Hàn Quốc - Triều Tiên cùng tuyên bố sẽ không còn chiến tranh
Tuổi trẻ 27/04/2018 - Lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã ký tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhất trí cắt giảm các vũ khí truyền thống. Tuyên bố chung chiều 27-4 nêu rõ hai bên sẽ tìm kiếm một thỏa thuận nhằm xây dựng một nền hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố chung được công bố có tên là "Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên".
Hai nhà lãnh đạo rạng ngời sau cuộc hội đàm hiệu
quả và đi đến ký kết Tuyên bố chung - Ảnh: REUTERS
"Hai nhà lãnh đạo trọng thể tuyên bố rằng sẽ không có thêm cuộc chiến nào trên bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu" - tuyên bố chung có đoạn.Tuyên bố cũng bao gồm một loạt cam kết liên quan đến việc giải trừ quân bị, chấm dứt các hành động thù địch và biến khu vực biên giới chung thành "khu vực hòa bình". Ngoài ra hai bên cũng cam kết sẽ tiến hành các cuộc đàm phán đa phương với nhiều nước khác, trong đó có Mỹ.
Lãnh đạo hai miền Triều Tiên cũng cam kết ngừng mọi hành động thù địch chống phá lẫn nhau, nhất trí thành lập văn phòng liên lạc vĩnh viễn chung tại thành phố biên giới Kaeong ở bên Triều Tiên nhằm tạo thuận lợi cho liên lạc chặt chẽ giữa hai bên.
Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae In ký văn bản sau hội đàm ngày 27-4 - Ảnh: REUTERS
"Phi hạt nhân hóa" nằm trong "tuyên bố chung" nhưng...
"Chủ tịch Kim Jong Un và tôi đã nhất trí rằng việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên sẽ đạt được và đó là mục tiêu chung của chúng tôi" - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In phát biểu sau khi ký tuyên bố chung.
Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí nối lại việc tổ chức các cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Tuyên bố cũng cho biết hai miền Triều Tiên đã nỗ lực giải quyết vấn đề nhân đạo vốn là nguyên nhân gây chia cắt hai miền và tổ chức các cuộc đàm phán Chữ Thập đỏ để thảo luận các vấn đề chung liên quan tới các gia đình bị ly tán và tổ chức các cuộc đoàn tụ.
Lãnh đạo của hai miền Triều Tiên tổ chức họp báo chung sau khi hội đàm cả ngày - Ảnh: REUTERS
Đứng cạnh ông Moon sau lễ ký tuyên bố chung ở Nhà Hòa bình, ông Kim Jong Un nói trước truyền thông quốc tế rằng người dân hai miền Triều Tiên là một dân tộc đoàn kết, mà vốn phải cùng hợp tác để hướng tới thống nhất.
"Chúng ta không phải là một dân tộc phải đối đầu nhau… Chúng ta nên sống trong sự hòa hợp. Chúng ta từ lâu đã mong đợi giây phút này sẽ diễn ra. Tất cả chúng ta đều như vậy" - ông Kim chia sẻ đầy xúc động.
Hai bên cũng nhất trí trong năm nay sẽ biến Khu phi quân sự (DMZ) thành "vùng hòa bình", tìm kiếm các cuộc đối thoại đa phương với các nước khác như với Mỹ, đồng thời nhất trí với đề xuất giải giáp hạt nhân theo từng giai đoạn và tổ chức đàm phán quân sự cấp tướng vào tháng 5-2018.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng nhất trí tới thăm Triều Tiên vào mùa Thu năm nay.
Tấm ảnh lưu niệm sẽ được ghi nhớ sau cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều: ông Kim Jong Un cùng vợ Ri Sol Ju (bên trái), và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cùng vợ Kim Jung Sook (bên phải) - Ảnh: REUTERS
Một điều đáng chú ý là ông Kim đã không đề cập tới việc phi hạt nhân hóa trong phát biểu sau lễ ký kết, mặc dù tuyên bố chung trên văn bản ghi rõ là hai bên "đã xác định mục tiêu chung là một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân, thông qua phi hạt nhân hóa hoàn toàn".
Theo Đài CNN, khi được hỏi về việc ông Kim không công khai đề cập cụm từ "phi hạt nhân hóa", một người phát ngôn của chính quyền ông Moon Jae In nói rằng "thỏa thuận này là một văn bản mang tính bắt buộc, còn phát ngôn của ông ấy thì không".
Nhận định về tuyên bố chung liên Triều, bà Duyeon Kim - nhà nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn tương lai bán đảo Triều Tiên (KPFF) ở Seoul, nói như sau: "Việc đưa vào cụm từ ‘phi hạt nhân hóa hoàn toàn’ là một thắng lợi đối với ông Moon, yếu tố cần thiết để dẫn tới thượng đỉnh Kim - Trump sắp tới. Theo nghĩa đó, nó không quan trọng liệu ông Kim có nghiêm túc hay không, vì cuộc chơi thật sự là giữa ông Kim và ông Trump về vấn đề hạt nhân".
Hai quốc gia tự định đoạt số mệnh của mình
Tại cuộc gặp buổi sáng, Tổng thống Moon nêu hy vọng thượng đỉnh lần này sẽ tạo tiền đề cho các cuộc gặp tiếp theo tại Bình Nhưỡng.
Ông nhấn mạnh rằng hai miền Triều Tiên là "người định đoạt" vận mệnh của bán đảo Triều Tiên, đồng thời đề cao tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác quốc tế.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ giúp tăng cường quan hệ song phương, đồng thời bày tỏ mong muốn tiến hành thêm nhiều cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Hàn Quốc.
Ông Kim cũng cho biết thái độ hoài nghi về kết quả cuộc cuộc gặp liên Triều là có thể hiểu được, song khẳng định sự tin tưởng lẫn nhau là rất quan trọng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng bày tỏ ý định sẵn sàng thăm Phủ Tổng thống Hàn Quốc tại Seoul nếu được mời, đồng thời đưa ra lời mời Tổng thống Hàn Quốc tới thăm Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae In và Chủ tịch Kim Jong Un cũng đã có buổi đàm đạo bên ngoài phòng họp - Ảnh: REUTERS
Về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình.
Trưa cùng ngày, ông Yoon Young Chan - người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, cho biết lãnh đạo hai miền đã tiến hành "một cuộc đối thoại chân thành và thẳng thắn" nhằm tìm cách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên, cũng như phát triển các quan hệ liên Triều".
Thông báo trên được đưa ra sau khi ông Moon và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kết thúc phiên họp sáng trong khuôn khổ cuộc họp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, diễn ra tại Nhà Hòa bình ở khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền.
Tại phiên họp sáng, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí gặp nhau thường xuyên hơn, và cam kết nỗ lực để đạt tiến triển tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục các cuộc thảo luận cấp chuyên viên.
Cuối phiên giao dịch ngày 27-4, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã tăng cao nhờ kết quả tốt đẹp của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều thúc đẩy tâm lý của giới đầu tư.
Trên thị trường chứng khoán Seoul, chỉ số KOSPI đã tăng 16,76 điểm (hay 0,68%) lên 2.492,40 điểm. Trong khi đó, các cổ phiếu công nghệ cũng tăng cao hơn, ví dụ như cổ phiếu của hãng Samsung Electronics tăng 1,65% đạt 2.650.000 won; của hãng SK hynix tăng 0,69%, đạt 87.100 won; của hãng LG Electronics tăng 0,5% đạt 101.500 won. Các cổ phiếu của các hãng dược phẩm, xe hơi Hàn Quốc đều tăng gia mạnh.
Theo các nhà phân tích, các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Seoul lấy lại đà gia tăng là do giới đầu tư vui mừng về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đang diễn ra, được dự báo sẽ có nhiều kết quả tích cực, góp phần làm giảm căng thẳng địa chính trị giữa hai miền Triều Tiên.
Tiện quá. Người dân miền Bắc ào ào như thác đổ qua miền nam rồi thống nhất như nước Đức bây giờ. Mong lắm vậy sao chưa thấy ?
Trả lờiXóa