Một vài kiến thức căn bản nhất về hạch toán
Nhiều bạn đang tự học hạch toán kế toán hay nói cách khác là tự học định khoản kế toán và cũng đã tìm hiểu các tài liệu hướng dẫn hạch toán, hướng dẫn định khoản nhưng ít khi để ý đến định nghĩa của thuật ngữ được dùng trong kế toán này. Bài viết dưới đây thể hiện rõ khái niệm của hạch toán, từ đó giúp người học và làm kế toán có cái nhìn chuẩn xác nhất về hạch toán kế toán.Hạch toán là gì?
Hạch toán là quá trình quan sát, đo lường, tính toán và ghi chép lại quá trình tái sản xuất xã hội nhằm quản lý các hoạt động đó ngày một chặt chẽ hơn.
Nhờ tổ chức hạch toán, các cơ quan quản lí nắm được các thông tin cần thiết để soạn thảo các quyết định quản lí và kiểm tra việc thực hiện.
Những yêu cầu quan trọng đối với hạch toán là đầy đủ, chính xác, kịp thời về nội dung và thống nhất về phương pháp, bảo đảm tiêu chuẩn hoá (quy cách hoá) và so sánh được các số liệu hạch toán.
Do sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, Hạch toán có những thay đổi lớn về kĩ thuật tổ chức thu thập, xử lí số liệu và luôn luôn là một trong những công cụ quản lí quan trọng của nhà nước.
Các khái niệm về hạch toán
Hạch toán kinh tế là một phạm trù kinh tế của nền kinh tế hàng hoá nói chung, đặc biệt dùng trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thực hiện phương thức quản lí hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trên cơ sở kế hoạch hoá kết hợp với sử dụng các quan hệ hàng hoá – tiền tệ và áp dụng phương pháp thương mại.
Những nguyên tắc cơ bản của HTKT là: tự chủ trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và tự chịu trách nhiệm vật chất và tài chính về kết quả kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước bằng kế hoạch và các chính sách, các đòn bẩy kinh tế; tự bù đắp chi phí và có lãi; thực hiện chế độ khuyến khích vật chất, kích thích sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế. HTKT được áp dụng ở đơn vị xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, liên hiệp các xí nghiệp, công ti, tổng công ti. Từ khi đổi mới kinh tế, chuyển sang cơ chế thị trường, HTKT được áp dụng đầy đủ hơn trong các xí nghiệp và đồng nghĩa với hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Hạch toán kinh tế quốc dân gồm những bộ phận: hạch toán thu nhập quốc dân; hạch toán tài chính và lưu chuyển vốn; hạch toán thu chi bằng tiền mặt của dân cư; hạch toán thanh toán quốc tế. Bảng hạch toán “tài khoản quốc gia “cuả Việt Nam là một bộ phận cuả HTKTQD. Nó gồm có: tổng sản phẩm trong nước tính theo giá hiện hành và tính theo giá so sánh; cơ cấu tổng sản phẩm theo ngành, theo khu vực kinh tế và theo thành phần kinh tế; bảng cân đối tổng sản phẩm trong nước (một bên là nguồn tổng sản phẩm và chênh lệch xuất nhập khẩu, một bên là sử dụng gồm sử dụng cho tích luỹ tài sản và sử dụng cho tiêu dùng cuối cùng).
Trước đây, trên thế giới có hai hệ thống HTKTQD: một hệ thống của các nước xã hội chủ nghĩa khi còn tồn tại Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV), trên cơ sở kinh tế kế hoạch hoá tập trung, thường gọi là “hệ thống cân đối sản phẩm vật chất”; một hệ thống HTKTQD của các nước tư bản chủ nghĩa theo kinh tế thị trường, gọi là “hệ thống tài khoản quốc gia”. Hệ thống thứ nhất hiện nay không còn tồn tại sau khi Hội đồng Tương trợ Kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa giải thể.
Các loại hạch toán
Để quan sát phản ánh và giám đốc các quá trình sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn một cách đầy đủ kịp thời chính xác phục vụ nhạy bén việc chỉ đạo và quản lý kinh tế đòi hỏi phải sử dụng các loại hạch toán khác nhau. Mỗi loại hạch toán có đặc điểm và nhiệm vụ riêng.
Hạch toán nghiệp vụ (còn gọi là hạch toán nghiệp vụ kỹ thuật) là sự quan sát, phản ánh và giám đốc trực tiếp từng nghiệp vụ kinh tế kỹ thuật cụ thể, để chỉ đạo thường xuyên và kịp thời các nghiệp vụ đó. Đối tượng của hạch toán nghiệp vụ là các nghiệp vụ kinh tế hoặc kỹ thuật sản xuất như tiến độ thực hiện các hoạt động cung cấp, sản xuất, tiêu thụ, tình hình biến động và sử dụng các yếu tố của quá trình tái sản xuất, các nghiệp vụ cụ thể về kết quả sản xuất kinh doanh v.v..
Đặc điểm của hạch toán nghiệp vụ là không chuyên dùng một loại thước đo nào, mà căn cứ vào tính chất của từng nghiệp vụ và yêu cầu quản lý mà sử dụng một trong ba loại thước đo thích hợp.
Hạch toán nghiệp vụ thường sử dụng các phương tiện thu nhập, truyền tin đơn giản như chứng từ ban đầu, điện thoại, điện báo hoặc truyền miệng. Với đối tượng rất chung và phương pháp rất đơn giản nên hạch toán nghiệp vụ chưa trở thành môn khoa học độc lập.
Hạch toán thống kê (hay còn được gọi là thống kê) là khoa học nghiên cứu mặt lượng trong mối liên hệ mật thiết với mặt chất các hiện tượng kinh tế xã hội số lớn trong điều kiện thời gian và địa điểm cụ thể nhằm rút ra bản chất và tính qui luật trong sự phát triển của các hiện tượng đó.
Hạch toán thống kê nghiên cứu trong mối qua hệ hữu cơ các hiện tượng kinh tế xã hội số lớn sảy ra trong không gian và thời gian cụ thể như tình hình tăng năng suất lao động, giá trị tổng sản lượng, thu nhập quốc dân, tình hình giá cả, tình hình phát triển dân số… Do vậy, thông tin do hạch toán thống kê thu nhận và cung cấp không mang tính chất thường xuyên, liên tục mà chỉ có tính hệ thống. Hạch toán thống kê đã xây dựng một hệ thống phương pháp khoa học riêng như điều tra thống kê, phân tổ thống kê, số tương đối, số tuyệt đối, số bình quân và chỉ số. Với đối tượng và phương pháp nêu trên, hạch toán thống kê có thể sử dụng tất cả các loại thước đo.
Hạch toán kế toán (hay còn được gọi là kế toán) là khoa học thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về tài sản và sự vận động của tài sản trong các đơn vị nhằm kiểm tra toàn bộ tài sản và các hoạt động kinh tế tài chính của đơn vị đó.
Theo điều 4, Luật kế toán Việt Nam “Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin về kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động”.
So với hạch toán nghiệp vụ và hạch toán thống kê thì hạch toán kế toán có những đặc điểm sau:
- Hạch toán kế toán phản ánh và giám đốc một cách liên tục, toàn diện và có hệ thống về tình hình hiện có và sự vận động của tất cả các loại tài sản và nguồn hình thành tài sản trong các tổ chức, các đơn vị. Nhờ đó mà hạch toán kế toán thực hiện được sự giám đốc liên tục cả trước trong và sau quá trình sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn.
- Hạch toán kế toán sử dụng cả ba loại thước đo nhưng thước đo tiền tệ là bắt buộc. Nghĩa là trong kế toán mọi nghiệp vụ kinh tế đều được ghi chép theo giá trị và biểu hiện bằng tiền. Nhờ đó mà hạch toán kế toán cung cấp được các chỉ tiêu tổng hợp phục vụ cho việc giám đốc thực hiện kế hoạch kinh tế tài chính
- Hạch toán kế toán sử dụng một hệ thống các phương pháp nghiên cứu khoa học riêng như chứng từ, đối ứng tài khoản, tính giá, tổng hợp -cân đối. Trong đó phương pháp lập chứng từ kế toán là thủ tục hạch toán đầu tiên và bắt buộc phải có đối với mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Nhờ đó mà số liệu do kế toán phản ánh bảo đảm tính chính xác và có cơ sở pháp lý vững chắc.
Ba loại hạch toán trên tuy có nội dung nhiệm vụ và phương pháp riêng, nhưng có mối quan hệ mật thết với nhau trong việc thực hiện chức năng phản ánh và giám đốc quá trình tái sản xuất xã hội.
Trên đây là bài viết về hạch toán kế toán. Hy vọng bạn đã nắm rõ những kiến thức cơ bản về khái niệm này. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Nguồn: Trên mạng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét