Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

CHUYỆN TỪ CHỐI VÀO ĐẢNG

Tôi thì muốn đi học nước ngoài dài hạn nên khi trẻ cũng từ chối vào Đảng và từ chối chức vụ. Hồi những năm 1980 đầu 1990, làm ở cơ quan trung ương, là đảng viên lại thêm chức danh cán bộ cao cấp thì việc đi học ở một nước tư bản phát triển thường rất khó khăn, vướng cả ở phía ta lẫn phía nước tiếp nhận. Lúc đầu người ta cấm không cho đi các nước tư bản, sau chỉ cho đi ngắn hạn, rồi cho đi tối đa 1-2 năm. Khi tôi đòi đi 5 năm làm thạc sĩ và tiến sĩ, lãnh đạo sốc, sau nhiều lần cãi vã, cuối cùng họ chấp nhận cho đi 2 năm. Lẽ dĩ nhiên, sau 2 năm, thường không có ai chịu bỏ học mà về chỉ để tiếp tục phục vụ các sếp. Tôi cũng vậy.
CHUYỆN TỪ CHỐI VÀO ĐẢNG
Đỗ Ngọc Thống - Nhân nhà văn Nguyên Ngọc và GS Mạc Văn Trang (2 người tôi quen) vừa tự ra khỏi đảng; tôi đăng lại mẩu chuyện mình đã chối từ vào đảng thế nào. Nghĩ lại ngày ấy sao dại thế không biết. Bây giờ thấy tiếc, vì ngày ấy nếu chịu phấn đấu một chút thì nay đã có cái để hưởng ứng bác Ngọc và bác Trang rồi. Tiếc thật! Chuyện là thế này:
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng, đại dương, bầu trời, ngoài trời, nước và thiên nhiên
Tóc tai ngày ấy.
Cách đây gần 25 năm, khi mới về công tác tại một Viện khoa học, tóc tôi dày và rậm lắm; như một khu rừng. Một hôm ông bí thư chi bộ, cũng là một GS khả kính gặp tôi và nói: “Này, cậu có muốn vào Đảng không?”. Ban đầu tôi hơi bất ngờ nên hỏi lại: “Bác nói thế nghĩa là thế nào?”. Ông cười và bảo: “À mình thấy cậu có năng lực, hỏi thế để mình còn giới thiệu với chi bộ”. Ngập ngừng một lúc, ông tiếp: “Nhưng điều đầu tiên là cậu phải cắt tóc ngắn đi, để thế không được”. Tôi thấy buồn cười, nhưng không dám, đành nói: “Tóc em rối nhưng đầu em nghĩ rất rành mạch đấy. Em sợ cắt gọn đi, lại chẳng nghĩ được gì sáng sủa”. Nghe thế hình như ông hiểu và từ đó không thấy đặt lại vấn đề nữa.

Bẵng đi một thời gian, lại một ông bí thư chi bộ mới gặp tôi và nêu vấn đề. Ông này còn trẻ, xấp xỉ tuổi tôi nên nói năng có vẻ bỗ bã: “Này vào Đảng đi, ông có năng lực chuyên môn, bây giờ cần tý chính trị nữa để có cơ hội phát triển…Nhưng chỗ bạn bè nói thật nhé, ông nghĩ gì thì tuỳ nhưng ăn nói phải khéo hơn một chút, đừng thẳng thừng quá, nhất là với cấp trên”. Tôi lại thấy buồn cười, nhưng vì ông này ít tuổi nên không ngại gì, bèn bảo: “Lâu nay tôi nghĩ thế nào, nói và làm thế ấy quen mất rồi. Bây giờ theo ông nếu vào Đảng thì phải nghĩ một đường, nói một nẻo và làm lại một cách khác à? Như thế thì tôi không theo ông được rồi”. Không hiểu ông ta có giận không. Nhưng sau đó có người bảo, ông ấy nói thế thôi, kết nạp những người như tôi, ông ấy sợ lắm.


Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang đứng

Ảnh 2: cùng Huỳnh Như Phương (1993)

Lại mấy năm trôi qua, một hôm GS. Viện trưởng gặp tôi. Ông này thì hơn tôi đến mười mấy tuổi, là bí thư đảng ủy chứ không phải bí thư chi bộ. Ông bảo: “Cậu nên vào Đảng đi”. Tôi rơi vào một tình thế khó xử. Ông ấy là đảng viên nhưng đứng đắn và có trình độ. Từ chối thẳng thừng thì như là xúc phạm ông ấy mà nhận lời thì không đúng lòng mình; tôi đành vừa cười, vừa nói: “Anh ạ! ở đâu cũng thế, Đảng lãnh đạo quần chúng đúng không?”.“Tất nhiên rồi”, ông ấy đáp. Tôi bảo:“Thế có ai tốt các anh kết nạp hết vào Đảng thì quần chúng còn lại toàn những người kém cỏi à? Hóa ra Đảng lại lãnh đạo một mớ Lý Thông à? Thôi anh để em làm 1 quần chúng tốt để thỉnh thoảng còn lấy ví dụ ”. Không biết ông ấy nghĩ gì, nhưng thấy nở một nụ cười và không nói câu nào.

“Quá tam ba bận”, chắc họ ngán tôi quá nên sau đó chẳng để ý gì nữa. Về phần mình, tôi cứ nghĩ chẳng lẽ quần chúng lại toàn là Lý Thông? Và nếu đúng thế thì sao các vị lãnh đạo lúc nào cũng nói: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng?
Vừa rồi bạn tôi lại nói: “kẻ nào láng cháng cứ kết nạp đảng cho nó trắng mắt ra” là thế nào nhỉ? Bối rối quá!

27-10-2018
Không có văn bản thay thế tự động nào.
kí họa của Nguyễn Hồng Hưng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét