Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Tại sao quy hoạch bị bẻ cong theo ý chủ đầu tư?

Người dân nói đúng: "Ngu như ĐBQH". Đến giờ này mà chúng còn "nghi vấn có lợi ích nhóm, sân trước sân sau". Thế thì làm được cái gì cho dân ? Đến giờ này mà vẫn còn "đề nghị thực hiện giao đất và cho thuê đất phải thông qua đấu giá"; đề nghị "người dân có quyền khởi kiện chính quyền khi để quy hoạch treo kéo dài"... Kính lạy các ông Nghị của dân ạ. Có ông Nghị còn hùng dũng tố cáo "đã có nơi xin tăng mật độ từ 24,6% lên 40%". Xin thưa khắp nơi ông ạ. Khu Đoàn Ngoại giao nhà tôi Chung Con còn nâng mật độ xây dựng mấy khu đất từ 20,5% lên 40% đấy ông Con ạ. Chưa kể chúng tôi đã chục lần thuê luật sư gửi đơn ra Tòa án Hà Nội kiện Chung Con, nhưng vì không thể để quân ta (tòa án) xử kiện quân mình (Chung Con), cấp dưới xử kiện cấp trên, nên Tòa án Hà Nội toàn từ chối nhận đơn với những lý do vu vơ như cho rằng việc Chung Con điều chỉnh quy hoạch không ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người dân... Đúng là một lũ Đại biểu vì ghế quên thân, vì thân phục vụ. Họp hành đóng kịch lừa dân mãi không được đâu các ông Nghị ơi.
Tại sao quy hoạch bị bẻ cong theo đề xuất của chủ đầu tư?
27/05/2019 - Thảo luận tại Quốc hội sáng 27.5, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những vấn đề bức xúc hiện nay trong công tác quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai. Dẫn ra việc các dự án chung cư bị tăng tầng, nâng mật độ, các đại biểu nghi vấn có lợi ích nhóm, sân trước sân sau, khiến quy hoạch bị nhà đầu tư dẫn dắt, chi phối, phá nát.

Nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc việc phá nát 
quy hoạch đô thị hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà
Tư duy quản lý tùy tiện
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt câu hỏi các sai phạm như tại 8B Lê Trực có thể chỉ là “tảng băng chìm” của nhiều sai phạm chưa được phát hiện ra. Ông chỉ ra nguyên nhân chính là tư duy quản lý tùy tiện, thay vì sử dụng tài nguyên đất đúng mục đích thì lại tạo kẽ hở. Ông Nhân cũng đặt câu hỏi công tác quy hoạch tại nhiều địa phương có phải đang điều chỉnh theo đề xuất của các chủ đầu tư. Ông chỉ ra, trong 1.390 dự án xin điều chỉnh quy hoạch, đã có nơi xin tăng mật độ từ 24,6% lên 40%. Một số dự án xin điều chỉnh từ 20-30 tầng lên 40 tầng. “Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư chấp hành quy hoạch, tại sao nó bị bẻ cong theo đề xuất các nhà đầu tư?”, đại biểu Nhân đặt câu hỏi.



Gay gắt hơn, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhận xét chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiển hiện kiểu “tư duy nhiệm kỳ”, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân.

Ông nhấn mạnh thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư dẫn dắt, chi phối, làm thay đổi, thậm chí làm nát quy hoạch ban đầu.

Vị này cho biết quy hoạch tại các đô thị được điều chỉnh làm tăng tối đa lợi ích cho các nhà đầu tư, giảm tối đa tiện tích cho người dùng. Theo đó, các dự án thường bị tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm cây xanh.

"Quy hoạch tại các đô thị được điều chỉnh làm tăng đối ta lợi ích cho các nhà đầu tư, giảm tối đa tiện tích cho người dùng." ĐB Đinh Duy Vượt

“Đây là điều đáng suy nghĩ bởi nó đã và đang gây tổn thất về kinh tế, gây bức xúc trong xã hội. Thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, quá tải điện nước, xử lý nước thải. Suy cho cùng, điều chỉnh quy hoạch thực chất là làm nát quy hoạch”, ông nói.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ rà soát lại các dự án không tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam về bố trí đất cho giáo dục, y tế, bãi đỗ xe, cây xanh, giao thông nội bộ… Đặc biệt là các dự án không tuân thủ giấy phép xây dựng, các quy định về phòng cháy chữa cháy.

“Cần rà soát các dự án không tuân thủ hợp đồng đã ký kết với người dân mua nhà, đất, căn hộ để yêu cầu chủ đầu tư có phương án giải quyết, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân”, ông Hàm đề xuất.


Đại biểu Hoàng Quang Hàm. Ảnh: Minh Quân

Ông Hàm cho rằng đây là vấn đề rất bức xúc. Tại nhiều chung cư người dân tập trung đông người, treo băng rôn khẩu hiệu để đòi quyền lợi. Ông lấy ví dụ tại chung cư Kinh Đô tại ngõ 102 Trường Chinh (Hà Nội) từ năm 2017 đến nay người dân nhiều lần tập trung phản đối nhà đầu tư, khẩu hiệu, băng rôn giăng kín mặt tiền tòa nhà. Tình trạng này kéo dài và chưa chấm dứt.

Có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau

Cũng tại buổi thảo luận sáng 27.5, đại biểu Đinh Duy Vượt cho biết cử tri mong muốn các trụ sở cũ của các cơ quan khi di dời sẽ biến thành vườn hoa, công viên, công trình công cộng, chứ không phải là các tòa chung cư.

"Cử tri kỳ vọng các trụ sở cũ sẽ trở thành vườn hoa, công viên chứ không phải nhìn thấy các tòa chung cư cao chọc trời của đại gia A, đại gia B trên mảnh đất đó trơ trơ như thách thức cùng dư luận", ông phát biểu.

Ông cũng chỉ ra việc một số địa phương có kẽ hở trong việc giao đất cho doanh nghiệp để thực hiện dự án.

"Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau, cùng cộng sinh giữa các quan chức có thực quyền và chủ đầu tư." ĐB Đinh Duy Vượt

“Nhiều tỷ phú ôm nhiều đất vàng, đất kim cương tại các đô thị, thậm chí là hàng nghìn ha đất tương lai là đô thị để chờ thời. Việc giao đất theo chỉ định đang diễn ra phổ biến. Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau, cùng cộng sinh giữa các quan chức có thực quyền, lợi dụng cơ chế chưa hoàn thiện, lợi dụng cơ chế chỉ định đầu tư dự án có sử dụng đất thay đấu giá”, đại biểu nêu.

Đại biểu cũng nhấn mạnh cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong định giá đất, vừa đấu giá sử dụng đất cũng xảy ra trong quá trình cổ phần hóa.

“Nhiều nơi định giá đất rẻ như bèo. Không chỉ các doanh nghiệp mà cả các cơ sở y tế, giáo dục, tín ngưỡng, tôn giáo… làm tổn hại lớn đến quyền lợi của Nhà nước”, ông nói.


Đại biểu Đinh Duy Vượt. Ảnh: Minh Quân

Từ đó ông đề nghị thực hiện giao đất và cho thuê đất phải thông qua đấu giá. Ngoài ra cần có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng lãng phí đất mà không đúng mục đích.

“Cần thu hồi tài nguyên để “chọn mặt gửi vàng”, thay vì “giao trứng cho ác”, ông nói.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm thì chỉ ra chính sách để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) còn nhiều bất cập như xác định giá trị quyền sử dụng đất của quĩ đất thanh toán cho nhà đầu tư chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định.

Hầu hết dự án BT thực hiện chỉ định thầu hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất… Ông nhấn mạnh đây là những kẽ hở gây thất thoát lãng phí.

“Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì việc kêu gọi đầu tư bằng hình thức hợp đồng BT là cần thiết nhưng thiếu hụt chính sách dẫn đến khó quản lý và ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư. Cần phải nghiên cứu hoàn thiện ngay”, ông nói.

Dân có quyền khởi kiện chính quyền để quy hoạch treo?

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát lại các dự án treo để xử lý dứt điểm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Đối với những vùng đất quy hoạch cho lâu dài, chưa thực hiện dự án ngay được, ông đề nghị cần di dời người dân hoặc phải có chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người dân về sửa chữa, cải tạo nhà, về tách hộ…

Ông chỉ ra thực trạng nhiều người dân bức xúc về quy hoạch treo khi không an cư được, thậm chí mua bán chuyển nhượng nhà cũng khó khăn, mất giá…

“Có dự án như khu Bình Quới - Thanh Đa, TP.HCM, liên quan đến hơn 4.000 hộ dân, gần 15.000 nhân khẩu, có chủ trương quy hoạch từ 1992 đến nay đã 27 năm chưa thực hiện”, ông nêu thực trạng.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng nhiều dự án treo, chiếm dụng đất vừa gây lãng phí cả vô hình, hữu hình, mà quan trọng hơn là mất đi những cơ hội đầu tư phát triển rất đáng tiếc.

Đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị Quốc hội cần quan tâm loại bỏ quy hoạch treo. Ông cho rằng người dân có quyền khởi kiện chính quyền khi để quy hoạch treo kéo dài.

Hiếu Công
Chính nhiều dự án nhà cao tầng đang 'lái' quy hoạch!
Thủ tướng: Chưa xây nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra
Nhà cao tầng - cỗ máy hái ra tiền hay hiểm họa?
Cuộc không chiến cao ốc lợi - hại gì cho đô thị?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét