Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn

Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn

(NLĐ) - Nợ công của nước ta đã lên tới 57,3% GDP. Đại diện cho Bộ Tài chính, ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, cho biết như vậy tại hội thảo quốc tế về quản lý nợ công và nợ nước ngoài quốc gia được tổ chức ngày 17-10 ở Hà Nội.

Nhiều ý kiến lo ngại khủng hoảng nợ công tại châu Âu và Mỹ sẽ tác động không thuận lợi đến nước ta, trong đó có nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, ông Đô cho rằng nợ công của nước ta vẫn trong ngưỡng an toàn, trong tầm kiểm soát và chưa gặp khó khăn nhiều lắm về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ bởi nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ chỉ chiếm 3,4% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong khi phải trên 20% thì mới có thể gặp khó khăn. Nhiều ý kiến cũng lo ngại tới đây nước ta sẽ gặp khó khăn hơn vì đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên phải vay những khoản vay kém ưu đãi hơn, thậm chí vay thương mại khi đầu tư những dự án lớn như đường cao tốc, tuyến đường sắt cao tốc…
Việt Nam không tính nợ của các DNNN vào nợ công vì muốn cho các doanh nghiệp này phải bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đã khẳng định như vậy tại Hội thảo quốc tế về quản lý nợ công và nợ nước ngoài quốc gia do Bộ Tài chính, UNCTAD và Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức sáng 17-10 tại Hà Nội. Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày 18-10.
Tại hội thảo, đại diện WB và một số tổ chức quốc tế khác cho rằng, nợ của DNNN cần được tính vào nợ công, như thông lệ quốc tế. Nhưng, ông Đô lý giải rằng DNNN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và do vậy doanh nghiệp này cũng phải bình đẳng và phải tự chịu trách nhiệm vốn vay.

"Nhà nước không bao cấp, không trả nợ thay cho DNNN, vì thế các khoản nợ tự vay tự trả của DNNN không tính vào nợ công”, ông Đô nói.
Ông Đô cho biết, đến nay còn 4.200 DNNN, trong đó có vay vốn nước ngoài để kinh doanh nhưng không cho biết tổng cộng các doanh nghiệp này vay bao nhiêu. Vì vậy, ông đồng ý với quan điểm với nhiều chuyên gia nói rằng, nợ công của Việt Nam chưa tính đúng, tính đủ.
Tuy nhiên, quan chức này thừa nhận thực tế là chính phủ vẫn bảo lãnh cho một số khoản vay của một số DNNN, và tính số nợ đó vào nợ của chính phủ.
Hiện, cơ cấu nợ công của Việt Nam như sau: nợ chính phủ chiếm 80%, nợ chính phủ bảo lãnh doanh nghiệp chiếm 19%, và nợ của chính quyền địa phương chiếm 1% còn lại. So với tổng sản phẩm nội địa (GDP), nợ công tương đương với 57,3%, nợ chính phủ tương đương 45%, nợ chính phủ bảo lãnh 13%, và nợ của chính quyền địa phương 3% tính đến cuối năm 2010.
Ông Đô cho biết, vì rủi ro tỷ giá của đồng yên Nhật Bản, nên nợ của Việt Nam tăng thêm 800 triệu đô la Mỹ với quốc gia cho vay lớn nhất của Việt Nam.
Dù vay nợ cũng có những rủi ro như trên, song ông Đô cho rằng, nếu không vay nợ, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn không đạt được những thành tựu như hôm nay, khi trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, từ một nước nghèo.
Ông nói: “Việt Nam vay nợ để phục vụ cho đầu tư phát triển, khác nhiều nước vay cho chi tiêu thường xuyên và vay để trả lương. Việt Nam quản lý nợ với việc thực hiện đẩy đủ nghĩa vụ đi vay không để nợ quá hạn. Việt Nam cũng quản lý nợ làm sao nợ luôn đảm bảo trong ngưỡng an toàn”.
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội gần đây cho thấy, tính đến cuối năm 2010, dư nợ Chính phủ khoảng 45,7% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP.
Chính phủ đang đề nghị Quốc hội thông qua hai tiêu chí là nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ công không quá 65% GDP đến năm 2015.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, nợ Chính phủ không vượt quá 50% GDP; nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, nợ Chính phủ bảo lãnh) không quá 60% GDP đến thời điểm này.
 
Theo Tư Hoàng
TBKTSG
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét