Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Bê bối BOT T2 và Cát Linh-Hà Đông: Thể ở đâu ?

Nguyễn Văn Thể ở đâu trong vụ bê bối BOT T2 và tuyến Cát Linh-Hà Đông?
May 26, 2019 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong lúc một loạt báo nhà nước đưa tin về diễn biến tại trạm BOT T2 ở cạnh cầu Vàm Cống, cũng như chuyện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông “không hẹn ngày chạy,” Bộ Trưởng Giao Thông-Vận Tải CSVN Nguyễn Văn Thể hoàn toàn im lặng. Trong bài viết hôm 25 Tháng Năm, báo Nhà Đầu Tư đưa ra câu hỏi: “Thưa Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể, rốt cuộc tàu Cát Linh-Hà Đông bao giờ chạy thật? Đây là câu hỏi mà cử tri Hà Nội muốn ông trả lời rõ ràng. Từ khi nhậm chức bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải [CSVN] ngày 26 Tháng Mười, 2017 đến nay, ông Nguyễn Văn Thể đã nhiều lần đi thị sát công trình và chỉ đạo gấp rút hoàn thành dự án này. Tuy nhiên, vị tư lệnh đương nhiệm của ngành giao thông dường như cũng ‘bó tay’ trước ‘di sản lịch sử’ để lại về sự chầy bửa khó tin tại dự án này.”
Bộ Trưởng Giao Thông-Vận Tải CSVN Nguyễn Văn Thể trong một lần đi thử tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Hình: NhaDauTu.vn)



Tuy ông Thể giữ im lặng hoàn toàn về ngày vận hành của tuyến đường sắt đô thị nêu trên, nhưng nhiều blogger vẫn nhắc lại lời tán dương của ông sau khi đi thử tàu hồi Tháng Ba, 2018: “Đường sắt Cát Linh-Hà Đông êm hơn đường sắt Bắc-Nam.”

Theo ghi nhận của báo Nhà Đầu Tư, tổng mức đầu tư của dự án Cát Linh-Hà Đông được điều chỉnh từ $552.8 triệu lên $868 triệu, trong đó phần vốn vay của Trung Quốc là $669.6 triệu. Còn theo báo Zing, mỗi năm nhà cầm quyền Việt Nam phải trả cả nợ gốc, lãi cho khoản vay bổ sung $250 triệu từ Trung Quốc là 650 tỉ đồng ($27.8 triệu).

Đến nay, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã trải qua gần một thập kỷ “xây dựng và trưởng thành” với “kỳ tích” mười lần lùi tiến độ, “gây lãng phí đầu tư công, bôi xấu bộ mặt của thủ đô và gây bức xúc dư luận nhân dân,” theo báo Nhà Đầu Tư.

Trong khi đó, tình hình căng thẳng tại trạm BOT T2 tạm lắng sau khi nhà chức trách loan báo “tạm dừng thu phí để lắp đặt thiết bị camera giám sát lưu lượng xe qua trạm.” Tuy vậy, các báo nhà nước không thể ghi nhận được phát ngôn của Bộ Trưởng Thể về giải pháp dứt điểm cho trạm BOT T2 cũng như trạm BOT Cai Lậy sắp sửa hoạt động lại.

Tờ Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời ông Thể nhưng không rõ thời điểm phát ngôn: “Có một số dự án BOT do quy định pháp luật trước đây chưa phù hợp nếu để xử lý dứt điểm thì chỉ có phương án nhà nước bố trí khoản ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư. Nhưng nguồn lực hiện nay gần như không thể cân đối được.”

“Trong quá trình giám sát, Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam đã phát hiện một số tồn tại trong quy trình thu phí BOT, kịp thời yêu cầu các cơ quan quản lý liên quan có biện pháp khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, xử lý vi phạm góp phần nâng cao tính minh bạch trong công tác thu phí đường bộ,” tờ báo của Đảng Bộ thành phố ở Sài Gòn trích lời ông Thể.

Hồi Tháng Năm, 2018, các báo nhà nước đồng loạt dẫn phát ngôn hùng hồn của Bộ Trưởng Thể: “BOT là sản phẩm của giai đoạn trước. Vấn đề nóng này nếu giải quyết không ổn thỏa thì sẽ dẫn đến dư luận quốc tế, dư luận trong nước không tốt, việc đầu tư sẽ gặp khó khăn.”

Tuy nhiên, sau đó, nhà báo Đào Tuấn của báo Lao Động bình luận trên trang cá nhân rằng ông Thể “nhẽ ra phải ở nhà hát chèo mới đúng” vì ông này ký phê duyệt dự án BOT Cai Lậy “không qua đấu thầu” khi còn là thứ trưởng Giao Thông-Vận Tải. (T.K.)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét