Vì sao Quốc hội khóa cũ lại bầu nhân sự Chính phủ khóa mới?
10 tháng 4 2021 - Vài tháng sau Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội khóa cũ đã bắt tay bầu nhân sự và các chức danh nhà nước cho khóa mới, mà không chờ đến kỳ bầu cử quốc gia. Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ 'lách luật' mà có thể còn đã 'phớt lờ luật pháp' khi để Quốc hội khóa cũ bầu nhân sự nhà nước cho khóa mới, theo một số nhà quan sát thời sự Việt Nam.Hôm 08/4/2021, nhân có ý kiến từ khán giả của BBC News Tiếng Việt đặt vấn đề rằng ĐCSVN đã bầu và sắp xếp xong hết các chức danh, nhân sự nhà nước cấp cao rồi, vậy vì sao còn bắt người dân đi bầu Đại biểu Quốc hội tới đây nữa, một số nhà quan sát bình luận phản hồi với BBC.
"Trong dân chúng ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều người thấy việc này rất vô lý," PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển từ Hà Nội nói.
"Có thể họ không hiểu biết về luật Tổ chức Quốc hội, luật Bầu cử v.v..., nhưng rõ ràng rằng điều này là bất cập trong thực tế.
"Còn nói dưới góc độ pháp luật, tôi thấy rằng ý kiến này hoàn toàn thỏa đáng thôi, bởi vì bình thường theo quy trình, sau khi đã có danh mục nhân sự của đảng rồi, việc cần hợp thức hóa phải là Quốc hội mới, tức là sau khi bầu cử Quốc hội rồi, thì lúc đó mới làm.
"Thế nhưng ở đây lại làm trước cả khi có Quốc hội mới, thì đúng là điều đó hơi chéo ngoe, đấy là ý thứ nhất về cái gọi là quy trình.
"Ý thứ hai, rõ ràng người dân cũng nhận thấy đi bầu là việc của đảng với nhà nước, còn làm gì cứ bắt người dân phải đi bầu nhiều lần cho tốn tiền, tốn công sức ra.
"Đây là suy nghĩ rất bình thường của người dân, nó phản ánh một thực trạng không đáng phấn khởi lắm trong việc cải cách hệ thống, cải cách thể chế để phát triển đất nước," ông Hoàng Ngọc Giao nói với cuộc hội luận Bàn tròn thứ Năm.
'Đến tài xế xe taxi cũng đặt dấu hỏi'
Đến tài xế xe taxi tại Việt Nam cũng đặt câu hỏi về cách thức đảng Cộng sản Việt Nam kiện toàn nhân sự nhà nước hậu Đại hội 13, nhà bình luận nói với BBC
Tiếp theo ý kiến trên, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, người giảng dạy ở nhiều đại học tại Hà Nội và Việt Nam, nói với BBC:
"Hôm nọ, tôi có đi taxi, người tài xế taxi tự dưng lại trưng cầu ý tôi, khi chở tôi đến trường, anh ấy bảo tôi: chị là người làm việc ở đại học, tôi cũng muốn hỏi chị một câu là tại sao bây giờ bầu hết rồi, lại còn đi bầu Quốc hội làm gì nữa?
"Khi anh ấy hỏi xong, tôi cũng ngớ người ra, tại vì đúng như quy trình thì phải như ông Hoàng Ngọc Giao nói. Sau đó, tôi trả lời rằng: năm nay xem ra cái gì cũng mới anh ạ.
"Đúng là anh ấy có bảo tôi là: bầu xong rồi thì còn bầu nữa làm gì, cứ tự làm với nhau đi cho nó xong, đằng nào người ta cũng biết rằng việc này dân không được bàn đến rồi, tại sao cứ phải giả bộ là dân bàn để làm gì.
"Vì thế tôi nhớ đến người tài xế taxi của mình, thực sự là có nhiều câu chuyện rất vui, bởi vì các tài xế taxi giao tiếp với nhiều người nên có nhiều thông tin."
Về phần mình, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư VN phát biểu:
"Tôi xin giải thích một chút về vấn đề này... Tôi đã có đề cập đến vấn đề 'khoảng trống quyền lực', tức là đảng CSVN, như ông Giao đã nói, quyết định hết về nhân sự, điều mọi người đều đã biết. Nhưng từ nhân sự ấy giới thiệu ra Quốc hội, mà theo điều 7 của Hiến pháp, điều 8 của luật Tổ chức Quốc hội, phải là Quốc hội mới bầu, vậy thì từ tháng Một cho đến tháng Sáu có một 'khoảng trống quyền lực'.
"Tức là một số vị không trúng cử Ban chấp hành Trung ương đảng mà vẫn giữ cương vị cao, thì việc điều hành này có vẻ là đảng không lãnh đạo được, cho nên phải lấp ngay khoảng trống đó, trước hết là như vậy.
"Còn người ta vận dụng như thế này: nhân nhiệm kỳ cuối cùng của khóa này, đảng tranh thủ tiến hành luôn, do đó đảng quyết định là từ 02 đến 07/4/2021, đảng đã làm việc này và quan trọng nhất là việc Tổng Bí thư đang kiêm nhiệm Chủ tịch nước, thì miễn nhiệm chức Chủ tịch nước.
"Sau đó, Chủ tịch nước mới giới thiệu ứng viên Thủ tướng, Thủ tướng tiếp theo mới giới thiệu ứng viên nội các, rồi Chủ tịch Quốc hội mới giới thiệu nội các của Quốc hội. Như vậy, những vị trong danh sách cả cũ, cả mới, rất nhiều người tham gia đại biểu Quốc hội của khóa 15."
"Và Quốc hội khóa đó cũng chỉ giới thiệu mấy vị mà mọi người đã biết rồi, đó là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, sau đó các vị này giới thiệu nội các v.v..."
Vẫn đúng, chỉ là 'hơi lách luật'?
Quốc hội Việt Nam đã có tiền lệ điều chỉnh độ dài của nhiệm kỳ của Quốc hội để tạo điều kiện cho thay đổi, chuyển giao nhân sự nhà nước giữa các khóa, theo nhà quan sát
Và nhà phân tích chính sách cho rằng ở đây có việc mà ông gọi là đảng Cộng sản Việt Nam đã 'hơi lách luật', ông nói tiếp:
"Chúng ta đều đã biết quy trình là như thế, song người ta đã lách luật một chút, mà chúng tôi phải lưu ý rằng nếu theo dõi, chúng ta biết nhiệm kỳ của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải rút nhiệm kỳ của Quốc hội Việt Nam từ 5 năm xuống còn 4 năm để sao cho khoảng trống quyền lực ngắn lại.
"Nhưng mà vẫn chưa đủ, và tôi nghĩ là hoàn thiện thể chế thì Việt Nam phải rút tiếp, tức là tháng Một mà tổ chức Đại hội đảng rồi, thì chỉ đến tháng Hai hay tháng Ba là cùng, phải hoàn thành bầu cử Quốc hội và như thế ăn Tết xong, người dân đi bầu cử Quốc hội luôn.
"Như thế khoảng trống quyền lực rút ngắn một chút và tôi giải thích thêm để nó đỡ trở thành một câu chuyện buồn cười và việc làm này cũng đúng luật thôi, nhưng người ta lách một chút, nghĩa là kỳ họp thứ 11 khóa 14 này, Quốc hội làm luôn việc bầu các chức danh đó đi, để sau đó tiếp nối quyền lực...
"Miễn nhiệm thì thường do có một vấn đề gì đó, như ai đó vi phạm một vấn đề gì đó ghê gớm mà phải phế truất, thì người ta mới phải thay đổi.
"Còn miễn nhiệm xảy ra trong trường hợp kiện toàn hay củng cố tổ chức thì khác với các miễn nhiệm khác..."
'Không phải 'lách' mà 'phớt lờ' pháp luật?
Bình luận lại ý kiến này, ông Hoàng Ngọc Giao nói với BBC:
"Tôi không nghĩ chuyện này là chuyện lách luật, tôi cho rằng chuyện này có thể nói là phớt lờ pháp luật, phớt lờ pháp luật mà do chính mình làm ra.
"Còn nói đến câu chuyện 'khoảng trống quyền lực', tôi lại đặt ra một vấn đề là trọng trách nhà nước, với tư cách Bộ trưởng, hay thậm chí với tư cách Chủ tịch nước, anh vẫn phải giữ cho đến lúc được bầu ở Quốc hội mới...
"Chốt lại là một Bộ trưởng như ông Phùng Xuân Nhạ không được vào Ban Chấp hành Trung ương đảng, thì cứ để ông làm từ bây giờ cho đến khi bầu cử Quốc hội xong trong mấy tháng sắp tới, thì có nghĩa là sẽ không ảnh hưởng tới câu chuyện gì cả.
"Trách nhiệm hành chính của anh là Bộ trưởng, là Chủ tịch nước, đảng đã phân công anh trong tương lai thì anh sẽ làm như thế, việc gì mà phải 'khoảng trống quyền lực' ở đây.
"Điều đó nói lên một thực tế mà theo tôi cũng đúng theo ý ông Phạm Quý Thọ nói, là phần lớn những người đã được quy hoạch xong, Đại hội xong, dường như trách nhiệm của họ về mặt chính quyền, về mặt nhà nước trong thâm tâm của họ, họ buông.
"Nhưng mà như thế, nếu có một tâm lý như thế là họ sai. Đáng lẽ ra là anh vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ đối với nhà nước, còn đảng dự kiến anh, Quốc hội sắp tới bầu, dù việc bầu đó chỉ là hình thức, là hợp thức, nhưng khoảng trống quyền lực đó không nên xử lý bằng cách như trên, như thế là rất không hay.
"Thế rồi mai mốt lại tùy tiện, theo như ông Thọ nói, lại rút bớt nhiệm kỳ của Quốc hội. Quốc hội đại diện ý chí cho người dân cơ mà, tại sao lại tùy tiện họp nhiệm kỳ 5 năm, bây giờ lại rút xuống còn 4 năm?
"Như vậy quyết cái gì cũng hoàn toàn bất chấp ý chí của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của người dân là Quốc hội, cho nên phải nhìn nhận vấn đề cho rõ. Ở đây không phải là lách luật, ở đây là phớt lờ pháp luật. Như vậy không hay.
Nên để Quốc hội khóa mới bầu các chức danh và nhân sự lãnh đạo nhà nước cho khóa mới, theo một số nhà bình luận
"Thứ hai, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý của những người đứng đầu cơ quan nhà nước là phải làm cho trọn, cho đến khi được Quốc hội mới bầu, như vậy mới có một nhà nước đàng hoàng, nhà nước pháp quyền, ít nhất là về mặt hình thức. Còn làm như thế này là hơi nhom nhem," luật gia Hoàng Ngọc Giao nói với Bàn tròn thứ Năm.
'Chỉ là một 'chiến thuật' để chuyển tiếp nhanh hơn'
Trước đó, hôm thứ Ba 06/4, từ Singapore, nhà nghiên cứu chính trị Lê Hồng Hiệp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas - Yusof Ishak) đưa ra bình luận với BBC:
"Việc kiện toàn nhân sự của đảng và nhà nước Việt Nam theo quan sát của tôi đã được đưa ra ở Đại hội 13 của ĐCSVN, vấn đề chỉ là nó diễn ra sớm hay muộn mà thôi.
"Ở đây, dường như có vấn đề gây tranh cãi là nó diễn ra ở kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa cũ, mà không phải là tại Quốc hội khóa mới.
"Tuy nhiên, việc này đã có tiền lệ từ năm 2016, thì nay ĐCSVN đã lặp lại tiền lệ này, người ta cho rằng có cả cái hay và cái dở, song theo tôi dẫu sao đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã giải thích rằng đây là việc giúp kiện toàn bộ máy sớm để thực thi các chính sách có hiệu quả.
Cuộc sống ở Việt Nam vẫn diễn ra với nhiều sinh hoạt bình thường trong lúc đảng và nhà nước lo kiện toàn bộ máy nhân sự
"Và vì có một số nhân sự, theo giải thích này, không còn ở trong Ban chấp hành Trung ương đảng khóa mới, cho nên cần phải thay đổi và tới kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới của Việt Nam, mà có thể diễn ra trong tháng Sáu hay tháng Bảy năm nay, người ta sẽ bầu lại, trong đó có toàn bộ nội các Chính phủ.
"Theo tôi, đây cũng là một chiến thuật để đẩy nhanh quá trình chuyển giao lãnh đạo, nhằm rút ngắn thời gian chuyển tiếp và thúc đẩy việc thực hiện các chiến lược kinh tế, xã hội trong thời gian tới cho có hiệu quả và nhanh hơn.
"Tuy nhiên nếu có thể, tôi nghĩ đến một giải pháp hay hơn. Đó là trong thời gian tới, Việt Nam nên tổ chức bầu Quốc hội sớm hơn, có thể là vào tháng Ba, để sau đó Quốc hội có thể bầu Chính phủ khóa mới vào tháng Tư.
"Nếu làm như thế, tôi hy vọng có thể rút ngắn được thời gian chuyển tiếp, đồng thời không gây ra những tranh cãi không cần thiết liên quan việc Quốc hội khóa cũ mà lại bầu và kiện toàn nhân sự cho Chính phủ khóa mới."
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56681649
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét