Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Thu phí BOT: Không chỉ thu đủ, cần thu đúng

Anh Hiệp là quan chức nhưng dũng cảm lắm. Nói đúng, viết đúng sự thật sẽ được dân kính trọng, yêu thương. TRẦN HỮU HIỆP (Cần Thơ) là TS kinh tế. Anh có rất nhiều bài viết sắc sảo, chính xác về những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, nông nghiệp và nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cái người dân phản đối ở đây là VỊ TRÍ ĐẶT TRẠM chứ người dân không than phiền về MỨC PHÍ. Cách đây khoảng 3 năm, khi đặt trạm đã bị người dân phản đối quyết liệt nhưng rồi tất cả rơi vào im lặng cho đến khi cầu Vàm Cống được khánh thành. Nhìn trên sơ đồ ai cũng thấy đặt trạm ở vị trí hiện nay nhằm thu các xe từ An Giang đi Kiên Giang và ngược lại dù chỉ đi 300 mét. Mặt khác, nếu từ TPHCM đi Kiên Giang và ngược lại, thì cánh tài xế cũng sẽ đi hướng phà Vàm Cống vì sẽ gần hơn khoảng 40-45 km so với hướng đi qua cầu Cần Thơ, hơn nữa chất lượng đường cũng tốt hơn. Nếu nghĩ cho dân thì đã không đặt trạm kiểu này mà đặt ở vị trí cần di dời như hiện nay, khi đó đoạn đường 300 mét đó có thể đề xuất thu thêm một thời gian để hoàn vốn thì chắc sẽ không có ai phản đối. Trong bài này, TS Hiệp viết rất chính xác: cái gốc vấn đề là ở chỗ khi lập một trạm thu BOT cần phải tính đến đoạn thu tiền hợp lý nhất. Không chỉ thu đủ mà phải thu đúng, đó mới là giải pháp từ gốc, tránh những bức xúc, phản đối về sau này. Điều này cần ở tất cả trạm BOT chứ không chỉ là chuyện ở trạm T2. Công bằng cần được thực thi, không chỉ cho giới tài xế, nhà đầu tư mà còn đối với người dân, doanh nghiệp...
Thu phí BOT: Không chỉ thu đủ, cần thu đúng
29/05/2019 TTO - Trạm BOT T2 bên cạnh cầu Vàm Cống (nối TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp) đã tạm dừng thu phí từ ngày 25-5. Ùn tắc giao thông, bức xúc của tài xế tạm thời được giải tỏa. Tạm yên là vậy, rồi tiếp theo sẽ như thế nào? Những người tưởng chừng không liên quan với việc thu phí nhưng thực sự là họ phải trả thêm một khoản phí khi tiêu dùng một sản phẩm, dịch vụ đã phải chịu phí BOT. Chỉ số giá tiêu dùng CPI và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của các địa phương trong vùng cũng phải gồng lưng cõng thêm gánh nặng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nếu vẫn còn tồn tại những khoản phí không công bằng tương tự.

Trạm thu phí T2 chiều 28-5 - Ảnh: BỬU ĐẤU
Số đông tài xế phản đối trạm T2 đặt sai vị trí, mức thu tiền bất hợp lý. Và việc tạm dừng thu phí tại trạm này, như trả lời báo chí của lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, để thống kê xe qua trạm nhằm "thực hiện giảm giá vé, rồi sẽ thu lại bình thường".  Giải pháp này rồi sẽ giải tỏa được bức xúc của người dân về việc tổ chức thu phí tại trạm T2 không? Ngành giao thông, nhà đầu tư cần làm rõ tính công bằng, minh bạch của việc thu phí tại đây để người dân đồng tình, chấp nhận.

Không phải đến khi cầu Vàm Cống thông xe, vào mùa lễ hội Vía Bà Chúa Xứ lượng xe qua trạm tăng cao gây bức xúc, mà ngay sau khi trạm T2 bắt đầu thu phí từ năm 2017 đã gặp phải phản ứng gay gắt của người dân.

Mặc dù nhà đầu tư đã xem xét miễn giảm cho một số đối tượng nhưng cái họ cần là sự công bằng và minh bạch.

Rất sòng phẳng, người dân chỉ yêu cầu "chúng tôi muốn đi bao nhiêu mét đường thì trả bấy nhiêu tiền".

Về phía nhà đầu tư, bỏ vốn ra làm đường, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, phục vụ người dân thì được thu phí để hoàn vốn và có lãi. Nhưng công bằng cần được thực thi, không chỉ cho giới tài xế, nhà đầu tư mà còn đối với người dân, doanh nghiệp...

Những người tưởng chừng không liên quan với việc thu phí nhưng thực sự là họ phải trả thêm một khoản phí khi tiêu dùng một sản phẩm, dịch vụ đã phải chịu phí BOT.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của các địa phương trong vùng cũng phải gồng lưng cõng thêm gánh nặng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nếu vẫn còn tồn tại những khoản phí không công bằng tương tự.

Dư luận còn bức xúc về việc thiếu minh bạch của trạm phí T2 khi trạm BOT này không chỉ được thu phí cho dự án nâng cấp một đoạn QL 91, mà còn được ghép chung với dự án cải tạo QL 91B trước đó (bị hư hỏng nặng sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng).

Thay vì đầu tư ở đâu, đặt trạm phí trên tuyến đường đó, thì trạm T2 lại làm luôn nhiệm vụ hoàn vốn dự án cải tạo QL 91B.

Trạm T2 được cho là đặt sai vị trí, cách trạm T1 cùng tuyến QL 91 chỉ 34km là vi phạm khoảng cách tối thiểu 70km theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều đáng nói là nó được xây dựng sau khi cầu Vàm Cống đã được định vị, nằm ở vị trí "đắc địa" án ngữ bốn hướng. Không chỉ các phương tiện giao thông đi từ Cần Thơ lên theo QL 91 phải chịu phí mà xe qua cầu Vàm Cống, từ Long Xuyên xuống, bên Rạch Giá qua theo QL 80 dù chỉ sử dụng đoạn đường khoảng 300m đều phải trả phí cho toàn tuyến như cách nói của TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, gọi đó là kiểu "ăn một quả trứng phải trả tiền 146 quả".

Tại một số quốc gia có hạ tầng giao thông phát triển như Hàn Quốc, người dùng tàu điện ngầm ở Seoul mua vé qua máy tự động, nếu chưa đi hết số trạm dừng thì vẫn có thể đổi trả vé, lấy lại phần tiền còn lại. Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng vậy, tài xế được nhận thẻ đầu vào và chỉ trả tiền đúng đoạn đường xe mình đã đi. Đó là công bằng.

Vậy tại sao những người đi 300m phải trả tiền hết tuyến đường khi qua trạm T2 không được áp dụng cách thu phí tương tự? Cũng như tại sao việc áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng cho đến nay chưa được thực hiện tại các trạm thu phí?

Cần giải pháp từ gốc

Người dân mong đợi phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong tuần này sẽ không quên câu chuyện bức xúc từ trạm T2. Giải pháp cho việc thu phí tiếp theo ở trạm này sẽ như thế nào?

Làm sao để không tái diễn tình trạng ùn tắc giao thông tại đây, kèm theo đó là những bức xúc kéo dài? Cần có giải pháp công hợp lý cho những xe chỉ đi đoạn đường 300m? Đó là chuyện trước mắt tại trạm này.

Còn cái gốc vấn đề ở chỗ: khi lập một trạm thu BOT cần phải tính đến đoạn thu tiền hợp lý nhất. Không chỉ thu đủ mà phải thu đúng, đó mới là giải pháp từ gốc, tránh những bức xúc, phản đối về sau này. Điều này cần ở tất cả trạm BOT chứ không chỉ là chuyện ở trạm T2.


TRẦN HỮU HIỆP (Cần Thơ)
https://tuoitre.vn/thu-phi-bot-khong-chi-thu-du-can-thu-dung-20190528205130335.htm?fbclid=IwAR0r5Jp95NagKB3jJx5TThxjv9gwaA6wsKd1GuPfVbJnV2nYgflS8QEXUgI


An Giang không thể bỏ cả trăm tỉ đồng để dời trạm BOT T2

TTO - Chiều 28-5, trao đổi riêng với PV Tuổi Trẻ Online xung quanh thông tin Sở GT-VT An Giang đề xuất không dời trạm T2 BOT quốc lộ 91, ông Nguyễn Việt Trí - giám đốc Sở này giãi bày là có sự hiểu lầm do báo chí truyền tải chưa đủ ý của ông.

1 nhận xét:

  1. "Người dân mong đợi phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong tuần này sẽ không quên câu chuyện bức xúc từ trạm T2. Giải pháp cho việc thu phí tiếp theo ở trạm này sẽ như thế nào?"
    Chúng tôi muốn đi bao nhiêu mét đường thì trả bây nhiêu tiền, không cần miễn giảm phí đẻ kéo dài thêm thời gian thu phí.(Người miền Tây)

    Trả lờiXóa