Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Xây nhà cao 40-70 tầng tại ga Hà Nội: Phục vụ ai?

Xây nhà cao 40-70 tầng tại ga Hà Nội: Phục vụ ai?
Việc xây công trình cao tầng quanh khu vực ga Hà Nội sẽ khiến cho mật độ dân số cao, gây áp lực cho nội đô, tốn kém tiền giãn dân. “Nền kinh tế của chúng ta hiện nay còn khó khăn, đời sống người dân chưa phát triển lắm, mà chúng ta lại phá trụi một khu vực dân cư rất đông đúc lên tới 44.000 người dân để xây dựng thành ga trung tâm tàu khách, tàu liên vận và đường sắt đô thị cũng như các trung tâm tài chính, kiến trúc, nghỉ dưỡng đô thị... thì không nên.

Các chuyên gia chưa đồng tình với đề xuất xây 
công trình cao 40-70 tầng tại ga Hà Nội. Ảnh: VNE
Áp lực đô thị rất lớn
UBND TP Hà Nội đang xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000. Theo đề xuất, ga Hà Nội sẽ được xây dựng lại thành ga trung tâm tàu khách, tàu liên vận và đường sắt đô thị. Đồng thời, khu vực ga Hà Nội và khu phụ cận sẽ được quy hoạch xây dựng các trung tâm tài chính, kiến trúc, nghỉ dưỡng đô thị..., với các công trình cao từ 40-70 tầng.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Đại học GTVT bày tỏ nhiều suy nghĩ, băn khoăn.

Theo ông Toản, trên thế giới không thiếu các quốc gia xây dựng ga đường sắt quy mô rất lớn ở ngay trung tâm thành phố. Ở châu Á có thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên ông Toản khẳng định, đây là những ga tàu đã được hình thành từ thời xưa, chứ không phải xây mới toàn bộ.


Với điều kiện của Việt Nam nói chung và đặc điểm thủ đô nói riêng, việc xây dựng các công trình cao tầng từ 40-70 tầng tại khu vực xung quanh ga Hà Nội, ông Toản đề nghị phải xem xét, đánh giá một cách thận trọng. Bởi lẽ để giãn dân ra khỏi vùng lõi đô thị không phải là việc có thể làm ngay được và chi phí bỏ ra sẽ rất lớn.

“Nền kinh tế của chúng ta hiện nay còn khó khăn, đời sống người dân chưa phát triển lắm, mà chúng ta lại phá trụi một khu vực dân cư rất đông đúc lên tới 44.000 người dân để xây dựng thành ga trung tâm tàu khách, tàu liên vận và đường sắt đô thị cũng như các trung tâm tài chính, kiến trúc, nghỉ dưỡng đô thị... thì không nên.

Để giải quyết tái định cư tại chỗ cho 44.000 người dân theo tôi không phải dễ dàng. Ở đây chúng ta phải phá nhà người dân đi để làm lại nhà khác. Việc này khó nhận được sự đồng tình và rất tốn kém.

Con số 23.8000 tỷ đồng mà Hà Nội đưa ra chỉ là con số ban đầu. Tính đơn giản, sử dụng 500 triệu đồng cho một người tái định cư ở khu vực đó thì không thể làm được. Còn nhiều khoản chi phí phát sinh khác. Hơn nữa, việc xây dựng này sẽ khiến cho mật độ dân số cao, gây áp lực cho khu vực nội đô”, ông Toản lo ngại.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cũng không đồng tình với việc xây dựng các công trình cao tầng từ 40-70 tầng quanh khu vực ga Hà Nội.

Theo ông Thám, trước hết Hà Nội cần phải rà soát lại quy hoạch chung của thành phố xem dự án ga Hà Nội và các công trình nhà cao tầng xung quanh có nằm trong quy hoạch tổng thể hay không?

Cùng với đó, phải xem lại các phương án giải quyết vấn đề giao thông đô thị bởi khu vực xung quanh ga Hà Nội hiện nay tập trung rất đông dân cư và một lượng lớn phương tiện lưu thông.

“Phải có các chuyên gia về kiến trúc đô thị, chuyên gia giao thông lên ý kiến về vấn đề xây dựng này.

Theo tôi Hà Nội phải quy hoạch tổng thể đã rồi muốn làm gì thì làm. Nếu cứ giật gấu vá vai thì sẽ không đâu ra đâu cả. Không nên để tình trạng nhiệm kỳ này người này làm, nhiệm kỳ sau người kia phá được. Dân sẽ rất khổ.

Quy hoach như thế nào thì quy hoạch nhưng phải làm hạ tầng cơ sở để dân cư ở đấy ra vào thoải mái. Phải giải được bài toán đó thì mới được phép xây dựng. Khi chưa giải toán đó thì chưa phép xây dựng”, ông Thám nhấn mạnh.

Tính toán dời nhà ga Hà Nội khỏi nội đô

Một vấn đề khác được PGS.TS Nguyễn Đình Thám dẫn ra là dự án tại trung tâm Giảng Võ (Hà Nội).

Theo ông Thám việc xây dựng tại đây thời gian qua thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và các chuyên gia. Chính phủ đã phải yêu cầu điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại khu vực này để đảm bảo phát triển lâu dài cho Thủ đô, đảm bảo không gây ùn tắc giao thông.

“Ở Giảng Võ bài toán chưa giải quyết xong giờ lại đưa ra việc xây dựng nhà cao tầng tại khu vực xung quanh ga Hà Nội. Theo tôi không nên đưa ra các dự án để chủ đầu tư lo chạy vạy này kia”, ông Thám nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Toản khẳng định, bản thân ủng hộ việc di dời ga Hà Nội ra khu vực ngoại thành như ý kiến của đại diện Công an Hà Nội đưa ra tại hội nghị về trật tự an toàn giao thông được tổ chức hồi tháng 8 vừa qua.

Ông Toản tin tưởng, nếu làm được việc này sẽ giúp loại bỏ xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm. Hơn nữa di chuyển nhà ga ra khu vực ngoại đô làm ở vùng trống, cách Hà Nội khoảng 15-20 km thì chưa chắc đã hết 23.800 tỷ đồng như tính toán ban đầu.

“Tôi rất ủng hộ chuyện đưa ga Hà Nội đi ra ngoài. Bởi lẽ đụng vào đâu, đập nhà cửa của ai cũng là của xã hội. Tiền chi vào đấy dù của ai đi nữa thì cũng là tiền do người dân đóng góp.

Cho nên là giải pháp nào tiết kiệm, thực hiện tương đối nhanh mà vẫn tạo điều kiện phát triển đường sắt thì nên làm.

Chúng ta tập trung vào khoảng mươi nghìn tỷ để phát triển ga Hà Nội lên nhưng chỉ phục vụ cho các hệ thống đường sắt trên cao, kết nối với xe buýt ở bên dưới thì cũng chỉ giao thông đô thị thôi. Mục tiêu chính là đi tất cả các hướng thì có thể chuyển xuống Thường Tín, Văn Điển.

Khu vực ga Hà Nội hiện tại về cơ bản vẫn duy trì làm các trung tâm của giao thông công cộng, thậm chí là chỗ để xe”, ông Toản khẳng định.

Nguyễn Hoàn

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xay-nha-cao-40-70-tang-tai-ga-ha-noi-phuc-vu-ai-3343243/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét