Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

Xuất khẩu càng tăng, mức lan tỏa lại càng giảm

Đọc bài này của TS Bùi Trinh để thấy thất bại thảm hại của chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của VN. Lý thuyết và thực tiễn thế giới đều khẳng định mục tiêu chủ yếu của thu hút FDI là khai thác công nghệ và bí quyết quản lý kinh doanh mà các công ty FDI đã tích lũy và phát triển qua nhiều thập kỷ và từ những khoản chi phí lớn. Đặc biệt, khi thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia, không chỉ doanh nghiệp có vốn đầu tư của công ty đa quốc gia, mà ngay cả các doanh nghiệp khác trong nước có quan hệ làm ăn với chúng cũng sẽ được tham gia quá trình phân công lao động quốc tế và tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu, tạo thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Các mục tiêu khác như bổ sung cho nguồn vốn trong nước, tạo công ăn việc làm và tăng nguồn thu ngân sách chỉ là thứ yếu. Thậm chí lý thuyết và thực tiễn thế giới còn chứng minh ở phần lớn các nước, vốn nước ngoài không bổ sung cho nguồn vốn trong nước mà ngược lại nó thay thế cho nguồn vốn trong nước, tức là vì có vốn nước ngoài nên người trong nước giảm tiết kiệm, tăng tiêu dùng và ăn chơi rất lãng phí, kinh tế đất nước hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Việt Nam là trường hợp điển hình của mặt trái này. Có thể nói trên lãnh thổ VN tồn tại song song hai nền kinh tế độc lập, chẳng lan tỏa gì sang nhau: Kinh tế trong nước và Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Người nước ngoài nhập khẩu đầu vào để người Việt gia công rồi xuất khẩu. Một nửa xuất siêu để bù đắp chi phí gia công, thuê đất, đóng thuế, hối lộ bộ máy tham nhũng, chi tiêu sinh hoạt của họ và mở rộng đầu tư FDI ở VN, nửa còn lại họ chuyển về nước một cách hợp pháp. Đọc tới câu "việc hớn hở với thành tích xuất khẩu chẳng phải buồn cười lắm sao?", mình nghĩ nó không khác gì cái tát vào mặt mấy ông quan lãnh đạo khối FDI và Xuất khẩu.
Xuất khẩu càng tăng, mức lan tỏa lại càng giảm
Bùi Trinh 01/05/2022 (KTSG) – Trong 10 năm qua xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng nhanh chóng qua các năm: năm 2010 đạt 39,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 54,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, đến năm 2021 tăng lên 247,54 tỉ đô la và chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu lại diễn biến theo xu hướng ngược lại, từ 45,9% của năm 2010 xuống còn 26,4% vào năm 2021. Tính chung trong cả giai đoạn 2010-2021, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của khu vực doanh nghiệp FDI đã tăng thêm 19,5 điểm phần trăm và ngược lại cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước giảm 19,5%.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, điện thoại các loại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong giai đoạn 2010-2020. Tuy nhiên, gần như 100% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này thuộc về khu vực doanh nghiệp FDI với đóng góp chủ yếu là Công ty Samsung Việt Nam (năm 2010 là 90,4% và đến năm 2020 đạt 97,7%).

Ngoài ra, các mặt hàng gia công, xuất khẩu chủ lực trong giai đoạn này cũng chủ yếu của khu vực doanh nghiệp FDI. Tính đến thời điểm năm 2020, một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phần lớn thuộc khu vực FDI như sản phẩm điện tử máy tính và linh kiện (96,8%); giày dép (78,9%); và dệt may (60%).

Tính toán từ bảng cân đối liên ngành năm 2012, 2016 và 2019 cho thấy xuất khẩu hàng hóa lan tỏa đến giá trị tăng thêm nhỏ nhất trong các yếu tố của cầu cuối cùng trong nước (bao gồm tiêu dùng cuối cùng, tích lũy gộp tài sản, xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu dịch vụ).

Một điều rất đáng quan ngại là độ lan tỏa từ xuất khẩu hàng hóa đến giá trị tăng thêm ngày càng nhỏ: năm 2012 – 1 đồng xuất khẩu lan tỏa đến giá trị tăng thêm 0,56 đồng, năm 2016 tỷ lệ này giảm xuống 0,52 đồng và đến năm 2019 chỉ còn 0,26 đồng. Như vậy việc hớn hở với thành tích xuất khẩu chẳng phải buồn cười lắm sao?

Đồng hành với thành tích xuất khẩu của khu vực FDI là luồng tiền chảy ra thông qua chi trả sở hữu cũng tăng mạnh. Nếu GDP theo giá thực tế năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,9 lần thì chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài năm 2020 so với năm 2010 tăng khoảng 4,5 lần. Chi trả sở hữu ra nước ngoài trên dưới 18 tỉ đô la Mỹ.

Năm 2020 xuất siêu của khu vực FDI là 35 tỉ đô la Mỹ (khu vực kinh tế trong nước nhập siêu khoảng 15,5 tỉ đô la Mỹ) thì khoảng một phần hai số đó được chuyển về nước một cách hợp pháp.

https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-cang-tang-muc-lan-toa-lai-cang-giam/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét