Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Kháng nghị giám đốc thẩm vụ án BOT Bắc TL-NB

Ủng hộ 2 em Huệ Như và Mạnh Tiến. Đề nghị tòa án trả lại tự do cho 2 em ngay lập tức.
VỤ ÁN BOT BẮC THĂNG LONG - NỘI BÀI - 
ĐƠN ĐỀ NGHỊ KHÁNG NGHỊ THEO THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM
(Đối với bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật) - fb LS Lê Đình Việt
Kính gửi:
Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội;
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội
Có thể là hình ảnh về 2 người và mọi người đang đứng
Bà Đặng Thị Huệ
Tôi là Lê Đình Việt (Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Minh Tín), là người bào chữa cho bà Đặng Thị Huệ (Sinh năm 1981; ĐKTT: xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) và ông Bùi Mạnh Tiến (Sinh năm 1983; ĐKTT: số 309 đường Trần Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) theo Thông báo người bào chữa tham gia tố tụng số 339/2020/TB-TA ngày 08/7/2020 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Bà Đặng Thị Huệ và ông Bùi Mạnh Tiến bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử về tội “gây rối trật tự công cộng” và tuyên phạt mỗi người lần lượt 15 và 12 tháng tù. Hiện cả hai người đang phải chấp hành hình phạt tù của bản án này.

Tôi làm đơn này kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét lại các bản án sau để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

- Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2020/HSST, ngày 08/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, và
- Bản án hình sự phúc thẩm số 508/2019/HS-PT ngày 29, 30/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Lý do yêu cầu xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm: Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

I. NỘI DUNG VÀ QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN

Khoảng 15 giờ 06 phút ngày 11/6/2019, ông Bùi Mạnh Tiến điều khiển xe ô tô con Toyota Altis, BKS 30T – 6473 chở theo bà Đặng Thị Huệ di chuyển theo chiều sân bay Nội Bài đi cầu Thăng Long. Khi đi đến trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, do barie của trạm chắn ngang làn đường nên buộc xe ô tô phải dừng lại. Tại đây, bà Huệ và ông Tiến đã yêu cầu nhân viên của trạm mở barie để xe tiếp tục di chuyển nhưng nhân viên của trạm không đồng ý. Nhân viên của trạm đã yêu cầu họ mua vé thì mới mở barie để cho xe đi qua trạm. Bà Huệ và ông Tiến hỏi lý do thu tiền thì được nhân viên của trạm này cho biết: việc thu phí là nhằm hoàn vốn cho dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) do Công ty CP BOT Vietracimex8 là chủ đầu tư.
Do không đi qua dự án của Công ty CP BOT Vietracimex8 nên nhận thấy việc thu phí tại trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài là bất thường, bà Huệ và ông Tiến đã yêu cầu người quản lý của trạm cung cấp tài liệu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép Công ty CP BOT Vietracimex8 thu phí. Do người quản lý của trạm và nhân viên thu phí không hợp tác để cung cấp tài liệu chứng minh quyền thu phí nhưng vẫn không chịu mở barie nên xe của bà Huệ và ông Tiến đã không đi qua trạm thu phí được. Do có công việc bận nên sau đó, bà Huệ đã lấy tiền trả cho nhân viên của trạm để mua vé. Nhân viên của trạm nhận tiền nhưng sau đó quay ra trả lại cho bà Huệ. Sau đó, Công an huyện Sóc Sơn đã cưỡng chế xe ô tô BKS 30T – 6473 và đưa ông Tiến, bà Huệ về Công an huyện Sóc Sơn để làm việc.
Ngày 11/10/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn ra Quyết định số 315 khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra ngày 11/6/2019 tại Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, đồng thời khỏi tố bị can đối với bà Huệ, ông Tiến về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Ngày 16/10/2019, bà Đặng Thị Huệ bị bắt theo Lệnh bắt bị can để tạm giam số 18 ngày 11/10/2019. Ông Bùi Mạnh Tiến bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 11/10/2019.
Ngày 04/3/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn ra Cáo trạng số 24/CT-VKS truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn để xét xử bà Đặng Thị Huệ và ông Bùi Mạnh Tiến về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ngày 08/5/2020, Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn đưa vụ án ra xét xử. Kết quả, Hội đồng xét xử xử phạt bà Đặng Thị Huệ 18 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”, tổng hợp hình phạt với Bản án hình sự trước đó (bà Huệ bị tuyên phạt 24 tháng tù nhưng được hưởng án treo) thành 42 tháng tù; ông Bùi Mạnh Tiến bị xử phạt 15 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”. Cả bà Đặng Thị Huệ và ông Bùi Mạnh Tiến đều kháng cáo kêu oan.
Ngày 29, 30/7/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại Bản án số 508/2020/HS-PT, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bà Huệ và ông Tiến. Bà Huệ bị xử phạt 15 tháng tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước đó là 39 tháng tù. Ông Tiến bị xử phạt 12 tháng tù.

II. CĂN CỨ ĐỂ KHÁNG NGHỊ

1. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án
a) Về điều kiện khởi tố vụ án
Ông Tiến và bà Huệ bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chỉ ra họ bị khởi tố theo trường hợp nào trong 02 trường hợp (hay còn gọi là cấu thành cơ bản) được quy định tại khoản 1 Điều 318 (1. Gây rối trật tự công cộng mà hậu quả là ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 2. Gây rối trật tự công cộng mà trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích.).
Nếu không đưa được lý do khởi tố và chứng minh được lý do đó là có căn cứ thì việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố và kết tội ông Tiến, bà Huệ là trái pháp luật. Việc khởi tố, truy tố và kết tội ông Tiến, bà Huệ là không có căn cứ, kể cả nếu có đối chiếu với hai cấu thành cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, chi tiết:
- Nếu xác định ông Tiến và bà Huệ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng: Thực tế, ông Tiến và bà Huệ lần lượt bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng theo Quyết định số 113/QĐ-XPVPHC ngày 16/3/2019 và Quyết định số 188/QĐ-XPHC ngày 20/5/2019 của Trưởng Công an huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, cả hai người đều khởi kiện Trưởng Công an huyện Sóc Sơn tại TAND huyện Sóc Sơn. Như vậy, theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính thì các quyết định này của Trưởng Công an huyện Sóc Sơn đang trong thời gian xem xét lại giá trị pháp lý. Về nguyên tắc, CQĐT huyện Sóc Sơn phải đợi kết quả giải quyết các vụ án hành chính cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của TAND có thẩm quyền, dựa vào quyết định của bản án để ra một trong các quyết định: 1) Khởi tố vụ án hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự khi các quyết định xử phạt vi phạm hành chính là hợp pháp; 2) Không khởi tố vụ án khi Tòa án xác định các quyết định này bất hợp pháp. Mặc dù Tòa án chưa đưa các vụ kiện hành chính nêu trên ra xét xử nhưng vẫn khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, truy tố, xét xử và kết tội đối với ông Tiến, bà Huệ. Do còn “nợ đầu vào” nên toàn bộ các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử trái với chính quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.
- Nếu xác định ông Tiến, bà Huệ gây rối trật tự công cộng mà hậu quả là ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều không chứng minh được hậu quả do ông Tiến, bà Huệ gây ra.
b) Cả 03 cơ quan tham gia việc “kết tội” bị cáo
Bút lục 269 là văn bản số 54/Cv-LNNC ngày 14/10/2019 (ban hành sau khi khởi tố vụ án 03 ngày) của “Liên ngành nội chính huyện Sóc Sơn” (03 cơ quan THTT huyện Sóc Sơn gồm: Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án). Văn bản này là kiến nghị chung gửi đến Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Trang 2 của văn bản có nội dung: “Để tuyên truyền phòng ngừa loại tội phạm này. Ngày 14/10/2019 lãnh đạo liên ngành nội chính huyện Sóc Sơn đã họp Quyết định đưa vụ án trên ra xử điểm tại địa phương”.
Như vậy, mặc dù mới khởi tố vụ án được 03 ngày và đang còn ở giai đoạn điều tra nhưng cả 03 cơ quan tiến hành tố tụng vì mục đích tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm mà đã tính đến cái đính còn đang rất xa là “đưa ra xử điểm tại địa phương”. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật TTHS thì vụ án có thể bị đình chỉ ở giai đoạn điều tra, truy tố.
Với sự “thống nhất” này thì các nguyên tắc pháp luật cơ bản của Hiến Pháp và Bộ luật TTHS (thẩm pháp xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nguyên tắc tranh tụng,…) khó có thể được vận dụng. Và đương nhiên chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng dường như được hòa chung với nhau: Tòa án tham gia giải quyết vụ án khi đang còn trong giai đoạn điều tra (trong khi đáng ra cơ quan này chỉ tham gia tố tụng sau khi có Cáo trạng của VKS), còn CQĐT và VKS lại tham gia khâu xét xử khi cùng tham gia quyết định “đưa ra xử điểm tại địa phương” và định tội “xác định án điểm”.
Sự thống nhất này đã tạo ra một hệ quả vô cùng bất lợi cho bị cáo, một loạt các nguyên tắc cơ bản trong TTHS bị vô hiệu hóa (suy đoán vô tội; xác định sự thật của vụ án; đảm bảo quyền bào chữa; đảm bảo sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng…), đẩy các bị can vào tình trạng “không lối thoát”.
Như vậy, việc họp thống nhất án của Liên ngành nội chính huyện Sóc Sơn là trái pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm hoạt động tư pháp. Chính vì có sự thống nhất án này nên không thể đảm bảo tính khách quan của các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử ở giai đoạn sơ thẩm, do đó cần phải hủy bỏ toàn bộ kết quả trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm.
2. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật
Cả bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đều không thể chấp nhận khi những điều trái pháp luật và bất công lại thắng thế những nguyên tắc cơ bản của pháp luật và chính nghĩa.

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng

a) Xác định người bị kết tội có nghĩa vụ trả tiền dịch vụ cho Công ty CP BOT Vietracimex8 là không đúng vì:
- Theo quy định của pháp luật:
Ông Tiến và bà Huệ không thuộc trường hợp phải mua “vé dịch vụ sử dụng đường bộ” qua trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài (vé do Công ty CP BOT Vietracimex8 phát hành). Bản chất của việc mua vé chính là thanh toán cho dịch vụ mà mình đã sử dụng (theo quy định tại Điều 513 và Điều 515 Bộ luật Dân sự).
Dịch vụ do Vietracimex8 cung cấp là lưu thông trên Quốc lộ 2 đoạn tránh TP. Vĩnh Yên. Trong khi ông Tiến và bà Huệ chỉ lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt theo hướng từ Sóc Sơn về trung tâm TP. Hà Nội, cách nơi Vietracimex8 cung cấp dịch vụ đến hơn 40km. Như vậy, giữa ông Tiến, bà Huệ và Vietracimex8 không có giao dịch dân sự nào vào ngày 11/6/2019. Họ không có nghĩa vụ trả phí dịch vụ cho Vietracimex8.
- Theo hợp đồng ký kết giữa Cục Đường bộ Việt Nam và Công ty CP BOT Vietracimex8:
Mục 6 Phần III của Phụ lục Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) Dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 15/01/2009 thì Vietracimex8 chỉ được phép thu phí của các phương tiện tham gia giao thông tại dự án do mình làm chủ đầu tư là đường chánh TP. Vĩnh Yên. Việc Vietracimex8 thu phí dịch vụ của ông Tiến, bà Huệ là trái với nội dung của hợp đồng ký với Cục Đường bộ.
Mặc dù theo quy định của pháp luật và theo nội dung của Hợp đồng ký giữa Cục Đường bộ Việt Nam và Công ty CP BOT Vietracimex8 thì các bị cáo không thuộc trường hợp phải mua vé (tức trả phí dịch vụ) khi đi qua trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài. Tuy nhiên, Hai cấp xét xử đã cố ý giải thích sai quy định của pháp luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước theo hướng các bị cáo phải mua vé qua trạm BOT. Chẳng hạn, Quyết định số 2465/QĐ-BGTVT thể hiện việc chuyển giao Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài cho Công ty CP BOT Vietracimex8 để thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh TP. Vĩnh Yên; Công văn số 783/BTC-HCSN ngày 17/01/2011 của Bộ Tài chính và Công văn số 7909/VPCP – KTN ngày 09/10/2014 của Văn phòng Chính phủ xác định tiền thu phí tại Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài dùng để hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên theo Hợp đồng đã ký kết với Nhà đầu tư. Các văn bản này không quy định Vietracimex8 được thu phí của cả những phương tiện không sử dụng dịch vụ đường bộ. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm đã giải thích theo hướng các văn bản này cho phép Công ty CP BOT Vietracimex8 thu phí của tất cả các phương tiện là ô tô tham gia giao thông đi qua trạm thu phí.
Giả sử Quyết định số 2465/QĐ-BGTVT cho phép Vietracimex8 thu tiền của cả các phương tiện không sử dụng dịch vụ thì khoản tiền mà Vietracimex8 yêu cầu ông Tiến, bà Huệ trả chắc chắn không phải là nghĩa vụ của các bị cáo phát sinh từ việc sử dụng dịch vụ. Khoản thu này nằm ngoài các căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự và chưa được pháp luật định danh. Nếu Vietracimex8 thu loại tiền này thì phải phát hành một loại chứng từ riêng, không thể là “vé dịch vụ sử dụng đường bộ”. Do Vietracimex8 chỉ bán “vé dịch vụ sử dụng đường bộ” nên các bị cáo hoàn toàn có quyền từ chối mua.
Như vậy, bản án sơ thẩm của TAND huyện Sóc Sơn và bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã giải thích sai các quy định của pháp luật và quyết định của Bộ Giao thông Vận tải khi xác định ông Tiến và bà Huệ không sử dụng dịch vụ nhưng vẫn phải mua vé để qua trạm BOT. Việc này chẳng khác nào thừa nhận Công ty CP BOT Vietracimex8 có quyền lợi đặc biệt, nằm ngoài và vượt qua mọi quy định pháp luật.
b) Xác định các bị cáo cố tình dừng đỗ tại làn, gây cản trở, ùn tắc giao thông là không đúng vì
Vào ngày 11/6/2019, khi đang lưu thông qua trạm BOT, ông Tiến đã phải miễn cưỡng dừng xe do trạm này hạ barie chắn không cho đi. Khi bà Huệ yêu cầu nhân viên của trạm cung cấp tài liệu chứng minh quyền thu phí thì chỉ nhận được sự lảng chánh. Trạm BOT đã yêu cầu ông bà thực hiện những điều trái pháp luật và bất công là mua “vé dịch vụ sử dụng đường bộ”.
Trong trường hợp này quyền tự do đi lại của ông Tiến, bà Huệ đã bị xâm hại. Họ bị khống chế và không có cách nào để ra khỏi trạm thu phí, mặc dù thậm chí sau đó họ đã đưa tiền cho nhân viên của trạm nhưng bị trả lại và từ chối bán vé. Với cách làm như vậy thì thời gian “dừng đỗ” sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào trạm BOT và thời điểm cẩu xe của lực lượng chức năng.

III. KIẾN NGHỊ CỦA NGƯỜI LÀM ĐƠN

Từ các căn cứ đã nêu trên cho thấy có đủ cơ sở để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2020/HSST ngày 08/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn và Bản án hình sự phúc thẩm số 508/2019/HS-PT ngày 29, 30/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Vậy, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 371, khoản 3 Điều 373, Điều 378 Bộ luật Tố tụng Hình sự kháng nghị toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2020/HSST ngày 08/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn và Bản án hình sự phúc thẩm số 508/2019/HS-PT ngày 29, 30/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội theo hướng yêu cầu hủy hai bản án trái pháp luật và đình chỉ vụ án.
Mọi phúc đáp, đề nghị gửi về Luật sư Lê Đình Việt (địa chỉ: Công ty Luật TNHH Minh Tín, tầng 4 tòa nhà Hà Thành Plaza, số 102 Thái Thịnh, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội)
Trân trọng cảm ơn!

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2021
LS Lê Đình Việt

Tài liệu gửi kèm đơn kiến nghị:
1) Thông báo người bào chữa tham gia tố tụng số 339/2020/TB-TA ngày 08/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
2) Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2020/HSST ngày 08/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn và Bản án hình sự phúc thẩm số 508/2019/HS-PT ngày 29, 30/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
3) Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 06 ngày 11/10/2019 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn.
4) Cáo trạng số 24/CT-VKS ngày 04/3/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn.
5) Một số tài liệu của hồ sơ vụ án, gồm:
- Bút lục số 1 – Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 315, ngày 11/10/2019;
- Bút lục số 34, 35 – Quyết định khởi tố bị can số 425 và 426;
- Bút lục từ số 43 đến số 50 – các tài liệu về áp dụng biện pháp ngăn chặn;
- Bút lục từ số 131 đến số 152 – các tài liệu liên quan đến dự án đường chánh thành phố Vĩnh Yên và trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài;
- Bút lục 269 – Văn bản của Liên ngành Nội chính huyện Sóc Sơn số 54/CV-LNNC ngày 14/10/2019;
- Bút lục 276 – Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 113/QĐ-XPVPHC của Công an huyện Sóc Sơn;
- Bút lục từ 277 đến 294 – Lời khai của Bùi Mạnh Tiến;
- Bút lục 314 – Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 188/QĐ-XPHC của Công an huyện Sóc Sơn;
- Bút lục từ 339 đến 363 – Lời khai của Đặng Thị Huệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét