Về Nguyễn Huy Thiệp. Tôi ghét dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa (còn được gọi là dòng văn học phải đạo) vì nó mô tả xã hội, đất nước, chiến tranh... trái ngược hoàn toàn với thực tế. Tuy nhiên, từ khi hòa bình lập lại năm 1954 ở miền Bắc, do tất cả các dòng văn học khác đều bị cấm nên chỉ còn cách đọc thứ văn học tuyên truyền rẻ tiền đó và hy vọng sẽ có những thay đổi trong tương lai. Nhà văn Nguyễn Minh Châu nổi tiếng với "Dấu chân người lính" có lần đã chua chát nói: "Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh. Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn. Cái sợ đã làm mình hèn." Nguyễn Tuân lừng lẫy và kiêu hãnh với "Vang bóng một thời" cũng phải thú nhận mình "sống sót được là nhờ hèn".... Một hy vọng lóa sáng khi GS Hoàng Ngọc Hiến đăng trên tuần báo Văn Nghệ, số 23 ra ngày 9 tháng 6 năm 1979 bài viết tựa đề "Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở nước ta trong giai đoạn vừa qua". GS viết: "Hình như, Nguyễn Minh Châu viết, trong ý niệm sâu xa nhất của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại, mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng, đang mơ ước. Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống cho phải đạo, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại, thì mối quan tâm hàng đầu là mô tả sao cho chân thật. Đọc một số tác phẩm, chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là chủ nghĩa hiện thực phải đạo". "Chế độ chuyên chế bắt buộc họ phải viết cho đúng chủ trương chính sách của nhà nước, viết cho 'phải đạo', trong khi lương tâm cầm bút của họ muốn họ viết những điều chân thật"... Ẩn ý đằng sau của GS là muốn sống sót, mọi người đều phải sống hai mặt: nghĩ một đàng, nói một nẻo; phải nói cho hay, cho xuôi tai lãnh đạo, nhưng khi hành xử thì phải hoàn toàn ngược lại. Nói ở chỗ công khai để biểu diễn lập trường khác với những lời tâm sự cùng bạn bè vợ con. Lối sống hai mặt đó phát sinh ra mẫu người mà Hoàng Ngọc Hiến gọi là kiểu người phải đạo, lúc nào cũng phải giả vờ lạc quan, giả tin tưởng tuyệt đối. Loại người này, nhà văn nữ Dương Thu Hương gọi là sản phẩm của một chế độ lưu manh, vừa dứt lời ca ngợi Đảng Bác trong cơ quan, ra quán cà phê ngoài phố lập tức chửi Đảng Bác không tiếc lời. Tiếc rằng sau khi đưa ra quan điểm này, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu và những người ủng hộ ông như Nguyên Ngọc, đã bị đánh tơi bời. Chỉ sau khi đất nước bắt đầu đổi mới tháng 12/1986, văn học VN mới có sự chuyển mình. Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện với những góc nhìn mới, táo bạo, dám mô tả, dám lột trần sự thật với những ngôn từ trần trụi nhất làm điên đảo dư luận, tạo ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trong giới văn chương trong một thời gian dài. Tôi rất thích truyện của ông cũng như những nhận xét, đánh giá thẳng thắn của ông về văn học nghệ thuật, ví dụ như về Hội Nhà văn Việt Nam, ông viết: "...Nhìn vào danh sách 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều..."vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả..."
QUÃNG TRẦM NGUYỄN HUY THIỆP
Uông Triều - Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tập đi sau cơn đột quỵ lần đầu. Hai mắt ông trợn trừng, hàm răng nghiến lại, tay gồng lên giữ chặt vào ghế tập đi. Hình ảnh có vẻ ngoan cường đó dường như cũng không chống nổi nỗi đau số phận của ông.

Ngày cô Trang vợ ông mất, ông không có mặt. Nguyễn Huy Thiệp khi đó đang nằm ở nhà, liệt giường hôn mê trong lần đột quỵ thứ ba. Có nỗi đau buồn nào lớn hơn thế không. Vợ mất, chồng không biết! Mới ngày nào người vợ hiền còn chăm sóc cho ông, chịu đựng những tính nết thất thường của người bạn đời viết văn rồi bất ngờ ra đi trước. Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh và họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng hai người bạn thân nhất của ông từng nói chuyện với nhau lúc ấy. Vợ chết, liệu Thiệp có biết không nhỉ? Có lẽ trong một vùng thức xa xôi nào đó của giao tình vợ chồng, một sợi tơ vương mỏng manh thần giao cách cảm, có thể ông biết được chăng? Ông biết thì đau buồn mà không biết thì càng thương hơn.