Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Những kỷ niệm về đồng chí Đỗ Mười

Những kỷ niệm về đồng chí Đỗ Mười
2/10/18 GS. PHẠM THÀNH - Tôi không có điều kiện làm việc nhiều với đồng chí Đỗ Mười như với các đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn. Nhưng những kỷ niệm của tôi về đồng chí Đỗ Mười hết sức sâu sắc. Bởi lẽ những quan hệ của tôi với đồng chí Đỗ Mười là mật thiết. Bên cạnh quan hệ công tác còn có quan hệ cá nhân khiến tôi mãi mãi nhớ ơn đồng chí.
Đồng chí Đỗ Mười, Nguyên Tổng Bí thư; Ảnh TTXVN
Tôi nhận được quyết định nghỉ hưu năm 1992, nghĩa là vào năm tôi 68 tuổi, sau đó không lâu, tôi nhận được thư của đồng chí Đỗ Mười yêu cầu tôi tiếp tục lên làm việc với đồng chí. Lúc này đồng chí Đỗ Mười là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công việc mà đồng chí yêu cầu tôi làm là đọc sách cả của nước ngoài (Pháp, Anh, v.v..) do đồng chí giao cho tôi để báo cáo lại nội dung với đồng chí. Tôi vui vẻ nhận lời. Tôi gặp đồng chí và nhận việc ngay tại phòng làm việc của đồng chí ở số 2 phố Nguyễn Cảnh Chân - Hà Nội. Đồng chí bảo tôi: đồng chí làm việc ở đây thì tôi bố trí một chỗ làm việc ở Văn phòng tôi cho đồng chí. Tôi trả lời: "Để khỏi làm phiền các anh, tôi xin nhận sách về đọc ở nhà. Đọc xong hay khi các anh gọi, tôi sẽ xin lên làm việc". Đồng chí đồng ý. Thế là từ đây, tôi trở thành cán bộ của Văn phòng đồng chí Đỗ Mười. Và cũng từ đấy, tôi có quan hệ gần gũi đồng chí.

Đồng chí Đỗ Mười là Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997 (từ nhiệm kỳ Đại hội VII tới nửa nhiệm kỳ Đại hội VIII của Đảng). Địa vị lãnh đạo tối cao ấy của đồng chí khiến cho tôi quan tâm tìm hiểu điều đầu tiên là: quan điểm lý luận, chính trị của đồng chí. Đó là những quan điểm chỉ đạo về đường lối của đồng chí đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Tôi vui mừng nhận thấy những quan điểm ấy hoàn toàn dựa trên nhận thức chung, nhất trí của toàn Đảng và rất sâu sắc. Có thể nói một cách tóm gọn lại là quan điểm đổi mới, quan điểm mà Đảng ta đã nêu lên và nhấn mạnh trước Đại hội VI của Đảng. Nhưng với đồng chí qua một thời gian thực tiễn, quan điểm đó ngày càng sâu sắc, toàn diện.

Một là, quan điểm về định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, và đặc biệt là sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Đảng ta tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, và thực sự đi vào đổi mới đường lối, chính sách, thậm chí cả lý luận của Đảng. Để khắc phục sự hoang mang, dao động, thậm chí mất phương hướng, không thể nào không đổi mới. Đây là một sự đổi mới toàn diện và rất căn bản để tiếp tục đưa đất nước đi lên con đường đã được Bác Hồ và Đảng ta lựa chọn từ ngày Đảng mới thành lập: con đường chủ nghĩa xã hội. Sự đổi mới ấy ngày càng rõ ràng, toàn diện và triệt để hơn. Điều đó thể hiện trong quan điểm của Đảng ta và trước hết trong quan điểm của đồng chí Đỗ Mười về định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đồng chí Đỗ Mười quan điểm đó bao hàm ba nội dung cơ bản sau đây:

1. Định hướng xã hội chủ nghĩa không phải xuất phát từ một ý định duy ý chí, chủ quan nhằm thực hiện một điều mong muốn của bất cứ cá nhân hay tập đoàn người nào. Đó trước hết là một yêu cầu khách quan của thời đại. Xã hội loài người đã phát triển đến mức độ tất yếu phải chuyển sang chủ nghĩa xã hội. Đó là tính tất yếu kinh tế do trình độ phát triển cao về kinh tế mà chủ nghĩa tư bản đã đạt để tự phủ định nó như Mác đã phân tích. Nước ta còn lạc hậu về kinh tế phải tiến lên theo định hướng đó của thời đại, chứ không thể phát triển theo bất cứ con đường nào khác.

2.Định hướng xã hội chủ nghĩa nói lên rằng đó là phương hướng mà đất nước ta đang phải theo. Quan điểm này nhằm đập tan ảo tưởng và sự nóng vội của những ai muốn thiết lập ngay chủ nghĩa xã hội toàn vẹn, đầy đủ ở nước ta trong lúc này, khi đất nước ta còn lạc hậu, nhất là về kinh tế. Nước ta chỉ mới đang hướng tới chủ nghĩa xã hội trong quá trình xây dựng chế độ xã hội tốt đẹp ấy trên tất cả các mặt, trước hết là về kinh tế.

3. Định hướng xã hội chủ nghĩa còn bao hàm tính tích cực trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ởnước ta. Ngay từ bây giờ chúng ta phải nắm vững định hướng đó trong hoạt động thực tiễn của chúng ta. Chúng ta không được ngồi chờ một cách thụ động mà phải ra sức xây dựng đất nước theo đúng định hướng ấy. Chúng ta phải thực hiện từng bước, từng bước một trong điều kiện khách quan cho phép những gì có lợi cho chủ nghĩa xã hội, nếu không thì những khuynh hướng phi xã hội chủ nghĩa có thể chiếm ưu thế ngoài ý muốn của chúng ta. Định hướng xã hội chủ nghĩa ở đây bao hàm cuộc đấu tranh "ai thắng ai".

Nói tóm lại, hiểu định hướng xã hội chủ nghĩa một cách đầy đủ đòi hỏi phải đặt nó trong thời đại, phải coi nó vừa là vấn đề tư tưởng vừa là vấn đề thực tiễn.

Hai là, những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nếu định hướng xã hội chủ nghĩa là con đường tất yếu hợp quy luật của cách mạng chúng ta trong thời đại hiện nay thì quan điểm của đồng chí Đỗ Mười về những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa là một đóng góp quan trọng của đồng chí đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với tư cách là Tổng Bí thư trong buổi đầu của đổi mới, đồng chí vừa là người nắm vững những quan điểm cơ bản của Đảng vừa là kiến trúc sư của những quan điểm ấy. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta có nhiều nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi lẽ xây dựng một chế độ hoàn toàn mới như chủ nghĩa xã hội thì không thể nào khác thế được. Phải xây dựng kinh tế, xây dựng chính trị, xây dựng văn hóa, xây dựng tư tưởng, xây dựng nếp sống mới cho cả một xã hội, cho một tập thể con người của cả một dân tộc. Nhưng đồng chí Đỗ Mười đã nhấn mạnh từ kinh nghiệm thực tiễn của Đảng: xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm và xây dựng Đảng là then chốt. Quán triệt được quan điểm này là vô cùng quan trọng. Không có nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thì không thể nói gì đến chủ nghĩa xã hội. Các nhà kinh điển đã nói: xây dựng chủ nghĩa xã hội về thực chất là một sự nghiệp xây dựng kinh tế. Tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng kinh tế không dừng lại ở tính chất quyết định của nó đối với chế độ. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải xây dựng kinh tế trong mối quan hệ chặt chẽ với các mặt xây dựng khác theo hai hướng sau đây: một là, xây dựng kinh tế phải luôn luôn đi trước, tạo điều kiện và làm cơ sở vững chắc cho các mặt xây dựng khác; hai là, các mặt xây dựng khác: chính trị, văn hóa, v.v… phải theo yêu cầu và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng kinh tế. Đây là một sự nghiệp xây dựng nhiều mặt, hài hòa, trong đó xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.

Để hoàn thành được sự nghiệp xây dựng trọng đại này, nhất thiết phải có điều kiện tiên quyết là xây dựng Đảng. Đồng chí Đỗ Mười cho đây là nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ sự nghiệp này làmột công cuộc cách mạng tự giác chứ không phải tự phát. Lịch sử do con người làm ra, nhưng phải làm ra với sự hiểu biết sâu sắc về quy luật khách quan của nó. Xây dựng chủ nghĩa xã hội, một sự nghiệp to lớn có quy luật khách quan của nó cũng đòi hỏi như vậy. Vì lẽ đó, đồng chí Đỗ Mười luôn luôn nhấn mạnh: xây dựng Đảng là then chốt, không đem hết tâm sức ra xây dựng Đảng thì không thể có được một chính đảng vững vàng, chắc chắn, vừa có phẩm chất vừa có năng lực tư duy và năng lực thực tiễn như Đảng Cộng sản là đảng duy nhất nắm được quy luật của lịch sử từ chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa xã hội. Có Đảng Cộng sản anh minh lãnh đạo, nhất định nhân dân ta sẽ vững vàng tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, nắm vững quan điểm xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, chúng ta sẽ thực hiện được định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng xu thế khách quan của thời đại.

Ba là, những đóng góp to lớn khác của đồng chí Đỗ Mười đối với đường lối đổi mới của Đảng. Đồng chí không dừng lại ở những điều cơ bản quan trọng như đã nói ở trên mà luôn luôn suy nghĩ về những vấn đề cụ thể khác của Đảng. Để tránh nói vô căn cứ, tôi xin dẫn ra hai trường hợp khá điển hình mà tôi nắm được, đó là đường lối đối ngoại và đường lối xây dựng hệ thống chính trị.

Ai cũng biết rằng nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung là một công cụ vô cùng sắc bén của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta từ Đại hội IV đã nêu ra nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Quan điểm này về nhà nước là một cống hiến quan trọng và kho tàng lý luận về chủ nghĩa xã hội. Nhưng một vấn đề rõ ràng là quan điểm ấy vẫn còn chung. Vấn đề là làm cho nó trở thành hiện thực. Trong một cuộc nói chuyện với các vị cách mạng lão thành đường 5 và các tỉnh Quân khu Tả Ngạn cũ, đồng chí nói: "Một lần nhờ đọc Lênin Toàn tập và Hồ Chí Minh Toàn tập, tôi đã phát hiện ra rằng: Xây dựng nền dân chủ ở cơ sở là vô cùng quan trọng. Tôi đã đưa ý kiến này trao đổi với anh Lê Khả Phiêu và các đồng chí Trung ương. Sau đó một nghị quyết của Đảng đã nhấn mạnh xây dựng nền dân chủ từ cơ sở". Từ đó chúng ta thấy rằng ý kiến của đồng chí Đỗ Mười đã được thực hiện trong chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống chính trị bắt đầu bằng thực hành dân chủ ở cơ sở.

Về quan điểm đối ngoại của Đảng, chúng ta thấy có một nét đặc sắc là trong cách mạng xã hội chủ nghĩa nước ta tất yếu phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi lên cho kịp thời đại. Với tính tất yếu ấy, đất nước ta phải hội nhập với thế giới, chứ không thể đơn độc một mình. Đồng chí Đỗ Mười nắm vững quan điểm ấy và nhấn mạnh: "Hội nhập nhưng không được hòa tan", hoàn toàn tán thành và làm sáng rõ thêm đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta. Một mặt xây dựng quan hệ đa dạng, đa phương hóa về đối ngoại; mặt khác, giữ vững chính sách độc lập tự chủ giữ vững đường lối chính trị và bản sắc dân tộc

Chắc chắn rằng đồng chí Đỗ Mười có những đóng góp sâu sắc về quan điểm cho đường lối, chính sách của Đảng. Ví dụ như chủ trương gắn xây dựng với bảo vệ, giữ gìn một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng tôi xin dừng lại ở những điều cơ bản nêu ra ở trên và nhấn mạnh với những bộ óc sáng suốt của toàn Đảng và những lãnh tụ luôn luôn sáng tạo, những quan điểm của Đảng có thể trở thành điểm xuất phát cho một sự phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại hiện nay, dù chỉ là theo điều kiện cụ thể của ta.

Đến đây tôi xin trình bày ý kiến của tôi về nhân cách cộng sản của đồng chí Đỗ Mười. Tôi đã có dịp làm quen với nhiều người cộng sản lớp cũ, thực sự thấm nhuần nhân cách cộng sản mà họ đã tiếp thu được từ thời kỳ bí mật khi Đảng ta chỉ mới có một ít đảng viên hoạt động trong bóng tối. Đó là nhân cách cộng sản mà tôi cũng thấy rõ cả ở đồng chí Đỗ Mười, dù rằng đồng chí đã trải qua nhiều giai đoạn hoạt động khác nhau: khi bí mật, khi công khai, khi ở địa vị cán bộ thường cũng như khi ở cương vị lãnh đạo và là lãnh đạo tối cao của Đảng. Với nhân cách ấy chúng ta có thể nói đó là người cộng sản với nhũng phẩm chất như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ, đảng viên ngay sau những ngày mới giành được chính quyền.

Lần đầu tiên đến nhà đồng chí Đỗ Mười, lúc đó đang là Tổng Bí thư của Đảng, tôi rất đỗi ngạc nhiên. Mọi điều đã diễn ra ngoài suy nghĩ tưởng tượng của tôi. Nhà đồng chí ở phố Phạm Đình Hổ, không phải là một biệt thự lớn nguy nga tráng lệ mà là giống nhà những đồng chí khác mà tôi đã có dịp đến thăm như nhà của đồng chí Hà Xuân Trường, đồng chí Lê Xuân Đồng chẳng hạn. Một ngôi nhà cổ kính đơn sơ cả bên ngoài và bên trong. Tôi được đưa vào ngồi chờ đồng chí Đỗ Mười trên một ghế mây. Trước mặt tôi là một bàn thờ như vẫn có ở bao nhà khác, với một tấm ảnh chân dung chị Thanh, vợ đồng chí Đỗ Mười lúc đó vừa mới qua đời. Một lúc sau, tôi được đưa vào phòng khách của đồng chí Đỗ Mười. Nói là phòng khách thì không hoàn toàn đúng. Bởi vì ởđây đồng chí Đỗ Mười vừa làm việc, vừa tiếp khách và có lẽ vừa nằm nghỉ nữa. Bởi vì bên cạnh bàn làm việc, tôi thấy có kê một chiếc giường con vừa một người nằm. Trên bàn làm việc để mấy chồng sách và chồng tài liệu khá cao. Tiếp nối bàn làm việc là bàn tiếp khách dài với hai dãy ghế ở hai bên. Kề ngay phòng làm việc hay phòng khách kiêm phòng ngủ là phòng ăn của gia đình. Có hai lần đồng chí Đỗ Mười còn dẫn tôi đi xem thư viện của đồng chí. Đây là một căn phòng rộng như phòng khách, có bố trí rất nhiều kệ sách với đủ loại sách tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga. Rõ ràng đây là một thư viện tuy chật hẹp nhưng chẳng khác gì của một cơ quan nhỏ. Đồng chí Đỗ Mười bảo tôi xem sách và muốn xem sách gì thì cho tôi mượn về đọc. Có lần đồng chí rút ra từ kệ sách một quyển sách mới và tặng tôi để đáp lại việc tôi tặng đồng chí một tập thơ có bài đề tặng đồng chí. Đây là một quyển sách viết về đời hoạt động của đồng chí khi đồng chí chỉ huy các trận đánh thực dân Pháp ở Khu Tả Ngạn và trên đường 5 anh hùng. Có lẽ các phòng ở tầng trên là nơi ở của gia đình thì cũng giản dị và đơn sơ, chứ không có gì đặc biệt. Ở phía sau căn nhà chính là căn nhà phụ có bếp và nhà xe.

Tôi đã đến nhà đồng chí Đỗ Mười cả thảy bốn lần để mừng thọ hay thúc Tết đồng chí. Lần nào tôi cũng được đưa vào phòng khách và được đồng chí tiếp đón ân cần, niềm nở. Tôi là một cán bộ đã nghỉ hưu, bình thường như bao đồng chí khác. Nhưng đồng chí Đỗ Mười luôn luôn tỏ ra thân mật, bình đẳng trong đối xử, giao tiếp. Đồng chí bắt tay tôi và kéo tôi lại ngồi cạnh đồng chí. Có lần khách trong nhà khá đông, đồng chí đã đến gần tôi và nói to lên với các đồng chí có mặt tại phòng: "Tôi xin giới thiệu với các đồng chí: đây là đồng chí Phạm Thành, một đồng chí có nhiều đóng góp với Đảng". Tôi thầm nghĩ tôi có đóng góp gì nhiều đâu, có lẽ đồng chí muốn nói đến những bản lý luận của tôi gửi các đồng chí cấp trên để góp ý kiến chăng. Một lần khác, trong phòng khách có đông cựu chiến binh đường 5 và Khu Tả Ngạn đến mừng thọ đồng chí, đồng chí bảo tôi vào ngồi lẫn với khách ởtrong phòng. Cuộc nói chuyện giữa đồng chí và khách diễn ra trong bầu không khí đầm ấm, vui vẻ. Cả chủ lẫn khách đều ôn lại những ngày chiến đấu gian khổ nhưng rất anh hùng mà họ đã cùng trải qua. Tôi nhớ mãi những lời nói giản dị và chân tình của đồng chí Đỗ Mười. Hôm đó đồng chí hỏi một số đồng chí về việc làm hiện nay của họ hồi thân mật căn dặn: "Ngày qua các đồng chí đã chiến đấu kiên cường. Ngày nay bước sang giai đoạn xây dựng đất nước, tôi đề nghị các đồng chí phải không ngừng học tập để nâng cao kiến thức, góp ý kiến với các đồng chí đang làm việc. Công cuộc xây dựng đòi hỏi phải có kiến thức khoa học chứ không thể chỉ dũng cảm như xưa". Tiếp đó, đồng chí nêu lên kinh nghiệm đọc sách của đồng chí, nhờ đọc sách của Lênin, của Bác Hồ mà đồng chí đã nảy ra sáng kiến về phát huy dân chủ ở cơ sở như đã nói ở phần trên.

Tôi nhớ, một lần tôi đã nghe đồng chí Đỗ Mười nói với cán bộ: "Tôi nay tuổi cao, đêm ít ngủ, thường thức dậy là vặn đèn lên đọc sách. Đọc sách là cách giải trí hay nhất, bổ ích nhất". Tôi thầm khâm phục đức tính cần mẫn, chăm chỉ học tập của đồng chí Đỗ Mười. Không chịu lãng phí dù là một giây một phút mà tuổi già cho phép mình hưởng.

Có một câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười do đồng chí Thái, một cán bộ nghỉ hưu, hơn 80 tuổi, đã từng làm việc với đồng chí Đỗ Mười khi đồng chí làm Trưởng ban Công nghiệp ở miền Nam sau ngày giải phóng 30-4-1975. Đồng chí Thái nói với tôi: "Những câu chuyện của anh nói về bác Đỗ Mười quả đúng như vậy. Về phẩm chất, thì đó là một con người không chê vào đâu được. Tôi đãlàm việc với đồng chí nhiều năm ở cơ quan Ban Công nghiệp Trung ương đóng ở miền Nam. Đồng chí sống rất giản dị, không chịu nhận quà biếu bao giờ. Đồng chí thường dặn anh em là đi công tác ở đâu thì ở nhà khách, chứ đừng ở khách sạn. Tuyệt đối không ai được nhận quà biếu, nếu có quà biếu thì phải báo cáo với tổ chức để xử lý. Đồng chí Đỗ Mười có tính thương người, chăm lo đời sống cán bộ. Trong cơ quan có một chị không có nhà ở, thường phải ăn ở tại cơ quan hay ở nhà người quen. Biết được điều đó, đồng chí Đỗ Mười báo cho cơ quan Thành ủy biết và Thành ủy đã giúp cho chị nhân viên có một nhà ở đàng hoàng. Tôi nghĩ thầm: đúng là tác phong, lối sống, phẩm chất của một người cộng sản chân chính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn luôn chăm lo đến đời sống của con người".

Về lối sống giản dị, phẩm chất cộng sản của đồng chí Đỗ Mười thì chính tôi cũng đã nghiệm thấy rất rõ qua một thời gian làm việc rất ngắn với đồng chí. Như trên tôi đã nói, đồng chí Đỗ Mười lấy tôi lên đọc sách giúp đồng chí, bởi lẽ đồng chí muốn biết rất nhiều qua sách vở nước ngoài nhưng ngặt một nỗi là Tổng Bí thư của Đảng nên đồng chí rất bận. Để giải quyết mâu thuẫn này đồng chí phải nhờ người đọc. Tôi đã đọc sách cho đồng chí Đỗ Mười khoảng bốn năm, đã trực tiếp tóm tắt cho đồng chí nghe quyển sách của Níchxơn phân tích sai lầm của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam. Sách bằng tiếng Anh có đoạn nói Mỹ sai lầm vì đã không hiểu Việt Nam. Tôi trực tiếp dịch cho đồng chí nghe đoạn ấy. Đồng chí bảo tôi không chỉ Níchxơn thừa nhận sai lầm mà Mác Namara, Kítxinhgiơ cũng thừa nhận điều đó. Tôi nghĩ thầm: Tổng Bí thư biết nhiều và đọc nhiều thật. Đến nhà đồng chí, nhìn vào mặt bàn đầy sách và tài liệu tôi càng vỡ lẽ. Tôi còn đọc giúp đồng chí Đỗ Mười nhiều sách khác, có sách tiếng Anh, có tài liệu tiếng Pháp của Liên hợp quốc... Nhưng thời gian tôi làm việc với đồng chí Đỗ Mười quá ít. Và cũng không phải chỗ để nói về những quyển sách đó ở đây. Điều quan trọng là qua tiếp xúc với đồng chí Đỗ Mười tôi đã có dịp hiểu lối sống, phẩm chất của đồng chí. Tôi đặc biệt hiểu đồng chí qua ba sự việc của tôi sau đây, nói lên sự quan tâm của đồng chí đối với nhũng người xung quanh, nhất là đối với cán bộ dưới quyền.

Tôi mới vừa lên gặp đồng chí để nhận việc thì đồng chí hỏi tôi về hoàn cảnh của gia đình tôi. Tôi ngạc nhiên vì sao đồng chí đã hiểu ít nhiều và muốn hiểu cặn kẽ về đời tư của tôi. Tôi thành thật báo cáo với đồng chí rằng tôi có vợ và hai con bị bệnh tâm thần. Đồng chí tỏ ý thương tôi và nói: "Tôi có biết bác sĩ Tuấn chuyên khoa tâm thần, tôi sẽ giới thiệu bác sĩ ấy với anh để được chữa trị cho các cháu. Ngày mai anh đến nhà tôi, cháu Thủy, con tôi sẽ đưa anh đi gặp bác sĩ". Đúng hẹn, ngày hôm sau tôi đến nhà đồng chí Đỗ Mười thì cô Thủy đã sẵn sàng chờ tôi. Từ nhà đồng chí Đỗ Mười phải đi qua nhiều con phố, đến phố Khâm Thiên, đi qua ngã tư ô Chợ Dừa khoảng một cây số thì đến nhà bác sĩ Tuấn ở trong một xóm hẻo lánh. Chị Thủy đưa tôi đến đó và không quản trời tối, đường dài, vốn chờ đợi tôi trình bày bệnh tật con tôi và nghe bác sĩ Tuấn khuyên bảo tôi cách chữa. Mãi gần 10 giờ đêm chị Thủy và tôi mới từ biệt bác sĩ ra về.

Đó là câu chuyên đồng chí Đỗ Mười quan tâm đến hoàn cảnh của tôi thông qua việc giúp đỡ con tôi mà về sau nhiều lần đồng chí đã hỏi thăm lại. Câu thơ "Ơn cụ lâu dài tựa núi sông" còn sâu sắc hơn đối với thái độ thân tình của đồng chí đối với bản thân tôi trong hai trường hợp khác.

Sớm năm 2003 tôi tròn 80 tuổi. Con tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội mừng thọ tôi. Vấn đề là mời ai là người thân thiết đến chia vui với tôi. Tôi có đến mời đồng chí Nguyễn Đức Bình, đồng chí Bình bảo tôi: "Thế, cậu có mời cụ Mười không?" Tôi lưỡng lự: đồng chí Đỗ Mười đã nhiều tuổi, không biết có đi không. Về sau, tôi mạnh dạn đến nhà đồng chí Đỗ Mười mời đồng chí đến dự lễ mừng thọ của tôi. Tôi ngạc nhiên và vui mừng hết sức khi nghe đồng chí nói: "Được, ai chứ anh thì tôi đi". Thế là buổi mừng thọ tôi 80 tuổi hôm đó diễn ra rất vui vẻ, trang trọng, thân thiết, có mặt cả đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Nguyễn Đức Bình.

Một câu chuyện khác cũng của tôi càng nói lên sự quan tâm sâu xa và thiết thực của đồng chí Đỗ Mười đối với tôi, một cán bộ dưới quyền đồng chí.

Ngày 2-2-2004, tức giáp Tết Ất Dậu, tôi cùng Ban Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đến mừng thọ đồng chí Đỗ Mười 88 tuổi. Như thường lệ, đồng chí Đỗ Mười kéo tôi lại ngồi cạnh đồng chí, đối diện với các cán bộ Nhà xuất bản. Điều đó khiến tôi hết súc xúc động. Càng xúc động hơn, khi tôi ra về bắt tay đồng chí Đỗ Mười, đồng chí tỏ ra băn khoăn về tôi, về sau đồng chí Phan Trọng Kính, thư ký của đồng chí Đỗ Mười nói lại với tôi: "Cụ Mười lo cho sức khỏe của anh lắm. Cụ nói: "Hôm nay tôi thấy anh Thành không được khỏe như mọi khi. Anh nên chú ý theo dõi". Đó là câu nói của đồng chí Kính nói với tôi chiều hôm sau, khi đồng chí đưa cho tôi một chiếc áo ấm do chính đồng chí Đỗ Mười tặng tôi mặc cho đỡ rét và kèm theo là một phong bì trong có 1 triệu đồng để tôi bồi dưỡng sức khỏe. Tôi vô cùng cảm động về sự quan tâm ân cần của đồng chí Đỗ Mười đối với tôi. Nhưng câu chuyện chưa kết thúc tại đây.

Ngày 28 Tết, tức ngày 6-2-2004, đúng như dự đoán của đồng chí Đỗ Mười, sức khỏe của tôi đã giảm sút đến mức tuyệt vọng. Sau vài ngày kém ăn, kém ngủ tôi đã ngã gục hôn mê bất tỉnh nhân sự. Các cháu trong nhà cùng vợ tôi đưa tôi đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị. Ở đây, trong năm, bảy ngày liền tôi hôn mê. Sau khi tỉnh lại, bà con cho biết: y bác sĩ rạch da tôi không thấy đau, cho ăn sữa bằng ống tôi không biết, cho thở ôxy tôi không hay. Gia đình tôi báo tin tôi ốm nặng cho các nơi biết. Người đến thăm tôi không hay. Anh Phan Trọng Kính hai lần đến nơi cấp cứu tôi và theo ý kiến đồng chí Đỗ Mười đã đề nghị các y, bác sĩ hết sức cứu chữa tôi. Về sau có người nhà tôi xem danh sách thấy tên tôi với ghi chú bệnh nhân phải được chăm sóc đặc biệt. Với sự nỗ lực của bệnh viện, tôi đã hồi phục trở lại và được đưa sang nằm ở khoa điều trị A. Tôi ở lại đấy hơn một tháng thì sức khỏe bắt đầu trở lại. Tôi đã vịn vào thành giường để ngồi dậy được.

Một hôm, tôi ngạc nhiên nhìn thấy một cụ già đến thăm tôi ngay bên giường bệnh. Tôi nhìn kỹ nhận ra đó là đồng chí Đỗ Mười và đi theo có anh Phan Trọng Kính, anh Vũ Hữu Ngoạn. Tôi ngồi dậy và cảm ơn đồng chí Đỗ Mười cùng các anh đến thăm. Đồng chí Đỗ Mười bảo tôi: "Cứ nằm xuống, anh còn yếu". Tôi nói chuyện lưu loát và báo cáo với đồng chí rằng nhân viên y tế ở đây làm việc rất chu đáo. Tôi được như hôm nay là nhờ có sự điều trị của họ. Đồng chí Đỗ Mười ra về trước sự ngạc nhiên, sửng sốt của những người xung quanh. Trước khi ra về đồng chí nói: "Đối với những người cán bộ như anh thì ai mà không tận tình chăm sóc được".

Đến đây tôi xin nói ngoài lề một điều chứng tỏ tôi hàm ơn đống chí Đỗ Mười biết bao. Số là trong thời gian non sống già chết, tôi không biết gì xung quanh cả, nhưng với 30% còn sống của bộ não tôi chỉ nhớ có mỗi một điều: Đồng chí Đỗ Mười đã khuyên y, bác sĩ chữa trị cho tôi bằng cách kết hợp Đông, Tây y. Tôi không rõ điều ấy có thật không hay chỉ là hoang tưởng trong cơn non nửa sống già nửa chết. Nhưng dù sao tôi đã được cải tử hoàn sinh, từ cái chết sống trở lại. Tất cả mọi người đều hết sức bát ngờ. Riêng tôi qua sự việc trên đây, tôi càng sâu thẳm lòng biết ơn đối với đồng chí Đỗ Mười.

GS. PHẠM THÀNH
https://baomoi.com/nhung-ky-niem-ve-dong-chi-do-muoi/c/27973938.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét