Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

VN có phải đang để ngỏ… liên minh quân sự?

Việt Nam có phải đang để ngỏ… liên minh quân sự?
An Viên - Thực tế cho thấy hiện nay, ngoài Việt Nam là quốc gia lên tiếng nhiều nhất về vấn đề Biển Đông liên quan đến sự kiện tàu thăm dò địa chất của Bắc Kinh đang di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thì Mỹ, là quốc gia lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với những hành vi ‘vô pháp’ của chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong một chia sẻ tại cuộc hội đàm khoa học về biển đảo tại Hà Nội, Gs. Chu Hảo tiết lộ, vài người bạn Mỹ ở Bộ ngoại giao nước này cho ông biết, ‘phản ứng của Việt Nam hiện nay chậm chạp bị động rụt rè, việc này làm cho phía Mỹ nản lòng’.

Biển Đông vẫn đang nóng dần
Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia cảnh báo, nước này phải chuẩn bị hải quân cho cuộc xung đột có thể xảy ra ở Biển Đông. Trong khi đó, tàu sân bay quân sự Type 001A của Trung Quốc đã rời Nhà máy đóng tàu Đại Liên để khởi hành thử nghiệm trên biển. Theo Collin Koh, một nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, cho biết: Với hai tàu sân bay (Liêu Ninh và Type 001A), Hải quân Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội hơn để tăng cường khả năng của tàu sân bay - thực hiện nhiều nhiệm vụ, huấn luyện.

Đối với tầm quan trọng chiến lược lâu dài, sự góp mặt của tàu sân bay có nghĩa cho phép thúc đẩy sự hiện diện ở các khu vực nơi Bắc Kinh khẳng định lợi ích quốc gia.

Trong một sự kiện có liên quan khác, một tàu hạt nhân của Bắc Kinh (được gọi là xương sống của răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc) đã nổi lên bất ngờ giữa một đội tàu đánh cá Việt Nam, và các chuyên gia đánh giá đây là ‘sự kiện rất bất thường’. Làm trỗi dậy suy đoán về việc đó là hành động cố tình đe dọa hay tai nạn.

Nhà phân tích chiến tranh tàu ngầm quốc tế HI Sutton cho biết hiện tượng đó là nhằm ‘gửi thông điệp’ tới Việt Nam. Trong thời điểm, Bắc Kinh đang tìm cách thắt chặt sự kìm kẹp trên Biển Đông thông qua việc thực thi cái mà họ gọi là ‘đường chín đoạn’.

Sự việc xảy ra vào tháng trước nhưng chỉ được công khai thông tin vào ngày 17/10.

Theo Fanpage Đại sự ký Biển Đông ngày 18/10: Như đã đề cập trong clip đăng tải trước đó, nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã hoàn thành đường khảo sát 4.3.10 và đang tiếp tục đường khảo sát 4.3.11 hướng về phía đông. Các tàu hải cảnh hộ tống vẫn tiếp tục hung hăng không ngại va chạm với tàu Việt Nam để bảo vệ đường khảo sát của chiếc tàu khảo sát.

Việt Nam đang mở ngỏ… liên minh?

Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại, An ninh kiếm Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini đã ký Hiệp định khung về Tham gia Hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (CSDP) tại trụ sở của tổ chức ở Brussels, Bỉ, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. Hiệp định nhằm thiết lập khuôn khổ cho sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU.

Theo quan điểm đăng tải trên website chính thức của EU, ‘Các sứ mệnh và chiến dịch của EU được triển khai bên ngoài Liên minh chính là cam kết rõ ràng nhất của EU đối với một cách tiếp cận đa phương dựa trên luật lệ đối với hòa bình và an ninh quốc tế’.

‘Chính sách An ninh và Quốc phòng Chung EU (CSDP) đem lại cho Liên minh năng lực vận hành nhằm triển khai cả các sứ mệnh dân sự và chiến dịch quân sự, trong khi đó các Hiệp định Khung về Tham gia tạo ra một công cụ quan trọng để EU tăng cường sự tham gia của các đối tác của mình trong lĩnh vực này’.

Và Việt Nam chính là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á tham gia đối tác trong lĩnh vực này. Và tại khu vực Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia thứ tư, sau New Zealand, Úc và Hàn Quốc tham gia CSDP

Khi tham gia CSDP, Hà Nội có thể sát cánh cùng EU trong 16 hoạt động hiện tại cũng như trong bất cứ sứ mệnh hay chiến dịch dân sự và quân sự nào trong tương lai của EU, được triển khai phù hợp với các nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Việc tham gia các chiến dịch [quân sự hoặc dân sự] của Việt Nam với EU đã cho thấy, Việt Nam đang tiến hành một khoảng mở cần thiết đối với chính sách ba không của mình. Bao gồm, ‘không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.’

Hiệp định này khởi đầu với chuyến thăm hồi tháng 8 của Đại diện cấp cao của EU (bà Federica Mogherini) đến Hà Nội. Và trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành những hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam ở ngoài Biển Đông. Ký kết Hiệp định này cho thấy, sự cần thiết của mức độ ‘liên minh quân sự’ trong chống lại những hoạt động ngày càng phức tạp và mạnh bạo của Bắc Kinh trong đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Và điều tạo thuận lợi cho Hà Nội, đó là tiến hành hoạt động an ninh chung với EU dựa trên luật lệ đối với hòa bình và an ninh quốc tế, điều mà Việt Nam luôn nhấn mạnh trong giải quyết các vấn đề Biển Đông.

Hiện tại, Biển Đông vẫn là vấn đề nhức nhối trong chính sách đối ngoại của Hà Nội, khi mà các giải pháp ngoại giao chưa đem lại hiệu quả đáng kể nào. Trong nước, nhiều quan điểm thúc giục Chính phủ Hà Nội phải có biện pháp cứng rắn hơn, bao hàm kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế như Manila đã từng làm, cũng như tiến hành phá bỏ chính sách không liên minh trong quân sự để tiến tới hợp tác toàn diện với Mỹ trong quân sự - quốc phòng.

Và thực tế cho thấy hiện nay, ngoài Việt Nam là quốc gia lên tiếng nhiều nhất về vấn đề Biển Đông liên quan đến sự kiện tàu thăm dò địa chất của Bắc Kinh đang di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thì Mỹ, là quốc gia lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với những hành vi ‘vô pháp’ của chính quyền Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trong một chia sẻ tại cuộc hội đàm khoa học về biển đảo tại Hà Nội, Gs. Chu Hảo tiết lộ, vài người bạn Mỹ ở Bộ ngoại giao nước này cho ông biết, ‘phản ứng của Việt Nam hiện nay chậm chạp bị động rụt rè, việc này làm cho phía Mỹ nản lòng’.

Do đó, Hà Nội tham gia CSDP sẽ là bước ngoặt để Mỹ có thể có thêm niềm tin hơn ở chính sách Biển Đông của Việt Nam, và điều này ít nhiều tạo điều kiện cho Washington tham dự sâu hơn, hỗ trợ tốt hơn trong vấn đề ngăn chặn hành vi mở rộng thực thi đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Biển Đông.

Quay trở lại CSDP, CSDP là một sáng kiến bắt nguồn sau Hiệp ước Maastricht, nơi thiết lập Chính sách đối ngoại và an ninh chung (CFSP) năm 1993, và Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Anh tại Saint-Malo đã đặt nền móng cho chính sách quốc phòng và an ninh châu Âu năm 1998. Chính sách (ESDP được thành lập vào năm sau đó với mục đích phát triển vai trò của Liên minh châu Âu trong việc quản lý các cuộc khủng hoảng quốc tế thông qua các nhiệm vụ nhân đạo, sơ tán, gìn giữ hòa bình và can thiệp (còn gọi là nhiệm vụ Petersberg).

Năm 2003, chính sách này đã hình thành rõ ràng với Chiến dịch Artemis, chính thức được gọi là Lực lượng Liên minh châu Âu (EUFOR) tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Là một phần của chiến dịch này, dưới sự chỉ huy của Pháp, 2.300 binh sĩ châu Âu đã giúp ngăn chặn các vụ thảm sát ở Ituri, về phía đông bắc của đất nước.

Hiệp ước Lisbon đã đánh dấu một sự thay đổi thể chế quan trọng, được thể hiện qua việc tạo ra Chính sách An ninh và Quốc phòng chung (CSDP) và các điều khoản để mở rộng chính sách này thông qua việc bổ nhiệm một Đại diện cao cấp về Chính sách đối ngoại và An ninh, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu.

Ngoài ra, Hiệp ước Lisbon đã đưa ra điều khoản phòng thủ lẫn nhau, theo đó - nếu một quốc gia thành viên gặp phải sự xâm lược có vũ trang, các quốc gia thành viên khác phải đến hỗ trợ. Điều khoản này đã được viện dẫn lần đầu tiên sau vụ tấn công khủng bố ở Paris vào ngày 13/11/2015.

An Viên
(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét