Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Tin lạ: Công nghiệp Sài Gòn vượt Đông Nam Á

Nói là tin lạ vì trang http://khampha.vn đặt tiêu đề đểu để lừa người đọc bấm vào xem. Chuyện cách đây hơn trăm năm mà đặt tiêu đề cứ như hôm nay. Tôi rất ghét các trang chơi tiểu xảo này và một số tiểu xảo khác.
Công nghiệp Sài Gòn vượt Đông Nam Á
28/04/2018 - Có thể nói công nghiệp của TP Sài Gòn vào thời gian cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 tuy chưa phát triển bằng châu Âu nhưng so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì nó có quy mô và trình độ hơn hẳn.
Tàu điện tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn xưa
Nửa cuối thế kỷ 18, đô thị Sài Gòn được người Pháp hình thành như một thủ phủ miền Nam phục vụ khai thác thuộc địa. Cũng vì tính chất trung tâm của mình mà từ rất sớm, Sài Gòn đã hình thành nên một nền sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng hóa, dịch vụ phát triển nhất cả nước. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài của nhà nghiên cứu Nguyễn Thái An về bức tranh toàn cảnh ngành công nghiệp Sài Gòn xưa.

Điều đặc biệt là TP Sài Gòn chỉ mất có chừng 60 năm để hình thành nên một nền tảng công nghiệp nặng và nhẹ. Một quãng thời gian mà nhiều TP khác trong cả nước và trong khu vực không dễ gì đạt được. Nó không còn là thứ công nghiệp nhỏ bé, rời rạc, yếu ớt mà đã hình thành nên một hệ thống công nghiệp đa ngành, sản phẩm đa dạng, hướng tới thị trường toàn cầu một cách rất rõ rệt.
Một trong các đặc điểm quan trọng nhất và được coi là thế mạnh nhất còn duy trì cho đến ngày nay là sớm hình thành nên một nền công nghiệp hướng đến xuất khẩu. Đến cuối thế kỷ 18, Sài Gòn trở thành trung tâm thương mại lớn ở Việt Nam không đâu sánh bằng.
Một trong những hàng hóa đầu tiên xuất khẩu ra bên ngoài với số lượng lớn và được coi là chủ lực vào thời bấy giờ là gạo.

Theo nghiên cứu của Lê Huỳnh Hoa trong luận án tiến sĩ lịch sử, trong 37 năm (1860-1896) Sài Gòn đã xuất đi hơn 11 triệu tấn gạo, tính trung bình một năm là gần 400.000 tấn gạo. GS Nguyễn Thừa Hỷ cũng ghi nhận về điều này: Năm 1862, cảng Sài Gòn tiếp nhận 111 tàu từ châu Âu và 144 tàu từ các nước khác có trọng tải 8.000 - 10.000 tấn đến cập bến Sài Gòn trước khi đi Hong Kong và Singapore. Các mặt hàng xuất khẩu gồm có gạo, cá khô, bông, tơ, đường, dâu, trâu bò sống, sừng ngà, lông vũ...

Xuất khẩu gạo qua Cảng Sài Gòn.

Năm 1900, số gạo xuất khẩu qua cảng Sài Gòn lên tới hơn 700.000 tấn. Các hàng hóa xuất đi không chỉ có gạo mà sau này là các hàng hóa tiêu dùng như cao su, giấy, vải, thuốc lá, rượu, hóa chất... Nếu hàng hóa ở các vùng khác xuất đi còn ở dạng thô thì ở Sài Gòn đã có sự chế biến làm cho giá trị hàng hóa được nâng cao hơn.

Sài Gòn vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện một vài cơ sở công nghiệp nặng, tuy chưa nhiều nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng. Trong số đó phải kể đến Nhà máy Ba Son được hình thành khoảng năm 1863. Nó có xưởng cơ khí, xưởng vỏ tàu, xưởng nồi hơi với chức năng là đóng mới và sửa chữa tàu biển, sà lan hạng nhỏ.

Ngoài Ba Son ra thì có một số xưởng cơ khí dân sự có quy mô nhỏ, chủ yếu là của người Hoa, mãi đến năm 1921 trên địa bàn Chợ Lớn mới có cơ sở cơ khí Vĩnh Phát sử dụng khoảng 10 công nhân, đến năm 1927 mới có tám cơ sở cơ khí cũng của người Hoa ở Chợ Lớn.


Nhà máy đóng tàu Ba Son thời Pháp thuộc

Ngành công nghiệp nặng dân sự chính thức được hình thành vào năm 1928 với việc ra đời hãng SIMM của Pháp. Sau đó có thêm một số công ty chế tạo cơ khí ra đời có quy mô lớn như CARIC... Ngoài ra, còn có một số hãng của Đức.

Mặc dù công nghiệp nặng ở Sài Gòn vào thời gian đầu thuộc Pháp không phát triển mạnh mẽ nhưng cũng cần phải ghi nhận vai trò nhất định của nó. Chính các nhà máy này là đại diện đúng nghĩa, đại diện cho nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa, công nhân làm việc trong nhà máy này về sau là nòng cốt cho đội ngũ công nhân công nghiệp hiện đại của TP Sài Gòn. Điển hình nhất là hàng ngàn công nhân của Nhà máy Ba Son cùng với công nhân ở các nhà máy khác đã góp phần tạo ra nền tảng vững chắc cho đội ngũ công nhân công nghiệp tiên tiến và nền công nghiệp Sài Gòn.


Đóng tàu ở Ba Son

Do vùng Nam bộ rất ít tài nguyên khoáng sản như vàng, thiếc, sắt, đồng, than đá nên không có nhiều điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp nặng. Các nhà máy công nghiệp nặng sau này chủ yếu sử dụng các vật liệu nhập từ nước ngoài như Nhà máy cán thép VICASA, Nhà máy rắp láp máy móc VIKIMCO. Các nhà máy phát triển sau này dựa trên nguồn tài nguyên tại chỗ chủ yếu là các núi đá, do vậy các nhà máy xi măng, Clanke phát triển khá nhanh.

Nguyễn Thành An
http://khampha.vn/ho-so-su-kien/cong-nghiep-sai-gon-vuot-dong-nam-a-c51a643155.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét