Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Tập huấn nói thật!

Tập huấn nói thật!
Nhiều năm qua, ông Phao - cán bộ giảng dạy Trường bồi dưỡng nghiệp vụ Đadinăng, thường được phân công giảng dạy và tổ chức thi tốt nghiệp cho các lớp tập huấn quan trọng như Tập huấn tiếp dân, Tập huấn tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, Tập huấn trồng tre măng Bát độ, Tập huấn điều tra dân số, Tập huấn nuôi ba ba, Tập huấn cứu nạn cứu hộ, vân vân. Nhưng chưa lớp tập huấn nào quan trọng hơn lớp Tập huấn nói thật.
Vì qua lớp tập huấn này, lãnh đạo ngành có thể đánh giá được năng lực, trình độ, phẩm chất của cán bộ, để từ đó xem xét, đề bạt, tăng lương hoặc cho đi nghiên cứu sinh, thực tập sinh ở Pháp, Mỹ , Nga, Tây Ban Nha... 
Do tầm quan trọng đặc biệt của lớp tập huấn này, ông Phao đã phải mất cả tháng nghiên cứu sách Phương pháp đông tây kim cổ và bằng cả vốn sống dày dạn, phong phú của mình, ông vắt óc tìm ra phương pháp mới, khả dĩ áp dụng được cho bài giảng thêm sâu sắc.

Từ thứ hai đến thứ bảy, ông Phao say sưa lên lớp giảng như một giáo sư say sưa với nghề. Ông nói giọng trầm tĩnh, đôi mắt lim dim sau cặp kính trắng. Thỉnh thoảng bàn tay hồng đeo chiếc nhẫn vàng to đùng lại vung nhẹ như để nhấn mạnh thêm điều mình diễn đạt.

Kết thúc lớp tập huấn, sau bài kiểm tra viết là bài kiểm tra vấn đáp. Xem lại một lượt các câu hỏi vấn đáp, ông Phao lần lượt hỏi từng thí sinh là cán bộ tập huấn.

Ông Phao hỏi thí sinh 1:

- Đơn vị anh bảo quản quỹ đen như thế nào?

- Bảo quản bằng cách chia nhau tiêu xài. - Thí sinh 1 trả lời.

Ông Phao:

- Thế lập quỹ đen bằng cách nào?

- Cái đó thì chỉ có sếp em mới được biết thôi ạ! - Thí sinh 1 trả lời.

Ông Phao hỏi thí sinh 2:

- Còn đơn vị anh, có tham nhũng không?

- Dạ, có ạ! Quan thanh tra vừa phát hiện một số người chia nhau mấy tỷ đồng đấy ạ. - Thí sinh 2 trả lời.

Ông Phao gõ gõ tay lên bàn, nhỏ giọng:

- Thế anh có tố cáo không, có đấu tranh không?

- Em mà tố cáo thì mang tiếng không trung thành với sếp, không tốt với anh em. Còn đấu tranh thì tránh đâu. Quyền trong tay sếp, sếp ghét bỏ, không tăng lương, không thưởng thi đua, không cho đi nghỉ mát và, rất có thể cho thôi việc, lúc đó em biết làm sao? Được vạ, má xưng! Biết thế nên em cứ im lặng. Im lặng là vàng! Thầy chả dạy chúng em ở lớp Tập huấn ngậm miệng ăn tiền là gì. - Thí sinh 2 gãi gáy, cười khì.

- Khá! Vì biết vận dụng lí luận vào thực tiễn đời sống. - Ông Phao vui vẻ tuyên bố.

Thí sinh 3 nhanh nhẩu:

- Thầy cho em câu hỏi luôn nhé?

- Khoan đã! - Ông Phao yêu cầu mọi người ra khỏi phòng thi, hừ hừ trong miệng - Anh làm giám đốc Công ty Acava nhỉ? Anh làm nghề kinh doanh là khó khăn, phức tạp lắm đấy. Kinh doanh là buôn bán, nguy hiểm lắm! Thương trường là chiến trường mà. Vì thế tôi đòi hỏi anh cao hơn, câu hỏi phải rất khó, cần có trí thông minh mới trả lời được.

- Em sẵn sàng!

Thí sinh 3 rút phong bì tiền dày cộp đặt lên bàn, giọng hăng hái. Ông Phao ừ hữ, gõ gõ một ngón tay lên đầu vẻ suy nghĩ, nhìn chiếc phong bì, mắt sáng lên, bảo:

- Công ty Acava của anh hiện đang cần tập huấn những vấn đề gì?

- Thưa thầy! Công ty Acava sẽ mời thầy mở lớp Tập huấn vô tư ngồi tám tiếng, Tập huấn bảo quản quĩ đen, Tập huấn ngậm miệng ăn tiền, Tập huấn kiện vo tư, cần kíp lắm ạ!

- Hay lắm! Tôi sẽ hỏi anh một câu nữa, câu đơn giản, thật đơn giản nhưng phải trả lời bằng trí thông minh đấy nhé. Thế này, hai chia cho một bằng mấy?

- Hai chia cho một bằng không ạ! - Thí sinh 3 rút thêm một phong bì nữa đặt lên bàn, nói rành mạch.

- Hử? - Ông Phao tròn mắt ngạc nhiên.

- Em xin nói thật nhé! - Thí sinh 3 cười, điềm tĩnh trả lời - Thực ra bài toán có hai đáp số. Đáp số thứ nhất là hai chia cho một bằng hai. Đáp số thứ hai là hai chia cho một bằng không. -Vừa nói, thí sinh 3 vừa cầm cả hai chiếc phong bì nhét nhanh vào túi ông Phao, nói nhỏ - Bởi vì cả hai phong bì này em chia tất cho thầy thì thầy được cả hai, còn em không còn hai phong bì ấy nữa. Điều này thầy chả dạy chúng em ở lớp Tập huấn vòng vo Tam quốc là gì!

Ông Phao đứng bất dậy, bắt tay thí sinh 3, giọng hỉ hả:

- Cậu thật là thông minh! Tôi đã bảo làm nghề kinh doanh là phải thật thông minh mà lị. Hai chia cho một bằng không, ha ha, đấy là một phát minh thú vị!

* *
*
Trong lễ bế mạc lớp Tập huấn nói thật, thí sinh 3 được cấp chứng chỉ loại Ưu. Ông Phao nắm tay thí sinh 3 giơ cao, tuyên bố giữa hội trường:

- Đây là một học trò giỏi, đã biết vận dụng sáng tạo lí luận vào thực tiễn đời sống.

Rồi ông Phao ghé vào tai thí sinh 3 thì thầm: “Cậu cứ vận phương pháp hai chia cho một bằng không thì làm việc gì cũng có hiêụ quả, nhưng nhớ là phải phổ biến rộng rãi cho mọi người, nhé!”. Thí sinh 3 đứng nghiêm giữa hội trường, mắt sáng long lanh, lòng tràn ngập niềm vui. Nghĩ, mọi thứ trên đời này đều có giá của nó. Nếu chỉ học trong sách vở thì chẳng làm được gì nhiều, có khi còn hỏng việc, nên học nữa học mãi trong thực tiễn đời sống con người ta mới hoàn thiện được. Chợt nhớ câu “Mọi lí thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi xanh tươi!”

Cả hội trường phấn khởi vỗ tay, reo lên: Hoan hô học trò Ưu!

Hoàng Thế Sinh
(Blog Trần Nhương)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét