Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

VinFast có ‘đấu’ nổi Tesla trên đất Mỹ?

Bài này quảng cáo cho Vingroup. Tôi có rất ít hy vọng vào sự thành công của VinFast trên đất Mỹ, vì hai lý do. Một là Vượng nổi tiếng trong lĩnh vực câu kết với quan chức nhà nước để thâu tóm và làm giầu trên đất đai chứ không làm ăn được gì trong các lĩnh vực khác. Hai là về cơ bản Vin group đã bị nhà nước khống chế, biến thành một doanh nghiệp gần như doanh nghiệp nhà nước, mà doanh nghiệp nhà nước đã kinh doanh thì chỉ có thua lỗ. Tôi không tin lời ông Michael Lohscheller, cựu Giám đốc điều hành VinFast giới thiệu những lợi thế cạnh tranh đến từ sự khác biệt của VinFast: "đó là dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng tận tâm, chu đáo". Cứ nhìn VinFast bán xe ở VN thì rõ. Sợ rằng để Vượng đem nhiều tỷ USD ra nước ngoài đầu tư kinh doanh rồi sẽ mất hết; tiền này cũng là tài sản quốc gia, rất tiếc. Dĩ nhiên, đây còn là giả định không có chuyện Vượng làm cách đầu tư này để giúp các nhóm lợi ích chuyển tài sản riêng ra nước ngoài.
VinFast có ‘đấu’ nổi Tesla trên đất Mỹ?
Phạm Sơn - 29/04/2022 TheLEADERTừng bước xây dựng chỗ đứng tại thị trường Mỹ, VinFast nhận được nhiều đánh giá tích cực về năng lực cạnh tranh khi phải "so găng" với nhiều ông lớn ngành xe hơi, đặc biệt là ông trùm xe điện Tesla.

VinFast gây ấn tượng mạnh mẽ tại CES 2022.
Tesla bắt tay xây dựng những viên gạch đầu tiên khi cả thế giới vẫn coi xe điện là một thứ gì đó hoang đường và điên rồ. Đến nay, thị trường xe điện dù mới chỉ bằng một phần nhỏ của xe xăng nhưng tương lai điện khí hóa giao thông vận tải đang ngày càng trở nên rõ nét.

Các đối thủ truyền thống trong ngành xe hơi đang phải gấp rút lên kế hoạch chuyển đổi sang xe điện, chạy theo xu thế mà trước đó họ cho là “không tưởng”. Mức vốn hóa trên nghìn tỷ USD của Tesla cũng khiến nhiều ông lớn như Volkswagen, BMW, Toyota, General Motors… phải “đỏ con mắt”.

Sau gần 20 năm kể từ khi Tesla ra đời, thế giới lại chứng kiến một sự “điên rồ” khác, khi tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup quyết định dấn thân vào ngành công nghiệp ô tô. Nhiều người bày tỏ nghi ngờ về một chiêu trò “đánh tiếng” hay “lợi dụng niềm tự hào dân tộc”. Một chiếc xe ô tô được sản xuất ở quốc gia đang phát triển như Việt Nam là thứ quá xa vời, trong khi miếng bánh thị phần đã được định hình rõ nét bởi các ông lớn có lịch sử lên đến cả trăm năm.

Có sự khởi đầu tương đối thành công với những mẫu xe đầu tiên luôn lọt vào top bán chạy tại thị trường Việt Nam, VinFast tiếp tục những tham vọng “điên rồ” bằng việc tấn công thị trường Mỹ, châu Âu, tuyên bố ngừng sản xuất xe xăng, lên kế hoạch niêm yết và xây nhà máy tại Mỹ.

Những động thái của VinFast gây được tiếng vang trên thế giới, đặc biệt khi ra mắt 5 mẫu xe điện tại Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES) 2022. Trong suốt sự kiện, báo giới quốc tế đã dành nhiều giấy mực để phân tích, mổ xẻ chiến lược của VinFast.

Việc chuyển đổi sang xe điện được Nikkei Asia Review đánh giá là điều dễ hiểu, bởi thị trường xe chạy xăng truyền thống vốn đang chật chỗ và xe điện cần ít linh kiện hơn so với xe xăng.

Tuy nhiên, tham vọng trở thành hãng xe toàn cầu của VinFast được Forbes đánh giá là khá táo bạo. Câu hỏi được đặt ra là liệu tay chơi mới, xuất thân từ quốc gia chưa có gì nổi bật về công nghệ liệu có thể “so găng” với những gã khổng lồ? Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra nhưng chưa ai thực sự phủ nhận khả năng về câu chuyện “tay không mà nổi cơ đồ”.

Có gì ở thị trường Bắc Mỹ

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ Vingroup, từng nói muốn VinFast kinh doanh xe hơi thành công “không chỉ cho công ty mà còn cho đất nước”. Tại thị trường Việt Nam, với vai trò doanh nghiệp tiên phong, VinFast cũng nhận được nhiều sự quan tâm và đồng hành của Chính phủ.

Tuy nhiên, dù rót khoản đầu tư khổng lồ cho cơ sở hạ tầng phục vụ xe điện trong nước nhưng VinFast đang thực sự tập trung vào thị trường quốc tế, đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ.

Nhiều năm trước, chủ tịch Honda từng lý giải về sự phụ thuộc của tập đoàn này vào thị trường Bắc Mỹ là “không một hãng xe nào có thể tồn tại nếu không kiếm được tiền từ thị trường Bắc Mỹ hoặc nội địa”. Như vậy, đối với VinFast, việc kinh doanh tại Mỹ là điều tất yếu, khi thị trường Việt Nam vẫn còn cần nhiều thời gian để “làm quen” và “làm thân” với xe điện.

Sở hữu nhà máy tự động hóa công suất 250 nghìn xe mỗi năm, VinFast khẳng định có năng lực sản xuất lớn nhất ngành xe điện.

Tuy nhiên, tiến vào Mỹ, VinFast phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều hãng xe lớn, trong đó có Tesla, ông trùm mạnh nhất ngành xe điện, cũng là tập đoàn sản xuất xe có mức vốn hóa lớn nhất thế giới.

Tất nhiên, VinFast không hề “tay không bước vào cuộc chiến”. Trả lời phỏng vấn của tạp chí xe hơi uy tín Autohaus, ông Michael Lohscheller, cựu Giám đốc điều hành VinFast từng giới thiệu những lợi thế cạnh tranh đến từ sự khác biệt của VinFast.

Đó là dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng tận tâm, chu đáo. Khách hàng khi quan tâm đến xe VinFast sẽ được nhân viên mang xe đến tận nơi để thử và bảo dưỡng. VinFast cũng thiết kế dịch vụ cho mượn xe trong trường hợp phải bảo dưỡng dài ngày tại xưởng.

Năng lực sản xuất là yếu tố cạnh tranh được ông Lohscheller đề cập đến. Theo đó, VinFast chỉ mất trung bình 18 tháng để phát triển được một mẫu xe hơi mới, trong khi thời gian trung bình của ngành là khoảng 48 tháng.

Ông Lê Hoàng Long, Phó tổng giám đốc kinh doanh xe máy điện VinFast, tại một sự kiện về kinh tế xanh mới được tổ chức gần đây, cũng khẳng định “VinFast có năng lực sản xuất lớn nhất cả hiện tại và trong tương lai, so với các công ty xe điện toàn cầu”, với nhà máy sản xuất tự động lớn nhất khu vực có công suất 250 nghìn xe mỗi năm và các nhà máy đang lên kế hoạch xây dựng ở Mỹ và châu Âu.

Ông Michael Vousden, chuyên gia nghiên cứu xe hơi tại GlobalData, lại đánh giá cao chính sách cho thuê pin của VinFast và khẳng định chính sách này mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Cụ thể, việc tách viên pin vốn có giá trị cao ra khỏi giá bán giúp giá xe điện VinFast rẻ đi đáng kể, đồng thời xóa bỏ phần nào những lo ngại về sự cố.

Mức giá bán cạnh tranh là lợi thế. Tuy nhiên, khác biệt của VinFast so với các dòng xe giá rẻ nằm ở công nghệ, một yếu tố được nhiều trang báo uy tín về công nghệ xe hơi ghi nhận.

Trang tin tức công nghệ Slash Gear đánh giá cao khả năng vận hành của xe điện VinFast, với công suất, khả năng tăng tốc và phạm vi vận hành không thua kém so với xe xăng. Ngoài ra, nhiều công nghệ hiện đại khác được VinFast tích hợp trên chiếc xe của mình, thông qua hoạt động nghiên cứu của các thành viên Vingroup như VinES, VinAI, VinBigdata… cũng như hợp tác với các ông trùm công nghệ là ProLogium, Gotion Hightech, Cerence…

Slash Gear nhấn mạnh, để duy trì vị thế, Tesla cần thiết phải để mắt đến đối thủ mới là VinFast.

Hãng tin NBC từng khẳng định “về cơ bản, chưa có startup nào thành công khi bước chân vào thị trường Mỹ”. Tuy nhiên, NBC cũng dẫn lại lời ông Michael Dunne, Giám đốc công ty tư vấn toàn cầu ZoZo Go rằng, nếu công ty từ một quốc gia nào có thể làm được điều này, đó sẽ là Việt Nam.

VinFast đang là ứng cử viên sáng giá để hiện thực hóa nhận xét này. Với những phẩm chất của người Việt là “kiên cường và nhiều khát vọng” như lời khẳng định của ông Dunne, cùng chờ xem liệu hãng xe hơi đầu tiên của Việt Nam có thể trở thành ngôi sao sáng trong ngành xe điện toàn cầu.

https://theleader.vn/vinfast-co-dau-noi-tesla-tren-dat-my-1651152698097.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét