Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Chiến tranh sẽ xảy ra trên Biển Đông hay Vùng Vịnh ?

Chiến tranh sẽ xảy ra trên Biển Đông hay Vùng Vịnh ?
Tác giả Dominique Moïsi trên Les Echos phân tích về « Hai cuộc chiến tranh lạnh của nước Mỹ », đặt câu hỏi liệu Mỹ có khả năng tiến hành hai cuộc chiến cùng một lúc : một với Trung Quốc ở châu Á, và một với Iran ở Trung Đông hay không ? 
Đối mặt với Trung Quốc, Hoa Kỳ muốn tái khẳng định vị thế đại cường số một. Tất nhiên thế giới không còn đơn cực như trong suốt một thập niên, từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 cho đến khi tòa tháp đôi ở Manhattan bị tấn công năm 2001. Nhưng nước Mỹ không thể chấp nhận ý tưởng đang được phố biến rộng rãi, rằng thế kỷ 20 là thế kỷ của Mỹ, còn thế kỷ 21 là của Trung Quốc.

Khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Preble (DDG 88)
 của Mỹ đi qua Ấn Độ Dương ngày 29/03/2018.
Vào thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây, các chiến lược gia đều nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ là đại cường duy nhất trên thế giới có thể lao vào hai cuộc xung đột cùng một lúc. Và đó là xung đột quân sự. Còn ngày nay, khi chiến tranh kinh tế đang trở thành một hình thái thay thế cho chiến tranh trên chiến trường, thì như thế nào ? Liệu có thể định nghĩa việc trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Iran là một dạng chiến tranh chọn lựa, còn trừng phạt Hoa Vi (Huawei) là một cuộc chiến cần thiết ?

Nói cách khác, ông Donald Trump có thể không phải là một tổng thống tốt cho nước Mỹ, nhưng chính sách đối với Trung Quốc của ông hàm chứa các yếu tố tích cực. Cần phải có một tiếng nói cất lên để chấm dứt thái độ sai trái, không thể chấp nhận được của Bắc Kinh.

Vấn đề là ở chỗ Mỹ không hành động nhân danh lợi ích chung như trong thời kỳ chiến tranh lạnh với Liên Xô cũ, mà chỉ vì nước Mỹ, không quan tâm đến trật tự đa phương. Về phía châu Âu, vừa hài lòng vì rốt cuộc có được một nhân tố nặng ký lớn tiếng với Trung Quốc, lại vừa sợ đến lượt mình sẽ là mục tiêu của Washington trong tương lai.

Để làm rõ tình hình địa chính trị hiện nay, cần phải hiểu được mục tiêu của mỗi bên. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Iran muốn gì ?

Đối mặt với Trung Quốc, Hoa Kỳ muốn tái khẳng định vị thế đại cường số một. Tất nhiên thế giới không còn đơn cực như trong suốt một thập niên, từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 cho đến khi tòa tháp đôi ở Manhattan bị tấn công năm 2001. Nhưng nước Mỹ không thể chấp nhận ý tưởng đang được phố biến rộng rãi, rằng thế kỷ 20 là thế kỷ của Mỹ, còn thế kỷ 21 là của Trung Quốc.

Về quân sự, Trung Quốc còn rất lâu mới có thể sánh ngang hàng được với Mỹ. Về kinh tế, tăng trưởng của Mỹ đã bật lên một cách ngoạn mục, trong lúc Trung Quốc sa sút đáng kể. Nhưng về công nghệ, Bắc Kinh đã ngoi lên, thậm chí còn tiến bộ vượt bực trong một số lãnh vực chiến lược. Liệu có thể để cho một cường quốc độc tài tha hồ lợi dụng các thông tin độc quyền sở hữu, hay để loại vũ khí hủy diệt khủng khiếp trong tay một chế độ cực đoan ?

Ý định của Mỹ rất rõ : ngăn trở Trung Quốc tại châu Á và lật đổ chế độ của các giáo chủ Hồi giáo tại Trung Đông, với nguy cơ Trung Quốc sẽ lo tự cung tự cấp, và tăng sức mạnh cho phe cứng rắn ở Iran.

Ý đồ của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với Hoa Kỳ : khẳng định tính vượt trội, thậm chí bước đầu là khống chế toàn bộ châu Á, tiếp đến là tiến lên đại cường số một thế giới. Bắc Kinh sẽ áp đặt mô hình toàn trị, tập trung quyền lực vào trung ương ; và xa hơn nữa, là nền văn minh Trung Hoa sẽ phải đứng trên mô hình dân chủ, nền văn minh phương Tây.

Bắc Kinh vừa công lại vừa thủ. Cần phải duy trì một chế độ có cấu trúc đầy nghịch lý : vừa cộng sản vừa tư bản. Như vậy phải kiểm sát chặt chẽ xã hội đồng thời duy trì tăng trưởng, và dân tộc chủ nghĩa cao độ. Còn Teheran mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, và chọn lựa cung cách khiêu khích thường xuyên để bảo đảm sự sống còn cho một chế độ rất dễ tổn thương.

Cả Washington lẫn Bắc Kinh, Teheran đều không muốn chiến tranh, nhưng tất cả đều đang đùa với lửa. Từ Biển Đông cho đến vùng Vịnh Ba Tư, nguy cơ bất ngờ xảy ra chiến tranh ngày càng lớn, nếu mỗi bên tự đánh giá quá cao nước cờ của mình và coi thường đối thủ.

Một cách khách quan, các lá bài của Mỹ đều « trên cơ » Trung Quốc, và đối với Iran thì lại càng vượt trội, cả về quân sự lẫn kinh tế. Nhưng khả năng chịu đựng của người dân Trung Quốc thì bền bỉ hơn, cộng với xu hướng dân tộc chủ nghĩa, còn chế độ Iran cũng kích thích dân chúng không để bị « đế quốc Mỹ » sỉ nhục.

Ngược lại, chính quyền Mỹ phải đối mặt với sự chống đối của công dân nếu lao vào các cuộc xung đột. Trong bối cảnh đó, vũ khí kinh tế tỏ ra ít tốn kém mà lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên lại bao hàm nguy cơ chiến tranh kinh tế bất chợt biến thành chiến tranh thực sự. Với một câu hỏi nhức nhối : xung đột sẽ xảy ra trên Biển Đông hay tại Vùng Vịnh ?

Chiều chuộng ông Trump : Chiến lược hiệu quả của Nhật


Cũng liên quan đến nước Mỹ, thông tín viên của Les Echos tại Tokyonhận xét « Được chủ nhà Nhật Bản chiều chuộng, Donald Trump không o ép về thương mại ». Trong bài trả lời phỏng vấn, giáo sư Stephen R.Nagy khẳng định « Nịnh nọt ông Trump là chiến lược hiệu quả của Tokyo ».

Suốt cuối tuần qua, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đều gắng sức làm vui lòng ông Trump, trước khi đôi bên bắt đầu đề cập đến vấn đề tế nhị là thương mại song phương vào hôm nay.

Hai nhà lãnh đạo đi chơi gôn, và ông Trump được phục vụ món ưa thích là cheeseburger với… thịt bò Mỹ, mặt hàng mà tổng thống Hoa Kỳ muốn được tạo điều kiện ở thị trường Nhật. Khi tổng thống và phu nhân dự khán một trận đấu vật sumo, những chiếc ghế bành đã được đặt gần sàn đấu, phá vỡ truyền thống xưa nay là khách phải ngồi trên những chiếc gối ở sàn nhà, kể cả khách VIP. Ông Trump, cũng là thượng khách đầu tiên của tân vương Naruhito, tỏ ra hài lòng vì được biệt đãi.

Theo giáo sư Nagy, chiến lược « tranh thủ » ông Donald Trump là hết sức hiệu quả. Tokyo luôn chứng tỏ rất nỗ lực tham gia « Make America Great Again », qua việc đầu tư vào Hoa Kỳ và liên tục đặt mua thiết bị quân sự của Mỹ. Tuy nhiên Nhật chưa bao giờ tỏ ra như một « chư hầu » : vẫn luôn giao thiệp với Iran, Nga, và đã thành công trong việc thúc đẩy hiệp ước TPP gồm 11 nước trong đó không có Hoa Kỳ.

Kỹ nghệ châu Âu và nỗi lo cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc
Về kinh tế, trong bài « Liên Hiệp Châu Âu đối mặt với sự cạnh tranh trên thế giới », Le Monde đặt vấn đề, làm thế nào châu Âu có thể chống chọi được với các tập đoàn đa quốc gia Mỹ và Trung Quốc.

Sau Brexit, Liên Hiệp Châu Âu chỉ có 12 hãng trong số 100 công ty đứng đầu thế giới. Cho dù thành phần của Ủy ban Châu Âu mới là như thế nào đi nữa, chính sách kỹ nghệ châu Âu luôn là một hồ sơ nóng bỏng.

Việc ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh, Margrethe Vestager, từ chối cho sáp nhập Siemens và Alstom trong lãnh vực đường sắt đã gây sốc cho cả Paris và Berlin. Với lý do bảo vệ người tiêu dùng, chống độc quyền, Bruxelles đã ngăn Pháp & Đức hình thành một tập đoàn hàng đầu về hỏa xa, trong khi nhà cạnh tranh chính là CRRC của Trung Quốc có tầm cỡ lớn gấp đôi ! Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire bực tức : « Sẽ có những đoàn tàu Trung Quốc tại châu Âu. Người ta đã phá hủy kỹ nghệ pin mặt trời châu Âu, để mặt hàng - được Bắc Kinh tài trợ ồ ạt - tràn ngập thị trường của chúng ta ».

Pháp : Tập đoàn Trung Quốc bị phản đối khi mua lại phi trường Toulouse-Blagnac

Bài điều tra trên Les Echos đưa ra một ví dụ cụ thể về « Thất bại trong việc tư nhân hóa phi trường Toulouse-Blagnac » : từ năm 2015, các tập thể ở địa phương luôn bền bỉ phản đối cổ đông Trung Quốc hiện nắm đa số vốn.

Bốn năm sau khi mua được 49,99% cổ phần và có được lời hứa sẽ được bán thêm 10,01% cổ phần của Nhà nước Pháp, tập đoàn Trung Quốc Casil Europe đành rút lui vì vấp phải sự chống đối dữ dội của dân chúng. Các chuyên gia tình báo kinh tế cũng cảnh báo, Blagnac không giống những sân bay khác. Các phi đạo tại đây đã chứng kiến những chuyến bay thử của tất cả những kiểu máy bay Airbus trong suốt năm thập niên qua.

Sinh viên Trung Quốc tràn ngập các đại học Anh

Trên lãnh vực giáo dục, Le Monde trích dẫn The Guardian cho biết « Sinh viên Trung Quốc tràn ngập các trường đại học Anh ». Do thiếu tiền, nhiều trường đã mở rộng cửa cho sinh viên từ Hoa lục vì học phí phải trả cao hơn sinh viên châu Âu.

Số sinh viên Trung Quốc trên đất Anh đã tăng gấp ba, lên 127.330 người, cao hơn tất cả các nước châu Âu cộng lại. Riêng trường đại học Manchester đã có 5.000 sinh viên Trung Quốc trên tổng số 40.000 sinh viên của toàn trường, một phần do cái tên Manchester rất nổi tiếng ở Trung Quốc vì… bóng đá. Thậm chí có những cours mà người duy nhất không phải người Hoa chính là giảng viên. Đây cũng là nỗi đau đầu cho trường, vì sinh viên Trung Quốc chỉ tập trung vào một số bộ môn : kế toán, tài chính, kinh tế, thương mại, điện tử.

Bầu cử châu Âu tái khẳng định diện mạo mới của chính trường Pháp
Kết quả cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu chiếm trang nhất tất cả các báo Pháp ra ngày hôm nay 27/05/2019. Ảnh bìa của Le Figaro là chân dung tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ lãnh đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia (RN), với tựa đề « Macron song đấu với Le Pen ». Les Echos nhận xét « Macron suýt nữa là vượt qua được thách thức ». La Croix chạy tựa « Đảng RN về đầu và những ngạc nhiên ». Libération quan tâm đến thắng lợi của các đảng sinh thái « Bầu cử châu Âu : Tăng trưởng màu xanh ». Riêng Le Monde ra từ ngày hôm trước tỏ ra lo âu về « Bóng ma một Brexit cứng rắn ».

Các báo Pháp cho rằng kỳ bỏ phiếu lần này đã khẳng định sự tái cấu trúc chính trường nước Pháp : đảng LREM (Cộng Hòa Tiến Bước) đối đầu với Tập Hợp Quốc Gia (RN) thay vì cánh hữu và cánh tả như truyền thống.

Cực hữu về đầu, đây là ngạc nhiên đầu tiên cho dù sự kiện này đã được cảm nhận trước. Có đến gần 52% cử tri tham gia cuộc bầu cử đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron, sau khủng hoảng Áo Vàng và cuộc tranh luận toàn quốc, cao hơn kỳ trước, thậm chí hơn cả cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2017. Và suốt cả ngày hôm qua, các đảng phái đều tự hỏi ai sẽ được lợi với sự hưởng ứng đông đảo này.

Đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) thất bại nặng nề, là nạn nhân của những lá phiếu thực dụng, Nước Pháp Bất Khuất (LI) không gượng dậy được sau những bê bối, đảng Xã Hội ngỡ rằng đại bại nhưng rốt cuộc kết quả không đến nỗi nào.

Thua suýt soát đảng RN, ông Macron đã gỡ được danh dự, còn cực hữu tuy phục thù được, nhưng vẫn chưa đạt tỉ lệ cách đây 5 năm – và lúc đó đảng LREM vẫn chưa được khai sinh. Hơn nữa lãnh tụ đảng này, bà Marine Le Pen cho thấy không thay đổi mấy, khi chọn lựa ba ứng cử viên đang bị rắc rối với tư pháp, nhiều ứng viên chưa hề xuất hiện trước công chúng trong thời gian gần đây nhưng là bạn bè. 

Tổng thống Macron có thể tiếp tục yên tâm cải cách trong hai năm cuối của nhiệm kỳ.

(RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét