Xây cao tốc dài 200 cây số nhưng ‘quên’ xây nhà vệ sinh
Nhiều người lái xe trên đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết và Phan Thiết-Vĩnh Hảo rơi vào tình thế oái oăm vì chặng đường dài 200 cây số nhưng không có trạm dừng dân và nhà vệ sinh.Nhà vệ sinh và cầu thang “lụi” do người dân địa phương tự mở cho người lái xe trên cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo. (Hình: Tư Huynh/VNExpress)
Theo báo VNExpress hôm 18 Tháng Hai, ông Nguyễn Văn Đức, ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, thấy nhiều người đi xe hơi phải dừng xe trên làn khẩn cấp của cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo để tiểu tiện nên tự bắc cầu thang “lụi” cho tài xế vào đi vệ sinh miễn phí tại khu đất của mình.
Tuy vậy, hai ngày trước, ông Đức bị chính quyền địa phương ra lệnh tháo dỡ cầu thang bắc qua hàng rào cao tốc vì “sai quy định” và “gây mất an toàn.”
Ông Đức cho biết sau khi tháo dỡ cầu thang, nhiều người vẫn dừng xe để xin đi vệ sinh.
Ông Lê Quang Khởi, tài xế chở hàng từ Sài Gòn đi Khánh Hòa, cho hay việc thiếu trạm dừng chân trên quãng đường dài từ Dầu Giây ra Vĩnh Hảo rất bất tiện cho cánh tài xế và cả hành khách trên xe đò.
Giải pháp trước mắt được ông Trần Ngọc Hiền, phó chủ tịch huyện Hàm Thuận Bắc, đưa ra là gắn bảng hướng dẫn trước giao lộ Ma Lâm về việc rẽ ra quốc lộ 28 nghỉ ngơi, ăn uống, đi vệ sinh hoặc đổ xăng.
Theo ông Hiền, sau khi dừng chân tại đây, tài xế có thể cho xe quay lại đường dẫn, nhập vào cao tốc, tiếp tục hành trình.
Đề cập về chuyện xây trạm dừng chân, ông Nguyễn Quốc Huy, giám đốc Ban Quản Lý Dự Án Cao Tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo, cho biết đến nay mới chỉ chọn được các nhà đầu tư đủ điều kiện trúng thầu thi công các trạm dừng chân và sớm lắm thì đầu quý hai năm nay khởi công.
Một giới chức Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam cho biết thêm, sở dĩ nhiều tuyến cao tốc dài không có nhà vệ sinh là do “quy định pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh trạm dừng chân chưa đầy đủ” nên một số chặng cao tốc đã khánh thành trong lúc chưa có nhà vệ sinh.
Một tài xế đậu xe trên làn dừng khẩn cấp của cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo, đoạn qua huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, để tiểu tiện. (Hình: Tư Huynh/VNExpress)
Theo tiêu chuẩn thiết kế cao tốc tại Việt Nam, trung bình cứ mỗi 50-60 cây số cần bố trí một trạm dừng chân cung cấp các dịch vụ cơ bản như xăng dầu, trạm sửa chữa nhỏ, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, quầy ăn uống và tiệm tạp hóa.
Bên dưới bản tin của VNExpress, độc giả “Hoangvu247356” cảm thán: “Làm đường chưa xong đã có trạm thu phí mà cái chỗ giải quyết trong người thì từ từ.”
Độc giả “Nguyễn Thụy Xuân Vi” cho biết: “Bất kể cao tốc nào ở Việt Nam, tới khúc mà ra khỏi cao tốc là nghe mùi khai nồng nặc, vì trải qua bao nhiêu năm người ta tiểu tiện, thậm chí đại tiện ngay bên đường.”
Theo tiêu chuẩn thiết kế cao tốc tại Việt Nam, trung bình cứ mỗi 50-60 cây số cần bố trí một trạm dừng chân cung cấp các dịch vụ cơ bản như xăng dầu, trạm sửa chữa nhỏ, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, quầy ăn uống và tiệm tạp hóa.
Bên dưới bản tin của VNExpress, độc giả “Hoangvu247356” cảm thán: “Làm đường chưa xong đã có trạm thu phí mà cái chỗ giải quyết trong người thì từ từ.”
Độc giả “Nguyễn Thụy Xuân Vi” cho biết: “Bất kể cao tốc nào ở Việt Nam, tới khúc mà ra khỏi cao tốc là nghe mùi khai nồng nặc, vì trải qua bao nhiêu năm người ta tiểu tiện, thậm chí đại tiện ngay bên đường.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét