Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

Gạc Ma, Hoàng Sa: Cẩn khi liên minh với các cường quốc

Gạc Ma 1988, Hoàng Sa 1974, bài học cho sự cẩn trọng khi liên minh với các cường quốc
Kính Hòa RFA 2018-03-13 - Khi kết thúc buổi nói chuyện với đài RFA về tận chiến Gạc Ma 1988, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói: "Điều này nói lên sự cam kết của các nước lớn đối với các nước nhỏ là rất bấp bênh, nó rất là bất định. Nếu như khi các nước lớn họ đã thỏa hiệp, họ móc ngoặc với nhau thì lợi ích của các nước nhỏ không bao giờ được tính đến cả. Lợi ích của các nước nhỏ thường bị các nước lớn đem ra trao đổi, theo kiểu thỏa thuận vô nguyên tắc của các nước lớn.” "Việt Nam hiện nay đã hiểu rõ vị trí của một quốc gia nhỏ như Việt Nam trên bàn cờ lớn của thế giới vì thế chính sách ngoại giao của Việt Nam đang đi theo một hướng cân bằng giữa các quốc gia lớn".
Tàu Trung Quốc bắn vào tàu vận tải Việt Nam tại Gạc Ma vào ngày 14/3/1988. Ngày 14/3/1988 Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma của Việt Nam giết chết 64 thủy thủ và chiếm đóng đảo đó đến nay. Lực lượng Liên Xô, đồng minh của Việt Nam có mặt tại Cam Ranh đã không can thiệp.



Hiệp ước Việt Xô 1978
Vào tháng 11 năm 1978, Hiệp ước hữu nghị Việt Xô được ký giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó là ông Lê Duẫn với người đồng cấp bên phía Liên Xô là ông Leonid Brejnev. Hiệp ước này có hiệu lực trong vòng 25 năm, được xem như một liên minh quân sự giữa Việt Nam và Liên Xô đối đầu với bên kia là trục Trung Quốc Khmer đỏ. Đây sự đối đầu giữa các quốc gia cộng sản với nhau.
Cũng cuối năm 1978 hải quân Liên Xô được phép sử dụng căn cứ Cam Ranh cho hạm đội Thái Bình Dương của mình.
Vào ngày 14/3/1988 hải quân Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, giết chết 64 thủy thủ Việt Nam, và chiếm giữ đảo đó cho đến nay.
Ngay thời điểm đó hải quân Liên Xô có mặt tại Cam Ranh, chỉ cách Gạc Ma vài trăm hải lý nhưng quân đội Liên Xô đã không can thiệp.
Chúng ta cũng thấy Liên Xô án binh bất động. Sự án binh bất động lần này so với lần Trung Quốc dạy cho Việt Nam bài học (1979) như thế nào, thì đến bây giờ nó vẫn là một điểm trắng trong lịch sử mà chúng ta vẫn cần phải tìm hiểu -Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nói với chúng tôi về nội dung của hiệp ước hữu nghị Việt Xô:
“Trong hiệp ước Việt Xô ký trước đó 10 năm có một điều khoản rất quan trọng. Điều khoản đó nói rằng một khi một trong hai nước có nguy cơ bị tấn công, hay là bị đe dọa tấn công, thì hai nước ngồi lại bàn với nhau để đẩy lùi nguy cơ bị tấn công. Điều khoản này nó rất tế nhị, nó khác với những hiệp ước an ninh khác như của NATO, là khi anh tấn công một bên thì coi như anh tấn công bên kia. Hiệp ước này (Việt Xô) không nói như thế.”
Một cựu nhân viên Bộ Ngoại giao khác là ông Đặng Xương Hùng, hiện đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ, phân tích với chúng tôi rằng vào thời điểm năm 1988 Liên Xô có những quan ngại về an ninh khác lớn hơn nhiều so với mối liên kết an ninh với Việt Nam ở Đông Nam Á:
“Người Nga cũng phải căng ra nhiều nơi để đối phó. Những quyền lợi coi là thiết thực của nước Nga ở Việt Nam hầu như là chỉ giữ một mức liên kết, liên minh ở mức độ nào đó chứ không bảo vệ Việt Nam như bảo vệ lợi ích của chính nước Nga. Họ tránh đụng độ trực tiếp, có thể trực tiếp nơi Nga giáp Trung Quốc thôi chứ không phải trên lãnh thổ Việt Nam.”
Ngoài ra theo ông Hùng, sự việc Trung Quốc tấn công Garma có nguyên nhân từ trong nội bộ Việt Nam. Theo ông mặc dù có hiệp ước hữu nghị với Liên Xô, nhưng Việt Nam không thể chịu đựng nỗi sự cấm vận của cả thế giới, sự bao vây của Mỹ và Trung Quốc sau khi quân đội Việt Nam tràn vào Cam Pu Chia vào năm 1979, do đó Việt Nam phải phá thế bế tắc bằng cách bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Lúc đó ông Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam là ông Lê Đức Anh, thuộc cái phái chủ trương là nên bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc để cứu Đảng Cộng sản Việt Nam. Trung Quốc đã ngửi được dấu hiệu qui phục của Việt Nam đối với Trung Quốc, để dấn tiếp.”
Trước trận Gạc Ma đến 9 năm, ngay sau khi Việt Nam tràn vào Cam Pu Chia vào tháng Giêng 1979, tháng Hai 1979 Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh biên giới, gọi là dạy Việt Nam một bài học.
Theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu này cũng có nguồn cơn từ hiệp ước hữu nghị Việt Xô 1978.
“Mãi về sau này khi chúng ta đọc những tài liệu đã bạch hóa, nhất là những tài liệu của Trung Quốc, thì chúng ta hiểu rằng thực ra đấy (hiệp ước Việt Xô) là một tai họa cho Việt Nam. Trung Quốc cay cú hiệp ước đấy, và khi mà Trung Quốc tiến công Việt Nam năm 1979, thì lúc đầu người ta nghĩ đó là vì chuyện Cam Pu Chia, đó có thể là một nguyên nhân, nhưng quan trọng hơn là Trung Quốc muốn thách cái hiệp ước Việt Xô này, xem là tôi tấn công anh thì anh phản ứng gì?”
Cuộc chiến tranh biên giới 1979 kéo dài một tháng gây ra tổn thất lớn cho cả hai bên, và liên tục sau đó là căng thẳng kéo dài đến hơn 10 năm sau giữa hai nước Việt Nam Trung Quốc.
Đứng giữa các cường quốc, Gạc Ma 1988 và Hoàng Sa 1974
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói tiếp về trận Gạc Ma 14/3/1988, thời điểm mà hiệp ước hữu nghị Việt Xô vẫn còn hiệu lực:
Lợi ích của các nước nhỏ thường bị các nước lớn đem ra trao đổi, theo kiểu thỏa thuận vô nguyên tắc của các nước lớn -Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng.
“Chúng ta cũng thấy Liên Xô án binh bất động. Sự án binh bất động lần này so với lần Trung Quốc dạy cho Việt Nam bài học (1979) như thế nào, thì đến bây giờ nó vẫn là một điểm trắng trong lịch sử mà chúng ta vẫn cần phải tìm hiểu. Liên Xô có mặt ở cảng Cam Ranh, hạm đội 7 của Mỹ vẫn lởn vởn ở khu vực Thái Bình Dương. Cả hai đều không có hành động gì cả trong vụ Gạc Ma. Như vậy ở đây có thể nói là Trung Quốc đã bắt đúng thời điểm để hành động.”
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng giả định hai nguyên nhân mà theo đó lực lượng Liên Xô đã không can thiệp khi Trung Quốc đánh Gạc Ma, đó có thể là Liên Xô đã đánh hơi thấy một thỏa thuận lớn giữa Hà Nội và Bắc Kinh sắp tới. Điều thứ hai là lúc ấy Liên Xô gặp rất nhiều khó khăn.
Sự dính líu của người Mỹ ở Việt Nam trước năm 1975 được giới quan sát cho rằng đã chính thức kết thúc vào năm 1972, khi Tổng Thống Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng ra tuyên bố Thượng Hải, bình thường hóa quan hệ hai nước.
Tháng Giêng 1973 hiệp định Paris được ký kết, quân đội Mỹ rút ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Tháng Giêng năm 1974 Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa, phía Bắc Biển Đông lúc đó do quân đội Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ, trong lúc lực lượng Mỹ vẫn còn hiện diện hùng hậu ở Biển Đông, và trên nguyên tắc Hoa Kỳ vẫn là một đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa.
Hải quân Mỹ đã không can thiệp, và hơn nữa, theo hồi ức của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là ông Nguyễn Văn Thiệu, thì Mỹ đã gây sức ép không cho lực lượng Việt Nam Cộng Hòa phản công tái chiếm Hoàng Sa.
So sánh hai vụ Hoàng Sa 1974 và Garma 1988, ông Đặng Xương Hùng nói với chúng tôi:
Một kinh nghiệp là khi câu chuyện không cam kết lợi ích cho họ thì khó có chuyện rằng người ta sẽ bảo vệ mình như bảo vệ chính người ta, mình phải đặt hoàn cảnh là bảo vệ nước Việt Nam như bảo vệ quyền lợi của chính họ.”
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng thì nói bài học rút ra từ sự kiện Gạc Ma là khi nội tình yếu kém thì liên minh không giúp gì được cho quốc gia. Khi kết thúc buổi nói chuyện với đài RFA về tận chiến Gạc Ma 1988, ông nói rằng:
Điều này nói lên sự cam kết của các nước lớn đối với các nước nhỏ là rất bấp bênh, nó rất là bất định. Nếu như khi các nước lớn họ đã thỏa hiệp, họ móc ngoặc với nhau thì lợi ích của các nước nhỏ không bao giờ được tính đến cả. Lợi ích của các nước nhỏ thường bị các nước lớn đem ra trao đổi, theo kiểu thỏa thuận vô nguyên tắc của các nước lớn.”
Theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, Việt Nam hiện nay đã hiểu rõ vị trí của một quốc gia nhỏ như Việt Nam trên bàn cờ lớn của thế giới vì thế chính sách ngoại giao của Việt Nam đang đi theo một hướng cân bằng giữa các quốc gia lớn. Ông nói rằng chính sách đó không phải là sự đu dây mà là một nghệ thuật đưa ra những lợi ích để bảo vệ chính quốc gia mình.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/garma-88-paracels-74-lessons-for-vietnam-03132018130121.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét