Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

COVID-19 - Nước Ý đã quá chủ quan!

Nước Ý đã quá chủ quan!
Chỉ trong vòng 4 tuần, số ca tử vong tại Ý đã tăng hơn 486 lần và đã vượt qua Trung Quốc, trở thành nước có số người chết vì COVID-19 nhiều nhất thế giới, trong khi số ca nhiễm chỉ bằng một nửa. Theo bác sĩ Paolucci, trong khi nhân viên y tế phải làm việc đầy mệt mỏi hơn 12 tiếng mỗi ca để giúp các bệnh nhân sống sót, họ còn rất dằn vặt đau xót khi nhìn thấy bệnh nhân chết đi mà không có người thân thích bên cạnh, nhằm ngăn lây nhiễm virus.

Số người chết vì dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc và Ý
những ngày gần đây Dữ liệu: DUY LINH - Đồ họa: T.ĐẠT
Cập nhật dịch COVID-19 ngày 21-3: Thế giới đã có hơn 11.000 người chết, tăng sốc ở Ý và Tây Ban Nha. Số liệu được cập nhật lúc rạng sáng 20-3 (giờ VN) cho thấy tổng số người chết tại Ý đã tăng lên 3.405 người sau ca tử vong đầu tiên vào ngày 21-2. Trung bình cứ khoảng 13 phút có 1 người chết vì COVID-19 ở Ý.

Tổng số ca tử vong tại Trung Quốc là 3.245 trường hợp nhưng được ghi nhận kể từ tháng 1. Như vậy, dù Ý có số ca nhiễm ít hơn Trung Quốc (41.035 so với 80.907), tốc độ lây lan và tử vong ở Ý cao hơn gấp nhiều lần Trung Quốc.

Nhà xác, nhà hỏa thiêu hoạt động 24/7
Đêm 19-3, ngay trước "cột mốc buồn" Ý vượt Trung Quốc, một đoàn 15 xe tải và 50 binh sĩ đã được điều động lặng lẽ tới thành phố Bergamo thuộc miền bắc nước Ý.

Những chiếc xe này không mang tới thiết bị y tế nào, tất cả đều trống và căng bạt kín bởi nhiệm vụ của chúng là chở quan tài của các bệnh nhân nhiễm virus corona.

Số người chết vì dịch bệnh tại Bergamo nhiều đến nỗi người ta chẳng còn buồn đếm, trong lúc các nhà xác, nhà hỏa thiêu hoạt động 24/7. Các quan tài ở Bergamo được đưa tới một số tỉnh khác, nơi nghĩa trang vẫn còn nhiều đất trống và không bị dịch bệnh hoành hành.

"Tôi thề khi mọi chuyện tồi tệ này kết thúc, chúng tôi sẽ tổ chức một đám tang thực sự cho ông" - Marta Manfredi, cháu gái của ông Alfredo Visioli, nói trong nước mắt.

83 năm cuộc đời của ông Visioli đã kết thúc trong sự cô độc khi chẳng có ai ngoài cha xứ tiễn ông trở về với cát bụi. Tất cả những người thân của ông đều bị cách ly ở nhà.

Ý, quốc gia trong khối G7, là nước phương Tây đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm dịch cứng rắn để ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng kể cả khi đã phong tỏa cả nước, tình hình tại Ý vẫn không có dấu hiệu chuyển biến. Bệnh dịch vẫn lan rộng trong lúc tình hình các bệnh viện vỡ trận, mất kiểm soát.

Vùng Lombardy, nơi chiếm gần một nửa số ca nhiễm của nước Ý, đã khẩn thiết kêu gọi các nhân viên y tế nghỉ hưu trở lại giúp sức các đồng nghiệp trẻ hơn. Chính phủ Ý cũng cho phép khoảng 10.000 sinh viên y khoa năm cuối bỏ qua bài thi tốt nghiệp bắt buộc để ra trường sớm.

Vì sao tử vong cao?


Các nghiên cứu tại Ý đã chỉ ra việc phần lớn bệnh nhân nhập viện đều là người lớn tuổi. Một nghiên cứu mới công bố của Viện Y tế cao cấp Ý (ISS) cho thấy số ca tử vong chiếm tới 8% số ca nhiễm. ISS đã xem xét hồ sơ bệnh án của 18% số ca tử vong và nhận ra chỉ có 3 bệnh nhân, tương đương 0,8% không có bệnh lý nào trước khi nhiễm bệnh.

Nói một cách khác, theo báo South China Morning Post, 99% người bệnh ở Ý chết vì bệnh nền.
Một đại học chuyên về hồi sức của Ý đã ra khuyến cáo để giảm tỉ lệ tử vong trong tình cảnh thiếu hụt nguồn lực trầm trọng, các bệnh viện ở Ý nên chọn các bệnh nhân "có tỉ lệ chữa trị thành công và hi vọng sống cao nhất" khi sử dụng các biện pháp chăm sóc đặc biệt.

Liang Zong'an, một chuyên gia Trung Quốc có mặt trong đoàn bác sĩ hỗ trợ Ý chống dịch, cho rằng việc có quá nhiều người chết là do người Ý đã chủ quan, không chủ động đến bệnh viện từ sớm.

Sun Shuopeng, phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, ngày 19-3 thẳng thừng hơn khi nói ra điều mà ông cho là thất bại của Ý trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

"Tình hình Lombardy cũng tương tự những gì chúng tôi trải qua 2 tháng trước tại Vũ Hán. Ở Vũ Hán, chúng tôi áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và nhận thấy xu hướng giảm từ sau đỉnh dịch.

Nhưng ở Milan thuộc Lombardy, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, không có sự phong tỏa nghiêm ngặt.

Tôi thấy giao thông công cộng vẫn hoạt động, người dân đi lại, ăn tối, tiệc tùng trong khách sạn và không có mấy người đeo khẩu trang" - ông Sun nêu quan điểm trong cuộc họp báo ngay tại Milan.

Cân nhắc biện pháp mạnh hơn

Chính phủ Ý tuyên bố sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, bao gồm cả việc cấm người dân ra khỏi nhà tập thể dục.

Lệnh hạn chế đi lại sắp hết hạn vào ngày 25-3 tới cho phép người dân được đi làm, đến siêu thị mua sắm thực phẩm, tập thể dục hoặc đi khám bác sĩ. Các trường hợp không nằm trong những mục đích trên được yêu cầu ở nhà.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của chính phủ dường như không có hiệu lực buộc họ phải cân nhắc các biện pháp mạnh. Theo báo Corriere della Sera của Ý, có tới 40% người dân Ý, tức là khoảng 24 triệu người Ý đã không ở nhà dựa trên các dữ liệu thu được từ các nhà mạng di động.

Bộ Nội vụ Ý xác nhận đã ngăn chặn khoảng 1 triệu người ra ngoài đường không có lý do chính đáng và phạt gần 43.000 người.

"Nếu lời kêu gọi tự giác ở nhà không được tôn trọng, chúng tôi sẽ thực hiện các lệnh cấm bắt buộc" - Bộ trưởng Thể thao Ý Vincenzo Spadafora nói về khả năng sẽ cấm luôn người dân ra ngoài tập thể dục một mình.

Bác sĩ dần đuối sức


Bác sĩ Paolucci là một bác sĩ về hưu ở tỉnh Cremona thuộc vùng Lombardy của Ý. Ông là một trong nhiều bác sĩ về hưu xung phong ra tuyến đầu chống dịch trong bối cảnh đất nước đối mặt với tình trạng quá tải bệnh viện và thiếu hụt nhân viên y tế.

"Tôi phải nói thật là chúng tôi đang dần đuối sức. Đây là một bệnh viện nhỏ và chúng tôi đang tiếp nhận rất nhiều người. Không còn chỗ trống nữa" - ông Paolucci nói trong một hành lang bệnh viện, giữa tiếng máy trợ thở, tiếng bíp của các thiết bị y tế và tiếng trao đổi của các đồng nghiệp.

"Chúng tôi không có đủ nguồn lực, đặc biệt là nhân viên y tế, vì ngoài những khó khăn khác ra thì bây giờ các nhân viên đang bắt đầu bệnh" - bác sĩ Paolucci cho biết.

Theo bác sĩ Paolucci, trong khi nhân viên y tế phải làm việc đầy mệt mỏi hơn 12 tiếng mỗi ca để giúp các bệnh nhân sống sót, họ còn rất dằn vặt đau xót khi nhìn thấy bệnh nhân chết đi mà không có người thân thích bên cạnh, nhằm ngăn lây nhiễm virus.

Anh Thư
(Tuổi Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét