Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Tàu Moskva bị bắn chìm - Nga hay Ukraine nói thật?

Tàu Moskva bị bắn chìm - Nga hay Ukraine nói thật? Bằng chứng nằm hết ở đây!
Vy Lam | 19/04/2022 Chuyên gia Tayfun Ozberk cho biết, mặc dù chưa thể khẳng định 100% nhưng gần như chắc chắn đây là nguyên nhân dẫn tới thảm kịch của tàu Moskva - niềm tự hào của nước Nga. Chuyên gia Tayfun Ozberk là một cựu sĩ quan hải quân, chuyên gia về tác chiến mặt nước, đặc biệt là các vùng biển cận bờ. Sau khi phục vụ Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ trong 16 năm, ông Ozberk bắt đầu viết bài cho một số phương tiện truyền thông, trong đó có các bài phân tích về các chiến lược hải quân toàn cầu. Hiện ông đang cư trú tại Mersin, Thổ Nhĩ Kỳ. Dưới đây là bài phân tích của chuyên gia Tayfun Ozberk đăng trên tờ Naval News:
Tuần dương hạm Moskva trong ảnh vệ tinh thương mại rõ nét nhất chụp ngày 10-4. Do điều kiện thời tiết không thuận lợi, các vệ tinh thương mại không thể chụp được những gì đã xảy ra với tàu Moskva trong 4 ngày kế tiếp - Ảnh: REUTERS/MAXAR

Sau khi bị bắn cháy hôm 13/4, tuần dương hạm Moskva - một trong những con tàu quan trọng nhất của Hải quân Nga – đã bị chìm ở Biển Đen hôm 14/4 trong quá trình được kéo về cảng Sevastopol.

Trước khi truyền thông Nga thông báo về vụ hỏa hoạn và công tác sơ tán thủy thủ trên tàu, lực lượng Ukraine tuyên bố họ đã tấn công tàu Moskva bằng tên lửa chống hạm Neptune tự sản xuất.

Nga thông báo về vụ chìm tàu Moskva sau khi "chiến đấu" với ngọn lửa và thiệt hại trong hơn 1 ngày. Hôm 17/4, Bộ Quốc phòng Nga đăng tải trên mạng xã hội đoạn video về một buổi lễ dành cho tàu tuần dương Moskva, cho thấy khoảng 240 người – một nửa thủy thủ đoàn trên tàu – còn sống sót.

Nga lần đầu công bố video các thủy thủ trên soái hạm Moskva bị chìm.

Theo tờ Guardian (Anh), hãng thông tấn Tass của Nga đã đăng một bản tin về tàu Moskva, trong đó nói rằng "toàn bộ thủy thủ đoàn đã được sơ tán".

Bản tin sau đó được sửa lại và bỏ chữ "toàn bộ", làm dấy lên suy đoán có thể đã có nhiều người thiệt mạng khi kho đạn trên tàu phát nổ [nguyên nhân dẫn tới thảm họa đối với tàu Moskva theo phía Nga công bố].

Hiện đang có rất nhiều thông tin trái ngược vè sự vụ này. Ví dụ như điều gì đã gây ra cháy nổ? Tại sao tàu Moskva không thể phát hiện tên lửa đang bay tới? Làm thế nào chỉ với 2 tên lửa chống hạm lại có thể đánh chìm một tàu tuần dương 12.000 tấn? Và làm sao mà tên lửa Neptune, không hề được triển khai từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, lại được bắn ra trong cuộc tấn công này?

Điều gì gây ra vụ cháy? Nổ kho đạn hay do tên lửa Neptune?

Nga tuyên bố một vụ nổ kho đạn đã gây ra hỏa hoạn trên tàu, trong khi Ukraine nói rằng họ đã bắn trúng tàu Moskva bằng 2 tên lửa chống hạm Neptune. Nga chưa đưa ra bình luận nào về vụ tấn công bằng tên lửa, trong khi tiếp tục khẳng định con tàu bốc cháy do một vụ nổ trên tàu, và chìm do thời tiết giông bão trong quá trình được kéo về cảng.

Các tuyên bố của Nga có phần không nhất quán. Khi một con tàu khổng lồ như Moskva ra khơi, việc kho đạn trên tàu phát nổ, nhấn chìm toàn bộ con tàu trong biển lửa mà không có tác động từ hỏa lực bên ngoài là điều chưa từng có tiền lệ.

Hơn nữa, thời tiết ở Biển Đen trong quá trình tàu Moskva được lai dắt về cảng không hề tệ như Nga tuyên bố. Độ cao của sóng vào thời điểm đó chỉ khoảng 1 mét, tốc độ gió khoảng 14 hải lý/giờ, cho thấy thời tiết và điều kiện biển ở mức ôn hòa.


Hình ảnh đầu tiên hiển thị chiều cao và hướng của sóng, hình ảnh thứ hai hiển thị trạng thái gió khi tàu Moskova được kéo về cảng Sevastopol. Nguồn: Naval News

Báo cáo về vụ hỏa hoạn trên tàu Moskva được các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ukraine tuyên bố rằng con tàu này đã trúng tên lửa chống hạm của họ. Các báo cáo mâu thuẫn của Nga và thời điểm xảy ra vụ việc đã củng cố quan điểm cho rằng tuyên bố của Ukraine là chính xác.

Tuy nhiên, cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa Neptune là một vấn đề gây tò mò khác.

Theo thông thông báo của Bộ Quốc phòng Ukraine hồi tháng 12/2021, quá trình chuyển giao các tên lửa chống hạm này dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng 4/2022. Song, chiến tranh đã bùng nổ toàn diện ngay từ tháng Hai, do đó không rõ liệu Ukraine đã có các tên lửa Neptune trong kho vũ khí hay chưa.

Các hoạt động không bị hạn chế của Hạm đội Biển Đen [Nga] gần lãnh hải Ukraine củng cố quan điểm cho rằng các đợt chuyển giao tên lửa Neptune đã thất bại do điều kiện thời chiến.

Nhiều người tin rằng, nếu Ukraine thực sự đã có các tên lửa này, họ đã thiết lập vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), khiến lực lượng Nga phải lưỡng lự khi tiếp cận bờ biển của Ukraine do lo sợ bị tên lửa tấn công.

Song, việc tên lửa Neptune không được sử dụng trong suốt 45 ngày kể từ khi bắt đầu cuộc chiến lại dẫn tới suy đoán rằng tên lửa đã được chuẩn bị để đạt tới khả năng hoạt động ban đầu (IOC) trong thời gian này, và vụ tấn công mở màn nhằm vào soái hạm của Hạm đội Biển Đen đã được thực hiện để lợi dụng hiệu ứng bất ngờ trong sương khói chiến tranh.

Trong ảnh là tàu Moskva, xung quanh có các tàu cỡ nhỏ hơn. Hình ảnh được tạo ra bằng cách sử dụng radar khẩu độ tổng hợp (SAR) có thể nhìn xuyên qua các đám mây. Nguồn: H I Sutton

UAV TB2 đánh lạc hướng để Neptune tấn công tàu Moskva?

Trong bối cảnh không có những tuyên bố rõ ràng từ phía các bên liên quan, trên mạng xã hội đã lan truyền một số suy đoán cho rằng tàu tuần dương Moskva "bận" theo dõi máy bay không người lái (UAV) TB2 Bayraktar [phương tiện đã gây ra nhiều thiệt hại cho lực lượng Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến], và phía Ukraine đã tận dụng thời điểm sơ hở này của con tàu để bắn tên lửa.

Cũng có một số suy đoán khác cho rằng tàu Moskva có/từng có duy nhất một radar phòng không chủ lực (3P41 Volna) để dẫn đường cho tên lửa S-300, với phạm vi quét chỉ 180 độ.

Do đó, phạm vi quét 360 độ sẽ do các radar tìm kiếm đường không tầm xa 3D MR -800 Voshkod/Top Pair [dành cho các tên lửa tầm ngắn SA-8] đảm nhiệm. Tuy nhiên, radar Top Pair đã không phân biệt được các tên lửa Neptune đang bay bám biển với các đỉnh sóng do thời tiết giông bão.

Những suy đoán này thiếu cơ sở vững chắc, bởi Moskva là một tàu tuần dương có khả năng phòng không tốt.

Mặc dù UAV TB2 rất hữu ích trong tác chiến hải quân nhưng các tàu tuần dương loại này được thiết kế để theo dõi và ngăn chặn nhiều mối đe dọa đường không. Vì thế, việc làm tê liệt một tàu tuần dương lớp Slava chỉ bằng một [hoặc nhiều hơn] máy bay không người lái là điều phi thực tế.

Ngoài ra, không hợp lý khi so sánh radar tìm kiếm mục tiêu MR -800 Voshkod/Top Pair với radar theo dõi mục tiêu 3P41 Volna. Trước khi ra đời công nghệ radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), các tàu chiến sử dụng radar tìm kiếm để phát hiện các mục tiêu tiếp cận đường không.

Nếu kíp vận hành cho rằng mục tiêu đó là mối đe dọa, họ sẽ thao tác truyền dữ liệu cho radar theo dõi để xác định và dẫn hướng các tên lửa phòng không tới mục tiêu này. Các radar theo dõi sẽ không giữ vai trò "phát hiện" mục tiêu, mà là để làm rõ và bám bắt các mục tiêu đã được radar tìm kiếm phát hiện ra. Hai loại radar này là những mảnh ghép phục vụ cùng một mục đích.


Tên lửa Neptune và máy bay không người lái TB2.

Những radar này cũng có thể có một số điểm mù do cấu trúc của tàu, nhưng trên tàu sẽ có các radar khác đảm nhiệm những điểm mù này, tương tự như tàu tuần dương lớp Slava sẽ có nhiều hơn 1 radar (Top Dome, 2 radar Pop Group, 3 radar Bass Tilt, radar điều khiển hỏa lực Kite Screech).

Do vậy, con tàu này có thể liên tục theo dõi các tiếp xúc trên không. Thậm chí khi mục tiêu di chuyển vào điểm mù của radar, kíp vận hành có thể chuyển tiếp dữ liệu tới một thiết bị khác để tiếp tục theo dõi.

Như đã đề cập ở trên, điều kiện ở biển khi đó không ở mức có thể tạo điều kiện cho tên lửa giấu mình trước radar. Ngay cả trên một vùng biển khắc nghiệt, radar tìm kiếm mục tiêu vẫn sẽ phát hiện được những tên lửa này, nó chỉ gặp đôi chút khó khăn trong việc theo dấu mục tiêu do biển biến động. Khi sóng biển cao, tên lửa cũng sẽ bay cao hơn do thiết bị đo độ cao của tên lửa sẽ điều chỉnh độ cao bay theo đỉnh sóng.

Tàu tuần dương lớp Slava còn được trang bị 4 hệ thống hỗ trợ điện tử Rum Tub, có thể phát hiện đầu dò radar của tên lửa chống hạm Neptune. Sau khi phát hiện đầu dò radar của tên lửa, con tàu Nga sẽ có 2 phút để phòng thủ.

Đó là chưa kể tàu Moskva còn được trang bị hệ thống vũ khí tầm gần với pháo hạm AK-630 có radar riêng, có khả năng tự phát hiện và tấn công tên lửa đang bay tới.
Một chuỗi sơ suất của Nga

Tuần dương hạm Moskva có đủ cảm biến và vũ khí để đối phó với tên lửa chống hạm và được cho là sẽ hoạt động tốt hơn trước các mối đe dọa đường không. Tất nhiên, đây là nhận định trên lý thuyết, vì mức độ sẵn sàng và khả năng hoạt động của các loại cảm biến/vũ khí đó không được công khai.

Tuy nhiên, tàu Moskva quả thực đã đảm nhiệm vai trò cung cấp khả năng phòng không trong khu vực mà nó hoạt động, tức là con tàu không chỉ tự bảo vệ mình, mà còn bảo vệ các tàu khác của Nga ở Biển Đen trước các mối đe dọa đường không.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, quy trình phòng thủ tên lửa chống hạm (ASMD) không chỉ đơn thuần là nhấn nút khai hỏa.

Trước hết, tình báo quân sự phải cung cấp thông tin rất chính xác về tên lửa của đối phương. Ngoài ra, các vũ khí và cảm biến được sử dụng cho ASMD trên tàu phải hoạt động, thậm chí hoạt động tốt, và được bảo dưỡng đầy đủ. Bên cạnh đó, kíp vận hành cũng phải được đào tạo bài bản.

Do các tàu chỉ có vài phút để phản ứng sau khi phát hiện tên lửa bay tới [gần như không có thời gian suy nghĩ] nên các biện pháp phòng thủ phải được kích hoạt ngay lập tức, chỉ những nhân sự được đào tạo bài bản mới có thể thực hiện được điều đó.


Những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội được cho là tàu Moskva gặp nạn. (Ảnh: The Moscow Times)

Tình báo kém

Sai lầm đầu tiên và nghiêm trọng nhất của Nga trong tình huống này là thiếu thông tin tình báo. Xét về kích thước của tên lửa, đó không phải là khí tài có thể dễ dàng ngụy trang, do đó tình báo Nga phải phát hiện ra chúng.

Trong suốt 1 tháng rưỡi, Hạm đội Biển Đen của Nga đã hoạt động trong tầm bắn của tên lửa này mà không hề hay biết, họ tin rằng Ukraine không có thứ vũ khí có thể đe dọa các tàu của họ.

Trong thời gian đó, Ukraine đã nhận tên lửa, lên kế hoạch tấn công và tình báo Nga không thể phát hiện ra chúng.

Hệ thống cảm biến và vũ khí không hoạt động tốt

Như đã đề cập ở trên, tàu tuần dương Moskva được kỳ vọng sẽ hoạt động tốt hơn khi đối mặt với các tên lửa Neptune.

Hiện không có tài liệu nào nói về việc tàu tuần dương Moskva đã tự vệ trước tên lửa Neptune, hay về những gì đã xảy ra trên con tàu vào thời điểm đó nhưng chí ít thì con tàu cũng nên phát hiện ra tên lửa dù có muộn, và phản công bằng vũ khí phòng thủ tầm gần (CIWS) ngay cả khi nó không có đủ thời gian để tự vệ bằng tên lửa phòng không.

Ở tình huống này, khả năng đầu tiên là tên lửa Neptune đã không bị phát hiện. Khả năng thứ hai là tên lửa này không thể bị đánh chặn ngay cả khi bị phát hiện. Điều này đồng nghĩa hệ thống hỗ trợ điện tử (ESM) của tàu đã không cung cấp thông tin cảnh báo sớm cần thiết, radar trên tàu không phát hiện ra mối đe dọa, hoặc pháo hạm của tàu không sẵn sàng khai hỏa, mặc dù các cảm biến đã theo dõi được mối đe dọa.
Trình độ đào tạo chưa đủ tốt

Đối với các tàu chiến, công tác huấn luyện thủy thủ đoàn là mối quan tâm hàng đầu. Các khóa đào tạo nên được tổ chức liên tục bởi những thủy thủ hoạt động tại các vị trí khác nhau trên tàu trong quá trình phòng thủ tên lửa chống hạm (ASMD) phải có phản ứng nhanh chóng mà không cần chờ lệnh.

Việc tàu Moskva không ngăn chặn được tên lửa chứng tỏ kíp vận hành tàu không chỉ thiếu thông tin tình báo, mà còn không chuẩn bị thể chất và tinh thần ở mức đủ tốt cho những sự vụ như thế này.

Không có thông tin nào về việc mồi bẫy đã được phóng đi, thiết bị gây nhiễu điện tử được kích hoạt, sự cơ động của tàu Moskva, hay những phản ứng cần thiết của kíp vận hành trên tàu với vũ khí sau khi tên lửa của Ukraine được phóng đi. Thế nhưng, việc con tàu "có năng lực mạnh mẽ" này bất lực trước một cuộc tấn công nằm dưới tầm ngăn chặn của nó cho thấy kíp vận hành của Nga chưa được đào tạo đủ tốt.

Một vấn đề khác cũng liên quan tới công tác đào tạo/huấn luyện là khả năng chữa cháy và kiểm soát thiệt hại. Tàu tuần dương 12.000 tấn thường không thể bị đánh chìm chỉ với 2 tên lửa. Ngay cả khi bị bắn trúng, con tàu phần lớn khả năng sẽ chỉ rơi vào trạng thái không hoạt động được.

Tất nhiên, vị trí tấn công của tên lửa Neptune cũng là một yếu tố. Nếu nó bắn trúng gần khu chứa ngư lôi hay ống phóng tên lửa thì sức công phá của vụ nổ có thể được khuếch đại. Tuy nhiên, một con tàu cỡ lớn như vậy phải được chuẩn bị cho các tình huống tương tự.

Thực tế cho thấy vài giờ sau khi vụ việc xảy ra, thủy thủ đoàn đã được sơ tán, và con tàu đã chìm nghỉm vào ngày hôm sau. Trong tình huống này, có thể thấy thủy thủ đoàn trên tàu đã không đủ khả năng chữa cháy và cứu tàu.

Đáng nói, vào thời điểm xảy ra vụ nổ, tàu tuần dương Moskva ở cách căn cứ Sevastopol không xa, cho phép nó có được sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Những thiếu sót này có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Khi có thêm thông tin, sẽ có thể phát triển các cách diễn giải chính xác hơn về vụ việc và rút ra những bài học cần thiết. Tuy nhiên, việc Nga để mất soái hạm trước một quốc gia thậm chí không còn lực lượng hải quân sẽ đi vào lịch sử, và người Nga sẽ còn tiếc thương tuần dương hạm Moskva trong nhiều năm tới.

https://soha.vn/chuyen-gia-tau-moskva-bi-ban-chim-nga-hay-ukraine-noi-that-bang-chung-nam-het-o-day-20220419004519997.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét