Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Giảm giá vé BOT: 'Sửa sai' hay 'xoa dịu'?

Hoan hô anh Long đã có ý kiến chính xác đối với BOT Cai Lậy: "Yêu cầu BOT Cai Lậy phải dời vào trong đường tránh là chính đáng. Nhưng chúng ta không thể nào thay đổi ngay một sớm một chiều. Nếu chúng ta cực đoan, đưa ra một đề nghị mà thấy rằng không khả thi, thì có nghĩa lúc nào chúng ta cũng ở trong tình trạng đối đầu. Mà như vậy, thất bại sẽ luôn thuộc về người dân thôi". Trong quá trình đấu tranh cũng phải biết lượng sức mình và phải biết nhân nhượng. Chính phủ hiện nay đang nợ như Chúa Chổm, dỡ BOT thì lấy tiền đâu trả chủ đầu tư ? Dồn Chính phủ vào bước đường cùng, liệu Chính phủ có phát điên, hành xử như Chí Phèo đối với người dân không ? Hơn nữa BOT là tham nhũng trong các nhiệm kỳ trước, bây giờ bắt bác Trọng, bác Phúc nhận các nhiệm kỳ trước sai, phải kỷ luật các quan chức nhiệm kỳ trước, trong đó có chính các bác..., cũng là những điều khó. Nhưng nhân nhượng khi đàm phán cũng phải tùy hoàn cảnh. Đối với BOT Mỹ Lộc, vì chủ đầu tư quả thật đã làm mỗi bên thêm 2 làn nên họ có quyền thu. Do vậy, một mặt cần miễn và giảm phí, mặt khác cần điều tra nghiêm ngặt tổng mức phí đầu tư, doanh thu hàng tháng... để xác định chính xác thời gian hoàn vốn và có lãi cho chủ đầu tư để sớm dỡ bỏ BOT này. Đối với BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, vì nó quá vô lý, thời gian thu đã quá lâu (hơn 20 năm), lại là đường ra sân bay..., nên chỉ có một cách là dỡ bỏ, không thể nhân nhượng như Cai Lậy hay Mỹ Lộc.
Giảm giá vé BOT: 'Sửa sai' hay 'xoa dịu'?
Mỹ Hằng 22 tháng 5 2019 - BOT Cai Lậy sẽ giảm tới 60% giá vé, ví dụ Xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt. Việc thu phí sẽ được tiến hành trong 15 năm 9 tháng, thực hiện trên 41 xã, phường, thị trấn lân cận. Bộ Giao thông Vận tải đang kiến nghị chính phủ cho thực hiện giải pháp này. Việc Bộ Giao Thông Vận Tải giảm giá vé cho người dân qua trạm BOT là động thái sửa sai tích cực hay chỉ là cách xoa dịu dư luận? "Bản thân tôi cho rằng đây là một thắng lợi bước đầu của dân miền Tây trong việc đòi minh bạch BOT," ông Huỳnh Bửu Long, người nổi tiếng sau các hoạt động đấu tranh phản đối BOT Cai Lậy trong vài năm qua, nói với BBC hôm 20/5. 

Dự án đường tránh trên Quốc lộ 1, qua thị trấn Cai Lậy được hoàn thành năm 2017, mức đầu tư gần 1400 tỷ đồng cho các hạng mục: xây đường tránh 12km, gia cố nền đường quốc lộ 1 26,5 km; xây dựng và khơi thông hệ thống thoát nước dọc quốc lộ 1. Giới lái xe cho rằng BOT Cai Lậy phải đặt trên đường tránh thay vì trên quốc lộ 1, do đó đã dùng nhiều hình thức đấu tranh phản đối khiến BOT này phải ngưng thu phí 2 năm qua.


Bình luận của ông Long được đưa ra trong bối cảnh Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản trình Thủ tướng chính phủ đề nghị giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy, thu phí trở lại nhưng với mức giá giảm 'nhất nước' và 'phạm vi miễn, giảm phí lớn nhất nước'.

Theo đó, mức vé giảm cao nhất của BOT Cai Lậy lên tới gần 60%, thực hiện trên 41 xã, phường, thị trấn lân cận.

Trước đó, hàng loạt BOT khác trên khắp cả nước đã giảm giá vé.

'Thắng lợi bước đầu'

Ông Huỳnh Bửu Long tranh luận với nhân viên 
trạm BOT Cai Lậy về việc trả và nhận tiền lẻ

Ông Huỳnh Bửu Long, được biết đến với tên gọi 'Hot boy Cai Lậy', nói hành động giảm giá vé, với vùng miễn giảm rộng, "là một động thái sửa sai rất lớn" của chính quyền.

"Chứng tỏ chính quyền ở Cai Lậy có các phương pháp rất ôn hòa, chịu lắng nghe người dân."

Về các ý kiến cho rằng thỏa mãn với phương án này là người dân thỏa hiệp với việc chính quyền sai, nhưng 'sai ít hơn', ông Long nói:

"Theo tôi, nhượng bộ không có nghĩa chúng tôi thua. Tôi cũng không muốn nói đến vấn đề thắng thua."

"Yêu cầu BOT Cai Lậy phải dời vào trong đường tránh là chính đáng. Nhưng chúng ta không thể nào thay đổi ngay một sớm một chiều. Nếu chúng ta cực đoan, đưa ra một đề nghị mà thấy rằng không khả thi, thì có nghĩa lúc nào chúng ta cũng ở trong tình trạng đối đầu. Mà như vậy, thất bại sẽ luôn thuộc về người dân thôi."

"Tôi từng trả lời năm 2017, vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng thu phí BOT Cai Lậy, rằng, có nhiều phương án để trạm này tiếp tục hoạt động. Cách thứ nhất là đặt hai trạm, một ở trên quốc lộ, một ở đường tránh, từ đó tính mức phí theo mức mà nhà đầu tư đã bỏ ra để nâng cấp quốc lộ 1. Mục đích là để san sẻ với nhà đầu tư, cũng nhằm kết thúc việc đối đầu với nhau. Cách thứ hai là giảm giá vé."

Trạm BOT Cai Lậy lẽ ra đặt ở đường tránh thì lại đặt ở quốc lộ 1

"Năm 2018 Bộ GTVT sau khi thanh tra thì giảm đến 127 năm thơi gian thu phí của tất cả cả các trạm, riêng với BOT Cai Lậy họ giảm mức phí thấp nhất nước, với diện giảm phí rộng nhất nước, cùng với tuyến cao tốc Hồ Chí Minh - Vĩnh Long sắp đi vào hoạt động thì tôi cho rằng đây là thắng lợi bước đầu của người dân miền Tây. Tôi tạm gọi là chấp nhận phương án này."

Ông Long nhấn mạnh: "Việc đòi hỏi quyền lợi là điều chính đáng nhưng nếu chúng ta quá cực đoan thì nó sẽ đẩy đi hướng khác so với ý chí ban đầu của chúng ta là muốn minh bạch việc thu phí BOT."

Cũng theo ông Long, người từng được đi nhiều nơi từ Bắc chí Nam, ông chứng kiến hầu như trạm BOT nào cũng giống như BOT Cai Lậy: xây tuyến tránh nhưng thu phí trên quốc lộ. Do đó, theo ông, không thể ngay một lúc mà giải quyết sạch vấn đề của mọi BOT.

"Mỗi một việc làm đều cần có lộ trình. Nhìn vào cục diện thì chỉ khoảng 2 năm nữa thôi, tuyến cao tốc Hồ Chí Minh-Vĩnh Long đưa vào hoạt động thì gần như tất cả các xe từ miền Tây đều chọn đường này để lưu thông. Như vậy thì BOT Cai Lậy tăng hay giảm giá vé không còn nhiều ý nghĩa với dân miền Tây nữa."

Cũng theo ông Long, mỗi người dân như ông đều phải lo cơm áo hằng ngày, nên việc đòi hỏi minh bạch tại các BOT đặt sai vị trí là trách nhiệm của mỗi người dân.

"Đừng trông chờ vào bất cứ ai, bản thân mỗi người phải tự đòi hỏi quyền lợi của mình. Nếu trường hợp những người dân ai cũng phản đối bất công của trạm BOT đặt trên địa phương mình thì chắc chắn sẽ có hiệu ứng lớn," ông Huỳnh Bửu Long nói với BBC.

'Chỉ xoa dịu dư luận'

BOT Cai Lậy

Trong khi đó, ở góc độ luật pháp, luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội nói với BBC rằng người dân cần sự minh bạch, rõ ràng trong việc tính toán thu, chi để vừa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và quyền lợi của mình.

"Nếu đã minh bạch thì người dân sẽ chấp nhận. Ở đây, vì nhà đầu tư sai, chính quyền địa phương cũng dung dưỡng cho cái sai nên việc sai trái tiếp diễn, đồng nghĩa với việc tranh chấp còn kéo dài.

"Tôi nghĩ, trong trường hợp này, việc giảm mức thu phí của Bộ GTVT chỉ nhằm xoa dịu dư luận chứ không để giải quyết dứt điểm căn nguyên của vấn đề. Do đó, người dân sẽ tiếp tục đặt ra điều ngờ vực với sự minh bạch của chính cơ quan này."

"Việc giảm giá phí tại nhiều trạm BOT sau khi vấp phải phản kháng mạnh mẽ của người dân đã chứng minh sự sai trái, mập mờ trong việc thu chi tại các dự án này. Điều đó cũng chứng minh sự dễ dãi trong quá trình thẩm định dự án, đặc biệt là phương án tài chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chủ đầu tư có cơ hội trục lợi."

OT Cai Lậy phải đếm tiền lẻ do các lái xe trả

"Cần nghiêm khắc xem xét năng lực của các cán bộ công quyền và sự trong sạch của họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã để xảy ra những sai sót vô cùng tai hại, thiệt hại lớn cho nguồn thu của nhà nước, quyền lợi của người dân. Cần cá thể hoá hành vi và xử lý trách nhiệm theo mức độ vi phạm."

Việc bồi hoàn, bồi thường người dân bị thu phí oan sai suốt một thời gian dài, theo luật sư Tuấn, là 'khó' vì 'khó xác định được đối tượng bị thu sai'.

Do đó, ông Tuấn cho rằng 'chỉ có thể xử phạt vi phạm của chủ đầu tư'. Nhưng xét cho cùng, việc quyết định đối tượng thu, mức thu là do cơ quan công quyền, nên chính quyền phải xin lỗi người dân đầu tiên.

"Số tiền thu sai nên dùng để trừ vào số tiền phải thu của chủ đầu tư để giảm giá thu hoặc thời gian thu hoặc cả hai yếu tố đó cho người dân, trừ trường hợp người bị thu sai kiện đòi bồi thường bằng những vụ kiện riêng."

Bộ GTVT giảm giá vé BOT như thế nào?

Ông Hà Văn Nam, người phản đối BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, hiện đang bị chính quyền tạm giam

Giải pháp của Bộ GTVT sau hai năm ngưng thu phí BOT Cai Lậy do vấp phải phản kháng dữ dội của người dân, là 'giữ trạm' ở vị trí cũ, thu phí trở lại 'ở mức thấp nhất nước'.

Cụ thể, BOT Cai Lậy sẽ giảm tới 60% giá vé, ví dụ Xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt. Việc thu phí sẽ được tiến hành trong 15 năm 9 tháng, thực hiện trên 41 xã, phường, thị trấn lân cận.

Bộ Giao thông Vận tải đang kiến nghị chính phủ cho thực hiện giải pháp này, trong bối cảnh bộ đang sợ việc ngưng thu phí 2 năm qua "có thể khiến phát sinh nợ xấu".

Bộ GTVT nói là nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản đề cập đến khả năng phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu và đề nghị bộ này giải quyết dứt điểm vướng mắc liên quan đến thu phí.

Bộ GTVT cũng nói rằng các kết luận thanh kiểm tra cho thấy "BOT Cai Lậy triển khai thực hiện đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ quy định của pháp luật". Và rằng vị trí hiện nay của BOT Cai Lậy 'nằm trong phạm vi đầu tư của công trình và đã được sự chấp thuận của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai đầu tư'.

Bộ GTVT cũng nói Thủ tướng chính phủ đã 'có ý kiến' đồng tình với chủ trương này sau 3 cuộc họp năm 2018.

Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Nhật thì nói với báo chí Việt Nam rằng sẽ 'họp với bên công an' để đảm bảo an ninh trật tự tại BOT Cai Lậy.

Trước đó, BOT Mỹ Lộc (Nam Định), BOT Phả Lại, và hàng loạt BOT khác đã thực hiện giảm giá vé.

Cuộc đấu tranh giữa các lái xe và chính quyền địa phương nơi có BOT được cho là 'đặt sai vị trí' hoặc thu phí cao bất hợp lý đã diễn ra trong nhiều năm, ban đầu ở BOT Cai Lậy, sau lan ra khắp cả nước.

Các hình thức đấu tranh rất đa dạng, từ trả phí bằng tiền mệnh giá thấp, cho xe đi thật chậm qua BOT gây ùn tắc, thậm chí cắt cử người ghi chép số xe thực tế qua trạm để đối chiếu với số phí mà trạm BOT thu được trong ngày, v.v…

Một số lái xe tham gia đấu tranh chống BOT 'bẩn' đã bị bắt tạm giam, như ông Hà Văn Nam (Hà Nội) - người phản đối BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48331701

1 nhận xét:

  1. Xin lỗi chủ blog có phải DLV ? Đề xuất trạm BOT Cai Lậy giảm giá không ai đồng ý, yêu cầu đặt trạm trên tuyến đường tránh đầu tư xây dựng. Nên tham khảo phương án dề xuất của giám đốc sở GTVT An Giang với bộ GTVT đối với trạm BOT T2 (Cầu Vàm Cống) rất hợp nguyện vọng người dân.(Người miền Tây)

    Trả lờiXóa