Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

Câu chuyện người thợ in báo Nguyễn Văn Trân

Bác Trân viết hồi ký "Cách mạng và cuộc đời tôi", NXB Hà Nội, năm 2011, khi bác 95 tuổi. Chuyện bác kể dưới đây năm 2016 khi bác 100 tuổi. Điều này cho thấy sự thông minh, sáng suốt của bác. Mình thường nghĩ nghề in vô cùng độc hại; những người làm nghề này thường có tuổi thọ thấp. Vậy mà bác Trân in báo trong suốt 9 năm vẫn thọ tới 102-103 tuổi, quá khâm phục. Đọc bài này thấy năm 1937, bác "Trân là một trong 7 người của Ban đại biểu Liên đoàn Lao động lên gặp Thống sứ Châtel (Sa-ten) đưa yêu sách đòi “Tự do tổ chức nghiệp đoàn”. Châtel chỉ cho lập Hội Ái hữu, nên sau đó, các nhà máy, các ngành đều tổ chức Hội Ái hữu và đấu tranh đòi quyền lợi của người lao động. Nghiệp đoàn thợ in Hà Nội tham gia cuộc mít tinh khổng lồ kỷ niệm ngày quốc tế lao động tại khu vực đấu xảo (nay là Cung Văn hoá Hữu nghị), ngày 1/5/1938.  ông tổ chức anh em ngành in giương cao biểu ngữ, khẩu hiệu, hào hứng, sôi nổi đi đòi quyền lợi của công nhân". Lại quá khâm phục bác. Theo mình hiểu, vì làm Trưởng ban cải tạo công thương đầu tiên ở miền Nam sau năm 1975 nhưng bác không kiên quyết đánh tư sản nên bị mất chức Bí thư trung ương Đảng. Bao giờ đất nước lại có những người yêu quý, bảo vệ quyền lợi của công nhân như bác ? Hy vọng tới đây, với hiệp định CFTPP, đất nước sẽ có nhiều người như bác, dám lên gặp ... để đưa yêu sách đòi ..., dám tổ chức những cuộc mít tinh khổng lồ, dám tổ chức anh em giương cao biểu ngữ, khẩu hiệu, hào hứng, sôi nổi đi đòi quyền lợi của công nhân... Mong lắm thay.
Câu chuyện của người thợ in báo Nguyễn Văn Trân trước ngày cách mạng thành công
16/06/2016 - Hồi ấy, chuyển đến mỗi nhà in báo xin việc phải có thẻ do Sở Lao động cấp, gọi là Livre de Travail, người quản lý báo mới cho vào làm thử việc; nhưng tôi vẫn thay đổi nơi làm, không cố định lâu ở nhà in nào để giữ bí mật. Các nhà in nhỏ cũng chỉ trả lương cho tôi 6 đến 8 đồng một tháng thôi, và tôi cũng dành ra một phần lương để giúp Hội ái hữu thợ in hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Trân thân mật trò chuyện cùng tác giả.
*Từ người thợ in trở thành cán bộ của Đảng
Ông Nguyễn Văn Trân chào đời đúng năm 1917 - năm cách mạng Nga thành công, tại làng Quan Đình, xã Văn Môn, tổng Mẫn Xá, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, nay là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Trong gia đình đông tới 14 người con, ông và người anh cả cùng 3 người em được ưu tiên cho đi học ở trường làng. Sau khi thi đỗ “sơ học yếu lược”, năm 1931, mới 14 tuổi, ông được gia đình gửi người anh rể là Nghiêm Văn Ngũ đưa ra Hà Nội học nghề in; bắt đầu bằng việc sắp chữ cho báo Đông phương thực nghiệp do nhà báo Nhượng Tống làm chủ bút tòa soạn ở phố Hàng Gai. Ông kể: Mấy tháng học nghề không lương, chỉ làm chân loong toong sai vặt cho các anh lớn tuổi hơn và mỗi tháng ông chủ cho lĩnh 5 xu; đến tháng thứ 6, tôi được lĩnh 3 hào tiền Đông Dương, bằng tiền lương công nhật trung bình của công nhân hàng tháng. Số lương còm ấy, cũng tàm tạm trang trải cho bữa ăn hàng ngày.

Tôi, kẻ hậu sinh, không thể hình dung với ba hào thì ông trang trải đời sống thế nào. Ông cười: Thiếu quá lại về xin gia đình thôi. Mỗi ngày phải làm 10-12 tiếng, tiếp xúc với “bát chữ” 24 chữ cái, có chất chì, rất độc hại. Bữa ăn chỉ có cơm rau, đôi khi có cá; không bao giờ có thịt. Tôi bị bệnh tê phù, phải mua cám rang lên để ăn, chữa bệnh. Phải một năm làm quần quật như thế, ông chủ báo mới xếp tôi vào thợ chữ chính thức và được lương 6 đồng một tháng”.

Làm báo Đông Phương thực nghiệp, lần đầu tiên ông đã chứng kiến Sở kiểm duyệt bắt bỏ trắng báo. Ấy là năm 1930, các hội viên của Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức khởi nghĩa Yên Bái, bị bắt, bị chém tử hình ở nhà tù Hỏa Lò. Bài viết đăng tin và có dùng từ Hội kín, lập tức, báo sắp lên khuôn bị bỏ ngay phần tin ấy, để trắng. Dần dần, vừa làm thợ in, vừa đọc các báo, tìm hiểu đời sống xã hội, lại được ông Nguyễn Kim Linh là đảng viên, làm thợ in tại nhà in Trung Bắc Tân Văn tuyên truyền, ông đã giác ngộ, đến với cách mạng. Duyên nghiệp nghề in báo đã sớm đưa ông Nguyễn Văn Trân đến với con đường mới để giải phóng dân tộc là như thế.

Năm 1936, phong trào Đông Dương Đại hội như luồng gió mới thổi vào đời sống tù đọng, ngột ngạt của nhân dân. Một tuần một lần, anh em thợ in đến nhà in Lê Văn Tân nghe ông Trần Huy Liệu công khai diễn thuyết về quyền tự do dân chủ, lập ái hữu của thợ thuyền…

Lần đầu tiên người thợ in Nguyễn Văn Trân được biết đến Liên bang Xô Viết qua phóng sự của ông Trần Đình Long. Ánh sáng ùa vào nhận thức, tư tưởng tình cảm, thúc giục ông hăng hái tham gia hoạt động bí mật. Mỗi ca in báo, ông tranh thủ tuyên truyền trong anh em thợ. Sau lớp huấn luyện do đồng chí Trường Chinh giảng, tháng 3 năm 1936, trong căn nhà chật hẹp của ông Nguyễn Kim Linh ở phố Hàng Cót, ông Trân được kết nạp vào Đảng, và trở thành cán bộ hoạt đông trong Hội ái hữu thợ in. 

Năm 1937, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy kiêm Bí thư Thành ủy Lương Khánh Thiện, ông Trân là một trong 7 người của Ban đại biểu Liên đoàn Lao động lên gặp Thống sứ Châtel (Sa-ten) đưa yêu sách đòi “Tự do tổ chức nghiệp đoàn”. Châtel chỉ cho lập Hội Ái hữu, nên sau đó, các nhà máy, các ngành đều tổ chức Hội Ái hữu và đấu tranh đòi quyền lợi của người lao động.


Nghiệp đoàn thợ in Hà Nội tham gia cuộc mít tinh khổng lồ kỷ niệm ngày quốc tế lao động tại khu vực đấu xảo (nay là Cung Văn hoá Hữu nghị), ngày 1/5/1938.


Đoàn bán báo tham gia mít tinh tại Hà Nội, ngày 1/5/1938.

Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ông tổ chức anh em ngành in giương cao biểu ngữ, khẩu hiệu, hào hứng, sôi nổi đi đòi quyền lợi của công nhân. Nhớ lại câu chuyện phải ăn ngủ ngay tại trụ sở Ái hữu ngành in để chỉ đạo thợ in và chịu nạn thất nghiệp hàng tháng trời, ông nói: Mỗi bữa, tôi chỉ ăn bánh mì 2 xu do anh em thợ tương trợ, rồi tôi phải chuyển qua nhiều nhà in các báo Đông Pháp, Ngọ Báo, Tin Mới, Cậu Ấm… với đồng lương rẻ mạt. 

Hồi ấy, chuyển đến mỗi nhà in báo xin việc phải có thẻ do Sở Lao động cấp, gọi là Livre de Travail, người quản lý báo mới cho vào làm thử việc; nhưng tôi vẫn thay đổi nơi làm, không cố định lâu ở nhà in nào để giữ bí mật. Các nhà in nhỏ cũng chỉ trả lương cho tôi 6 đến 8 đồng một tháng thôi, và tôi cũng dành ra một phần lương để giúp Hội ái hữu thợ in hoạt động.

Năm 1938, cơ quan lãnh đạo Thành ủy Hà Nội kiện toàn, ông Trần Quý Kiên (tức Đinh Xuân Nhạ) làm Bí thư Thành ủy thay ông Lương Khánh Thiện chuyển công tác khác; ông Nguyễn Văn Trân và Văn Tiến Dũng được chỉ định bổ sung vào Thành ủy. Con đường đến với cách mạng từ đời thợ in trở thành người đảng viên cộng sản và phẩm chất ham học hỏi dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất thành phố được hình thành; rèn luyện bắt đầu từ cuộc đời người thợ suốt 9 năm làm báo cho các chủ in (1931-1939) đầy cơ cực của kiếp sống nô lệ như thế.

*In báo Giải Phóng của Xứ ủy Bắc kỳ


Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Chính phủ Pháp theo phe phát xít khủng bố Đảng cộng sản. Nhiều tòa soạn báo bị đóng cửa; các ái hữu, các hội đoàn bị giải tán. Trước tình hình đó, tháng 9-1939, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định ra báo bí mật, đặt tên báo là Giải Phóng, do đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ ủy phụ trách. Báo in litô trên đá, một tháng ra một số, 4 trang, phát hành bí mật 500 bản(1). Sau một thời gian in báo tại cơ sở ở Cổ Loa, bị Pháp phát hiện, cơ sở in báo chuyển đến Vạn Phúc, rồi lại chuyển đến làng Ngọc Trục, xã Đại Mỗ, nay thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm(2). 

Vì đã từng làm nghề in, ông Trân được tổ chức đưa ra làng này cùng ông Lê Viên bí mật in báo "Giải Phóng". Chỉ in được ba số, cơ sở in ấn lại bị lộ do có người trong làng đi báo với chính quyền địch rằng: có ổ in giấy bạc giả tại làng! Ngay lập tức, hai ông bị bắt cùng với các tang chứng là bàn đá và một số báo Giải Phóng(3). Cả hai ông bị giải về giam ở nhà tù Hà Đông tra khảo; sau đó tên chánh mật thám Lanèque đưa ra Sở Mật thám Hà Nội. Lúc đó, nhà nhà đã chuẩn bị đón Tết Canh Thìn (1940). Sau vụ mật thám làm dữ, báo Giải Phóng của Xứ ủy Bắc kỳ cũng ngừng bản(4).

Khoảng tháng 5-1940, thực dân Pháp xét xử, kết án ông Trân 10 năm tù khổ sai, sau đó bị đưa lên nhà ngục Sơn La tháng 7-1940. Ngày 3-8-1943, chi bộ nhà tù Sơn La tổ chức cho ông và ba đồng chí là: Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ), Nguyễn Tuấn Đáng (tức Trần Đăng Ninh), Lưu Đức Hiểu vượt ngục. Sau khi thoát khỏi nhà tù Sơn La, ông tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến khi cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công.

Từ người thợ in báo, ông Nguyễn Văn Trân đã trưởng thành trong lửa cách mạng, đòi quyền sống trong dân chủ, độc lập, tự do như thế!

Ths. Phạm Kim Thanh

(1) Đề tài khoa học của Viện Lịch sử Đảng, mã số 06 do PTS Trịnh Mưu chủ biên: Sự kiện lịch sử hoạt động của các Xứ ủy trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945).

(2) Hồi ký của ông Đào Duy Kỳ, lưu tại Ban Tuyên giáo Trung ương, viết về việc in litô báo Giải Phóng, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ Hoàng Văn Thụ, do bị địch đánh phá nên chuyển từ Cổ Loa sang làng Ngọc Trục, Đại Mỗ.

(3); (4) Trong Hồi ký Cách mạng và cuộc đời tôi, NXB Hà Nội, H. 2011, tr 58, ông Nguyễn Văn Trân có viết tên báo ông in ở làng Ngọc Trục và bị địch bắt là Cờ Giải Phóng; tôi cho rằng có lẽ ông có chút nhầm lẫn. Vì số 1 của báo Cờ Giải Phóng ra ngày 10-10-1942 tại Thuận Thành, Bắc Ninh do đồng chí Trường Chinh làm Tổng biên tập, số cuối cùng, số 33, ra ngày 18-11-1945, trong khi ông Trân đã bị bắt từ tháng 1-1940. Trong khuôn khổ bài viết này, có nghiên cứu, đối chiếu, so sánh các văn bản, tôi bổ sung và sửa sai tên báo, chính xác là báo Giải Phóng của Xứ ủy Bắc kỳ.

http://baotanglichsu.vn/cau-chuyen-cua-nguoi-tho-in-bao-nguyen-van-tran-truoc-ngay-cach-mang-thanh-congdr.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét