Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

'Một số thành viên NATO muốn xung đột Ukraine kéo dài'

Thổ Nhĩ Kỳ nói 'một số thành viên NATO muốn xung đột Ukraine kéo dài'
Minh Hạnh | 22/04/2022 
Ankara muốn đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine, trong khi một số đồng minh NATO của nước này lại muốn chiến sự kéo dài để gây tổn hại cho Nga, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói, nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn đài CNN Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Cavusoglu đề cập đến việc Ankara quyết định không trừng phạt Mátxcơva, đồng thời giải thích lý do vì sao các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) giữa Nga và Ukraine không thành công.

“Có những quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn xung đột Ukraine kéo dài. Họ coi đây là cách làm Nga suy yếu. Họ không thực sự quan tâm đến tình hình Ukraine”, ông Cavusoglu nói, nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.

Cũng theo quan chức này, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định không tham gia làn sóng trừng phạt nhằm vào Nga vì chúng là động thái đơn phương, không giống với “những lệnh trừng phạt được đưa ra bởi Liên Hợp Quốc”.

Ankara đã nêu rõ lập trường của mình vào ngày đầu tiên của cuộc xung đột Ukraine, đó là tiếp tục các cuộc tiếp xúc ngoại giao với cả hai bên, với tư cách là “một quốc gia mà cả hai bên đều tin tưởng”.

Ông Cavusoglu tiết lộ rằng Ankara không kỳ vọng nhiều sau cuộc hội đàm cấp bộ trưởng giữa Nga – Ukraine ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng đã “đặt rất nhiều hy vọng” vào cuộc hội đàm ngày 29/3 ở Istanbul.

Dù vậy, Ukraine đã quay lưng với bản dự thảo thỏa thuận đưa ra ở Istanbul sau khi thông tin về vụ thảm sát Bucha được hé lộ. Kiev đổ lỗi vụ việc này cho quân đội Nga, nhưng Mátxcơva đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc.

Ngoại trưởng Cavusoglu cũng làm sáng tỏ yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về sự đảm bảo an ninh từ NATO.

“Không ai đồng ý với yêu cầu của ông Zelensky về các đảm bảo an ninh theo Điều 5 của NATO,” ông Cavusoglu nói, đề cập đến điều khoản bảo vệ lẫn nhau của liên minh. “Chưa có quốc gia nào chấp nhận đề xuất này. Mỹ, Anh và Canada chưa chấp nhận điều này. Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa chấp nhận. Về nguyên tắc, không ai phản đối việc đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng các điều khoản của nó chưa rõ ràng.”

Bất chấp những tiến bộ rõ ràng đạt được trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ở Istanbul hồi cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố rằng quá trình đàm phán hòa bình "đã trở lại bế tắc" .

Ông giải thích rằng Ukraine từ chối thực hiện một trong những yêu cầu quan trọng của Mátxcơva: công nhận Crimea là một phần của Nga và công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa Donbass.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Kiev đã thay đổi dự thảo hòa bình và gửi cho Mátxcơva một bản đề xuất khác hẳn với văn bản mà hai bên đã thống nhất ở Istanbul.

Có được sự đảm bảo an ninh từ các cường quốc trên thế giới đã được Ukraine coi là điều kiện then chốt để nước này đồng ý tuyên bố tình trạng trung lập và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.

Hồi giữa tháng 4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Anh, Mỹ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện mong muốn cung cấp các đảm bảo an ninh cho Kiev, nhưng vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng từ bất kỳ quốc gia nào trong số đó. Danh sách những quốc gia bảo lãnh tiềm năng trước đây còn bao gồm Đức, Pháp, Ba Lan và Israel.

Theo RT
https://soha.vn/tho-nhi-ky-noi-mot-so-thanh-vien-nato-muon-xung-dot-ukraine-keo-dai-20220422143749612rf20220422143749612.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét