LHQ tạm đình chỉ Nga ở Hội đồng Nhân quyền: Việt Nam cùng Lào và TQ chống lại
8 tháng 4 2022 - Kết quả bỏ phiếu đình chỉ tư cách của Liên bang Nga trong Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm 07/04/2022. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Năm 07/04/2022 đã đình chỉ Nga tạm thời, đưa nước này ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vì các tin tức về "các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền tổng thể và có hệ thống" của quân Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine.Có 93 nước bỏ phiếu ủng hộ, 58 bỏ phiếu trắng và 24 quốc gia bỏ phiếu chống, gồm CHXHCN Việt Nam. Việt Nam và Lào lại một lần nữa bỏ phiếu giống Trung Quốc, điều này khiến Hà Nội và Vientianne khác hẳn các nước còn lại trong khối Asean trong lựa chọn ngoại giao về Nga.
Nga đã cảnh báo các nước rằng lần này, ai bỏ phiếu đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng sẽ bị Nga coi là một "cử chỉ không thân thiện", theo Reuters.
Trước đó, hôm 03/03/2022 BBC đã đăng bài 'LHQ-Ukraine: Việt Nam bỏ phiếu trắng, Sứ quán Ukraine 'rất thất vọng':
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư 02/03 đã bỏ phiếu áp đảo để lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine và yêu cầu Moscow rút các lực lượng quân sự của họ.
Nghị quyết, được sự ủng hộ của 141 trong số 193 thành viên của hội đồng.
Nga, và chỉ 4 nước - Bắc Hàn, Syria, Belarus, và Eritrea - bỏ phiếu chống nghị quyết.
35 nước, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam, bỏ phiếu trắng.
Trong cả khối Asean chỉ có Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng, còn Campuchia, Myanmar "hòa nhịp" với các nước còn lại bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga.
35 quốc gia đã chọn giữ thái độ trung lập bao gồm các quốc gia cũng phần lớn đổ lỗi cho phương Tây đã kích động các điều kiện dẫn đến xung đột và những nước khác đã chọn giữ thái độ trung lập về vấn đề này.
Các quốc gia này bao gồm Algeria, Angola, Armenia, Bangladesh, Bolivia, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Trung Quốc, Cuba, Cộng hòa Congo, El Salvador, Equatorial Guinea, Ấn Độ, Iran, Iraq, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Madagascar, Mali, Mông Cổ, Mozambique, Namibia, Nicaragua, Pakistan, Senegal, Nam Phi, Nam Sudan, Sri Lanka, Sudan, Tajikistan, Tanzania, Uganda, Việt Nam và Zimbabwe.
Các quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ: Afghanistan, Albania, Andorra, Antigua-Barbuda, Argentina, Úc, Áo, Bahamas, Bahrain, Barbados, Bỉ, Belize, Benin, Bhutan, Bosnia-Herzegovina, Botswana, Brazil, Brunei, Bulgaria, Cape Verde, Campuchia, Canada, Chad, Chile, Colombia, Comoros, Costa Rica, Cote D'Ivoire, Croatia, Cyprus, Cộng hòa Czech, Cộng hòa Dân chủ Congo, Đan Mạch, Djibouti, Dominica, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Ai cập, Estonia, Fiji, Phần Lan, Pháp, Gabon, Gambia, Georgia, Đức, Ghana, Hy Lạp, Grenada, Guatemala, Guyana, Haiti, Honduras, Hungary, Iceland, Indonesia, Ireland, Israel, Ý, Jamaica, Nhật Bản, Jordan, Kenya, Kiribati, Kuwait, Latvia, Lebanon, Lesotho, Liberia, Libya, Liechtenstein, Luxembourg, Malawi, Malaysia, Maldives, Malta, đảo Marshall, Mauritania, Mauritius, Mexico, Micronesia, Monaco, Montenegro, Myanmar, Nauru, Nepal, Hà Lan, New Zealand, Niger, Nigeria, Bắc Macedonia, Na Uy, Oman, Palau, Panama, Papua New Guinea, Paraguay, Peru, Philippines, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Qatar, Hàn Quốc, Cộng hòa Moldova, Romania, Rwanda, Saint Kitts-Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent-Grenadines, Samoa, San Marino, Sao Tome-Principe, Ả Rập Saudi, Serbia, Seychelles, Sierra Leone, Singapore, Slovakia, Slovenia, Quần đảo Solomon, Somalia, Tây Ban Nha, Suriname, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thái Lan, Đông Timor, Tonga, Trinidad & Tobago, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Tuvalu, Ukraine, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Uruguay, Vanuatu, Yemen, Zambia.
Các quốc gia không tham gia bỏ phiếu: Azerbaijan, Burkina Faso, Cameroon, Equatorial Guinea, Eswatini, Ethiopia, Guinea, Guinea-Bissau, Morocco, Togo, Turkmenistan, Uzbekistan, Venezuela.
Ngày 3/3, tại họp báo thường kỳ, trả lời báo chí về việc bỏ phiếu của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói "quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine".
"Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế."
Trước đó, một nhà báo của BBC News (tiếng Anh), chuyên về châu Á nói với BBC News Tiếng Việt rằng khả năng cao là Myanmar "ủng hộ Nga", và "Campuchia bỏ phiếu như Trung Quốc, vì thân Bắc Kinh", nhưng phỏng đoán này đã không đúng.
Việt Nam khác biệt đa số thế giới về ngôn từ
Tên của nghị quyết là về "hành động gây hấn của Nga chống lại Ukraine (Russia's "aggression against Ukraine) không được báo chí Việt Nam đăng tải sớm ngày 03/03/2022.
Các báo chính thống do Đảng CSVN kiểm soát kiên trì dùng ngôn từ khác các đài báo quốc tế, và chỉ gọi đó là "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.
Đài báo Việt Nam cũng không đăng ảnh trẻ em, thường dân Ukraine bị giết vì bom đạn Nga và thường xuyên trích dẫn lập luận của các đài do chính quyền Nga quản lý: RT, Sputnik để giải thích về cuộc chiến.
Ví dụ, trang VnExpress mới nhất có bài chạy tựa "Ngoại trưởng Nga: Phải hành động vì Ukraine định sở hữu vũ khí hạt nhân".
Tuy thế, cựu tổng biên tập tờ báo này, ông Thang Đức Thắng, người từng du học ở Liên Xô cũ có bài dường như ủng hộ Ukraine viết trên trang Facebook cá nhân.
Điều này cho thấy trong dư luận Việt Nam, kể cả trong giới từng học tiếng Nga hoặc du học ở Liên Xô cũ, có quan điểm khác nhau về cuộc chiến Nga đánh Ukraine.
Có ý kiến của giới quan sát quốc tế cho rằng không có chuyện Liên bang Nga "gây sức ép" lên Việt Nam về chuyện bỏ phiếu, vì các nước mua vũ khí của Nga như Indonesia, Myanmar đều sẵn sàng ủng hộ nghị quyết LHQ vừa qua.
Vấn đề chính là ở Việt Nam có tồn tại một "lobby tự nguyện ủng hộ ông Putin", thể hiện rất rõ trên mạng xã hội.
Các đại sứ và người đứng đầu các tổ chức nước ngoài đến đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội để thể hiện sự ủng hộ với chính phủ và người dân nước này
Mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không có tính ràng buộc, nhưng có sức nặng chính trị.
Nga phủ quyết một nghị quyết tương tự, mặc dù có ràng buộc pháp lý, tại Hội đồng Bảo an vào ngày 25 tháng 2.
Sau đó, Ukraine và những nước ủng hộ đã giành được sự chấp thuận cho một phiên họp đặc biệt khẩn cấp - lần đầu tiên kể từ năm 1997 - để cố gắng nêu rõ sự phản đối đối với cuộc xâm lược của Nga.
Sau gần một tuần, Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu lật đổ chính phủ Ukraine, nhưng đã vấp phải phản ứng dữ dội chưa từng có từ phương Tây và nhiều quốc gia khác như Singapore.
Người Ukraine 'thất vọng' nhưng vẫn cố gắng giúp đồng bào của họ
Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội, bà Nataliya Zhynkina đã bày tỏ trên trang Facebook, bằng tiếng Việt:
"Trong số tất cả các thành viên ASEAN chỉ có Việt Nam và Lao đã bỏ phiếu trắng. Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi, tôi rất thất vọng."
Còn tại Việt Nam những ngày qua, trước cảnh chiến tranh đang diễn ra tại quê nhà, những người Ukraine sống tại Hà Nội dùng các kênh mạng xã hội có thể để đưa tiếng nói của mình tới cộng đồng quốc tế nhằm kêu gọi sự ủng hộ của càng nhiều người càng tốt.
Trên trang Facebook của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội ngày 28/02, bà Nataliya Zhynkina đã gặp gỡ một số đại sứ và người đứng đầu các tổ chức nước ngoài tại Hà Nội.
Tại buổi tiếp, các nhà ngoại giao Ukraine được khuyến khích đeo khẩu trang có logo của EU cùng các vị khách châu Âu khác với lí do "Ukraine là một phần của chúng tôi và chúng tôi muốn Ukraine ở lại EU" như lời của Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu EU Ursula von der Leyen nói gần đây.
Được biết cộng đồng người Ukraine tại Hà nội sẽ tổ chức một hội chợ từ thiện vào ngày thứ bảy 05/03, nhằm gây quỹ giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn tại Ukraine. Ban tổ chức thông báo công dân Nga và Belarus không được phép tham dự sự kiện này.
Hai nước này đã tổ chức cuộc xâm lăng vào Ukraine từ 24/02 với Nga đóng vai chính còn Belarus cung cấp địa bàn, phương tiện, và có thể đã cho số ít quân tham gia đánh Ukraine cùng Nga, theo một số báo châu Âu.
Hiện nay, có khoảng 2000 người Ukraine đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhưng phần lớn ở các thành phố du lịch như Nha Trang, Vũng Tàu.
Bà Julia Davigora, một nhiếp ảnh gia hiện đang sinh sống tại Hà Nội đăng trên mạng xã hội lời kêu gọi.
"Các công dân Việt Nam, xin các bạn hãy đăng bài này nhiều lần nhất có thể!"
"Tôi đến từ Ukraine. Tôi đã sống ở Việt Nam trong 3 năm rưỡi qua và đã nghe rất nhiều điều tốt đẹp về Ukraine từ người dân địa phương. Có những người hay nói về những người phụ nữ xinh đẹp của chúng ta, có người nói về thức ăn của chúng ta."
Một số người đã nói với tôi rằng chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia của chúng tôi (bạn có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm từ Ukraina ở mọi cửa hàng). Nhiều người Việt đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về bạn bè và gia đình của họ khi họ đi du lịch ở Ukraina, hoặc sống ở đó trong nhiều năm. Giống như tôi, là một người Ukraina sống ở Việt Nam, những điều này đã mang các nền văn hóa của chúng ta đến gần nhau hơn.
"Hôm nay lòng tôi đầy đau thương, xót xa cho Tổ quốc, cho gia đình và bạn bè. Ở thành phố của tôi, Kiev, có những vụ nổ mỗi ngày. Mẹ và chị gái tôi đã tị nạn trong 6 ngày qua, đã phải trốn khỏi nhà của họ. Bạn tôi ngủ trên sàn bê tông trong các tầng hầm và hầm tránh bom trong suốt mùa đông (bạn hãy tưởng tượng trời đang lạnh thế nào.) Bạn tôi đang ĐI BỘ đến biên giới Ba Lan, vì tình trạng kẹt xe kéo dài nhiều ngày. Giao thông không hoạt động, máy ATM thì không; họ hết tiền mặt, thực phẩm sắp hết, hiệu thuốc cũng đóng cửa."
"Tôi không nói về chính trị. Tôi muốn nói về những người đang gặp nguy hiểm, sợ hãi, đau đớn. Những người đang đấu tranh chỉ để sống, để bảo vệ gia đình của họ. Những người mẹ và người cha, sợ hãi rằng con cái của họ sẽ bị giết. Tôi nói về sự ủng hộ, cảm thông và niềm tin.
"Tôi muốn bạn biết tình hình đang khó khăn thế nào đối với chúng tôi. Tôi đã thấy một số người nói đùa về tình hình ở Ukraine. Xin làm ơn hãy hiểu và có tình người. Chúng tôi là con người, giống như bạn. Chúng tôi muốn những điều bạn muốn: cho gia đình của chúng tôi được sống, cho bạn bè của chúng tôi được hạnh phúc, cho đất nước của chúng tôi được tự do. Chúng tôi không đáng phải chịu đựng nỗi kinh hoàng này. Người Việt Nam vốn rất tốt với tôi. Tôi biết rằng bạn quan tâm."
Sau đó, bà nói về phiên chợ từ thiện vào thứ Bảy 05/03 ở Hà Nội và nói họ sẽ "tổ chức quyên góp tiền và sự chú ý để ủng hộ người dân Ukraine".
"Chúng tôi xin mời các nhà báo, kênh truyền hình, blogger, nghệ sĩ, nhà quay phim và tất cả những ai QUAN TÂM!"
Tuy thế không rõ là các sự kiện như thế này có được nhà chức trách ở Hà Nội cho phép hay là không.
Thái độ ở Việt Nam?
Thái độ chung của xã hội và chính thể Việt Nam về khủng hoảng Ukraine cho đến nay là không rõ ràng, dù phát biểu gần đây của Đại sứ Đặng Hoàng Giang ở LHQ có khác ngôn từ của các báo chính thống (xem thêm).
Việc ứng xử chung của các tổ chức vận động quần chúng chính thống ở Việt Nam cũng khác khi so với cả những quốc gia có chính quyền ủng hộ Nga về chính trị trong vấn đề Ukraine.
Chẳng hạn, ở Hungary, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, dù chính phủ hoặc tỏ ra thân thiện, hoặc né tránh phê phán trực diện chính quyền Nga vì các lý do khác nhau, mọi hoạt động cứu trợ nhân đạo cho người Ukraine được phép thực hiện và được hỗ trợ bởi nhà nước, các hãng hàng không quốc gia.
Các nhân vật thể thao trên thế giới, kể cả những ngôi sao tennis Nga như Daniil Medvedev, Andrey Rublev, Anastasia Pavlyuchenkova đều lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Ukraine.
Việt Nam hầu như chưa thấy tiếng nói trên báo chí nhà nước của các văn nghệ sĩ, ngôi sao điện ảnh, thể thao, doanh nhân giàu có về vấn đề này.
Còn ở trên Facebook, nhiều luồng quan điểm khác nhau về Ukraine và Nga cũng được bộc lộ, như theo phản ánh của BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60597042
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét