kiểm tra kỹ văn bằng, chứng chỉ trước khi quyết định tuyển dụng lao động, tránh để “lọt lưới” những trường hợp dùng tiền mua bằng cấp nhằm hợp thức hóa hồ sơ xin việc làm, hoặc tham gia các lĩnh vực quan trọng khác, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

http://anninhthudo.vn/phap-luat/lan-theo-dau-vet-o-nhom-san-xuat-bang-tien-si-gia-gia-3-trieu-dong/765979.antd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét