Bắt các lãnh đạo cấp cao tham nhũng trước hội nghị Trung ương 5 có thể hiện quyết tâm của Đảng?
Thanh Trúc 2022.04.19 - Hàng loạt viên chức cấp cao cùng nhiều tướng tá quân đội Việt Nam bị khởi tố và bị bắt tạm giam về tội tham nhũng, nhận hối lộ… thu hút sự quan tâm của công chúng và giới quan sát.Có hai mặt trong một vấn đề, và cũng phải nói rằng trong bộ máy cầm quyền không phải ai cũng xấu hết, là nhận định của ông Lê Thân, Nhóm Nhân sĩ Trí thức Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, tổ chức chuyên có những kiến nghị xây dựng đối với chính phủ:
“Thế thì chuyện ông Tô Văn Dũng (Thứ trưởng Ngoại giao) lợi dụng cái khó khăn, bức xúc, sống chết của người dân Việt Nam ở ngoài cần vê quê hương, chèn ép người ta để lấy tiền thì cái đó vô nhân đạo quá. Chuyện nó công khai quá rồi thì bây giờ giá nào cũng phải làm thôi. Trước đây tôi vẫn nghĩ nó chỉ tới Cục Lãnh Sự thôi, nhưng giờ lên đến Thứ trưởng rồi. Một Thứ trưởng mà ăn cái kiểu đó thì thôi.”
“Về vấn đề Cảnh sát biển, tức vừa rồi hai ông trung tướng, ba ông thiếu tướng rồi mấy ông cấp tá nữa…thực chất cũng là tham nhũng mà không chừng có vụ án kinh tế nữa. Một lực lượng bảo vệ vùng biển mà tham nhũng kiểu đó thì thôi, làm sao mà bảo vệ được đất nước, nhất là trong tình hình hiện nay”.
Ông Lê Thân cho rằng Việt Nam nhận thấy nếu để tham nhũng hoành hành đó là nguy cơ nên cần có quyết tâm làm sạch bộ máy Nhà nước. Chuyện đã trắng trợn quá mà không xử là không được, ông Lê Thân nhấn mạnh:
“Nhưng cái thứ hai là thể hiện quyết tâm lấy lại lòng tin cho nhân dân. Còn cứ tiếp tục đà tham nhũng này thì người dân nào tin nữa. Mà dân đã không tin thì chính quyền mất, chuyện đó là chuyện tất yếu”.
Những tin liên tục dạo gần đây về việc khởi tố, bắt tạm giam, cách chức thứ trưởng hoặc tướng, tá… tuy có vẻ rầm rộ nhưng không gây ngạc nhiên cho lắm, là lời của cựu binh, nhà báo tự do Võ Văn Tạo, một tiếng nói phản biện trong nước:
“Đây là những tin chấn động nhưng vì chúng ta biết mấy năm trở lại đây công cuộc chống tham nhũng dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đẩy mạnh. Số cán bộ cao cấp bên dân sự từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh, rồi Bí thư Tỉnh ủy trở lên Thứ trưởng, Bộ trưởng… rất là nhiều. Thậm chí lên đến cả Ủy viên Bộ Chính Trị như ông Đinh La Thăng chẳng hạn.”
“Nói gì thì nói đây cũng thể hiện một trong những quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng bởi vì tình hình tham nhũng trong bộ máy đã quá nặng nề. Ông cho rằng nếu không quyết liệt ngăn chặn thì sự tồn vong của lãnh đạo độc quyền coi như sẽ không còn nữa. Ông lo là lo cái đấy”.
Đáng tiếc là dân không hoàn toàn tin tưởng vào thiện chí làm sạch chính quyền của lãnh đạo Đảng. Người dân, vẫn theo nhà báo Võ Văn Tạo, nghĩ rằng đây chỉ là chuyện đấu đá nội bộ và tranh giành quyền lực giữa các nhóm lợi ích trong Đảng:
“Trên cộng đồng mạng thì một số người bình luận rằng đây là cuộc chiến phe phái. Họ thấy có những trường hợp, cũng là đảng viên cao cấp, mà có người bị xử lý và có người lại không bị xử lý. Đơn cử như trường hợp trước đây là bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chẳng hạn. Trong thời gian bà làm bộ trưởng thì rất nhiều yếu kém tệ hại như vụ trẻ chết vì vắc-xin ngừa bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hoặc là việc buôn bán thuốc chữa ung thư giả của công ty PharmaVietnam trong đó có em chồng của bà Tiến là phó giám đốc đối ngoại. Rốt cuộc chỉ có ông thứ trưởng Cao Minh Quang, và Thứ trưởng gần đây là ông Trần Quốc Cường đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn bà Kim Tiến không bị gì cả, chỉ có cảnh cáo rồi về hưu thôi”.
“Cá nhân tôi không bênh vực ông Nguyễn Phú Trọng. Ý của ông chống tham nhũng là thật, chỉ có điều nó đủ mạnh hay không và mạnh tay như thế có góp phần ngăn chặn được đà tham những hay không… thì tôi cho là chưa chắc đã có hiệu quả.”
“Không có sự kiểm soát về quyền lực, không được cạnh tranh về chính trị, cũng không có tự do báo chí, tự do ngôn luận vân vân thì làm sao mà giảm thiểu được tình trạng tham nhũng. Đấy là cái gốc của vấn đề”.
Tại sao những vụ tham nhũng, kỷ luật quan tham các cấp lại rộ lên lúc này, trước khi Hội Nghị Trung Ương 5 sẽ diễn ra tháng 5/2022 này, là vấn đề một Facebooker, từng có thời gian làm việc trong cơ quan công quyền Nhà nước, nêu ra với RFA khi được hỏi.
Tạm thời không muốn nêu tên vì lý do an toàn, Facebooker cũng là nhà quan sát thời cuộc dẫn giải:
“Vụ việc Cảnh sát biển này có từ lâu rồi, từ 5 - 7 tháng trước rồi. Không chỉ chuyện tham ô mà cả thông tin về chuyện buôn lậu dầu, thậm chí là chở cát chở đất ngoài Biển Đông… Có tin đến độ như thế. Đấy là riêng chuyện Cảnh sát biển, nhưng bây giờ lại rộ lên hàng loạt nào là vụ FLC rồi Tân Hoàng Minh rồi vụ Việt Á mà triệu chứng là còn chập chờn kéo dài.”
“Bên cạnh đó thì còn có thông tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng gần như sẽ thông qua phương án mới, tức là các địa phương các tỉnh cũng được lập Ban Chỉ Đạo phòng chống tham nhũng. Cái này rất đặc biệt vì trước đó mấy hôm ông Nguyễn Phú Trọng đã họp bàn với ‘những lãnh đạo chủ chốt’. Tin họp với ‘những lãnh đạo chủ chốt’ được báo Tuổi Trẻ đưa lên, trong đó có bàn về việc lập Ban Chỉ Đạo phòng chống tham nhũng tại các địa phương. Cái này giúp đưa bàn tay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuống tất cả các tỉnh. Có thể ông Trọng muốn quán triệt trước vấn đề để khi đưa ra thì không bị phản đối chăng”.
Điều này cho thấy, vẫn lời Facebooker giấu tên, có vẻ như ông Nguyễn Phú Trọng muốn đẩy mạnh hơn công cuộc chống tham nhũng đang gặp khó khăn, nhưng mặt khác còn cho thấy chừng như đang có sự tranh giành hay củng cố quyền lực trước Hội nghị Trung ương vào tháng năm tới đây:
“.................... Thế thì tất cả những vụ bắt giữ kỷ luật tham nhũng cấp cao vừa rồi đều có liên quan đến ông này ông kia và đều có những đồn đãi rằng ông này dính vụ này và ông kia dính vụ khác. Sự việc tế nhị và phúc tạp trên chính trường là vậy”.
Facebooker giấu tên ở Hà Nội chia sẻ với RFA rằng chừng nào công cuộc phòng chống tham nhũng còn thiếu một chuẩn mực pháp quyền công minh, còn thiếu sự giám sát của công luận thì chừng đó tham nhũng hối lộ vẫn tồn tại và làm át đi mọi nỗ lực tương đối hiệu quả trước giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét