Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Hãy đặt mình vào tâm thế người làm thuê

Vấn đề chính hiện nay là đối với hầu hết người lao động, tiền lương họ nhận được thực tế đã rất cao hơn tiền lương tối thiểu quá thấp được nhà nước đặt ra cho có để không bị dư luận trong nước và thế giới chê trách. Trong bài này có viết người giúp việc thuộc loại lao động đơn giản nhất, nhưng nếu họ thấy chỉ được trả mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng, thì chưa chắc họ đã chịu làm, trong khi tiền lương tối thiểu cho người lao động hiện nay chỉ hơn 4 triệu. Chính vì vậy mà tăng lương tối thiểu chỉ có lợi cho các quỹ BHXH, BHYT, BHTN và tăng phí công đoàn, còn người lao động thường không được tăng lương, thậm chí còn có thể bị giảm đi. Các doanh nghiệp thường sử dụng song song 2 bảng lương, gồm bảng tiền lương thực trả cho người lao động và bảng tiền lương tối thiểu để đóng các quỹ. Nếu nhà nước bắt phải tăng tiền lương tối thiểu thì đồng nghĩa với số tiền đóng cho các quỹ BHXH, BHYT, BHTN và công đoàn tăng lên, Nếu doanh nghiệp không cân đối được tài chính cho số chi phí tăng này thì họ sẽ điều chỉnh giảm tiền lương thực trả cho người lao động để có tiền bù đắp thiệt hại do phải đóng các quỹ trên. Vì vậy, gốc rễ của vấn đề là chính quyền và doanh nghiệp phải "đặt mình vào tâm thế người làm thuê" để có chính sách hài hoà lợi ích hơn giữa Doanh nghiệp - Người lao động - Nhà nước, trong đó phải coi lợi ích của người lao động là trung tâm cần ưu tiên. Nếu làm được như thế thì có thể không cần tăng lương tối thiểu, thay vào đó là nhà nước giảm chi tiêu và sử dụng có hiệu quả hơn tiền ngân sách, từ đó sẽ giảm các loại thuế đánh vào người dân và doanh nghiệp. Hoặc nhà nước sẽ quản lý tốt hơn các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp nhà nước độc quyền như điện, nước, hàng không, xăng dầu... để giảm gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Hãy đặt mình vào tâm thế người làm thuê
19/04/2022 TTO - Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải chăm lo cho người lao động, việc điều chỉnh lương phải làm, còn cốt lõi là điều chỉnh bao nhiêu phần trăm sẽ hài hòa lợi ích của người lao động, giúp doanh nghiệp phát triển, kinh tế đất nước đi lên.

Người lao động đang rất trông chờ được tăng lương - Ảnh: VŨ THỦY

Nếu thử đặt mình vào vị thế của người làm thuê, nhất là công nhân trong các nhà xưởng, bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận thấy cuộc sống của họ quá khó khăn bởi lương thấp, vật giá leo thang trong khi dịch bệnh hơn hai năm qua càng đẩy miếng cơm manh áo của họ thêm cơ cực.

Vì vậy, việc tăng lương, thực chất là điều chỉnh lương tối thiểu để bảo đảm mức sống tối thiểu cần phải thực hiện ngay, đã chậm quá rồi.

Chẳng cần nói đâu xa, ngay ở giữa TP.HCM, một gia đình đi tìm người giúp việc và đặt ra mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng, chưa chắc người ta đã chịu làm. Trong khi đó, công nhân ở các nhà máy, các khu công nghiệp hiện nhận mức lương tối thiểu của vùng 1 chỉ 4.420.000 đồng/tháng.

Nếu đi vào các khu trọ công nhân, sẽ không khó để thấy cuộc sống của họ đang ra sao, mọi thứ đều phơi bày trước mắt, rất dễ để cảm nhận nỗi khốn khó của người lao động. Không ít người đã rời thành phố, những người bám trụ lại nhà xưởng cũng gặp không ít khó khăn khi thu nhập giảm, vật giá leo thang, chi phí cho cuộc sống đội lên.

Cũng vì 2 năm dịch nên Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp vẫn áp dụng mức lương tối thiểu từ đầu năm 2020. Với mức đề xuất tăng 6%, mức lương sẽ tăng thêm 180.000 - 260.000 đồng/tháng cho mỗi vùng, song lương tối thiểu cao nhất cũng chỉ ở ngưỡng chưa tới 4,7 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, Luật lao động nêu rõ "mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội".

Do đó, vấn đề đặt ra là cần thực thi đúng theo luật, coi lương tối thiểu này có đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động trong bối cảnh 2 năm trượt giá hay không? Còn về mốc thời gian, bàn cãi gì nữa khi đã 2 năm rồi chưa tăng, phải tăng ngay và mốc 1-7 năm nay là hợp lý.

Tất nhiên, ở góc độ doanh nghiệp cũng có những cái khó, nhưng dịch bệnh đâu phải ai cũng kiệt quệ, nhiều doanh nghiệp, ngành nghề thậm chí còn phất lên trong dịch. Để sẻ chia với khó khăn của nhà đầu tư, chúng ta đã lùi thời gian tăng lương nên đến thời điểm này tăng là phù hợp và vẫn còn thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị.

Ở góc độ này, giới doanh nghiệp phải sẻ chia với người lao động, cũng là cách để hỗ trợ nguồn nhân lực của chính mình.

Rõ ràng, bên nào cũng muốn quyền lợi của mình đạt tối đa, nhưng chúng ta phải hài hòa lợi ích của các bên, vì sự phát triển chung.

Người lao động đang khó khăn vì hai năm chưa điều chỉnh lương, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải chăm lo cho người lao động, việc điều chỉnh lương phải làm, còn cốt lõi là điều chỉnh bao nhiêu phần trăm sẽ hài hòa được lợi ích của người lao động, giúp doanh nghiệp phát triển, kinh tế đất nước vẫn đi lên.

Đó là điểm chung cần trung hòa, còn tăng từ 1-7 là đúng rồi, bàn cãi gì nữa.

https://tuoitre.vn/hay-dat-minh-vao-tam-the-nguoi-lam-thue-20220419093626383.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét