Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Trần Khánh Dư qua tư liệu sử Việt

Theo wikipedia, Trần Khánh Dư sinh 13 tháng 3, 1240, mất 23 tháng 4, 1340, tức là thọ hơn 100 tuổi ? Ông nổi bật với việc giữ chức Phó đô tướng quân trong trong kháng chiến chống Nguyên lần 2 và 3, tiêu diệt đoàn thuyền lương quân Nguyên ở Vân Đồn năm 1288, tham gia chinh phục Chiêm Thành năm 1312, khi ông 72 tuổi... Thật kỳ lạ.
Trần Khánh Dư qua tư liệu sử Việt
24 tháng 4 2018 Tại Việt Nam, một cuốn tiểu thuyết lịch sử bị cho là gây "phản ứng dữ dội" vì "có nhiều chi tiết tả cảnh sex của nhân vật Trần Khánh Dư khá thô tục", theo báo Tuổi Trẻ. "Chim ưng và chàng đan sọt" của Bùi Việt Sỹ được trao giải C Sách hay quốc gia và giải B Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhân vật chính trong sách là danh tướng Phạm Ngũ Lão thời Trần. Tuy vậy, một nhân vật phụ, Trần Khánh Dư, lại trở thành tâm điểm tranh cãi trên mạng xã hội tuần này, vì cáo buộc sách miêu tả "cảnh sex một cách thô tục" giữa nhân vật Trần Khánh Dư với công chúa Thiên Thụy.


Nhà văn Nguyễn Phan Hách, trưởng tiểu ban sách văn học thuộc hội đồng giám khảo giải thưởng sách hay quốc gia 2018, trả lời báo Tuổi Trẻ:

"Tôi biết có những ý kiến nói rằng sách có trang tả sex thô tục của Trần Khánh Dư. Nhưng ông Trần Khánh Dư ngoài đời cũng rất phóng túng, không theo khuôn phép. Nếu văn học mà khuôn phép quá, xét nét quá thì sẽ tự ràng buộc mình, khiến tiểu thuyết không còn hấp dẫn, sinh động.

Tuy nhiên đúng là dù ông Trần Khánh Dư có phóng túng đến đâu, nhưng viết về các anh hùng lịch sử mà có những chi tiết sex quá cũng không thích hợp. Dù vậy cũng không nên vì những chi tiết đó mà ảnh hưởng đến toàn cuốn sách."
Tư liệu sử Việt

Trần Khánh Dư được các sách lịch sử Việt Nam đánh giá như thế nào?

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1697), bộ sử quan trọng nhất của Việt Nam, cho hay Trần Khánh Dư lần đầu lập công "đánh úp" quân Nguyên trong lần xâm lược đầu tiên của Mông Cổ năm 1258.

Nhờ đó, Khánh Dư được vua Trần - theo sách là Trần Thánh Tông - lập làm Thiên tử nghĩa nam, phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân - chức vụ lẽ ra chỉ dành cho các hoàng tử triều đình.
Mất chức

Nhưng rồi Khánh Dư mất chức vì tội thông dâm với công chúa Thiên Thụy, là con gái Trần Thánh Tông, được gả cho con trai danh tướng Trần Quốc Tuấn.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lai dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. Ít lâu sau xuống chiếu đoạt hết quan tước, quân tịch thu tài sản không để lại cho một chút gì."

Khánh Dư lui về ở Chí Linh, tỉnh Hải Dương, làm nghề bán than.
Phục chức

Năm 1282, vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than bàn phương cách chuẩn bị chống quân Nguyên Mông lần hai.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "Lúc đó, thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút, gió thổi mạnh, có chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo quan thị thần: "Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao?".

Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi:

"Ông lái ơi, có lệnh vua triệu".

Khánh Dư trả lời: "Lão là người buôn bán, có việc gì mà phải triệu".

Quân hiệu trở về tâu thực như thế. Vua bảo: "Đúng là Nhân Huệ đấy, ta biết người thường tất không dám nói thế". Vua lại sai nội thị đi gọi.

Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá. Vua nói:

"Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi", bèn xuống chiếu tha tội cho ông. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, cho ngồi các hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua."

Trần Khánh Dư lúc này được vua phong làm Phó đô tướng quân.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "Nhưng rốt cuộc Khánh Dư cũng không sửa đổi được những lỗi lầm cũ."
Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 3

Đại công lớn nhất của Trần Khánh Dư diễn ra trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần 3 năm 1287.

Khi đó, thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Quảng Ninh. Khánh Dư thua trận, bị lệnh xiềng giải về kinh. Nhưng Khánh Dư nói: "Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn."

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "Khánh Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều."
Tính 'tham lam'

Tuy lập công lớn về quân sự, nhưng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhận định Khánh Dư "tính tham lam, thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét".

Sách này chép một ví dụ: "Trước đây, Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng theo tục người Bắc.

Khánh Dư duyệt quân các trang, ra lệnh: "Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi."

Nhưng Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng rồi.

Lệnh vừa ra, sai người ngầm báo dân trong trang: "Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu".

Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm."

Đến thời vua Trần Anh Tông, Khánh Dư bị dân kiện, sau đó tâu vua: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?"

Sử chép: "Vua không hài lòng, Khánh Dư bèn trở về. Khánh Dư vào chầu không quá 4 ngày đã trở về, vì sợ ở lâu bị vua khiển trách."

Từ sau Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, các sách sử khác cũng nhận xét tương tự về Trần Khánh Dư.

Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ (1775) viết: "Việc đánh lui được giặc trong đời Trùng Hưng, ai cũng khen nhiều về trận thắng ở sông Bạch Đằng của Hưng Đạo, nhưng không bằng trận thắng ở Vân Đồn của Khánh Dư."

Nhưng Việt Sử Tiêu Án cũng nhắc chi tiết bán nón và nói "sự tham bỉ của ông đại loại như thế".

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn thế kỷ 19 nói Trần Khánh Dư có công lao đánh quân Nguyên Mông.

Nhưng ông ta "có tính tham lam, phàm giữ chức trấn thủ ở nơi nào, người trong hạt đều oán ghét".

"Chỉ vì nhà vua tiếc ông ta là tướng tài, nên không nỡ bỏ mà thôi."

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43840784

1 nhận xét:

  1. Thưa chủ blog! Blog toithichdoc của ông tôi đọc hàng ngày vì lượng bài đưa lên thường xuyên, nhiều bài hữu ích với tôi. Chỉ mạo muội có ý kiến nhỏ, ví dụ bài copy từ BBC của ông trên đây các tiêu đề nhỏ trong bài không được in đậm (Mất chức, Phục chức, Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 3, Tính 'tham lam')nên người đọc khó cảm nhận từng giai đoạn cuộc đời của vị tướng Trần Khánh Dư. Chúc ông luôn mạnh khoẻ và đăng bài thường xuyên.

    Trả lờiXóa