Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

Lương Ngọc An gửi đơn tố cáo nhà thơ Dạ Thảo Phương

Tôi không tin ông An! Nhìn cái mặt đã thấy bản tướng lưu manh, hung bạo. Dẫu có thể cô Phương thù ghét ông An vì một chuyện gì khác, nhưng tôi không tin cô Phương dám bịa ra chuyện chính mình bị cưỡng hiếp nhiều lần đến mang thai để hại ông ta. Dĩ nhiên, khi xảy ra chuyện đó cô Phương không tố cáo ngay là sai lầm. Nhưng cũng có thể ở thời điểm đó cô bị ràng buộc bởi nhiều thứ (sợ mất việc, sợ mang tiếng, sợ mất danh dự và sự nghiệp, và còn sợ cả những gì gì đó khác) nên cô không dám tố cáo; cho nên chúng ta cũng nên thông cảm với cô. Muộn còn hơn không, bây giờ cô lên tiếng là rất đúng; bằng chứng không đủ nhưng cô vẫn lên tiếng chứng tỏ bây giờ cô rất dũng cảm. Hành động của cô là nguồn động viên cho rất nhiều cô gái khác cũng trong hoàn cảnh như cô nhưng vẫn đang im lặng chịu đựng. Chế độ này không biết bảo vệ người yếu thế, nhất là những người yếu thế làm trong khu vực kinh tế nhà nước (cơ quan, đoàn thể nhà nước, doanh nghiệp nhà nước...), nơi kẻ có quyền là kẻ độc tài quyết định số phận và cả sinh mạng của người lao động. Thời nay độc tài đã đỡ, nhưng thời bao cấp thì khủng khiếp.
Phó TBT Lương Ngọc An gửi đơn tố cáo nhà thơ Dạ Thảo Phương
14/04/2022 - Xác nhận với VietNamNet, ông Lương Ngọc An – Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ cho hay, ông báo cáo sự việc liên quan tới bà Dạ Thảo Phương lên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. "Tôi đã làm đơn tố cáo lên công an vì thấy mình đang bị bà Dạ Thảo Phương vu khống'' - ông Lương Ngọc An nói với VietNamNet.
Nhà thơ Dạ Thảo Phương và ông Lương Ngọc An.
Trên trang cá nhân, ông Lương Ngọc An cũng có những chia sẻ dài. Ông viết: ''Hơn một tuần qua với tôi thật dài. Sững sờ trước những gì diễn ra vào buổi tối 6/4 không phải chỉ vì tên mình, hình ảnh của mình, cùng những bài thơ vô tội đang bị đem ra mổ xẻ, phê phán một cách gay gắt trên mạng xã hội; mà còn bởi vì tôi không hiểu nổi vì sao bỗng dưng lại xảy ra chuyện đó. Một câu chuyện tôi không muốn nhắc lại thêm một lần nữa không phải chỉ vì sự đúng sai, bởi dù đúng hay sai thì cũng chẳng vui vẻ gì.

Tôi đã từng trả giá cho những sai lầm của mình từ hơn 20 năm qua. Suốt hơn 20 năm qua, ai dám bảo sự im lặng là không có sóng. Giữa cái lý với cái tình, khi không thể đồng hành thì tránh đi chẳng phải tốt hơn sao. Trả lời báo chí: “Không biết nói gì lúc này” không phải là né tránh, mà là muốn nghĩ kỹ hơn về chuyện này và chọn thời điểm thích hợp để bớt tổn thương những người không có liên quan.

Vì câu chuyện này mà gia đình, người thân, bạn bè cũng phải chịu đựng bao uất ức, áp lực từ dư luận trên mạng xã hội. Mà uất ức ấy, áp lực ấy có đáng không? Tệ hơn nữa, có những người xưa nay chẳng oán thù gì bỗng nhân chuyện này mà nhảy ra nói những điều oan nghiệt, dựng chuyện vu khống chẳng ngượng mồm. Bất nhân quá. Chuyện người ta có thể giết nhau bằng lời nói là có thật. Nhưng có lẽ chết vì lời thì không dễ thế.

Với tôi, cái đáng sợ không phải là đối mặt với sự thật, vì điều đó đã diễn ra từ hơn 20 năm qua rồi. Điều mà tôi không muốn là sự tổn thương của những người không đáng bị tổn thương khi nhắc lại chuyện này. Đã có những người bạn khuyện tôi nên giải quyết câu chuyện theo cách mà họ cho là đúng. Có nhiều người không phải bạn bè cũng đề xuất những giải pháp hết sức khách quan. Tôi đã lắng nghe, và nhận thấy để hài hòa tất cả, thì không gì bằng dùng ý của người xưa: Cái lý lớn nhất cũng chính là cái tình lớn nhất, tôi xin cảm ơn thịnh tình của tất cả mọi người. Tôi cũng xin lỗi những người bạn đã vì tôi mà bị xúc phạm những ngày qua. Xin lỗi cơ quan, gia đình đã vì chuyện này mà xáo trộn, vất vả. Tôi xin được giải quyết việc này theo cách tôi cho là cần thiết''.

Trước đó, nhà thơ Dạ Thảo Phương (tên thật là Phan Thị Thanh Thúy) công tác tại Báo Văn nghệ từ tháng 9/1996 với vị trí phóng viên, rồi biên tập viên đã gửi thư ngỏ tố cáo hành vi cưỡng hiếp của ông Lương Ngọc An đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong nội dung tố cáo gửi đến Hội Nhà văn Việt Nam, trong thời gian công tác tại Báo Văn nghệ, chị Dạ Thảo Phương cho rằng đã "nhiều lần bị thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức" từ năm 1999. Trong đó, vụ việc xảy ra vào trưa ngày 14/4/2000 đã được nhiều người chứng kiến.

"Trưa ngày 14/4/2000, khi tôi đang ở một mình trong phòng biên tập Văn nghệ Trẻ, Lương Ngọc An đã xông vào có ý định cưỡng hiếp tôi. Tôi chống cự trong hoảng loạn và kêu cứu. Sự việc này đã được các nhân chứng thuật lại trong bản tường trình gửi báo Văn nghệ vào ngày 20/4/2000”, chị Phương kể lại trong thư ngỏ tố cáo.

Trong đơn Dạ Thảo Phương cũng cho biết, lý do đến tận bây giờ mình mới lên tiếng vì: “Tôi cần phải lên tiếng. Đó là một đòi hỏi bức thiết của cá nhân tôi, với tư cách là một nạn nhân khổ đau oan ức, cũng là một đòi hỏi của thực tế xã hội đối với trách nhiệm của một công dân, đòi hỏi của lương tri đối với một người cầm bút”.

Sau đơn tố cáo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xác nhận trên Infonet đã trả lời Dạ Thảo Phương bằng email. “Ban chấp hành Hội nhà văn nhận thấy không có cơ sở thoả đáng cũng như thẩm quyền để xử lý hành chính lại vụ việc xảy ra năm 2000 tại Báo Văn nghệ.... Bà nên gửi đơn, thư tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền', thư đại diện Hội Nhà văn Việt Nam trả lời nhà thơ Dạ Thảo Phương.

Tình Lê
https://vietnamnet.vn/da-thao-phuong-luong-ngoc-an-lam-don-to-cao-len-cong-an-2009288.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét