“Văn hóa khẩu trang” phương Tây khác với Việt Nam thể hiện khi có COVID-19
Trong vòng bốn ngày trở lại đây, liên tiếp các trường hợp dương tính mới, từ ca 54 đến 60, đều đến - đi từ các quốc gia châu Âu đang bùng phát COVID-19. Việc bàn tán xôn xao nhiều có lẽ là vì sao giữa mùa dịch người Việt thì hầu như ai cũng đeo khẩu trang ở nơi công cộng còn người Tây thì rất ít hoặc không đeo.
Người dân được phát khẩu trang miễn phí. Ảnh: Phạm An
Ngay khi nghe tin tức về các ca nhiễm mới nhất, các ca nguy cơ là người nước ngoài đã và đang đi khắp nơi, cộng với hình ảnh người nước ngoài nhởn nhơ trên phố với “gương mặt trần”, nhiều người dân phải thốt lên: “Phải chi họ chịu đeo khẩu trang, có lẽ tình hình tốt hơn rồi!”.Ban đầu, không ít người Việt có thời gian sống và làm việc ở nước ngoài, đã tỏ ra rất “hãnh tiến” giải thích về cái gọi là văn hóa hay quan niệm đối với việc đeo khẩu trang của Tây, Mỹ: “Ai bị bệnh mới đeo khẩu trang”. Điều này trái ngược và xem ra có phần “lấn lướt” về độ “nhân văn” so với quan niệm Á đông: “Ta đeo khẩu trang để phòng bệnh”.
Thế nhưng, suy cho cùng, mới hay ông bà mình có lý.
Một đàng, “ai bị bệnh mới đeo khẩu trang”. Điều đó dẫn đến phản ứng xã hội là kỳ thị người đeo khẩu trang, xem họ là bệnh. Một đàng, thói quen “đeo khẩu trang để phòng bệnh”, nghĩa là trước tiên giữ cho mình khỏi bị yếu tố ngoại vi xâm nhập; đồng thời, cũng giúp ngăn những thứ “nội sinh” ra môi trường xung quanh. Số người theo quan niệm Đông phương như thế ở Việt Nam trong mùa dịch chiếm số đông.
Đến dịch COVID-19, hay còn được các nhà khoa học gọi là SARS-CoV-2 và khẳng định “tinh ranh” hơn SARS-2003, vì có khả năng lây nhiễm ngay cả khi chưa có các triệu chứng sốt, ho... ban đầu. Lúc này, lại càng thấy quan niệm của phương Tây phá sản.
Giữa đại dịch, hình ảnh được đăng tải trên Twitter hôm 14 và 15/3, cho thấy hàng ngàn người không đeo khẩu trang tập trung cổ vũ cho show diễn của ban nhạc Stereophonics tổ chức tại TP.Manchester (Anh) và thủ phủ Cardiff của xứ Wales. Rồi những người Mỹ ùn ùn “tháo chạy” khi trước giờ “đóng khẩu” đối với các quốc gia châu Âu. Trong đám đông đầy lo âu đó ở các sân bay, dường như cũng chẳng có người nào mang khẩu trang.
Trong khi đó, một trong các biện pháp được Chính phủ Việt Nam đưa ra là kể từ ngày 16/3, phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... Thế nhưng, ghi nhận tại TP.HCM trong ngày đầu tiên thực hiện chỉ đạo trên, vẫn có những nhóm du khách nước ngoài không tuân thủ.
Có người cho rằng, nên lấy lý do vào Việt Nam phải “nhập gia tùy tục” để “thuyết phục, năn nỉ” họ đeo khẩu trang. Bởi đó đơn giản là một trong các biện pháp dự phòng được Chính phủ yêu cầu. Thật tình không có gì khôi hài hơn nếu cho rằng vi-rút mà cũng biết “nhập gia tùy tục”.
COVID-19 còn ở phía trước, điều chúng ta chỉ có thể biết hiện nó đang là đại dịch toàn cầu. Người Việt, dù ở đâu, hãy tin vào chính mình. Không cá nhân, tổ chức, quốc gia nào ở trời Tây có thể chết thay bạn hay người thân và đồng bào của bạn. Thậm chí, có chuyên gia nước ngoài đã không giấu giếm quan điểm sẵn sàng “hy sinh” các mắt xích yếu kém trong xã hội để “chờ” dịch đạt đỉnh, “chờ” miễn dịch cộng đồng! Thế nên, sao bạn lại cứ phải mãi gửi tư duy, hành động cho họ “giữ giùm”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét