Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Chuyện không tuyển xinh những em nói ngọng

Đất nước trải dài từ Bắc vào Nam gần 3000 km, kinh tế phong tục tập quán và sinh hoạt khác nhau... thì có những điểm khác nhau về ngôn ngữ theo vùng miền là tất yếu. Tuy nhiên, Đảng phân công những người nói giọng không chuẩn làm lãnh đạo trong những ngành quan trọng hay đặc thù (như giáo dục hay ngoại giao) thì cũng đáng buồn! Thiếu gì người giỏi mà giọng nói vẫn rất chuẩn nhưng sao lại không phân công họ ? Còn nhớ hồi mình học lớp quản lý kinh tế trung ương ở Sài Gòn năm 1983 do chuyên gia Liên Xô dạy, dành cho cán bộ cấp cao cỡ Chủ tịch tỉnh và tương đương trở nên. Có những bác Bộ trưởng vào báo cáo tình hình, các bác nói giọng mấy tỉnh miền trung, lại qua cái micro và loa rè rè, bọn mình dân Hà Nội gốc chẳng ai hiểu cả, nên ngồi chơi hay ngủ cả buổi. Hồi đó mình cứ khâm phục bạn Phan Thiên Thạch (con Phó thủ tướng Phan Anh) ngủ ngồi trong lớp cực giỏi. Ngủ mà nhìn từ xa như đang chăm chú nghe giảng; thế mới tài. Người dân chỉ mong các bác ngọng khi được bổ nhiệm lúc đầu nên hạn chế đăng đàn, dành thời gian tự mình rèn luyện, uốn nắn giọng nói của chính mình sao cho chuẩn rồi sau đó mới nên xuất hiện nhiều !
Chuyện không tuyển xinh những em nói ngọng
Sắp đến mùa thi cử, Hội đồng trường Đại học X họp bàn về công tác tuyển sinh. Nghe tin một trường đại học sư phạm nọ vừa công bố không tuyển sinh những người nói ngọng, Hội đồng trường X cũng định học tập mô hình này. Thầy hiệu trưởng mới được bầu, trẻ trung, năng động, người Hà Nội gốc, vừa tu nghiệp ở nước ngoài về, khai mạc cuộc họp bằng một bài phát biểu hết sức lưu loát và nêu đề nghị : "Chường chúng ta là một cơ xở đào tạo có uy tín. Không thể thua trường đại học sư phạm nọ được. Chúng ta phải đi đầu chong việc không tuyển xinh những em nói ngọng. Không thể tuyển những người nói lẫn lộn chữ N với chữ L như nói : "Cán bộ no (lo) dân đói".
Thầy hiệu phó già, quê Hải Dương, vốn vẫn ấm ức mình nhiều tuổi, thâm niên cao mà giờ không lên được, phải làm phó cho trẻ ranh, nên phản ứng ngay : "Anh nói thế nà... nà... nà không được. Tuyển sinh cốt ở chọn người giỏi hay dốt, chăm hay nười chứ nói ngọng thì chết ai đâu. Mà giọng Hà Nội của anh cũng không chuẩn, cũng ngọng TR thành CH, S thành X, ượu thành iệu và còn nhiều nữa . Đâu phải ngọng chỉ có L với N.

Cô hiệu phó người Ninh bình dè dặt : "Cần phải làm rõ thế nào là giọng chuẩn ... với lại cũng phải làm rõ thế nào là nói ngọng ... Như người huyện Kim thơn (Kim sơn) Ninh bình chúng tôi nói chữ gì cũng thõi (sõi), chỉ có S nói thành TH, trong khi người Thanh hóa bên kia sông thì ngược lại TH nói thành S. Như thế có coi là ngọng không ?".

Bỗng dưới hội trường có tiếng thanh niên nói vọng lên : "Kim thơn còn ngọng chữ TR thành T nữa : "Con tâu tắng tói bờ te tụi" (Con trâu trắng trói bờ tre trụi) làm mọi người cười ồ lên át cả tiếng quát giận giữ của một thầy có giọng xứ Quảng: "Chởi chơ không bèn phơ tiếng" (Chửi cha không bằng pha tiếng).

Cuộc họp bỗng chốc thành cái chợ vỡ ồn ồn, ào ào với đủ giọng nói từ đủ mọi vùng miền : giọng xứ Nghệ : " ... mần răng cự phại sạng tạc cại mợi ..." ... giọng Trị Thiên : "... báo Tuỗi trẽ chũ nhật đã có bài về vấn đề này ...." ... tiếng xứ Thanh : ".... theo tôi vận nên làm như cụ ..." ... chen với tiếng nhại người Đã nẵng : "Cái láp (lốp) xe độp (đạp)... Cái láp xe độp ... Há Há Há ..." ... nhại người miền Tây Nam bộ : "Bắt con cá gô (rô) bỏ dô cái gổ (rổ)/Nó nhảy gồ gồ (cồ cồ)... Ha Ha Ha ..." ... nhại người Nam định : "Đi Hà lội mua cái lồi về lấu cơm lếp. Hơ Hơ Hơ ..." ... 

Đám thanh niên thì cười ngả nghiêng vì câu chuyện tiếu lâm về ông cụ Bắc Ninh mắng con : "Nàm thì nười, nại còn náo, thấy nồn thì nao như tên nửa, đi xe thì đánh võng, nạng nách, nao nên nề ngã nuôn ..." .... lẫn trong đó là tiếng hát nghêu ngao xuyên tạc để trêu chọc giọng Bến tre : "Ai đái nơi gốc dừa/Cho dừa không ra tái/Có phải người ngồi đái là con gái của Bến te ..../Con gái của Bến te ..." ...

Cuộc họp rất vui, lúc cao trào, có thầy còn ngâm nga:

Mắt toét nà tại hướng đình
Cả nàng lói ngọng chứ mình em đâu
(Mắt toét là tại hướng đình
Cả làng nói ngọng chứ mình em đâu)

Cuối cùng cuộc họp tan mà chẳng thống nhất được điều gì. Trường đành đánh công văn lên Bộ Giáo dục Đào tạo để xin chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ !!! Tuy nhiên, công văn từ trường tới Bộ chỉ qua mấy phố mà mãi đến cuối tháng 4 mới đến Bộ này, khi đó Phùng Xuân Nhạ đã chuyển sang làm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Tân Bộ trưởng thấy vấn đề này quá phức tạp, liên quan đến đặc tính vùng miền, sợ phân xử không khéo thành ra vấn đề chính trị nên không dám quyết định, lại phải kính chuyển sang ban Tuyên giáo Trung ương xin ý kiến chỉ đạo của Phó trưởng ban Nhạ.

Không biết Nhạ sẽ phán xử ra sao, chờ hồi sau sẽ rõ.

Nguồn FB Nguyễn Cẩm Tú, có bổ sung thêm cho phù hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét