Cán bộ đầy tỳ vết lên làm lãnh đạo lớn !!!
RFA 2021-04-07 Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk, vừa được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XV hôm 7/4 với gần 97% phiếu bầu của đại biểu quốc hội Việt Nam. Đáng quan tâm là trước đó, vào khoảng tháng 8 năm 2020, ông Bùi Văn Cường bị tố cáo là đạo văn cho luận văn bảo vệ tiến sĩ của bản thân. Sau đó, người đã tố cáo ông Bùi Văn Cường đạo văn là Võ sư - Tiến sĩ Phạm Đình Quý, cựu giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, đã bị công an đã bắt giữ.Bí thư Đăk Lăk Bùi Văn Cường. Nguồn: thanhtra.com.vn
Một người khác ủng hộ người tố cáo ông Bùi Văn Cường là nhà báo Trương Châu Hữu Danh cũng đã bị Công an Cần Thơ bắt giữ với cáo buộc tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’.Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương nhận định về việc ông Bùi Văn Cường được bầu cử lên chức như sau:
“Đại hội Đảng XIII vừa qua bộc lộ một số điều những người bị dư luận xã hội đánh giá kém cỏi, trình độ thấp, đạo đức kém, nhân cách tồi thì lại leo cao.
Anh ta không xử sự đàng hoàng, ví dụ khẳng định không đạo văn thì phải có hội đồng khoa học, ông ta lại đưa vấn đề ủy ban chính trị đưa ra để khẳng định không đạo văn. Đây là cái chúng tôi đánh giá là kém cỏi của sự lãnh đạo hiện nay ở đất nước mình.”
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời ông Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đăk Lăk cho hay, dựa theo kết luận số 65 của Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ xác minh ông Bùi Văn Cường không có hành vi đạo văn khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2018.
Cũng trong ngày 15/10/2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk đã bỏ phiếu bầu ông Bùi Văn Cường tái đắc cử chức Bí thư tỉnh này.
Trao đổi với RFA vào tối 7/4, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng về việc đắc cử của tân Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XV là truyền thống cũ, không gì mới mà người dân Việt Nam đã quá quen thuộc.
“Chuyện này không phải mới mẻ, nếu chú ý thì ông Đào Ngọc Dung đi thi quay cóp bị lập biên bản sau đó vẫn làm Bộ trưởng thành ra người ta nghĩ rằng chuyện đạo văn không liên quan gì chuyện quan chức nên người ta mới làm vậy.”
Ông Đào Ngọc Dung bị bắt quả tang quay cóp trong môn thi Hành chính công của kỳ tuyển Nghiên cứu sinh trường Học viện hành chính quốc gia Việt Nam vào ngày 27/5/2006.
Sau đó, ông Dung bị ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa X kỷ luật bằng hình thức khiển trách và phân công công tác khác. Dù vậy, ông Đào Ngọc Dung vẫn được thăng nhiều chức vụ sau đó.
Ngày 9/4/2016, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội Việt Nam khóa XIII, ông Đào Ngọc Dung được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam.
Vào tháng 5/2020, nhiều người dân đã gửi thư đến báo nhà nước trình bày chuyện nhiều cán bộ huyện, tỉnh Bắc Giang có sai phạm liên quan đến Dự án Di dân tái định cư xây dựng Trường bắn Quốc gia khu vực 1 vào năm 2011 nhưng vẫn được thăng chức.
Dù đã có kết luận sai phạm của Thanh tra Chính phủ đối với các cán bộ thực hiện dự án từ năm 2012, nhưng ông Bùi Văn Hạnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện dự án của tỉnh lúc bấy giờ lại được thăng chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang; còn ông La Văn Nam vào năm 2011 giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban Bồi thường hỗ trợ huyện Lục Ngạn hiện làm Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.
Trong khi đó, những người dân do không được bồi thường thỏa đáng nên đã trở về đất cũ trồng cây, canh tác do có xô xát với người đến đào vàng và lực lượng chức năng nên đã bị bắt giữ, xử lý hình sự và kết án tù về tội "Gây rối trật tự công cộng".
Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định về thực trạng lãnh đạo sai phạm vẫn được thăng chức như sau:
“Ở Việt Nam vấn đề không phải pháp lý mà vấn đề nằm ở người cầm cân nảy mực thực hiện pháp lý đó vì người ta sẵn lòng đạp qua pháp lý dù pháp lý do chính người ta soạn thảo ra.
Pháp luật chẳng qua nói chơi cho vui, cái chính phụ thuộc người nào cầm quyền. Người cầm quyền tử tế theo pháp luật, người nào không tử tế chà đạp pháp luật người dân không cách nào giải quyết.”
Tiến sĩ Hoàng Dũng đưa ra ví dụ cho lập luận vừa nêu:
“Điều lệ Đảng ghi rõ không được làm quá hai nhiệm kỳ nhưng người ta vẫn cứ làm. Trong Hiến pháp ghi rõ Quốc hội sẽ họp và bầu ra ông Thủ tướng mới dưới sự điều khiển của ông Thủ tướng cũ, bây giờ Quốc hội chưa có người ta đã bầu ra ông Thủ tướng mới.
Cái đó người ta ngang nhiên chà đạp luật pháp thì lớn hơn rất nhiều so với việc đưa một ông có khuyết điểm lên làm Bộ trưởng.”
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, việc bầu cử, thăng chức những quan chức sai phạm chỉ đem lại lợi ích cho một phe nhóm nào đấy nhưng nhất định không có lợi cho đất nước Việt, dân tộc Việt.
Bên cạnh đó, ông Mai cũng cho rằng việc lãnh đạo không tôn trọng luật pháp sẽ gây ra nhiều hệ lụy lớn:
“Cứ như thế thì làm sao người ta tin cậy những chính sách, đường lối, quyết định minh bạch và đúng đắn. Đây là trường hợp tạo ra sự phân tâm trong xã hội, không hay ho gì cho sự lãnh đạo của đất nước. Tín nhiệm của ban lãnh đạo sẽ thấp trong mắt người dân.”
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Khắc Mai đưa ra đề xuất:
“Phải minh bạch và tôn trọng dư luận xã hội để những con người ấy được phán xét bởi xã hội. Như vậy phải mở rộng dân chủ để sự lựa chọn người cầm cân nảy mực làm ở những ngôi thứ cấp cao, tạo ra cho người dân có quyền tham gia, góp ý kiến và nâng trình độ mình lên để có thể lắng nghe.”
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, tại Đại hội Đảng vừa qua không chỉ có việc ông Bùi Văn Cường được bổ nhiệm gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, mà việc Chánh án Nguyễn Hòa Bình được vào Bộ Chính trị cũng vấp phải nhiều phê phán.
Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi báo cáo trước Quốc hội ngày 25/3 vừa qua đã cho rằng “Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật...”
Tuy nhiên, thực tế từ vụ án tử tù Hồ Duy Hải, phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng Tâm, hoặc những phiên xử các nhà hoạt động nhan quyền, môi trường, những nhà báo độc lập… lại được nhận định từ dư luận trong và ngoài nước là Tư pháp không công bằng.
Trong danh sách các bộ trưởng Chính phủ nhiệm kỳ mới (2021-2026) có ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Nguyễn Thanh Nghị từng bị kỷ luật vì sai phạm đất đai tại Kiên Giang khi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, nhưng rồi lại lên làm Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang. Sau đó về làm Thứ trưởng Bộ Xây Dựng và nay là Bộ trưởng Bộ Xây Dựng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/disciplined-officers-are-promoted-to-higher-rank-leaders-blatantly-trampling-the-law-04072021160824.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét