Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

300.000 lượt người Trung Quốc đã du lịch Hoàng Sa

Hơn 300.000 lượt người Trung Quốc đã du lịch Hoàng Sa
23 tháng 1 2024 Bất chấp phản đối từ Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai du lịch tại Hoàng Sa từ hơn 10 năm nay. Hoạt động này hiện đang diễn ra như thế nào?

Tháng 7/2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm ba khu vực mà họ gọi là Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa) và Trung Sa (Bãi ngầm Macclesfield), là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa nước này và các nước lân cận. Trong đó, Hoàng Sa là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan.

Theo kế hoạch, du lịch là một trong những ngành được ưu tiên khai thác ở thành phố mới lập này.

Một năm sau, những chuyến tàu đầu tiên đã bắt đầu chở du khách ra Hoàng Sa bất chấp phản đối từ Việt Nam.

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Một lịch sử đầy xung đột

‘Tây Sa mộng’

Được quảng bá như Maldives của Trung Quốc, sau một thập kỷ triển khai, theo một thống kê của BBC Tiếng Việt, quần đảo này đã đón hơn 300.000 lượt khách du lịch. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2023, con số này là gần 150.000 người. Mức tăng trưởng du khách bình quân hàng năm trước đại dịch Covid đạt trên 70%.

Tuy nhiên, màu xanh ngọc như biển Maldives không phải là sắc thái duy nhất của “tuyến du lịch Tây Sa”. Theo truyền thông Trung Quốc, quần đảo này còn là một điểm tham quan “đỏ”, tức gắn liền với các sự kiện cách mạng của Đảng Cộng sản. Với quần đảo này, đó là trận hải chiến với quân Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.

Với đặc thù như vậy, trong một khảo sát của Học viện Hải dương nhiệt đới Hải Nam, gần 70% du khách trong tuyến này là người trung niên, tuổi từ 46-68.

Biển ở Hoàng Sa được ví như Maldives của Trung Quốc. Ảnh chụp tại Hoàng Sa tháng 7/2017

Lướt các bài đăng về du lịch Hoàng Sa trên mạng xã hội Trung Quốc, có thể thấy được không ít người muốn một lần đến quần đảo này, hay như họ gọi là thỏa mãn “Tây Sa mộng”. Nhưng không dễ để làm được điều đó.

Để đủ điều kiện tới Hoàng Sa, ngoài việc phải là công dân Trung Quốc (trừ người sinh sống tại Hồng Kông, Ma Cao) tuổi từ 10 đến 70, du khách còn phải khai vào một bản đăng ký, trong đó bao gồm cả những thông tin về các thành viên trong gia đình, tên và địa chỉ nơi làm việc. Tờ khai cũng nêu rõ du khách phải là người chưa từng phạm pháp, chưa từng tham gia kích động lật đổ chính quyền hay là “thành viên của các tổ chức tà giáo có tư tưởng phản động”.

Do hình thức du lịch tự túc chưa được cho phép, du khách chỉ có thể đi theo đoàn. Hiện có hai tàu chính chở khách ra Tây Sa là Nam Hải chi Mộng và Trường Lạc Công Chúa. Cả hai đều xuất phát từ thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam. Tour phổ biến nhất là 3 ngày 4 đêm, với mức giá rẻ nhất từ gần 6.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 20 triệu đồng Việt Nam) mỗi người. Ngoài ra, còn có lựa chọn 8 ngày 7 đêm với giá thông thường trên 10.000 nhân dân tệ (trên 35 triệu đồng Việt Nam).

Theo lịch trình năm 2024 được công khai trên các trang web đặt tour trực tuyến của Trung Quốc, hàng tháng mỗi tuyến tàu có từ 8 đến 10 chuyến khởi hành ra Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.

Du khách xuống tàu nhỏ để tham quan các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa

Sau hải trình khoảng 13 tiếng từ Tam Á, tàu ra tới cụm đảo Lưỡi Liềm (mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Lạc), nơi từng xảy ra Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Từ đây, du khách xuống tàu nhỏ để tham quan 3 đảo được phép khai thác du lịch là bãi Xà Cừ (Trung Quốc gọi là Ngân Tự), Ốc Hoa (Trung Quốc gọi là đảo Toàn Phú) và đảo Ba Ba (Trung Quốc gọi là Áp Công). Tuy nhiên, theo các nguồn tin tiếng Trung, từ nửa cuối năm 2023 đến nay, đảo Ba Ba đang tạm dừng đón du khách để bảo tồn hệ sinh thái.

Trong số ba đảo trên, bãi Xà Cừ là đảo có đông dân cư và cơ sở vật chất tốt nhất. Trên đảo hiện có khoảng trên dưới 10 hộ dân sinh sống với đầy đủ điện, nước ngọt và cả internet. Lên đảo, du khách được ăn hải sản do ngư dân trực tiếp đánh bắt.

Đảo Ốc Hoa tuy được đánh giá là có bãi biển đẹp nhất (không chỉ của Hoàng Sa mà còn xét trên toàn Trung Quốc), nhưng đây chỉ là một bãi cát không có người cư trú. Hoạt động trên đảo chủ yếu là đi dạo biển và chụp hình kỷ niệm.

Giống như bãi Xà Cừ, đảo Ba Ba có cư dân sinh sống, nhưng điều kiện cơ sở vật chất không tốt bằng. Theo mô tả, có khoảng 100 ngư dân thường xuyên đánh bắt xung quanh hòn đảo này.

Ngoài các hoạt động đã nêu, tùy theo thời điểm và chính sách, du khách có thể được lặn ngắm san hô, thậm chí tham gia đánh bắt hải sản.

Mặc dù được đánh giá có bãi biển đẹp nhất, đảo Ốc Hoa thực chất chỉ là một bãi cát không người cư trú (Ảnh chụp tháng 5/2016)

Điểm du lịch ‘đỏ’

Như đã nói, Tây Sa được định hướng là điểm du lịch “đỏ” nên không thể thiếu các hoạt động tương ứng. Truyền thông Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh nghi thức thượng cờ trên đảo, coi đó là một tiết mục đặc sắc của chuyến đi.

Theo các video được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc, để thực hiện nghi thức, trước tiên du khách đứng tập trung quanh một cột cờ, nghe đại diện công ty du lịch lược kể về “lịch sử đấu tranh giành chủ quyền Tây Sa”. Trong đó, trận hải chiến Hoàng Sa vào năm 1974 được nhắc tới với giọng tự hào của bên thắng cuộc, nhưng cũng thoáng bi thương khi nhắc đến những người chết trận. Người tham dự sau đó được hướng dẫn đồng thanh hô “Tôi yêu tổ quốc” và “Tôi yêu Tây Sa”, trước khi cử quốc ca và kéo quốc kỳ Trung Quốc.

Tuy được thăm ba đảo, phần lớn thời gian của du khách là ở trên du thuyền, bởi các đảo không có chỗ lưu trú và thời gian tham quan cũng bị hạn chế.

Để giúp du khách giải trí trên tàu, công ty lữ hành tổ chức các hoạt động như xem ca vũ, thăm bảo tàng hải dương lưu động, tham gia tiết học về hệ sinh thái biển hay dự các lớp hướng dẫn làm đồ thủ công.

Xen kẽ trong đó là những chương trình mang sắc thái chính trị hơn như lớp kiến thức về “lịch sử Tây Sa” hay chiếu bộ phim cách mạng “Nam Hải Phong Vân”, kể về trận hải chiến 1974.

Một lễ thượng cờ cho du khách Trung Quốc tại đảo Ốc Hoa thuộc quần đảo Hoàng Sa

Theo kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2030, tỉnh Hải Nam dự định cải thiện điều kiện du lịch tại nơi mà họ gọi là thành phố Tam Sa, trong đó có mở thêm các tuyến tàu ra quần đảo Hoàng Sa. Tham vọng là biến Tam Sa thành “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.

Còn với du khách, cơ sở vật chất không phải thứ duy nhất họ muốn cải thiện.

Theo lời kể của một blogger du lịch Trung Quốc, không khó để bắt gặp những hành xử chưa đẹp từ những hành khách trung niên trên tàu. Chẳng hạn, trong một buổi chiếu phim về Tây Sa, có một nhóm nam nữ ăn mặc kỳ dị khiêu vũ ngay bên cạnh màn hình, tiếng nhạc của họ át cả tiếng phim; hay mỗi ngày đều có thể bắt gặp nhiều ông chú ở trần và bà cô y phục xộc xệch vào lẫn lộn nhà vệ sinh nam nữ…

Tuy vậy, với người này, đó chỉ là những vết gợn không đáng có trên một hành trình đẹp. Còn theo thống kê từ cuộc khảo sát nêu trên, 80% người được hỏi hài lòng với chuyến đi.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx8v8807334o

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét