Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2022

Nhân quả thời nay: Mình làm đại gia, người nhà vào tù

Nhân quả thời nay: Mình làm đại gia, người nhà vào tù
FB Trung Hòa • Người xưa nói, một người làm quan, cả họ được nhờ. Ngày nay, làm đại gia còn 'oai' hơn làm quan, còn sai khiến được cả quan chức. Tuy nhiên, những sự kiện các đại gia liên tiếp bị bắt gần đây lại cho thấy: một người làm đại gia, người nhà vào nhà đá.

Làm giàu nhanh như tên lửa
Khởi nghiệp từ việc làm gia sư và buôn bán điện thoại khi còn trên giảng đường đại học, năm 2008, ông Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975) thành lập công ty FLC, sau đó mở rộng sang lĩnh vực chứng khoán, bất động sản. Chỉ sau 2 năm, vào năm 2010, ông Quyết thành lập Tập đoàn FLC.

Năm 2016, FLC lên sàn, ông Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán với tổng tài sản 33.000 tỷ đồng.

Năm 2017, thành lập Bamboo Airways – Hàng Không Tre Việt, với số vốn 700 tỷ. Cũng năm 2017, ông Quyết được xếp hạng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản vốn hóa đạt 58.852 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD).

Con đường kinh doanh của ông Quyết đang thuận chèo mát mái, tài sản tăng theo cấp số nhân, sức mạnh đồng tiền tạo ra uy quyền khuynh loát thiên hạ, sai khiến cả cơ quan công quyền, thậm chí đất quốc phòng cũng phải nhường cho FLC.

Theo trang phunuonline: “Mới đầu tháng 3/2018, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC vào làm việc chính thức với giới lãnh đạo Quảng Ngãi, thì ngày 18/4/2018, ông Trần Ngọc Căng đã cho ra công văn hỏa tốc đồng ý với nhà đầu tư về kế hoạch triển khai, đồng thời yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc phục vụ cho dự án của FLC, kể cả việc dời đồn biên phòng”; “Không những vậy, để phục vụ hết mức cho dự án, ông Căng (Chủ tịch tỉnh) yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tạm dừng các thủ tục đầu tư xây dựng dự án Đồn Biên phòng Bình Hải, huyện Bình Sơn để điều chỉnh đến vị trí khác phù hợp”.

Có thể thấy, FLC muốn lấy đất ở đâu thì cũng được các quan chức các địa phương “tạo điều kiện”, và “hỗ trợ” hết mức. Và những mảnh đất đó biến thành những con gà đẻ trứng vàng cho FLC. Tuy nhiên, ông Quyết còn nhiều tuyệt chiêu kiếm tiền khác.Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways. (Ảnh: Nhac Nguyen/AFP qua Getty Images)

Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí

Tháng 11/2017, ông Quyết đã bán 57 triệu cổ phiếu, nhưng không báo cáo thông tin giao dịch với Ủy ban chứng khoán, và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, với giá trị giao dịch thu về ước tính đạt hơn 400 tỷ đồng. Với hành vi ‘bán chui' kiếm bội tiền này, ông Quyết bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính đến tận… 65 triệu đồng.

Có lẽ mức phạt như ‘khuyến khích’ trên đã thúc đẩy ông Quyết làm vụ thứ 2. Trong phiên giao dịch ngày 10-1-2022, ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC, với số tiền 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỉ đồng.

Đúng là quen mui thấy mùi ăn mãi. Người ta thường nói, phúc bất trùng lai. Vụ ‘úp sọt’ các nhà đầu tư của ông Quyết lần này đã bị UBCKNN hủy bỏ các giao dịch của cổ phiếu FLC, đồng thời xử phạt FLC 495 triệu đồng vì các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Chiều 29.3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty CP tập đoàn FLC, để điều tra về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, theo quy định tại điều 211 bộ luật Hình sự.

Phúc không đến hai lần, và họa cũng không ập đến một mình. Ngày 4.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an cũng đã thực hiện lệnh bắt giữ đối với bà Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban Kế toán thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, em gái ruột ông Quyết, để điều tra về tội danh “thao túng thị trường chứng khoán”. Ngay hôm sau, ngày 5.4, Cơ quan Công an cũng thực hiện lệnh bắt giữ bà Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, một em gái ruột khác của ông quyết, với cáo buộc giúp sức anh trai thao túng và che giấu thông tin chứng khoán

Ngoài ra Bộ Công an cũng đề nghị UBND các tỉnh thành rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn đứng tên cá nhân của ông Trịnh Văn Quyết và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp, cùng hai em gái ruột Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế. Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Nhân quả có hay không?

Các tín ngưỡng truyền thống như Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian đều tin vào nhân quả, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Tuy nhiên, do tiếp nhận giáo dục theo thuyết vô Thần, nên ngày càng nhiều người không tin vào Thần Phật, không tin nhân quả. Vậy nhân quả có hay không?

Nhân quả hiểu theo cách đơn giản nhất là gieo trồng hạt giống (nhân) gì thì sẽ gặt hái được quả đó. Con người làm bất kỳ việc gì tức là tạo ra nhân, sau này ắt sẽ nhận quả báo cho hành động đó. Kinh Nhân quả ba đời có viết: “Muốn biết Nhân đời trước, xem sự hưởng đời nay. Muốn biết Quả đời sau, xem việc làm kiếp này”.

Khá nhiều việc là nhân quả cách đời mới có báo ứng, nên người ta không nhìn thấy, nên cũng không tin. Tuy nhiên, phương Tây cũng nghiên cứu về nhân quả, và còn ứng dụng vào chữa bệnh.

Ở Tây phương có nhà ngoại cảm nổi tiếng Edgar Cayce (1877—1945), cả đời ông đã tiến hành 15.000 lần tiên tri dưới trạng thái nhập định và chúng đều được ghi chép, bảo tồn một cách cẩn thận. Những lời tiên tri của ông chủ yếu là chuẩn đoán bệnh tật, trong đó có 8.986 bệnh án.

Với mỗi một người, ông lại tiên đoán nhân quả một cách minh xác và tìm ra căn nguyên bệnh tật của người đó, ông cho rằng chúng không phải đến từ vật chất không gian trong một đời này, mà nó đến từ nghiệp lực luân báo ở những kiếp trước. Đó chính là những điều đã làm sai trái ở kiếp trước mà tạo thành bệnh tật ở kiếp này, gieo nhân nào thì gặp quả nấy.

Ví dụ một trường hợp, một chàng thanh niên bị tai nạn ô tô, bị chấn thương nặng, cột sống bị tổn thương nghiêm trọng, cả đời chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Nhiều phương pháp điều trị và phục hồi chức năng đều không hiệu quả, và đã tìm đến Edgar Cayce. Ông nhìn lại quá trình chuyển sinh của chàng thanh niên, và thấy cậu trong một kiếp phạm phải tội nghiêm trọng. Có một kiếp, chàng thanh niên là một người lính La Mã, thời Đế quốc La Mã bức hại tín đồ Cơ Đốc. Đối diện với việc bị bức hại, cậu còn cười trên nỗi đau của các tín đồ, và tham gia vào các cuộc đàn áp. Những tội lỗi mà cậu gây ra ở kiếp trước, thuận theo việc luân hồi chuyển sinh đến kiếp này, việc cậu bị tai nạn ô tô, bị bại liệt là để trả món nợ nghiệp tiền kiếp.

Một người làm đại gia, người nhà vào nhà đá: Nhân quả thời nay

Hiện nay, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao người tốt không được quả báo tốt, sống cực khổ, còn kẻ ác không bị ác báo, vẫn sống sung sướng?

Đó là chúng ta chỉ thấy đời này, ví dụ thấy kẻ tham quan, gian thương, lợi dụng chức quyền, vơ vét tiền của quốc gia, của người dân, con cái sang nước ngoài du học và sinh sống, nhưng họ lại không bị trả giá. Có thể là đời trước họ đã làm nhiều việc thiện, tích được nhiều đức, nên phúc của họ chưa hết. Còn những việc xấu trong đời này tích lũy lại, đợi đến phúc báo của họ đã hưởng thụ hết, thì lúc đó nghiệp báo giáng xuống thôi. Chúng ta có thể chờ xem họ cuối đời ra sao thì sẽ rõ.

Tuy nhiên, thời đại ngày nay là thời đặc biệt, nhân quả không kéo dài hàng chục năm, hoặc kéo dài sang các đời sau như trước nữa.

Như ông Quyết, việc làm sai trái của ông cũng chỉ mới xảy ra cách đây vài năm, thì đã bị bắt khi đang ở trên đỉnh cao của tiền tài danh vọng, lại còn liên lụy đến người nhà nữa. Kết quả điều tra mở rộng ra đến đâu thì còn chờ các cơ quan chức năng, nhưng hiện tại thì 2 người em gái của ông cũng đã theo chân ông anh đại gia để vào nhà đá rồi.

Không chỉ ông Quyết, một đại gia bất động sản khác là Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Dũng lợi dụng các công ty con, phát hành 09 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng. Ông Dũng cũng đã bị Cơ quan Công an bắt ngày 5-4-2022 về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Không chỉ có vậy, cậu con trai thứ 2 của ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, cũng đã bị bắt để điều tra. Đây cũng là trường hợp báo ứng xảy ra khá nhanh, một người làm đại gia, người nhà vào nhà đá.

Ông tổ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản Shibusawa Eiichi (1840-1931), người trực tiếp và gián tiếp quản lý 500 công ty Nhật, tạo nên nước Nhật giàu mạnh thời Minh Trị, và ảnh hưởng đến giới thương gia Nhật suốt hơn 100 năm nay, chính là nhờ việc đem tư tưởng đạo đức, tu bình trị của Nho gia vào mô hình kinh doanh học từ các công ty phương Tây. Việc này khiến các công ty Nhật phát triển mạnh mẽ hơn các công ty phương Tây, và xã hội Nhật giàu có, hiện đại hơn các nước phương Đông với nền Nho học đã trở nên tàn lụi.

Shibusawa viết sách “Luận Ngữ và bàn tính”, đã đặt định mô hình kinh tế tư bản Nhật Bản lấy luân lý đạo đức làm chỉ đạo. Ông đã kết hợp hoàn hảo giữa đạo lý làm người và kinh doanh, dùng tư tưởng Khổng Tử để đối xử chính xác việc kiếm tiền và sử dụng tiền bạc. Do đó, các công ty có tuổi đời hàng trăm năm của Nhật Bản sau này, bất kể là Mitsubishi, Matsushita, hay các doanh nghiệp nổi tiếng khác, đều lấy giá trị quan luân lý, thành tín, trung nghĩa hòa nhập vào triết lý kinh doanh của doanh nghiệp, đều coi trọng cống hiến cho xã hội, cho rằng kinh doanh công ty, kiếm tiền là để làm giàu cho quốc gia, làm giàu cho người dân.

Một số đại gia Việt cũng có tầm nhìn sắc bén về kinh doanh, biết chớp cơ hội làm giàu, nhưng trong tâm không có sự ước thúc của đạo đức, coi kiếm tiền là mục đích, là trên hết, lại còn ‘lý luận’ rằng: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”, chỉ biết sùng bái kim tiền, coi tiền là sức mạnh vạn năng, có thể sai khiến được người khác, bẻ cong pháp luật, trấn áp dư luận. Họ có thể câu kết với một số quan chức, người nắm quyền để lách luật, làm lợi cá nhân, nhưng sao có thể lách được luật Trời, luật Nhân Quả.

Nhân quả ngày nay xảy đến nhanh hơn trước rất nhiều. Cách đây một vài chục năm, vẫn có khá nhiều người làm giàu trái pháp luật mà vẫn có thể hạ cánh an toàn, gửi tiền và di cư ra nước ngoài, cho con cái du học định cư nước ngoài. Có người gác kiếm lui về sống cuộc sống êm đềm ở biệt phủ chốn thôn quê, vui thú điền viên. Những việc làm tội lỗi của họ vẫn chưa thấy rõ báo ứng. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, những đại gia, quan chức bị bắt giữ, tù tội, bị tai nạn, bạo bệnh, bất đắc kỳ tử đã liên tiếp xảy ra. Đó chính là quả báo nhãn tiền.

Quả báo nhãn tiền ngày nay xảy ra với tất cả mọi người chứ không riêng các đại gia. Mọi người thử bình tâm chiêm nghiệm xem, nếu mình bị ốm đau bệnh tật, hay tai nạn gì, mất tiền của, thương tật… thì hãy xem lại quãng thời gian gần đây có làm điều gì sai không? Có làm việc gì thiệt người hại mình không? Có ăn nói lật lọng, đổi trắng thay đen, hay vu oan giá họa cho người khác không? Có ác khẩu lăng nhục người ta không?.... Như thế, sẽ tự chiêm nghiệm được nhân quả nhãn tiền, từ đó ước thúc cái tâm mình, không để dục vọng khống chế, làm những việc phi pháp, vô đạo đức, nhờ đó tránh khỏi kết cục xấu như ốm đau bệnh tật, tù đày, tai nạn, bất hạnh của bản thân và người thân trong gia đình.

Kinh Thánh có câu: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29). Người xưa nói: “Thà tin là có, chớ tin là không”. Với những người tin nhân quả, ít nhất họ cũng có được cuộc sống đạo đức, không cố ý làm việc xấu, phạm pháp. Còn người chưa tin nhân quả báo ứng, thiện ác hữu báo, thì ít nhất hãy học trí tuệ của người xưa, thà tin là có, chớ tin là không. Vì như thế, họ cũng sẽ không bị mất đi thứ gì, cái mất đi chỉ là những hành vi, việc làm, lời nói, ý nghĩ xấu, hại người lợi mình, trái lại, còn có cuộc sống bình yên, và gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Còn với các đại gia, những người theo nghiệp kinh doanh, có lẽ nên học người Nhật, học theo ông tổ chủ nghĩa tư bản Nhật, đưa giá trị quan đạo đức, luân lý, thành tín, nhân nghĩa vào kinh doanh, làm giàu không phải mục đích, mà chỉ là phương tiện để cống hiến cho xã hội. Như thế, công việc kinh doanh sẽ tràn ngập niềm vui, và sự nghiệp mới rộng mở, mới tạo nên gia tộc giàu mạnh, xã hội thịnh vượng, quốc gia hùng cường, như tấm gương của nước Nhật vậy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét