Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

Dầu mỏ Nga ‘ngấm’ cấm vận: Tồn kho tăng, xuất khẩu khó

Việc Nga bị khoảng 30 nước phương Tây cấm vận triệt để đồng thời gây sức ép với hàng trăm nước khác ép buộc họ phải tham gia cấm vận Nga chắc chắn sẽ làm Nga điêu đứng. Đây là cái giá phải trả của những người và những quốc gia dám đứng lên phản đối trật tự thế giới bất công, phi lý để tự bảo vệ mình. Nhìn Nga bị cấm vận, mình lại nhớ lại cuộc đời mình. Từ năm cấp 2 đến khi về hưu, thậm chí cả sau khi đã nghỉ hưu, mình thường có ý kiến độc lập và thường không ngại công khai thể hiện chính kiến của mình. Thế nên mình luôn luôn bị cô lập, chỉ có rất ít bạn thân. Tuy nhiên, ngạc nhiên là trong điều kiện như vậy, mình vẫn liên tục thành công, thăng tiến và thoải mái. Hồi lớp 5 (hệ phổ thông 10 năm), mình được bầu làm lớp trưởng, nhưng rồi mình liên tục mâu thuẫn với cô giáo chủ nhiệm về cách điều hành lớp nên chỉ sau một học kỳ đã bị mất chức; tuy nhiên càng về sau cô càng quý và nhớ mình, hay nhắc tới mình mỗi khi có học sinh cũ tới thăm. Lên cấp 3, mình cũng bất đồng với giáo viên chủ nhiệm kiêm dạy toán (ông này lúc đó được nhiều bằng khen, lớp mình được Bộ Giáo dục khen là 1 trong 2 lớp xuất sắc nhất của Miền Bắc, là tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa, nhiều lần được báo Người giáo viên nhân dân đăng bài khen ngợi), dẫn tới đấu tranh làm ông ta bị mất chức; nhà trường phải điều chuyển một giáo viên khác rất hiền lành làm chủ nhiệm thay và mặc kệ cho lớp tự quản. Đồng thời mình cũng vận động đưa được một giáo viên khác thân với mình và rất giỏi thay ông ta dạy toán cho lớp mình. Hậu quả là ông chủ nhiệm cũ tẩy chay lớp mình; tất cả các kỳ hội lớp trong mấy chục năm qua, dù được long trọng kính mời nhưng không bao giờ ông ta đến dự. Đi học thêm lúc ôn thi đại học, mình vừa nhập học đã tổ chức anh em đuổi cổ ông cai đầu dài tổ chức lớp học kiếm lợi nhuận, và đuổi các thầy do ông ta mời. Tự mình đứng ra tổ chức lại lớp học, tự mình thu tiền học phí và chia hết cho các thầy mới do chính mình mời về dạy. Lên đại học cũng vậy, mình vi phạm nhiều quy định của trường, không chấp hành chỉ đạo của khoa phải về 1 nhà máy thực tập (nhà máy Hải Châu) mà dẫn cả đoàn sinh viên lên Ủy ban phân vùng kinh tế trung ương thực tập, làm cho các thầy nổi đóa, cả khoa náo loạn. Tuy nhiên, chủ nhiệm khoa và các thầy cô vẫn rất quý mình nên mình là 1 trong 3-5 sinh viên giỏi nhất của lớp 67 người được làm luận văn tốt nghiệp và được các thầy cô giới thiệu với GS Hoàng Tụy, viện trưởng Viện toán học Việt Nam để mình xin vào đó làm việc, bất chấp Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã vào trường lấy hồ sơ mình để định đưa mình về đó làm việc. Khi đi làm thì kỳ họp nào cũng bị nhận xét không hòa nhập với anh em cơ quan và phát ngôn bừa bãi gây dư luận xấu. Sang Pháp làm luận án tiến sĩ thì cãi nhau với giáo viên, dọa bỏ học về nước, làm nhà trường phải thay giáo viên hướng dẫn mới cho mình để cuối cùng mình cũng hoàn thành và bảo vệ xuất sắc luận án. Khi đã về hưu thì tổ chức xuống đường đấu tranh với chủ đầu tư và Chủ tịch Hà Nội về quy hoạch khu Đoàn ngoại giao nơi mình ở và chặn làn, phản đối thu phí BOT tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài. Lập Blog toithichdoc.blogspot.com để tuyên truyền quan điểm cá nhân đến nay đã có hơn 15,2 triệu lượt đọc. Ngoài ra còn nhiều vụ việc khác không thể kể hết. Có điều cuối đời nhìn lại, mình thấy những cuộc đấu tranh đó đã giúp mình thành công; các thầy cô giáo, anh em bạn bè đồng nghiệp và nhiều người khác dù có thể không thích nhưng cũng kiêng nể và cuối cùng nhiều người cũng ủng hộ mình. Thậm chí chính quyền cũng "có vẻ rất NỂ và SỢ anh thì phải" như nhiều người nói và viết cho mình (câu "có vẻ rất NỂ và SỢ anh thì phải" do một cô mới viết cho mình cách đây đúng 1 tháng khi mình can thiệp với chính quyền giúp cô một việc). Từ kinh nghiệm đời mình, mình thấy nước Nga có thực lực và chính nghĩa nên không việc gì phải sợ, cứ việc mình mình làm, khó khăn do cấm vận rồi sẽ qua; nước Nga sẽ trường tồn mãi mãi. Ngược lại, nếu người Nga hèn nhát, không dám phản kháng, thì chắc chắn sẽ đến lúc tổ quốc của họ bị tan ra làm nhiều nước nhỏ, mà khi đã nhỏ thì sẽ càng hèn nhát và bị các nước phương Tây điều khiển.
Dầu mỏ Nga ‘ngấm’ cấm vận: Sản lượng giảm, tồn kho tăng, xuất khẩu khó
17/04/2022 Ngành dầu mỏ của Nga, ngành kinh tế quan trọng bậc nhất, đem lại nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nga, đang gặp phải những thách thức nhất định, khi khách hàng phương Tây xa lánh dòng dầu của Nga.
Nhà máy lọc dầu ở vùng Omsk thuộc Nga. Ảnh: Reuters
Chiến dịch quân sự mà Tổng thống Vladimir Putin phát động ở Ukraine đang gây tác động cho chính ngành kinh tế then chốt của Nga: Các kho chứa dầu đang ở mức gần tuyệt đối; hạ tầng cùng với làn tuyến logistics không cho phép Nga xuất khẩu toàn bộ lượng dầu thô bị phương Tây xa lánh sang các nước như Trung Quốc, Ấn Độ; các nhà máy lọc dầu buộc phải giảm công suất, do sản phẩm làm ra phải chất kho. Hệ quả tất yếu là các công ty dầu mỏ Nga đang phải cắt giảm sản lượng khai thác.

Thực tế này diễn ra tại thời điểm Nga – nhân tố chủ chốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), được phép nâng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày theo thỏa thuận của liên minh, nằm trong kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ đã thống nhất.

Nga vẫn thu được khoản tiền lớn từ xuất khẩu dầu mỏ, nhờ vào giá dầu tăng cao. Ngành kinh tế này của Nga vẫn chưa chính thức bị trừng phạt, ngoại trừ Mỹ và Anh ban hành lệnh cấm mang tính biểu tượng vì không phải là nước nhập khẩu chính. Trước thời điểm nổ ra cuộc chiến, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là đầu mối nhập khẩu lớn, tiêu thụ 48% dầu thô xuất khẩu của Nga.

Nhưng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều khách hàng châu Âu đã tìm cách “né” dầu thô Nga. Xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt mang lại 45% tổng thu ngân sách cho Nga. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), riêng xuất khẩu dầu thô mang về cho Nga khoản thu 700 triệu USD/ngày.

Tiền vẫn chảy về phía Nga, nhưng ngành dầu mỏ của nước này đã cho thấy tín hiệu suy yếu do các vòng trừng phạt của phương Tây bắt đầu ngấm hiệu lực. Tình hình có thể sẽ còn tệ hơn trong những tháng tới khi ngày càng có nhiều khách hàng né tránh dầu thô và các sản phẩm từ dầu thô của Nga.

Dữ liệu do Energy Intelligence cung cấp cho thấy xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ của Nga trong 10 ngày đầu tháng 4 này đạt ngưỡng sản lượng 10,365 triệu thùng/ngày, thấp hơn 600.000 thùng/ngày so với mức trung bình trong tháng 3, với 10,996 thùng/ngày.

Còn theo đánh giá dự báo của IEA, nguồn cung và xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ tiếp tục xuống thấp, với mức suy giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4, khi cấc nhà máy lọc dầu cắt giảm quy mô hoạt động, còn khách hàng tiếp tục có xu hướng né tránh nguồn dầu từ Nga, khiến mức tồn kho tại Nga tăng. Từ tháng 5 trở đi, sản lượng khai thác của Nga có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày do tác động từ các lệnh trừng phạt quốc tế cũng như hành động “tự cấm vận” của nhiều khách hàng.



Cú “đình công” của khách mua hàng bắt đầu gây tác động, buộc một số nhà máy lọc dầu của Nga hoạt động cầm chừng. Theo Torbjorn Tornqvist, giám đốc điều hành hãng Gunvor, điều này đồng nghĩa với việc Nga sẽ phải xuất khẩu nhiều hơn dầu thô thay vì các sản phẩm lọc dầu, xăng dầu thành phẩm và điều này là không thể, khiến sản lượng khai thác của Nga sụt giảm.
ADVERTISING


Trong thư gửi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mà tờ Kommersant (Thương gia) tiếp cận được hồi tháng trước, Vagit Alekperov – Chủ tịch hãng Lukoil, tập đoàn dầu mỏ lớn thứ hai tại Nga, cho biết sản lượng giao hàng của tập đoàn giảm, tồn kho sản phẩm xăng dầu tăng. Lãnh đạo Lukoil đề xuất hướng xử lý điều chuyển một phần lượng nhiên liệu này tới các nhà máy phát điện, nhằm tránh quá tải đối với năng lực kho chứa hệ thống.

Giới chuyên gia nhận định Nga không có được hệ thống kho chứa đủ lớn để lưu trữ dầu và các sản phẩm xăng dầu khi thị trường có biến động không thuận. Vì thế, khi đối diện với “các cuộc đình công” của khách hàng nhập khẩu, Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài giảm sản lượng dầu khai thác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tự tin khẳng định Nga có thể tìm kiếm những khách hàng mới ở châu Á. Số này, đặc biệt là các đầu mối nhập khẩu ở Trung Quốc và Ấn Độ, đang đặt mua nhiều lô dầu thô của Nga mà phương Tây xa lánh. Nhưng những rào cản về logistics, chi phí vận tải cao, rủi ro bảo hiểm, bảo lãnh ngân hàng cùng với rắc rối trong phương thức thanh toán khiến khách hàng châu Á không thể đứng ra mua toàn bộ lượng dầu thô mà từ trước đến nay Nga vẫn thường xuất bán sang thị trường châu Âu.
Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Oilprice)
https://baotintuc.vn/the-gioi/dau-mo-nga-ngam-cam-van-san-luong-giam-ton-kho-tang-xuat-khau-kho-20220417151727616.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét