Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Tác hại của bia rượu

Tác hại của bia rượu
Chu Mộng Long 25-5-2019 - Trước hết, việc Quốc hội đưa ra dự án về Luật chống tác hại của bia rượu là một bước tiến của lịch sử lập pháp Việt Nam. Điều này, các nước xung quanh chúng ta đã làm từ lâu. Trên thế giới chỉ còn những nước nghèo nàn, lạc hậu mới xem bia rượu là thú vui tự do nằm ngoài pháp luật.
Việc phản đối Luật chống tác hại của bia rượu chỉ có thể là lực lượng sống bằng bia rượu. Tôi hiểu lực lượng này khá đông, bởi đất nước này không chỉ là “cường quốc thơ” mà còn là “cường quốc bia rượu”. Số lượng thơ nhả ra từ nhà thơ và số lượng bia rượu mửa ra từ con nghiện là tương đương.

Tôi ghép thơ và bia rượu lại làm một vì những kẻ phản đối dự án luật đang trình Quốc hội cố sống cố chết lấy thơ làm chỗ dựa. Và vì cả hai thứ ấy ở đất nước này đều là một thứ bệnh khó cứu chữa nhưng người ta nhầm tưởng là vinh quang. Các nhà thơ ngộ nhận có rượu vào thì thơ mới hay, trong khi loại thơ ấy chỉ là lời của những kẻ mắc bệnh hoang tưởng, tâm thần. Về giá trị, thứ thơ ấy chỉ là lời của những thằng say được hình thức hóa cho có vần có điệu.

Nếu theo lời K. Marx, “tôn giáo là thứ tinh thần của những trật tự không có tinh thần” thì rượu là thứ tinh thần của kẻ vô trật tự, tức một thứ tinh thần hoang dã của động vật, tệ hại hơn, đó là tinh thần của kẻ tâm thần.

Không có quốc gia nào tự hào là cường quốc tâm thần!

Tôi dám chắc, so với các tệ nạn như ma túy, mại dâm, bia rượu có tác hại gấp bội lần. Bởi vì, dù nguy hiểm, nhưng ma túy và mại dâm chỉ hoạt động lén lút ở một thiểu số những kẻ hư hỏng nằm ngoài vòng pháp luật. Còn bia rượu ở xứ này tràn lan mọi ngõ ngách của đời sống mà pháp luật chưa có chế tài để phòng chống, ngăn chặn. Từ các quán nhậu đến các hẻm sâu, từ thành thị đến nhà quê, từ trong các hội lễ, giỗ chạp đến ngày thường, từ dân vô học đến trí thức, công chức, đâu đâu cũng thấy nhậu và say.

1. Trong các căn bệnh như ung thư, tim mạch, bia rượu đóng góp phần lớn nhất gây tổn hại về sức khỏe của cộng đồng. Bộ Y tế nên thống kê cụ thể số người mắc bệnh và chết bởi lý do này.

2. Các tệ nạn ăn trộm, ăn cắp, tai nạn giao thông, thậm chí hiếp dâm, ấu dâm, giết người cướp của phần lớn có liên quan đến bia rượu. Tôi thử tính sơ bộ, có đến 90% các vụ án mà báo chí phản ánh có liên quan đến việc sử dụng bia rượu.

3. Tham ô, lãng phí tiền của và thời gian chắc chắn có liên quan đến bia rượu. Các cơ quan nhà nước bội chi tiếp khách đều do chiêu đãi quá nhiều bia rượu. Trong các trò tiếp khách đó, không thể không có chuyện móc ngoặc tham ô. Việc sử dụng bia rượu tràn lan làm hao phí rất lớn tiền của công lẫn tư. Một kẻ say rượu ắt não bộ rất có vấn đề, say một lần mệt mỏi cả tuần.

4. Gần 100% các vụ bạo hành trong gia đình, gây sự đánh nhau làm mất an ninh trật tự, đạo đức xã hội đều do bia rượu.

5. Xả rác bừa bãi, ỉa, đái, mửa bậy bạ, la hét ồn ào gây ô nhiễm môi trường không khí lẫn âm thanh phần lớn là do bia rượu.

Văn hóa truyền thống ư? Dạ thưa mấy con nghiện đang chống dự án luật, rằng rượu bia chỉ được xếp vào văn hóa khi nó nằm trong sự khống chế tối đa của lý trí và pháp luật. Theo Sử ký, quyển “Ân Bản Kỷ” ghi chép: Cuối đời Thương, vua Trụ ham mê tửu sắc, ăn chơi sa đọa, đào ao hồ rồi đổ rượu vào, bắt nam nữ khỏa thân rượt đuổi đùa giỡn nhau trong đó, rồi ca múa nhạc, rượu chè tiệc tùng thâu đêm suốt sáng để mua vui, nên dẫn đến đời Thương bị diệt vong. Rút bài học xương máu đó, bắt đầu từ đời Chu, các nhà nước Trung Hoa đã ban hành lệnh cấm rượu, gọi là “Tửu Cáo”. Rượu chỉ được sản xuất có hạn và chỉ được dùng trong nghi thức tế lễ và giao tiếp đặc biệt. Rượu được xếp đứng đầu trong “Tứ đổ tường”, 4 tệ nạn gây tan nhà nát cửa (酒色財氣四堵牆 Tửu sắc tài khí tứ đổ tường).

Sử dụng tùy tiện gây các tác hại trên sẽ bị xử trảm!

Cụ Hồ ngợi ca rượu ư? Ngợi ca thì sao một trong những điều mà cụ lớn tiếng phản đối chính quyền thực dân là dùng rượu để đầu độc, ngu dân?

Một dân tộc chỉ biết lấy rượu làm thú vui chỉ có thể là một dân tộc nghèo nàn về tinh thần, vô công rồi nghề, nếu không nói, đó là dân tộc ngu xuẩn, cặn bã, tâm thần! Riêng thành phần trí thức, các mâm bia rượu thường là nơi tập trung toàn là bọn háo danh, vì đầu óc rỗng tuếch nên mới rời công sở là đến quán nhậu để huênh hoang, khoác lác. Kỳ lạ là, đa số lấy tửu lượng làm thước đo giá trị và mạnh ai nấy huênh hoang khoác lác. Thi nhau huênh hoang khoác lác dù sự thật là không ai nghe ai, như người ta chửi nhau ở cái chợ xổm hay loạn xạ như trong trại tâm thần, nhưng chúng lại nhầm tưởng là vinh quang!

Ông Dương Trung Quốc tuyên bố sẽ “chống đến cùng dự án luật này để bảo vệ bia rượu”. Tôi hiểu đồng minh của ông rất đông, nhất là quan chức và trí thức hiện nay đang là thành phần tiên phong nhậu nhẹt. Nhưng trước khi phủ quyết, tôi đề nghị các ông hãy phản biện từng điều tôi viết đã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét