Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Thế giới phản ứng chính sách chậm do đánh giá sai virus

Theo đánh giá của tôi, trong giai đoạn vừa qua và sắp tới, tổng cầu đã và sẽ tiếp tục xuống thấp nhưng không quá lớn đến mức làm suy sụp nền kinh tế vì người dân vẫn phải chi tiêu để đảm bảo cuộc sống bình thường; thậm chí họ còn mua sắm nhiều hơn để tích trữ. Nguy cơ lớn hơn là tổng cung giảm mạnh do thiếu các đầu vào nhập khẩu, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn và những dự báo tương lai vừa bi quan, vừa không rõ ràng. Vì thế về ngắn hạn, chưa cần triển khai mạnh mẽ các gói kích thích tài khóa như nhiều chính phủ mới làm, mà thay vào đó, chỉ nên thực hiện chính sách tăng chi tiêu chính phủ để tham gia trực tiếp hoặc hỗ trợ người dân chống lại các hậu quả của dịch bệnh. Tương tự, chính sách tiền tệ mở rộng vội vã cũng sẽ chỉ có tác dụng hạn chế; lượng tiền đưa ra nhiều sẽ không có tác dụng đáng kể; ngược lại nó có nguy cơ gây hậu quả tiêu cực. Dự báo tỷ lệ lạm phát tới đây sẽ tăng nhanh. Không thể dùng chính sách tài chính tiền tệ mở rộng để xóa bỏ hậu quả của chính sách đóng cửa biên giới, cách ly các khu vực, ngừng các chuyến bay, đóng cửa các nhà máy do có người bị nhiễm virus được... Tuy nhiên, về dài hạn tôi ủng hộ mở rộng chính sách tài chính tiền tệ để phục hồi cả tổng cung lẫn tổng cầu, nhưng cần nhấn mạnh các chính sách kinh tế nhắm vào tổng cung, nhất là tạo thuận lợi về thể chế cho việc khôi phục các chuỗi cung ứng. Tương lai rất không rõ ràng, chưa thể dự đoán được thời điểm dịch kết thúc, nên lúc này chưa phải là thời điểm ồ ạt thực hiện các chính sách dài hạn.
Chính phủ các nước phản ứng chính sách chậm do đánh giá sai quy mô rủi ro từ Trung Quốc
Trà Nguyễn và Thủy Tiên • 14:17, 20/03/20• Cơn bão suy thoái kinh tế tồi tệ nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua mang đến những cảnh báo và bài học cho phần còn lại của thế giới, khi mà các quốc gia từ Đức cho đến Hoa Kỳ đều đang phải đối mặt với khả năng cũng bị suy thoái theo... Hầu hết các nhà kinh tế học, các hội đồng tư vấn đều đánh giá quá lạc quan trong khi mọi chuyện tồi tệ hơn dự báo. Các chính phủ, các ngân hàng trung ương (NHTW) đã lãng phí thời gian và không có phản ứng chính sách đủ sớm. 

Toàn cảnh cửa hàng Hugo Boss đã đóng cửa tại đường Serrano, Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 19/3/2020. Là một phần của các biện pháp chống lại sự mở rộng của virus, Chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày. (Ảnh của Carlos Alvarez/Getty Images)

Đầu tiên, sự biến động đột ngột gần đây làm cho các ngành dịch vụ và tiêu dùng đứng bên bờ vực khi người dân bị hạn chế đi lại. Sự biến động này đã giáng một đòn mạnh vào các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng và trung tâm mua sắm. Điều đó tạo ra sự sụp đổ trong lĩnh vực sản xuất khi dây chuyền lắp ráp không hoạt động do công nhân phải ở nhà.

Khi đã thấu hiểu sâu sắc những sự việc từ Trung Quốc thì chúng ta cần thiết phải có các biện pháp khẩn cấp để phong tỏa virus và không đánh giá thấp tác động kinh tế mà nó sẽ tạo ra. Nhưng trên hết, không nên cho rằng các dịch vụ bình thường sẽ hoạt động trở lại chỉ trong một thời gian ngắn.

“Cả thế giới đang theo dõi Trung Quốc trong tháng 2”, bà Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cao cấp của Natixis có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết. “Những cú sốc cung và cầu hiện đang diễn ra trên toàn cầu” (theo Bloomberg).

Dưới đây là những bài học kinh tế quan trọng cho thế giới trong việc nhận định, đánh giá hiểm họa kinh tế từ Trung Quốc.

Hầu hết các nhà kinh tế học, các hội đồng tư vấn đều đánh giá quá lạc quan trong khi mọi chuyện tồi tệ hơn dự báo

Hầu như toàn bộ các hội đồng, các nhà kinh tế đã bị chệch hướng trong việc nắm bắt mức độ sụt giảm kinh tế. Kể từ khi bắt đầu cắt giảm dự báo GDP đầu tiên vào cuối tháng 1, các dự báo cứ càng ngày càng thấp hơn so với ước tính ban đầu. Hy vọng cho một sự phục hồi nhanh chóng (hình chữ V) đã tiêu tan mây khói.

Dữ liệu báo cáo chính thức của chính phủ Trung Quốc vào ngày 16/3 cho thấy doanh số bán lẻ giảm khoảng 21% so với một năm trước, sau khi các trung tâm mua sắm và các doanh nghiệp khác đóng cửa vào cuối tháng 1/2020. Sản lượng sản phẩm nhà máy giảm 14% do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được kéo dài để “giữ chân” công nhân ở tại nhà.

Một số chuyên gia kinh tế cho biết các số liệu ảm đạm bất ngờ trên cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang bị thu hẹp với tốc độ nhanh hơn dự báo, bất chấp nỗ lực phục hồi nền kinh tế, hồi sinh ngành sản xuất và các ngành công nghiệp khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trong một báo cáo của mình, nhà kinh tế học Iris Pang của ING đã viết: “Đây vẫn chưa phải là điểm kết thúc của cơn ác mộng. Hãy cẩn thận!".

Không chỉ có Trung Quốc là đang đánh giá thấp tác động của virus Vũ Hán. Vào giữa tháng Hai, trong những tuần mà virus bùng phát, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu vẫn nói về sự phục hồi kinh tế giống như các trường hợp thông thường. Trong một bản giám sát được phát hành vào ngày 19/2, IMF đã không hề thay đổi dự báo tháng 1 khi cho rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng từ mức 2,9% năm 2019 lên 3,3% trong năm nay.

Các chính phủ, các ngân hàng trung ương (NHTW) đã lãng phí thời gian và không có phản ứng chính sách đủ sớm


Phản ứng ban đầu của Trung Quốc đã bị chỉ trích rộng khắp khi chính quyền ở Vũ Hán che đậy cảnh báo bùng phát dịch bệnh. Sự chậm trễ này cộng với sự chia rẽ khi đó càng làm việc kiểm soát virus trở nên khó khăn. Đó là một bài học mà các quốc gia khác dường như đã bỏ qua, khi mà các chính phủ từ Washington đến Tokyo bị cáo buộc là đã chậm hành động, bỏ mặc các ngân hàng trung ương và các bộ tài chính phải vật lộn để ngăn chặn thiệt hại.

Ngành dịch vụ ở Trung Quốc đã bị tác động lớn hơn ngành sản xuất. Tuần trước, các nhà kinh tế của Barclays ước tính sản lượng trong tháng 2 giảm khoảng 70% so với năm ngoái, trước khi được cải thiện với mức giảm 40-45%, trong khi ngành sản xuất giảm ở mức 30-35%.

Bây giờ, ở Trung Quốc, việc hạn chế đi lại và tạm phải ở nhà sẽ trì hoãn sự phục hồi của ngành dịch vụ, ngay cả khi việc sản xuất đang dần trở lại. Lượng người đến cửa hàng chỉ tăng trở lại sau khi đã giảm tới 80% tại đỉnh điểm của đợt bùng phát virus.
Xử lý bệnh dịch quá cực đoan gây tổn thất lớn - cách làm của Hàn Quốc có thể là một ví dụ tốt hơn

Là khu vực kinh tế có quy mô tương đương với Thụy Điển, virus đã làm tỉnh Hồ Bắc bị phong tỏa. Đây là nơi sản xuất phốt pho dùng làm phân bón lớn nhất của Trung Quốc, là trung tâm quan trọng của ngành công nghiệp ô tô của đất nước này với các hãng sản xuất ô tô địa phương như công ty Dongfeng Motor Group và các công ty khổng lồ toàn cầu sản xuất ô tô và linh kiện như PSA Group và Honda Motor.

Các quốc gia khác đã tự đóng cửa nghiêm ngặt biên giới của mình. Ở Ý, nơi đang bị phong tỏa trên toàn quốc, cuộc khủng hoảng đã làm tê liệt toàn bộ hoạt động kinh doanh tại vùng Lombardy (nơi chiếm 1/5 tổng sản phẩm quốc nội của đất nước) và phần còn lại của miền Bắc, là nơi đầu tàu kinh tế của nước Ý.

Có thể thấy rằng việc đóng cửa hoàn toàn một nền kinh tế là quá quyết liệt, ông Alexander Wolf, Trưởng phòng Chiến lược Đầu tư Châu Á tại Ngân hàng tư nhân J.P. Morgan và là một cựu ngoại giao Hoa Kỳ tại Trung Quốc, cho biết.

“Cách xử lý của Hàn Quốc cung cấp một nền tảng trung dung, vì vậy tôi nghĩ rằng đúng thời điểm này, nó sẽ tạo ra một tình huống thực tế thú vị xét về mặt tác động kinh tế”, ông Wolf nói.

Bài học về chính sách tài khóa và tiền tệ

Đặc biệt, sự khó lường và khả năng bùng phát cực nhanh trên quy mô lớn của đại dịch virus Corona Trung Quốc đã khiến nhiều nền kinh tế lập tức tê liệt. Co hẹp kinh tế, đóng cửa biên giới, gãy chuỗi cung ứng và cầu tiêu dùng sụt giảm đã khiến cả bộ máy kinh tế toàn cầu - bắt đầu từ Trung Quốc - buộc phải giảm tốc và thậm chí ngưng hoạt động tại nhiều khu vực khác nhau.

Doug Holtz-Eakin, chủ tịch của Diễn đàn hành động bảo thủ của Mỹ và là cựu cố vấn kinh tế hàng đầu của George W. Bush và John McCain, chia sẻ quan điểm rằng trong dịch bệnh như hiện nay, các gói kích thích tài khóa không phải là chìa khóa đảm bảo cho nền kinh tế, mà thay vào đó, các chính sách, chi tiêu của chính phủ để trực tiếp chống lại dịch bệnh đóng vai trò quan trọng và hiệu quả hơn. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế gồm Holtz-Eakin cũng lưu ý rằng các cú sốc cung - sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng - có thể được sửa chữa thông qua kích thích tài khóa.

Sau cú sốc tổng cung, tổng cầu sẽ xuống thấp. Tuy nhiên, sau khi dịch kết thúc, tổng cầu sẽ tự động phục hồi nhanh do cầu bị kìm hãm trong một thời gian dài. Vì vậy, chính sách kinh tế nhắm vào tổng cung là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Trong các giai đoạn suy trầm do có các cú sốc về kinh tế như dịch bệnh hoặc do tính chu kỳ, chính phủ nên lựa chọn việc chấp nhận bội chi tăng cao để tăng chi tiêu, hỗ trợ nền kinh tế nhanh chóng vượt qua giai đoạn suy trầm. Trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, bội chi của Mỹ lên tới 2 con số và sau đó nhanh chóng quay trở về mức an toàn khi nền kinh tế phục hồi.

Cũng tương tự như vậy với chính sách tiền tệ nới lỏng ồ ạt và quá mức. Với một nền kinh tế đang tê liệt, đây không phải là biện pháp có thể cứu vớt thị trường, phần lớn chỉ có giá trị về ổn định tâm lý thị trường. Bản thân các NHTW cũng không còn nhiều dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ sau hàng thập kỷ vốn đã nới lỏng, thậm chí theo đuổi chính sách lãi suất âm. Điều này giống như một cơ thể ốm yếu không thể hấp thụ quá nhiều thức ăn với hàm lượng đạm cao. Bởi vậy, NHTW nên nhắm vào các giải pháp chính sách mang tính ổn định tâm lý hơn là cung lượng tiền lớn ngay lập tức. NHTW cần phải giữ lại dư địa cho mình khi bệnh dịch được tạm thời đẩy lùi và kinh tế có cơ hội phục hồi.

Trà Nguyễn và Thủy Tiên

TÀI LIỆU THAM KHẢO
www.bloombergs.com
IMF, Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1/2020, www.imf.org
Tổng cục thống kê Trung Quốc, http://www.stats.gov.cn/english/Statisticaldata/AnnualData/
Douglas Holtz-Eaki, Do we need for Do We Need a Coronavirus Stimulus? American Action Forum

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét