Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Tài xế taxi ồ ạt bỏ nghề

Mỗi ngày đọc vài chục tin buồn như tin trong bài dưới đây, nhưng mình cũng phải cố lạc quan yêu đời, và luôn tâm niệm câu thần chú của cụ Tổng: "Đất nước chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ", "Việt Nam chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay" (phát biểu chiều 25/4/2022 khi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper đến chào xã giao nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam), trong khi ngài Thủ tướng đáng kính không ngừng nhắc đi nhắc lại trong các phiên họp hàng tháng của Chính phủ, ví dụ như trong phiên họp tháng 4 ngày 29/4 vừa qua: "Tiếp nối đà tích cực của quý I, kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch". Hôm qua đi xe buýt, thấy đài trên xe oang oang đưa tin các nhà kinh tế và tổ chức nước ngoài ca ngợi VN đến mức "Cả thế giới Ngỡ Ngàng! Kinh tế Việt Nam đang Bùng Nổ Mạnh Mẽ và có bước phát triển Đột Phá trong mọi Lĩnh Vực". Đi xe buýt hàng ngày, mình nhận thấy từ khi dịch Covid ở Hà Nội bắt đầu giảm đầu tháng 4/2022 đến nay, mình thấy số lượng người đi xe buýt tăng vọt. Xe buýt là dịch vụ thứ cấp hay cấp thấp, nên khi thấy số lượng người đi xe buýt tăng vọt, thì có nghĩa là thu nhập của người dân đang giảm rất mạnh. Điều này ngược lại so với các loại hàng hóa và dịch vụ thông thường, theo đó khi thu nhập tăng thì tiêu dùng cũng tăng.
Tài xế taxi ồ ạt bỏ nghề
Trần Duy 10/05/2022 Tác động của đại dịch Covid-19 và giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng nặng nề đến các hãng taxi. Không trụ nổi, tài xế taxi đồng loạt bỏ nghề...

Sau hơn hai tháng trở lại với nghề lái taxi, anh Nguyễn Thái Hưng đã phải bỏ việc vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống

12.000 xe taxi rời thị trường

Làm nghề lái xe taxi được hơn 10 năm, chưa bao giờ anh Nguyễn Thái Hưng lại thấy khó khăn như lúc này. Giống như nhiều đồng nghiệp khác, sau hơn hai tháng trở lại với nghề, anh đành bỏ việc vì không trụ nổi.

“Dịch bệnh đã khiến hành khách ngại đi lại bằng phương tiện công cộng, nhiều khi chạy cả ngày chỉ được vài khách. Trước đây, mỗi ngày thu được 1 triệu đồng thì nay chỉ còn vài trăm nghìn, không đủ chi phí xăng dầu. Tiền nuôi bản thân chưa đủ nói gì đến trang trải cuộc sống hàng ngày của gia đình”, anh Hưng chua xót.


Những trường hợp như anh Hưng ngày càng nhiều, khiến các doanh nghiệp taxi lâm cảnh khó khăn chưa từng thấy.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có 1.000 doanh nghiệp taxi, với hơn 67 nghìn xe taxi. Nếu như năm 2019, cả nước có hơn 79 nghìn xe, đến năm 2020 chỉ còn 75 nghìn xe.

“Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Chính phủ cần miễn phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2022 thay vì giảm 30% để kích cầu cho doanh nghiệp vận tải. Liên bộ Công thương - Tài chính cần phải vào cuộc tích cực mới mong phục hồi được sản xuất, kinh tế. Các bộ, ngành cũng phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh vận tải. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN”

Con số này năm 2021 chỉ là 68 nghìn xe và 2022 là 67 nghìn xe. Điều đáng nói là ngoài số xe dừng hẳn, số xe không hoạt động cầm chừng cũng rất lớn.

Tính riêng tại Hà Nội, số liệu mà Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng tiết lộ cũng rất đáng lo ngại. Theo đó, sau 20 năm, Hà Nội mới có hơn 17.000 xe taxi. Chỉ sau 2 năm đại dịch Covid-19, con số này chỉ còn 7.000 xe. Đáng nói, số tài xế nghỉ việc còn nhiều hơn cả số xe giảm.

“Hệ thống tiếp nhận thông tin đặt xe của hãng có thể tiếp nhận hàng trăm cuộc kết nối từ hành khách, tuy nhiên hiện hãng chỉ phục vụ được 50% nhu cầu. Hiện tại, có đến 40% trong số 1.300 taxi của hãng không có tài xế làm việc”, ông Hùng cho hay.

Ông Đặng Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Phú Đông - đơn vị sở hữu taxi Thành Lợi chia sẻ, người lao động hầu hết ở các tỉnh, không có nhà ở, phải đi thuê.

Thu nhập tỷ lệ nghịch với chi phí phát sinh nên không đủ để sống ở Thủ đô, khiến họ rời bỏ nghề về quê hoặc tìm cho mình cơ hội việc làm khác có thu nhập cao hơn.

“Chúng tôi có gần 600 tài xế thì có tới 400 người đã nghỉ việc. Để cầm cự, không cách nào khác là phải thanh lý xe để trả nợ ngân hàng”, ông Tuấn Anh cho hay.

Là hãng taxi lớn nhất nước, ông Nguyễn Văn Trung, Phó giám đốc hãng taxi Mai Linh miền Bắc cho biết, doanh nghiệp đang phải gồng mình khi gánh chịu các loại chi phí. Một lượng lớn tài xế nghỉ việc cộng hưởng với những chi phí khác trong mùa dịch thực sự khiến doanh nghiệp điêu đứng.

Trong tình cảnh đó, doanh nghiệp bắt buộc phải bán xe để cắt lỗ. Đồng thời tăng các chế độ hỗ trợ khuyến khích người mới gia nhập như hỗ trợ 1 tháng lương, hỗ trợ các chuyến khách hàng ngày để họ đảm bảo thu nhập…

Cần chính sách căn cơ, cụ thể hơn


Nếu như năm 2019 cả nước có hơn 79 nghìn xe taxi, đến tháng 5/2022, con số này chỉ còn 67 nghìn (Trong ảnh: Tài xế taxi đón trả khách gần bến xe Mỹ Đình, Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải

Nói về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ông Trung cho hay, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ nhưng để vay được vốn doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, doanh thu cũng phải đạt tối thiểu theo hợp đồng tín dụng.

“Dịch bệnh kéo dài, doanh thu giảm sâu, tài sản phải bán thanh lý nên doanh nghiệp không thể đáp ứng hai điều kiện này”, ông Trung nói.

Giám đốc Công ty Quản lý G7 taxi Nguyễn Anh Quân cho biết, thời gian qua, các giải pháp hỗ trợ tài chính qua bảo hiểm xã hội phần nào giúp người lao động giảm được áp lực.

Song về lâu dài, các phương án hỗ trợ cần mang phải tính chất cơ bản mới tạo cho doanh nghiệp vận tải cơ hội phục hồi.

“Chỉ với một hoặc hai gói chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp và người lao động có thể giải quyết tình thế trước mắt. Nhưng về lâu về dài, cơ quan quản lý cần mạnh dạn hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái cơ cấu”, ông Quân cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, hiện tại, nhu cầu di chuyển bằng phương tiện công cộng của người dân vẫn thấp, tỷ lệ xe có khách chỉ khoảng 40% nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải cho xe hoạt động trở lại để giữ thị trường.

Tuy vậy, việc gắng gượng không thể kéo dài khi giá xăng, dầu tăng cao, trong khi doanh thu của doanh nghiệp vận tải chỉ đạt khoảng 15 - 20% thời điểm trước dịch. Để hạn chế số lượng doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, kéo theo vấn đề tài xế nghỉ việc, Nhà nước cần xem xét, mở rộng chính sách hỗ trợ.

Ông Hùng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn thời gian cơ cấu nợ đến hết 31/12/2022, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ cấu dòng tiền.

Cùng đó, cần bỏ điều kiện là các ngân hàng khi cơ cấu nợ cho doanh nghiệp phải trích lập quỹ dự phòng. Có cơ chế để doanh nghiệp vừa trả nợ định kỳ và trả nợ cơ cấu. Thời gian cơ cấu và hình thức trả nợ do 2 bên thỏa thuận.

Cùng đó, ông Hùng cũng kiến nghị tiếp tục gia hạn chậm nộp thuế; Xem xét tạm dừng thu 3.800 đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường để góp phần ổn định lại chỉ giá cước vận tải trên thị trường; Tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ; Xem xét và cân nhắc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1/1/2023.

“Doanh nghiệp đang kiệt quệ vì dịch bệnh. Tăng lương thời điểm này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo”, ông Hùng chia sẻ.

https://www.baogiaothong.vn/tai-xe-taxi-o-at-bo-nghe-d551821.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét