Mỹ cảnh báo đáp trả nếu Trung Quốc đặt căn cứ tại Solomon
Nhà Trắng đã thông báo phái đoàn cấp cao của Mỹ nói với lãnh đạo Quần đảo Solomon rằng. Hiệp ước họ ký gần đây với Trung Quốc "có tác động tiềm tàng đến an ninh khu vực". Đối với Washington cùng các đồng minh."Phái đoàn lưu ý nếu các bước được triển khai nhằm thiết lập hiện diện quân sự thường trực, khả năng phô diễn sức mạnh quân sự hoặc triển khai căn cứ quân sự trên thực tế, Mỹ sẽ bày tỏ quan ngại sâu sắc và đưa ra đáp trả tương ứng", Nhà Trắng cho biết.
Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell và trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới bang Hawaii, Fiji, Papua New Guinea và Quần đảo Solomon trong tuần này.
Phái đoàn Mỹ tới quần đảo Solomon một ngày sau khi Trung Quốc xác nhận ký hiệp ước an ninh diện rộng với quốc đảo Thái Bình Dương. Hiệp ước được đánh giá là một phần trong nỗ lực giành ảnh hưởng ngoại giao và định vị chiến lược của Trung Quốc trên khắp Thái Bình Dương, cũng như các tuyến thương mại của nước này.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare trấn an Mỹ cùng đồng minh Australia rằng thỏa thuận với Trung Quốc không bao gồm thiết lập bất cứ căn cứ quân sự nào.
"Ông Sogavare nhắc lại đảm bảo cụ thể rằng sẽ không có căn cứ quân sự, hiện diện quân sự lâu dài và khả năng phô diễn sức mạnh quân sự", Nhà Trắng cho biết. "Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến với sự tham vấn các đối tác trong khu vực".
Trong cuộc gặp kéo dài 90 phút với Thủ tướng Sogavare và khoảng 20 thành viên nội các Quần đảo Solomon, phái đoàn Mỹ thảo luận về xúc tiến mở đại sứ quán tại quốc đảo Thái Bình Dương, cũng như hỗ trợ chăm sóc y tế, cung cấp vaccine và tăng cường quan hệ giữa người dân hai nước.
Trung Quốc ngày 19/4 thông báo đã ký thỏa thuận khung về hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon, đồng thời cáo buộc các nước phương Tây "cố tình thổi phồng căng thẳng" về hiệp ước. Trung Quốc khẳng định hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon "là trao đổi và hợp tác bình thường giữa hai quốc gia độc lập có chủ quyền".
Theo dự thảo thỏa thuận an ninh được tiết lộ hồi tháng 3, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Trung Quốc cũng có thể triển khai "các lực lượng thích hợp" để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Quần đảo Solomon.
Thỏa thuận này cũng nêu rõ Quần đảo Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp của nước này tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh. Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia, cả hai sẽ không được phép tiết lộ các nhiệm vụ này.
Thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon được đàm phán trong bối cảnh quan hệ hai bên ngày càng được nâng cao. Quần đảo Solomon tuyên bố cắt quan hệ với đảo Đài Loan sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Sogavare và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Quần đảo Solomon và miễn thuế cho 97% hàng hóa xuất khẩu từ quần đảo này.
Mỹ và Australia từ lâu lo ngại khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân của nước này triển khai sức mạnh vượt xa biên giới. Bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đều có thể buộc Australia và Mỹ phải thay đổi phương án quân sự trong khu vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét