Kính gửi quốc hội: Khai dân trí vẫn ở 'ngã ba đường'
22/05/2019 - Nếu không cải cách thể chế thì không thể kiến tạo được những giá trị đổi mới cho quốc gia. Chừng nào tệ nạn tham nhũng và chạy điểm, chạy chức vẫn như hiện nay thì dân trí người Việt vẫn vậy. “… Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới; Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết… Anh em trong Chính phủ mới sẽ dựa vào sức của Quốc hội và quốc dân, dầu nguy hiểm mấy cũng đi vào mục đích mà quốc dân và Quốc hội trao cho”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại phiên họp ngày 31/10/1946, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I.
Một nền giáo dục khai phóng, nhân văn sẽ
"xây dựng cho được những cử tri trưởng thành"
Từ đầu thế kỷ XX, khi dân số Việt Nam khoảng 25 triệu, đến đầu thế kỷ XXI, khi dân số tăng lên khoảng 95 triệu, vấn đề dân trí về cơ bản vẫn như cũ. Nếu không cải cách thể chế thì không thể kiến tạo được những giá trị đổi mới cho quốc gia. Chừng nào tệ nạn tham nhũng và chạy điểm, chạy chức vẫn như hiện nay thì dân trí người Việt vẫn vậy.
Không thể tiếp cận công nghệ 4.0 nếu dân trí vẫn 0.4!
Dân trí là một câu chuyện người Việt có thể bàn nữa, bàn mãi. Mỗi khi có dịp trao đổi với các trí thức trong giới học giả, văn nghệ sĩ và quan chức về các vấn nạn của Việt Nam hiện nay, họ đều nói tới dân trí như nguyên nhân cốt lõi. Cách đây khoảng một thế kỷ, cụ Phan Chu Trinh đã nhìn thấy vấn đề và đưa ra khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như một triết lý phát triển. Khi Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam (tháng 5/2016), ông đã ca ngợi cụ Phan Chu Trinh như một triết gia.
Phan Chu Trinh (1872-1926) không chỉ là một triết gia khai sáng đã phát hiện được vấn đề, mà còn là một nhà cách mạng phi bạo lực đã dấn thân vận động cho ý tưởng mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng ngoại ắt là chết. Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không muốn mua lấy cái chết. Sự giải thoát của chúng ta nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ”.
Nhưng sau một thế kỷ, Việt Nam vẫn còn loanh quanh chưa ra khỏi “ngã ba đường”. Vấn đề “khai dân trí” mà cụ Phan từng đề xuất vẫn giậm chân tại chỗ. Nay bàn về dân trí tuy hơi muộn, nhưng “muộn còn hơn không”, vì Việt Nam là một quốc gia không thể tiếp cận công nghệ 4.0 để “kiến tạo” nếu dân trí vẫn 0.4.
Trong cuốn The Future of Management, Gary Hamel đặt câu hỏi: “Bạn có thực sự nghiêm túc để đổi mới không? Tại sao Nhật đã “thoát Á”, trở thành một siêu cường kinh tế? Tại sao Israel đã “khởi nghiệp” trở thành một cường quốc? Trong khi GDP Per Capita của họ là 41- 42 ngàn USD (năm 2018), thì GDP Per Capita của ta là 2,4 ngàn USD. Việt Nam vẫn đang tụt hậu và mắc kẹt trong cái “bẫy thu nhập trung bình”. Theo dự báo của IMF, Việt Nam năm 2019 chỉ bằng Thái Lan năm 1985, tụt hậu 34 năm.
Muốn thoát khỏi dân trí 0.4 để “kiến tạo”, phải thực sự nghiêm túc, triệt để đổi mới tư duy và điều chỉnh hệ quy chiếu như yếu tố cốt lõi để dẫn dắt sự phát triển. Người ta nói người Việt thông minh (nhưng “khôn lỏi”), bắt chước nhanh (nhưng thiếu nghiêm túc), thường bắt chước cái dở của người khác (mà bỏ qua cái hay); trong khi đó chỉ thích biến cái của người khác thành của mình (như kiểu “chụp giật”).
Xét về khía cạnh nào đó, trong cộng đồng, người Việt khó đoàn kết (nhưng dễ chia rẽ). Trong khi coi trọng những chuyện vụn vặt, lại thường coi nhẹ những vấn đề cốt yếu. Người Việt dễ ngộ nhận và hay lẫn lộn về thước đo giá trị, nên dễ bị người khác lừa. Nhưng họ lại thích đi lừa người khác vì tưởng mình khôn ngoan hơn mà không biết rằng đó là “khôn nhà dại chợ”.
Thập diện mai phục
Trong một xã hội bất an, người ta thường “sống trong sợ hãi” (tên một bộ phim ta) trước những cạm bẫy như “thập diện mai phục” (tên một bộ phim Trung Quốc). Trong nhiều vấn đề, ta giống Trung Quốc vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố lịch sử và văn hóa cũng như hệ tư tưởng. Nhưng cả hai đều thực dụng và thiếu nghiêm túc nên biến hóa khôn lường như “hư hư thực thực”. Đó là một quan hệ phức tạp, “vừa yêu vừa ghét”, người ta gọi là “frenemy”. trong một cuốn sách, nhà văn Ấn Độ Nayan Chanda đã đặt tên là "Brother Enemy" (Harcourt, 1986).
Trong thế giới đầy cạm bẫy như “thập diện mai phục”, người ta thường lo lắng đến sự tồn tại nhiều hơn là sự phát triển, thường dùng sở đoản để đối phó (chiến thuật), nhiều hơn là dùng sở trường để hoạch định (chiến lược). Vì vậy, việc thay đổi tư duy (mindset change) và điều chỉnh hệ quy chiếu (paradigm shift) càng quan trọng. Nếu người ta chỉ quan tâm đến những cái trước mắt thì không thể phát triển bền vững.
Người dân và doanh nghiệp vẫn sống như trong“thập diện mai phục”. Thứ nhất là thực phẩm không an toàn (đầu độc lẫn nhau). Thứ hai là không khí bị ô nhiễm (tới mức báo động). Thứ ba là tai nạn giao thông kinh hoàng. Thứ tư là giá điện và xăng tăng cao (do độc quyền). Thứ năm là tệ nạn tham nhũng (và nhóm lợi ích). Thứ sáu là bạo lực học đường (và nạn xâm hại trẻ em). Thứ bảy là buôn bán ma túy tràn lan. Thứ tám là ăn gian nói dối (chạy điểm, bằng giả). Thứ chín là ô nhiễm dẫn đến thảm họa môi trường.
Không chỉ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, mà Biển Đông là mối lo thường trực về an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Trong bàn cờ địa chiến lược của các nước lớn, với nhiều ẩn số và biến số, Việt Nam càng phải thận trọng.
Cần xây dựng cho được những cử tri trưởng thành
Tại Hội nghị Trung ương 10 (16/5/2019) Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đọc bài diễn văn khai mạc, trong đó có “ba câu hỏi cốt lõi”, lần đầu tiên được đặt ra một cách nghiêm túc và công khai. Đó là: (1) Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không? (2) Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? (3) Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không? Đây là những vấn đề rất khó và hệ trọng mà Tổng bí thư - Chủ tịch nước đặt trước Hội nghị Trung ương 10 đúng lúc này để nghiên cứu và tìm lời giải.
Theo Immanuel Kant (cha đẻ của thuyết khai sáng): Khai sáng là ra khỏi trạng thái vị thành niên do tự mình chuốc lấy. Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, khai sáng và trưởng thành là quá trình con người ra khỏi hang tối của tư duy để tiếp cận ánh sáng. Trong bài nói chuyện về chủ đề khai sáng, khai phóng và khai minh (hay khai dân trí), ông trích lời Hannah Arendt (nữ triết gia về khai phóng thế kỷ XX): “Tất cả hãy chuẩn bị để xây dựng cho được những cử tri trưởng thành, vì họ sẽ quyết định vận mệnh của họ, của xã hội cũng như của nhân loại”.
Năm Kỷ Hợi (2019) đã qua nửa chặng đường, sáu tháng còn lại vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến đầy kịch tính, khó lường. Hy vọng năm nay sẽ tạo ra một bước ngoặt mới, không chỉ về nhân sự cụ thể cho các vị trí chủ chốt, mà còn đổi mới thể chế và điều chỉnh chiến lược. Trong thế giới hư hư thực thực, mọi thứ đều có thể. Người ta nói, “chính trị là nghệ thuật biến điều không thể thành có thể”.
Nguyễn Quang Dy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét