Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Châu Âu xoay chiều, ‘thỏa hiệp’ với Nga?

Châu Âu xoay chiều, ‘thỏa hiệp’ với Nga?
FB Đông Bắc • 29/04/22 Trong những ngày gần đây, hậu trường của cuộc chiến tại Ukraine đã có những diễn biến kỳ lạ. Làm thế nào mà tổng thống tái đắc cử của Pháp Emmanuel Macron lại không nhận điện thoại chúc mừng của Tổng thống Mỹ? Anh, Đức, Pháp vốn ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh tay với Nga, nay lại chấp thuận "thỏa hiệp" với Nga theo "luật chơi" của Putin. Phải chăng châu Âu đã thay đổi lập trường? Điều này có vẻ hơi khó tin, nhưng không may, đó là sự thật.

Tổng thống Pháp “xem thường” Mỹ

Theo New York Post, Tổng thống Biden cho biết Tổng thống Pháp Macron đã không nghe điện thoại khi ông gọi điện chúc mừng về cuộc tái đắc cử. Joe Biden cho biết "ông đã nói chuyện với nhân viên của Macron vào tối Chủ nhật khi tổng thống Pháp dự tiệc tại Tháp Eiffel và yêu cầu Tổng thống Mỹ gọi lại vào ngày hôm sau."

Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo thế giới không nghe điện thoại của Tổng thống Biden. Bất chấp Mỹ vẫn đang duy trì mối quan hệ đồng minh thân thiết, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út cũng phớt lờ cuộc gọi của Joe Biden - người đang khẩn khoản khối OPEC gia tăng sản lượng dầu.

Việc Tổng thống Macron không nghe điện thoại của Joe Biden có thể khiến nhiều người Mỹ “chết lặng”. Điều đó có thể cho thấy lập trường của Pháp đã thay đổi và đang khiến Mỹ khá đau đầu. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước cử tri sau khi dẫn đầu vòng đầu tiên trong cuộc thăm dò vào ngày 10/4/2022 tại Paris, Pháp. (Ảnh Getty Images)

Ngày 23/4, Tổng thống Emmanuel Macron một lần nữa bày tỏ quan điểm phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng của Nga, và đưa ra cảnh báo rằng nếu lệnh cấm vận áp dụng với khí đốt tự nhiên của Nga, mùa đông tới ở châu Âu sẽ "vô cùng khó khăn".

Câu hỏi đặt ra là: Có điều gì đó đang xảy ra với các đồng minh quan trọng của Mỹ, đến mức họ "quá bận" để không “tiếp chuyện” với Tổng thống của một quốc gia siêu cường?

Phải chăng Tổng thống Macron đang gửi đi một thông điệp, rằng “tiếng nói” của Tổng thống Joe Biden không còn uy tín?

Cùng lúc đó, Thủ tướng Đức Scholz cũng phản đối lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên của Nga, cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ không thể chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.

Đức cung cấp xe tăng cổ lỗ sĩ, thiếu đạn dược?

Có thể nói, thái độ lập lờ của Đức trong suốt hơn 2 tháng qua kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cho thấy, Đức đang phân tâm giữa việc buộc phải “thỏa hiệp” với Nga trong vấn đề năng lượng, mà tránh làm “tổn thương” Ukraine và làm phật lòng đồng minh Mỹ.

Điều này có thể thấy khá rõ khi Thủ tướng Scholz bị chỉ trích do liên tục trì hoãn và không thực hiện cam kết gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine.

Ngày 20/4, trong khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh rằng lô hàng vũ khí hạng nặng sẵn sàng được chuyển giao, thì Thủ tướng Scholz lại tuyên bố: "Hiện tại, chúng tôi phải thừa nhận rằng các lựa chọn mà chúng tôi có đang đạt đến giới hạn". Nói thẳng ra là Đức đã hết vũ khí và không còn khả năng để hỗ trợ Ukraine.

Theo DW, thậm chí ông Scholz còn đá “quả bóng” sang NATO khi tuyên bố: “Nếu phương Tây muốn tiếp tục hỗ trợ Ukraine, họ phải nghĩ đến việc đào tạo người Ukraine về các hệ thống (vũ khí) của phương Tây.”

Tuy nhiên theo thông tin mới nhất, ngày 26/4 chính phủ Đức đã xác nhận sẽ chuyển giao các xe tăng phòng không Gepard cho Ukraine. Phải chăng Đức đã thay đổi lập trường?

Tờ Politico cũng cho biết, Đức chấp thuận bán xe tăng cho Ukraine, và cúi đầu trước áp lực trong và ngoài nước để miễn cưỡng cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kyiv.

Nhưng hãy chú ý một điểm: Hệ thống xe tăng phòng không "Gepard" của Liên Xô có niên đại từ thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước. Hệ thống Gepard với hai khẩu pháo 35mm thực tế đã hơn 50 năm tuổi, dù đã được nâng cấp hai hoặc ba lần. Quân đội Đức đã cho nghỉ hưu những chiếc xe tăng này gần 1 thập kỷ trước, và kể từ đó lô hàng này nằm “đắp chiếu” trong kho.

Việc ông Scholz quyết định cung cấp vũ khí lạc hậu này cho Ukraine, thay vì xe tăng, xe bộ binh Marder hay pháo tự hành 2000 hiện đại do Đức sản xuất, được cho là một sự “đối phó” khôn ngoan. Tất nhiên người Đức có nhiều thiết bị vũ khí hạng nặng hiện đại nhưng tại sao lại chuyển vũ khí lạc hậu cho Ukraine?

Các quan chức Đức cho biết họ muốn gửi vũ khí từ thời Liên Xô sản xuất là để binh sĩ Ukraine có thể vận hành mà không cần đào tạo thêm. Trong khi ấy, chính phủ Đức vẫn từ chối mọi yêu cầu của Ukraine về việc gửi các thiết bị quân sự hạng nặng do Đức sản xuất.

Giáo sư Carlo Masala, chuyên gia quốc phòng và an ninh tại Đại học Quân sự Đức ở Munich nhận định, Thủ tướng Scholz đã gửi những chiếc xe tăng 50-60 năm tuổi vốn tồn đọng trong kho, để như thể Đức vẫn đang trợ giúp Ukraine mà không chọc giận Nga, cũng như làm dịu áp lực từ Mỹ và các thành viên trong đảng Đảng Dân chủ Xã hội trung tả của ông.

Cần lưu ý là, để trở thành xạ thủ của dòng xe tăng Gepard, cần phải mất ít nhất từ 6 -12 tháng huấn luyện, bao gồm hàng trăm giờ thực hành mô phỏng. Ngoài ra, theo Reuters, Thụy Sĩ cũng đã phủ quyết việc tái xuất khẩu đạn dược do nước này sản xuất được sử dụng cho xe tăng Gepard mà Đức đang gửi đến Ukraine. Ban Thư ký Nhà nước Thụy Sĩ về các vấn đề kinh tế (SECO) xác nhận rằng, họ đã chặn Đức gửi đạn dược cho xe tăng Gepard tới Ukraine.

Hệ thống xe tăng phòng không "Gepard" của Liên Xô có niên đại từ thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước. Hệ thống Gepard với hai khẩu pháo 35mm thực tế đã hơn 50 năm tuổi, dù đã được nâng cấp hai hoặc ba lần. (Ảnh chụp màn hình)

Vậy có thể thấy, việc Ukraine có nhận được xe tăng đời cũ đi chăng nữa, cũng không có đạn dược chuyên dụng cần thiết. Đồng thời binh lính Ukraine cũng phải mất thời gian để sử dụng được xe tăng, nên lô vũ khí hạng nặng này không thể được sử dụng ngay trong thời điểm hiện tại.

Phải chăng Thủ tướng Đức có thể đã đoán trước được phản ứng của Thụy Sĩ, và việc Đức gửi lô xe tăng Gepards "vô dụng", là một cách chỉ nhằm để giảm bớt áp lực mà Mỹ và châu Âu buộc nước này phải gửi vũ khí tới Ukraine.

Như vậy có thể thấy những chiếc xe tăng này là sản phẩm từ thời Chiến tranh Lạnh. Và nếu những chiếc xe tăng cổ lỗ sĩ này thực sự xung trận tại chiến trường Ukraine, chắc chắn nó sẽ nhanh chóng trở thành đống sắt vụn trước hỏa lực của Nga.

Đương nhiên người Đức khá thực dụng khi họ lập luận: Tại sao phải cố gắng trừng phạt khốc liệt Nga khi rõ ràng Đức cần năng lượng của Nga. Không những vậy hai cựu Thủ tướng Đức là bà Merkel cũng lên tiếng rằng, bà không hối tiếc khi vào năm 2008 đã nói “Ukraine không thể gia nhập NATO”. Trong khi đó, cựu thủ tướng Đức Schroeder cũng tuyên bố “Đức không thể sống thiếu Nga”.

Nhưng thái độ của Đức và Pháp chưa gây ngạc nhiên bằng Anh - quốc gia đã áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga khắc nghiệt nhất chỉ sau Mỹ.

Nước Anh “đâm sau lưng” Mỹ

Có thể nói, Anh là quốc gia tích cực nhất trong các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Tuy nhiên, khi châu Âu đang lún sâu vào suy thoái, vào ngày 22/4 Anh đã thay đổi quan điểm khi cho phép nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga (Reuters).

Cùng ngày, Thủ tướng Johnson đang thăm Ấn Độ cũng bất ngờ thừa nhận rằng Nga có thể thắng trong cuộc chiến với Ukraine.

Có một sự nhất quán trong chính sách ngoại giao của Anh là nước này luôn song hành trong mọi vấn đề với Mỹ. Vì vậy, bài phát biểu của Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp báo của ông ở New Delhi (Ấn Độ) hôm 22/4 vừa qua có lẽ khá gây sốc cho Mỹ và EU.

Ông Boris Johnson đã đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược với bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng chỉ trước đó đúng 1 ngày, trong đó Biden thậm chí còn thể hiện sự lạc quan rằng: “Vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Mariupol đã hoàn toàn sụp đổ”. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) đón nhận một cuốn sách của thủ tướng bang Gujarat của Ấn Độ Bhupendra Patel trong chuyến thăm của ông tại Sabarmati Ashram còn được gọi là Gandhi Ashram vào ngày 21/4/2022 ở Ahmedabad, Ấn Độ. (Ảnh: Ben Stansall - WPA Pool / Getty Images)

Nhưng Thủ tướng Johnson thì tuyên bố ngược lại rằng người Nga có thể giành chiến thắng ở Ukraine:

“Tôi nghĩ điều đáng buồn là đó (chiến thắng của Nga) là một khả năng thực tế…. Giờ ông ta (Putin) đã tiến rất gần đến việc đảm bảo một hành lang trên bộ thông suốt ở Mariupol. Tôi e rằng tình hình là không thể đoán trước được. Chúng ta phải nhìn vào thực tế về điều đó”.

Các tờ truyền thông dòng chính cũng đã giật tít như sau:

Thehill: Johnson gọi việc Nga tiếp quản Ukraine là một 'khả năng thực tế'.

Standard.co.uk: Boris Johnson thừa nhận chiến thắng của Nga ở Ukraine là 'khả năng thực tế' khi Putin đẩy mạnh cuộc tấn công dữ dội

Asia.nikkei: Johnson của Anh nói: Nga chiến thắng trong cuộc chiến Ukraine là 'khả năng thực tế' .

Theo Asia.nikkei, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết "không có áp lực nào" từ Thủ tướng Anh về lập trường của Ấn Độ trong cuộc chiến (tại Ukraine). Nga có một đồng minh như Ấn Độ, và Hoa Kỳ có một đồng minh như Vương quốc Anh. Phải chăng Thủ tướng Boris Johnson đã đến Ấn Độ lần này là vì "lợi ích" của chính mình hơn là để giúp Mỹ với tư cách là một nhà vận động hành lang?

Là đồng minh trung thành nhất của Mỹ, động thái của Anh có thể khiến cả thế giới bất ngờ. Vì sao Anh lại quay lưng với Mỹ? Câu trả lời là: Tình trạng lạm phát trầm trọng ở Anh đã đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, người dân nước này đang phải chịu chi trả giá điện tăng cao chưa từng thấy, và khả năng ông Johnson có thể phải đối mặt trong cuộc bầu cử quốc hội Anh sắp tới. (Finance)

Điều đáng nói, ngay trước khi Anh thay đổi thái độ với Nga, Pháp và Đức đã bị chịu thiệt hại trước bởi các lệnh trừng phạt đối với dầu khí của Nga.

Ngân hàng trung ương Đức công bố báo cáo vào ngày 22/4, dự đoán nếu EU ngay lập tức cấm nhập khẩu khí đốt của Nga, GDP của Đức sẽ giảm 5% trong năm nay và mức thiệt hại sẽ lên tới 165 tỷ euro. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Scholz đã thay đổi thái độ mập mờ trước các lệnh trừng phạt dầu khí của Nga và thẳng thừng tuyên bố rằng “việc áp đặt lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên đối với Nga là không thể chấp nhận được”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, nếu không có Gazprom, châu Âu sẽ cảm nhận được hậu quả vào mùa đông tới.

Cho đến nay, Hungary, Slovakia và Latvia đã bày tỏ sẵn sàng thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Trước đó, Thủ tướng Áo Nehamer cũng cho biết Áo, Đức và Hungary sẽ tiếp tục mua khí đốt của Nga.

Vậy phải chăng lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã thất bại?

Lệnh trừng phạt, con dao hai lưỡi

Mặc dù các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, nhưng có vẻ như Moscow đang điều chỉnh theo một “mức bình thường" kiểu mới. Theo Business-standard, đồng rúp đã bù đắp được hầu hết các khoản lỗ và trở thành đồng tiền hoạt động hiệu quả nhất trên toàn cầu. Nó tiếp tục tăng và tăng tới 60% so với đô la Mỹ từ mức thấp trong tuần đầu tiên của tháng Ba.

Trái ngược với kỳ vọng của phương Tây, các biện pháp trừng phạt chưa đủ để dư luận Nga phản đối, biểu tình chống lại chính quyền của Putin. Vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mới mang tên Sarmat của Nga vào ngày 20/4 - không nghi ngờ gì là một kiểu thách thức của Putin gửi tới phương Tây, khi ông này tuyên bố:

"Loại tên lửa mới mang những tính năng công nghệ và chiến thuật cao nhất và có khả năng vượt qua tất cả những hệ thống phòng vệ chống tên lửa hiện đại nào. Tên lửa này không có đối trọng xứng tầm nào trên thế giới để so sánh và trong thời gian dài tới đây cũng sẽ không có được".

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat trong cuộc thử nghiệm tại sân bay vũ trụ Plesetsk, Nga, hôm 20/4. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Trong khi đó, những nỗ lực của phương Tây nhằm "cô lập" Nga dù đã sử dụng mọi biện pháp khắc nghiệt nhất, vẫn chưa làm Nga chùn bước, mà các cuộc pháo kích vẫn gia tăng tại chiến trường Ukraine. Mỹ đã thất bại trong việc thuyết phục Ả-rập Xê-út rút khỏi tổ chức OPEC + với Nga. 

Trong khi lĩnh vực then chốt nhất là dầu khí, thì châu Âu lại không đoàn kết để đồng lòng ra được một lệnh cấm vận với Nga.

Một số quốc gia EU đã đe dọa sẽ phủ quyết bất kỳ động thái nào như vậy của Ủy ban Châu Âu, trong đó có đầu tàu kinh tế là Đức. Theo TASS, Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng "lệnh cấm vận khí đốt sẽ không ngăn được chiến tranh”, và “chúng tôi muốn tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, mất hàng triệu việc làm và các nhà máy sẽ không bao giờ mở cửa trở. Điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đất nước của chúng tôi, cho toàn bộ châu Âu”.

Người châu Âu sớm hơn nhận ra rằng họ là bên bị thua thiệt nặng trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Bên cạnh sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cản trở các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp vì thiếu hụt năng lượng và phân bón (của Nga), các nước châu Âu còn phải thêm gánh nặng “cưu mang” hơn 5 triệu người tị nạn Ukraine.

Điều này có thể hiểu khi các nền kinh tế châu Âu đang trong những giai đoạn suy thoái khác nhau, khi tác động từ các lệnh trừng phạt bắt đầu giáng xuống không chỉ Nga mà của cả EU, thì lợi ích quốc gia vẫn là trên hết. Ngân hàng trung ương Đức cảnh báo rằng lệnh cấm vận hoàn toàn đối với hoạt động mua năng lượng của Nga có thể tiêu tốn 180 tỷ euro, mất 5% GDP dự kiến ​​của Đức trong năm nay và đẩy nền kinh tế hàng đầu châu Âu trở lại cuộc suy thoái nghiêm trọng. 

Tàu chở dầu LNG (Khí đốt tự nhiên hóa lỏng) Rudolf Samoylovich neo đậu tại bến tàu Montoir-de-Bretagne LNG Terminal, miền Tây nước Pháp, vào ngày 10/3/2022. Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. (Ảnh Getty Images)

Ngay cả Ủy ban châu Âu cũng đã ban hành hướng dẫn rằng các công ty EU có thể tuân thủ hợp pháp yêu cầu của Nga thanh toán bằng đồng rúp, nếu họ không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU. Phạm vi trừng phạt của EU không bao gồm dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga, có nghĩa là các nước EU có thể sử dụng đồng rúp để mua dầu khí của Nga.

Hãng Bloomberg đưa tin ít nhất 10 công ty châu Âu đã mở tài khoản để thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp, 4 trong số đó đã thực hiện thanh toán theo yêu cầu mới của Moscow.

Mục đích thực sự của Mỹ trong chiến sự tại Ukraine

Trong khi ấy, đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, có đủ lý do chính đáng để giải thích tại sao Mỹ không tiếc tiền tài trợ vũ khí cho Ukraine để kéo dài cuộc chiến.

Ngoài mục tiêu muốn làm “suy yếu nước Nga” như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thừa nhận, chính quyền Joe Biden còn có bằng chứng “ngoại phạm’ để giải thích tình trạng lạm phát cao đang xảy ra tại Mỹ khi đổ hết mọi tội lỗi do Putin gây ra. Joe Biden cũng đang “lấy lòng” các nhà thầu quân sự-công nghiệp Mỹ trong một năm bầu cử giữa kỳ, khi liên tiếp công bố những gói viện trợ vũ khí quân sự cho Ukraine, mà tính đến nay đã lên tới 4 tỷ đô la.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Sự “đoàn kết” thống nhất của phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ sẽ giữ được “khí thế” bao lâu, nếu chính quyền Joe Biden muốn duy trì một cuộc xung đột kéo dài với Nga nhằm làm “chảy máu” Nga, nhưng đồng thời cũng làm EU thiệt hại về kinh tế?

Những thất bại tại Mariupol và dự báo tiếp theo ở chiến trường Donbass, sẽ không chỉ khiến Ukraine có nguy cơ bị chia 5 xẻ 7, mà còn làm Mỹ lơ là kiềm chế Trung Quốc, cũng như làm giảm độ khả tín toàn bộ các bản tin về chiến thắng của Ukraine của truyền thông dòng chính phương Tây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét